Monday, September 5, 2011

Jason Gibbs - Mơ đời chiến sĩ: những bài hát năm 1947, năm kháng chiến đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam

Nguyễn Yên Sa dịch

Hơn 8 giờ tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hà Nội ngập chìm trong bóng tối. Hành động chống phá do công nhân nhà máy điện Yên Phụ phát động báo hiệu bắt đầu cuộc kháng chiến của thủ đô Hà Nội; chẳng bao lâu sau, hoả lực bùng lên khắp nơi. Tuy họ phải rút khỏi thủ đô hai tháng sau đó, và người Pháp tuyên bố chiến thắng, với quân đội Việt Minh, trận đánh này vẫn là một thành công áp đảo. Người Hà Nội thiết lập hào lũy khắp thành phố nhằm kéo dài thời gian để chuẩn bị cho chính phủ và quân đội còn non trẻ của họ có thời gian rút lui. Hơn nữa, dưới cách nhìn của Việt Minh, cuộc chống cự ở Hà Nội cho phép họ giành thế chủ động và nêu gương kháng chiến cho cả nước (Võ Nguyên Giáp 1995, 37). Quan trọng không kém là điều đó cũng thúc đẩy gần như toàn bộ nhân dân Hà Nội rời bỏ thủ đô, hoặc để đoàn kết với Việt Minh giành độc lập dân tộc, hoặc vì lo lắng về một trận xung đột lớn sắp nổ ra.

Hồ Chí Minh nói “tản cư cũng là kháng chiến” (Võ Nguyên Giáp 1995, 84), và giúp Việt Minh hoàn thành mục đích “chiến tranh toàn dân” (119). Việc tản cư giúp Việt Minh củng cố sức mạnh, vì khi những người sơ tán bị tách khỏi môi trường quen thuộc, họ sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của bộ máy kháng chiến. Khi tình thế trở nên khó khăn hơn và Việt Minh đã củng cố quyền lực, một số trí thức Hà Nội và thương nhân vỡ mộng và quay trở lại thành phố. Tuy nhiên, trong suốt cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong những năm đầu, tinh thần đoàn kết cao độ hoàn toàn chiếm ưu thế ở khắp vùng nông thôn. Sự có mặt của người Hà Nội tản cư khắp các miền quê phía Bắc đã làm thay đổi đời sống văn hóa miền Bắc, và thay đổi chính bản thân những người Hà Nội đó. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đề cập đến những kinh nghiệm và những khát vọng của người Hà Nội tản cư qua những bản nhạc được sáng tác vào năm 1947, vào những tháng mở đầu của cuộc kháng chiến.

Sự mất điện đột ngột và hoả lực nổ ra vào đêm 19 tháng 12 khiến những người dân thường ngạc nhiên, dù họ đã dự đoán trước điều này. Trước đó, vào cùng ngày, Phạm Duy đã có cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Văn Cao, người có liên kết mật thiết với cuộc kháng chiến. Văn Cao kín đáo nói với Phạm Duy rằng hôm sau họ sẽ gặp nhau ở Hà Đông, phía Nam Hà Nội. Phạm Duy là một trong số hàng nghìn người đã đi bộ đêm đó, hành trang chỉ gồm một gói quần áo hoặc một chiếc ba lô. Ngày hôm sau, khi đến điểm hẹn, Phạm Duy được dẫn đến nơi trụ sở tạm thời của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặt trong một hang ở chùa Trầm. Từ nơi này, Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày hôm đó, bài Gươm Tráng Sĩ sáng tác năm 1944 của Phạm Duy đã lên sóng phát thanh. (Phạm Duy 1989, 84-6).

Ví dụ 1- Gươm Tráng Sĩ, nhạc và lời Phạm Duy (1944)

Ta là gươm tráng sĩ thời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở
Xưa nhớ tới người trai chí lớn
Xếp bút nghiên từ chốn thư phòng.

Một số thanh niên Hà Nội đã gác bút nghiên (dù với nghĩa bóng hay nghĩa đen) để cầm vũ khí như những gì cha ông họ đã làm. Lời kêu gọi vũ trang đầy kịch tính như vậy có sức hấp dẫn lớn đối với thanh niên Hà Nội; họ hình dung bản thân mình như những anh hùng thuở xưa. Bài hát kết thúc bằng câu "Ta mong chờ ai người nâng kiếm lên". Vào giờ này, Việt Minh và các thanh niên thuộc Trung đoàn Thủ đô chính là những “người” đó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp miêu tả việc thanh niên Hà Nội, những người một thời dường như bàng quan với thời cuộc, đã hăng hái tham gia xây dựng chiến lũy như thế nào, và làm thế nào mà những cậu bé mặt còn măng sữa này đã cầm chân quân Pháp trong suốt hai tháng trời. (41, 66).

Phía Việt Nam lực lượng tự vệ thủ đô Hà Nội trực tiếp chiến đấu. Ðây là một đội quân thiếu cả về trang bị vũ khí lẫn tập luyện, phần lớn trong số họ chưa hề đánh trận, nhiều người thậm chí còn chưa từng bắn đạn thật trước đó (Võ Nguyên Giáp 1995, 36). Họ dựa vào việc chuẩn bị kỹ càng công sự và đường hầm, những hiểu biết về thành phố thân thiết của họ, và với một tinh thần yêu nước bất khuất. Một số người tình nguyện ôm bom ba càng quyết tử cùng xe tăng Pháp, những người khác chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để những đồng chí của họ rút khỏi thành phố tiếp tục kháng chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét về vai trò của bài hát đối với tinh thần chiến đấu này như thế nào. Ông mô tả hình ảnh những người lính Việt Nam bảo vệ vị trí tới viên đạn cuối cùng trong tiếng hát và tiếng đàn măng-đô-lin: “Vào những giờ phút ác liệt của chiến tranh, tiếng hát có tác dụng kỳ lạ.” (46-7).

Trận đánh ở Hà Nội được tái hiện lại lần đầu tiên là trong ca khúc "Tiếng chuông nhà thờ" của Nguyễn Xuân Khoát. Bài hát nói đến tháp chuông nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội bị người Pháp chiếm và sử dụng như một công sự. Bài hát kể lại cảnh người Pháp bắn vào những đường phố lận cận và giết thường dân (Tú Ngọc 1978, 11). (1)

Ví dụ 2 - Nhà thờ Cửa Bắc

Ví dụ 3 - Tiếng chuông nhà thờ. Nhạc: Nguyễn Xuân Khoát; Lời: Nguyễn Xuân Khoát và Như Mai (1946)

Thánh đường tôn nghiêm
Giặc sàm tới chiếm
Gác cao đền thánh
Đặt súng thay chuông
Hung ác bạo cuồng
Tàn sát dân lành
Giê-su Ma-ri-a lạy chúa tôi
Đây xưa nay ngày nhặt ngày những hồi chuông
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng buông
Tiếng buông hồi chuông nhắc nhớ cầu chúa ban phước ơn lành cho nhân loại
Đây xưa nay ngày nhặt ngày
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng tiếng buông
Tiếng buông hồi chuông tươi cười nối duyên đôi lứa uyên ương lập gia đình.

Bài hát mở đầu bằng một đoạn hát nói kịch tính kể lại sự báng bổ của quân đội Pháp, tiếp theo là một đoạn hát cầu nguyện ngắn. Một đoạn kiểu thánh ca kể lại niềm an ủi tinh thần và xã hội của nhà thờ và tiếng chuông. Tác giả bài hát, vốn là một tín đồ công giáo, tố cáo việc quân đội Pháp sử dụng không gian linh thiêng của nhà thờ để tiến hành chiến tranh, đặc biệt là việc họ dùng nơi này để giết những người ngoan đạo sống gần đó. Chiếc chuông nhà thờ tượng trưng cho niềm an ủi hằng ngày mà nhà thờ và tôn giáo mang tới cho những con chiên ngoan đạo qua những tiếng chuông rung trong suốt cuộc đời: sinh ra, kết hôn và cả khi chết đi. Việc phá huỷ chuông trong trận đánh tượng trưng cho "sự xấu xa” đã dập tắt niềm an ủi đó. Kết thúc bài hát, kháng chiến thắng lợi, chiếc chuông được thay thế và lại ngân vang. Trong việc miêu tả những sự kiện này, nhạc sĩ chủ ý đối lập giữa hình ảnh độc ác của quân Pháp với những con người hiền lành, vạch rõ bản chất của kẻ thù. Dẫu vậy, tôi nghĩ quân tự vệ Việt Minh hẳn cũng sẽ lợi dụng lợi thế của tháp chuông nhà thờ nếu họ chiếm được nó trước.

Một trong số người lính tự vệ Hà Nội là Lương Ngọc Trác, năm đó 18 tuổi; trước đó ông chơi đàn vi-ô-lông trong dàn nhạc nhảy. Trong cuộc đụng độ tháng Giêng năm 1947, ông bị thương ở chân và buộc phải nằm hồi phục tại bệnh viện dã chiến đặt ở phố Hàng Buồm; tại đây ông đã đọc “Mơ đời chiến sĩ”, một bài thơ yêu nước đăng trên báo trước khi cuộc chiến nổ ra. Ông cảm thấy đầy cảm hứng để phổ nhạc cho bài thơ này ngay tại giường bệnh của ông. (2) Ông bị cuốn theo lòng nhiệt thành tập thể của thời cuộc, và điều đó đã thức tỉnh một ý nghĩa mới trong cuộc sống của ông. Sau này ông kể lại, bài thơ đã giúp ông tìm ra cách diễn tả những cám giác mà trước đó ông không biết làm thế nào để diễn tả - về vẻ đẹp của đời chiến sĩ (Lương Ngọc 1949, 73).

Ví dụ 4 - Mơ đời chiến sĩ - Lương Ngọc Trác, thơ: Mặc Tần (tháng 2 năm 1947)

Mây núi rừng thiêng chính khí ta
Tiếng binh rộn rã trên đường xa
Đây hồn chiến sĩ oai hùng ngự
Một thuở đao binh giục lánh nhà
Mùa xuân đi, không tiếc nữa đời hương
Ai mải miết một trời son với phấn
Ta hùng anh lừng hát tiến lên đường.

Giai điệu trữ tình, giống như hồi kèn đã phản ánh tinh thần võ thuật của những chiến binh thần thoại thuở xa xưa, và miêu tả chủ nghĩa lãng mạn mơ màng về chốn núi rừng xa xăm. Tuy có thể bị thực tế chiến trận trên đường phố làm giảm chất huyền thoại, tình cảm của bài hát vẫn rất hấp dẫn đối với lớp thanh thiếu niên thành phố này. Bài hát kết thúc với câu “Kề vai cùng bước trên đường mới, Thề quyết phơi thây phá ngục tù”.

“Mơ đời chiến sĩ” có những cảm xúc lãng mạn, không thực tế, nhưng chẳng bao lâu sau, hiện thực bắt đầu xuất hiện trong những ca khúc của nhạc sĩ trẻ này. Chỉ ít lâu sau khi Việt Minh rút khỏi Hà Nội vào ngày 19 tháng 2 năm 1947, Lương Ngọc Trác đã phổ nhạc cho bài thơ “Thủ đô huyết thệ” thành bài hát "Lời thề quyết tử”. (3)

Ví dụ 5 - Lời thề quyết tử (Thủ đô huyết thệ) - nhạc Lương Ngọc Trác, thơ Linh Nam (tháng 3, 1947)

Đoàn Thủ đô thề xung phong quyết tử
Nguyện xá mình mong Tổ quốc quyết sinh
Nên bao lần vì đất nước điêu linh
Nghe sôi dậy trong tim giòng máu Việt
Máu anh dũng của giống nòi Nam Việt
Vẫn lưu truyền muôn vạn kiếp về sau
Máu sôi lên nhìn sông núi quặn đau
Chí chiến đấu ở ngàn xưa sống lại
Đoàn Thủ đô nguyền một lòng hăng hái
Quyết tâm thề một chết với quân thù
Giữa rừng gươm bom đạn reo vi vu
Đây tiếng thét xung phong quân Nam tiến.

Lời bài hát này do một sĩ quan chính trị trong quân tự vệ Hà Nội viết, diễn tả cụ thể tinh thần chiến đấu gần như cuồng tín của những người chàng trai trẻ mà Lương Ngọc Trác sát cánh. (4) Như trong ví dụ 1, bài hát đã liên hệ hành động can đảm của những chàng trai trẻ này với nhiều thế hệ cha ông họ và kêu gọi họ thề nguyện cùng nhau hy sinh. Nhạc sĩ nói rằng ông viết bài hát này để lưu giữ kí ức về trận đánh, để, theo ông, “giữ vững truyền thống Trung đoàn Thủ đô” (Lương Ngọc 1949, 73)


Cảnh trận đánh ở Hà Nội

Lời kêu gọi đi sơ tán và tham gia kháng chiến cũng trở nên cụ thể hơn những câu truyện hiệp sĩ gác bút cầm gươm (chúng ta đã thấy qua Ví dụ 1). Phạm Duy viết về sự sơ tán về miền quê trong bài hát của ông "Về đồng hoang".

Ví dụ 6 - Về đồng hoang (Về đồng quê) - Phạm Duy (Phú Thọ, 1947)

Từ phố phường rời ra thôn quê
Anh em ta quyết chí về đồng hoang
Đem máu căm hờn về đồi nương
Dưới thôn ta xây hầm, lập bao chiến khu vững bền
Để mọc lên ngàn muôn cánh lúa
Vượt đồi cao, đồng xa, vượt núi, núi non
Nơi cô thôn, ta xây cánh đồng kháng chiến
Từ đồi khoai, bụi sắn, nhạc lên oai hùng
Reo ca vang, bàn tay thanh niên.

Trong bài hát này, thanh niên Hà Nội và cả những thành phố khác trên đất nước Việt Nam được kêu gọi đến vùng rừng núi hoang dã ở miền Bắc, vừa kháng chiến vừa khai phá ruộng đồng để phục vụ cuộc kháng chiến. Lời bài hát thể hiện những khó khăn gian khổ của cuộc chiến - vượt núi, bữa ăn hàng ngày chỉ là sắn, khoai -, và lòng nhiệt tình đón nhận những gian khổ ấy. Bài hát cũng hô hào mọi người hướng lòng căm hờn vào việc chăm lo cày cấy để có một vụ mùa bội thu.

Hàng nghìn người dân thường Hà Nôi đi sơn tán cảm thấy phấn khởi trước những sự kiện đang diễn ra. Phạm Duy tiếp tục đi về phía tây bắc của Hà Đông. Ông miêu tả thôn xóm của người thủ đô tản cư mọc lên như nấm ở khắp các miền quê phía Bắc. Ông đến Phú Thọ, nơi vừa trở thành một thành phố nhộn nhịp với những quán ăn, quán cà phê, nhà hát và những buổi biểu diễn nghệ thuật. Ở đó, ông tham gia Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng, một đoàn ca nhạc và biểu diễn sân khấu, nơi ông đã sáng tác bài “Đoàn quân văn hóa”. Nhiều người Hà Nội tản cư tham gia vào những đoàn như vậy để tuyên truyền cho kháng chiến. Ca khúc của Phạm Duy thể hiện nhiệt tình của họ trong vai trò mới này.

Ví dụ 7 - Đoàn quân văn hoá (Đàn nhịp trầm hùng) - Phạm Duy

Hướng về ngàn phương dạt dào ánh sáng
Ôi thiên nhiên huy hoàng cho người tràn ngập tâm hồn
Yêu nhân gian trong ngặt nghèo vươn sức sống
Ta đi trên đường mênh mông.
Tơ tình vừa rung theo cơn bão sống
Nước mắt hoen như ngày nhân loại ra đời vui Xuân
Đàn nhịp trầm hùng
Thơ ngâm dũng mãnh
Ta biết ta kiêu hùng cùng thời gian.

Bài hát miêu tả một cách sinh động hoàn cảnh ban đầu của họ. Lại một mùa xuân mới; vẻ đẹp tự nhiên của miền quê cộng hưởng với những cảm xúc về mục đích mới trong mỗi con người, một lòng đoàn kết được xây dựng từ tình yêu. Âm nhạc và những lời thơ có sức mạnh lôi cuốn và nâng cao những người đồng chí yếu đuối hơn của họ lên cùng ngọn thủy triều.

Bài "Đoàn lữ nhạc" của Đỗ Nhuận cũng cho ta thấy một tình cảm tương tự.

Ví dụ 8 – Ðoàn lữ nhạc - Ðỗ Nhuận (lời hát của Ban hợp ca Thăng Long)

Ra đi khắp nơi xa vời
Gió bốn phương, kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi
Người đi khúc nhạc chơi vơi
Gió khắp nơi, kìa gió khắp trời vang vang khúc nhạc say đời
A ha! A ha! Hỡi dấu vết xưa tàn phá
Đâu? Đâu? Ai biết lũ chim về đâu
A ha! A ha! Lướt cánh cuốn theo chiều gió
Ôi! Ôi! Kìa có bóng chim hải hồ bay xa.

Ở đây âm nhạc là cái gì đó khó diễn tả, tựa như một cơn gió thuận chiều thổi tới cuốn mọi người vào cơn say sưa tập thể. Những trận gió không chỉ cuốn đi quá khứ, mà còn hướng đoàn lữ nhạc tới mọi nẻo tương lai, dù chưa rõ ràng, nhưng đầy ý nghĩa và niềm hứng khởi. Nhạc sĩ hồi tưởng lại rằng, mặc dù ông mang quân phục của người lính, nhưng ông vẫn thấy thoải mái và không hề bị ràng buộc trong cuộc sống mới này. (Đỗ Nhuận 2003, 207-208). Tự do này xuất phát từ sự đồng điệu sâu sắc với sứ mệnh mà ông chia sẻ với mọi người xung quanh.

Mặc dù cuộc kháng chiến được khích lệ bởi lòng nhiệt tình chung, nhưng mối quan tâm bao trùm vẫn là các trận đánh. Tháng Sáu năm đó, Lương Ngọc Trác phổ thơ của Chính Hữu, một đồng chí của ông trong Trung đoàn Thủ Đô, người sau này trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Bài "Ngày về" mô tả thành phố yêu mến của họ trở nên hoang tàn trong trận đánh gần đây.

Ví dụ 9 - Ngày về - Lương Ngọc Trác, thơ: Chính Hữu (tháng 6, 1947)

Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy tiến trở về Hà Nội
Bao giờ sẽ về?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường đổ điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng.

Bài hát này mô tả hiện thực của chiến tranh và nhận thức được những gì thực sự xảy ra. Bài hát kêu gọi các chàng trai trở lại chiếm lại thành phố của họ, sử dụng ký ức về thành phố bị đốt cháy làm động lực thúc đẩy họ đấu tranh anh dũng hơn. Lời thơ và bài hát cũng làm tăng thêm huyền thoại về Trung đoàn Thủ đô. Bài hát thể hiện lòng cảm kích về những gì các chàng trai này đã làm, về những điều mà họ và cả Hà Nội đã bỏ lại sau lưng và hy sinh. (5)

Những đổi dời do những trận đánh ở Hà nội gây ra tiếp tục lan rộng tới nhiều tỉnh thành khắp cả nước Việt Nam. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp hành quân qua Phú Thọ, ông bất ngờ trước sự thay đổi của thành phố do những người Hà Nội tản cư tạo nên. Tuy nhiên ông nhận ra, không khí hạnh phúc, sôi động này cho thấy nhiều người vẫn chưa hiểu rằng cuộc đấu tranh sẽ còn kéo dài với rất nhiều thiếu thốn. Chính phủ sắp sẽ ra lệnh tiêu huỷ thành phố để người Pháp không được gì khi nhảy dù xâm chiếm vào tháng Năm (105; 127). (6)

Trạng thái ngây ngất ban đầu của cuộc kháng chiến, với thời gian, sẽ cần có sự nuôi dưỡng và định hướng lãnh đạo của Việt Minh. Nó yêu cầu chấp nhận kỷ luật tập thể và sự biến đổi khát vọng và nhiệt tình cá nhân thành lòng trung thành kiên định vào mục tiêu chung của đất nước. Trận chiến dữ dội và tàn phá ở Hà Nội, cùng với việc tản cư, đã chuẩn bị cho cuộc kháng chiến và nhà nước sắp tới. Jacques Ellul viết một xã hội quần chúng là cơ sở cần thiết cho tất cả những tuyên truyền có hiệu quả. Ông hình dung xã hội đại chúng này xuất hiện từ việc di dời của người dân thôn quê và các thị trấn nhỏ ra các thành phố lớn, nơi họ không còn phải chịu sự ràng buộc của truyền thống và các mối quan hệ truyền thống (1965, 92-95). Tuy vậy, một phong trào di dời theo hướng ngược lại cũng sẽ sản sinh những điều kiện màu mỡ và lý tưởng cho việc hình thành một lớp đại chúng mới sẵn sàng tiếp nhận thông điệp của Việt Minh. Những người Hà nội ra đi bỏ lại đằng sau nhà cửa, đồ đạc, kế sinh nhai, thói quen, láng giềng; họ mất phương hướng và điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập của họ vào tầng lớp giai cấp mới phân tán khắp vùng nông thôn Việt Nam.

Sự hợp nhất này xảy ra được nhờ nhận thức của Việt Minh là những người sơ tán này vừa ở trong tình trạng phấn khích và mong đợi, nhưng cũng đang trong cơn sốc. Biết rằng họ đang mệt mỏi và bị sốc, Việt Minh nắm lấy cơ hội tuyên truyền bằng việc sử dụng những bài hát, những khẩu hiệu và những lời hiệu triệu ngắn, (7) tập trung nỗ lực tổ chức để đảm bảo những người thành phố được nông thôn chào đón và giúp đỡ. Trong cuộc "chiến tranh toàn dân", họ nỗ lực vì nhu cầu tồn tại của những người sơ tán bằng việc cổ vũ người dân nông thôn đối xử với những người sơ tán như trong gia đình. (8)

Sử gia âm nhạc Tú Ngọc đã tổng kết âm nhạc thời kỳ này là "tiếng kèn giục dã chiến đấu”. Ông cũng mô tả chức năng kép của âm nhạc là tuyên bố chiến thắng của quân đội và dạy những bài học sống động về lòng yêu nước và căm thù giặc (1979, 7). Vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, chưa có bất kỳ chiến thắng nào để công bố. Nhưng chúng ta thấy rằng gần như tất cả các bài hát đều thể hiện lòng yêu nước rõ nét, và quy mọi vấn đề của người Việt cho quân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, ngoài chức năng cổ vũ, tôi đã chứng minh rằng các bài hát này cũng ghi lại những cảm xúc và trải nghiệm tập thể thời này. Mặc dù đầy lãng mạn và cường điệu, nhiều bài hát đã kể lại hoàn cảnh người Hà Nội trải qua khi đó.

Chủ nghĩa lãng mạn sớm sẽ bị hoài nghi. Những bài hát như của Lương Ngọc Trác buổi đầu không thoát khỏi cái nhãn "tiểu tư sản" của Tú Ngọc (8). Vài năm sau, Lương Ngọc Trác thừa nhận nhược điểm trong các bài hát này; ông than rằng “Mơ đời chiến sĩ” “không có một mục đích rõ rệt” và nó “phản ảnh được một phần nào tâm lý cũng lông bong của những anh lính mới thủ đô khi đó.” (Lương Ngọc 1949, 73). Sau khi tiếp thu đường lối của Việt Minh, ông cổ vũ việc sáng tác những bài hát có tính chính trị (76-77). Chính Hữu, tác giả bài thơ “Ngày Về”," quy cho bài thơ của mình là tiểu tư sản và "sử dụng những ảnh và ngôn ngữ cổ" (1995, 272). Tương tự, Đỗ Nhuận coi bài "Đoàn lữ nhạc" của ông như hành động vô ý của một thời. Mặc dù không từ bỏ tác phẩm của mình, ông ta mô tả nó như một “nét chấm phá ngang”, như một ly rượu nhỏ nâng cao tâm hồn con người (Đỗ Nhuận 2003, 208).

Một số bài hát cho thấy tác giả của chúng bàng hoàng trước việc mình là một phần của sự nghiệp trọng đại, và trước cảnh đẹp thiên nhiên của những vùng đất nước mà họ chưa từng thấy trước đó. Morse Peckham đã viết về mối quan hệ mật thiết giữa việc thờ phượng thiên nhiên và chủ nghĩa lãng mạn. Thiên nhiên tiêu biểu cho “sự hài hòa của vũ trụ,” nhưng cũng là “dịp cho một trải nghiệm không thể diễn tả nổi” (1970, 260). (9) Ellul cũng cho thấy tầm quan trọng của “không khí bí ẩn” trong việc tạo điều kiện cho tuyên truyền có hiệu quả. Cảm giác bí mật và lãng mạn khiến người ta sẵn lòng hy sinh lạ thường (143). Cảm giác mình là một phần trong những sự kiện đặc biệt này khiến người Việt cảm thấy mình quan trọng, thấy mình “nắm chìa khóa các sự kiện và các hoạt động nguy hiểm và đầy phấn khích” (149-150). Một nhà văn Hà Nội nhớ lại khi mình còn là một cậu bé trong kháng chiến và đã nghe bài “Ngày về” mà Lương Ngọc Trác phổ nhạc. Ông đã rất xúc động khi nghe anh trai kể về lòng quả cảm và sự hy sinh của lực lượng tự vệ thuộc Trung đoàn Thủ đô, những người ở lại chiến đấu suốt hai tháng và đến tận sau Tết mới rút đi. (10)

Một thời gian ngắn sau đó, chủ nghĩa lãng mạn bị chính sách chính trị của Việt Minh kiềm chế. Những nhân tố không tả được như âm nhạc, thiên nhiên, lòng yêu nước và hành động anh hùng của quá khứ nhường chỗ cho sự mô tả lòng tin vững chắc chắn được giải thích qua lý tưởng của Đảng Cộng sản và qua cách hiểu lịch sử theo đường lối Marx-Lenin. Cùng với thời gian, nhiều người nhiệt tình theo kháng chiến sẽ không có khả năng giũ bỏ bản chất thành phố của họ và quay trở lại Hà nội mà không có chiến thắng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, chủ nghĩa lãng mạn là một yếu tố rất quan trọng cho tuyên truyền trong việc thu hút người thành phố đi theo kháng chiến để đảm bảo cho sự sống còn ban đầu của cuộc kháng chiến. Những người sơ tán từ Hà nội, qua những nhân tố không tả được, chẳng hạn như sự tiếp xúc huyền bí với thiên nhiên và sự khơi gợi hình ảnh anh hùng trong quá khứ, đã đoàn kết với nông thôn và nông dân. Trung đoàn Thủ đô cũng chứng minh rằng một người có thể là tiểu tư sản mà vẫn đấu tranh anh hùng và cống hiến hoàn toàn cho cuộc kháng chiến. Người Hà nội đã nếm mùi chiến trận và đã vượt qua thử thách.

Chú thích

1. Ông viết bài hát khi tới Phú Thọ, một tỉnh phía tây bắc Hà Nội (Nguyễn Xuân Khoát 1987, 168). Một người khác lại kể là nhạc sĩ tản cư khỏi thành phố và tới một nhà thờ ở nông thôn, nơi quân Pháp xả súng bắn vào dân làng (Phan Thanh Nam 1993, 5). Tôi không có điều kiện để xác định mức độ chính xác của cả hai câu chuyện này.

2. Một số chi tiết về Lương Ngọc Trác, bao gồm cả bài viết này, là từ một cuộc trò chuyện với tác giả ở Hà Nội và ngày 5 tháng 10 năm 2005, và một cuộc phỏng vấn do N.T.Q thực hiện vào ngày 8 tháng 3 năm 2007, cũng như chương trình Giai Ðiệu Quê Hương phát ngày 15 tháng 8 năm 2003.

3. Phạm Văn Trừng 2004 cung cấp toàn bộ bài thơ này cũng như quá trình hình thành bản nhạc.

4. Linh Nam là bút danh của Trịnh Ðình Báu. Nhà thơ tìm được nguồn cảm hứng từ một bức thư Hồ Chí Minh gửi cho các chiến sĩ vào ngày 27 tháng 1 năm 1947, khuyến khích họ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” (Phạm Văn Trừng 2004, 90). Bức thư này được in lại năm 2004.

5. Các bài hát khác viết vào năm 1947 về niềm hy vọng trở về Hà Nội trong chiến thắng bao gồm “Sẽ về Thủ đô” của Huy Du và “Người Hà Nội” của Nguyễn Ðình Thi. Cả hai bài hát này kết hợp nỗi nhớ nhung về nơi cũ thân quen với lời hứa sẽ trở về.

6. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhận thấy vùng biên giới Lào Cai giáp Trung Quốc có “[t]à áo màu của cô gái tản cư [và] những anh thanh niên đứng mơ mộng bên bờ Nậm Ti ngắm cái thị trấn Hồ Kiều xa lạ bên kia sông” (106). Hẳn ở đây, ông định nói đến nhân vật trong bài “Bên cầu biên giới” của Phạm Duy, người lẽ ra phải viết về cuộc chiến chính nghĩa, thì lại khao khát giang hồ (“Mộng đời phiêu lãng giang hồ”) và ám ảnh về một mối tình đã mất. Việc những tình tự kiểu này vẫn ngân vang trên nhiều sân khấu kháng chiến sau này đã trở thành mối quan ngại của các lãnh đạo văn hóa. Việc Phạm Duy không chịu từ bỏ bài hát này, và những biểu hiện tự thân đi kèm, cuối cùng đã dẫn đến việc nhạc sĩ này về thành (Phạm Duy 1989, 296-299).

7. Xem chuyện về Thanh Tịnh (1995, 131-2).

8. Hồi ký của một người Hà Nội tản cư kể lại việc người dân nông thôn hưởng ứng lời kêu gọi này và coi việc đón tiếp người dân thành phố với tất cả lòng mến khách là một vinh hạnh (vợ Nguyễn Tuân đã kể lại chuyện này trong Nguyễn Tuân, 1995, 47).

9. Peckham cũng viết là âm nhạc và nghệ thuật cũng là những nguồn quan trọng của những cảm giác không diễn tả nên lời trong chủ nghĩa lãng mạn (258-260). Sức mạnh phi thường của âm nhạc đã được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, về những chàng trai cất cao tiếng hát và chiến đấu đến cùng. Âm nhạc và thiên nhiên hoà quyện với nhau trong “Mơ đời chiến sĩ”, “Ðoàn quân văn hoá” và “Ðoàn lữ nhạc”.

10. Văn Ngọc, “Cái chất lãng mạn tuyệt vời,” Diễn Đàn Forum (đọc ngày 16 tháng 11, năm 2006).
http://213.251.176.152:8080/diendan/sang-tac/cai-chat-lang-man-tuyet-voi

Thư mục

Chính Hữu, “Sự hình thành lực lượng văn học trong quân đội và những bài thơ đầu tiên của tôi,” Bích Thu ghi. Trong Cách mạng - kháng chiến và đời sống văn học. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1995. 268-274.

Đỗ Nhuận, Âm thanh cuộc đời. Hà Nội: Âm nhạc, 2003.

Ellul, Jacques, Propaganda: The Formation of Men's Attitudes, trans. by Konrad Kellen and Jean Lerner. New York: Knopf, 1965.

Hồ Chí Minh, “Thư Bác Hồ gửi các chiến sĩ Trung Đoàn Thủ Đô,” trong Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Hà Nội: Công an Nhân dân, 2004. Trang 17-18.

Lương Ngọc, “Câu chuyện một người lính soạn nhạc,” Văn nghệ 11-12 (tháng 4, 5), 1949. Trang 72-80.

Lưu Hữu Phước, “Nhạc Việt 1938-1948,” Văn Nghệ (tháng 4), 1948. Trang 52-55.

Nguyễn Tuân, “Trò chuyện,” Ngọc Trai ghi. Trong Cách mạng - kháng chiến… Trang 39-63.

Nguyễn Xuân Khoát. Trên con đường âm nhạc. Hà Nội: Âm nhạc và Đĩa hát, 1987.

Peckham, Morse, Victorian Revolutionaries: Speculations on Some Heroes of a Culture Crisis. New York: Braziller, 1970.

Phạm Duy, Hồi ký: thời cách mạng kháng chiến. Midway City, CA: Pham Duy Cuong Productions, 1989.

Phạm Văn Trừng, “Bài thơ ‘Thủ đô huyết thệ’ ra đời như thế nào,” trong Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Hà Nội: Công an Nhân dân, 2004. Trang 90-92.

Phan Thanh Nam, "Trọn đời vì sự nghiệp âm nhạc dân tộc," Âm nhạc 4, 1993. Trang 3-5; 28-29.

Thanh Tịnh, “Độc tấu và hành trình theo kháng chiến,” Lưu Khánh Thơ ghi. Trong Cách mạng - kháng chiến và đời sống văn học. Trang 127-143.

Tú Ngọc, "Trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát," Âm nhạc 4 (tháng 9), 1978. Trang 8-12;

Tú Ngọc, "Nhìn lại âm nhạc giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954)," Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật 27, 1979. Trang 7-12.

Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Hữu Mai ghi. Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1995.

Nguồn: Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên VieTimes dưới một tên khác (Vẻ đẹp Cách mạng Việt Nam trong trái tim một người Mỹ), 21.9.2007. Bản đăng trên Hoa Sơn luận kiếm sử dụng đúng tên gọi ban đầu của tiểu luận này (theo bản gốc tiếng Anh do tác giả cung cấp).

No comments:

Post a Comment