Thursday, September 1, 2011

Katerina Clark - Vai trò đặc biệt của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trong văn hoá Xô-viết (phần 3 & phần cuối)

Hoài Phi dịch

Phụ lục A – Cốt truyện chủ đạo như được minh hoạ trong tiểu thuyết về lao động sản xuất và các thể loại tiểu thuyết cơ bản khác dưới thời Stalin

Có một số kiểu tiểu thuyết Xô-viết khác nhau. Nếu phân chia theo chủ đề, ít nhất ta có tiểu thuyết về lao động sản xuất và năm thể loại cơ bản khác: tiểu thuyết lịch sử; tiểu thuyết về một trí thức hoặc một nhà sáng chế quan trọng; tiểu thuyết về chiến tranh hoặc cách mạng; tiểu thuyết về kẻ xấu hoặc gián điệp; và tiểu thuyết về phương Tây. Sự khác biệt giữa các loại tiểu thuyết này không lớn lắm, vì tất cả tối thiểu đều chứa đựng mẫu hình về một “con đường dẫn tới ý thức”, và thường thì cũng mang một “nhiệm vụ”. Chẳng hạn, tiểu thuyết lịch sử thường là loại tiểu thuyết về vai trò lãnh đạo (như trong Pi-e Đệ Nhất của A. Tolstoy) hoặc đơn giản là về quá trình trưởng thành chính trị (như trong Cánh buồm cô đơn loá trắng [Beleet parus odinokij] của V. Kataev). Tiểu thuyết về một trí thức hay một nhà sáng chế quan trọng thường cũng có cốt truyện đại cương tương tự với tiểu thuyết về lao động sản xuất (ở thể loại này, “nhiệm vụ” của nhân vật chính là viết hoặc sáng chế một cái gì đó, hoặc tìm cách để một ý tưởng mới nào đó được chấp thuận); nhưng loại tiểu thuyết này tập trung nhiều vào cuộc đấu tranh của nhân vật chính chống lại kẻ thù của “chân lý”, hơn là vào cuộc đụng độ của anh ta với những vấn đề thực tiễn, hoặc với thiên tai, để hoàn thành nhiệm vụ.

Ba thể loại còn lại, tiểu thuyết về chiến tranh hay cách mạng, tiểu thuyết về kẻ xấu hoặc gián điệp, và tiểu thuyết về phương Tây – ít bị ước lệ hoá hơn. Thay vì bị đặt trong một thế giới vi mô đơn nhất, những tiểu thuyết này nhiều khi có tính chất pi-ca-rét (picaresque) [1] . Nói chung, tiểu thuyết chiến tranh hoặc cách mạng thường kết hợp một câu chuyện kể về sự phát triển đạo đức và chính trị với một câu chuyện về việc hoàn thành nhiệm vụ. Cả hai loại tiểu thuyết về kẻ xấu và gián điệp và loại tiểu thuyết về phương Tây đều chứa đựng tỷ lệ tài liệu tiêu cực cao hơn trong một tiểu thuyết Xô-viết thông thường; tuy vậy, các tiểu thuyết này thường đưa ra một nhân vật tích cực, người học được cách trở nên đủ mạnh mẽ để chiến đấu chống lại kẻ thù, chẳng hạn sự đồi truỵ Tây phương, hay tình yêu anh ta dành cho một ngoại kiều. Vì anh ta phải trở nên cao hơn hẳn (những nhân vật xấu) và “tàn nhẫn” (với kẻ thù), anh ta buộc phải, theo quy ước của tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, trở nên “có ý thức” hơn. Nói cách khác, những tiểu thuyết này thường cũng chứa đựng một “con đường dẫn tới ý thức”.

Tiểu thuyết về lao động sản xuất

Loại tiểu thuyết thông thường nhất thời Stalin, vượt xa các loại khác, là tiểu thuyết về lao động sản xuất (tiểu thuyết về việc kế hoạch được hoàn thành hoặc dự án được xây dựng như thế nào). Ðây cũng là loại tiểu thuyết được nghi lễ hoá cao nhất. Vì cốt truyện của tiểu thuyết về lao động sản xuất bao gồm nhiều giai đoạn công thức hơn là loại mà tôi đã phân tích về cốt truyện chủ đạo trong chương 7 [Ðội cận vệ thanh niên của Fadeev (tiểu thuyết chiến tranh)], ở đây tôi sẽ tập trung vào thể loại này.

Dưới đây tôi sẽ trình bày lại lược đồ chung cho các giai đoạn cốt truyện trong một cuốn tiểu thuyết về lao động sản xuất điển hình – loại tiểu thuyết sử dụng cốt truyện chủ đạo tới mức tối đa. Lược đồ của tôi không phức tạp hay nêu lên những khác biệt tinh tế như lược đồ mà Propp trình bày trong cuốn Morphology [2] , với ba mươi mốt chức năng cốt truyện đặc trưng; thay vì vậy, tôi chỉ cung cấp sáu cách phân loại khái quát, nhằm cho thấy tiểu thuyết về lao động sản xuất đã hợp nhất truyện hoàn thành nhiệm vụ với truyện về sự trưởng thành theo nghi lễ của nhân vật chính như thế nào. Những phân loại khái quát này sau đó sẽ được phân nhỏ hơn, thành những thành phần thông lệ nhất.

Propp khẳng định trong Morphology là bất kỳ chức năng nào trong số 31 chức năng được liệt kê trong bảng đều có thể không được sử dụng trong một câu chuyện nhất định, nhưng trật tự của các chức năng là cố định. Với tiểu thuyết thời Stalin thì không phải như vậy; không chỉ trật tự của chức năng trong một đoạn nào đó của cốt truyện rất linh động (chẳng hạn đoạn Chuyển tiếp hay Ðoạn kết, v.v…), mà một chức năng đặc biệt nào đó cũng có thể xuất hiện trong một đoạn khác với đoạn được liệt kê ở đây (chẳng hạn như “cái chết”, được liệt kê là chức năng b trong đoạn Cao trào, có thể xảy ra trong Ðoạn kết). Do vậy, dù trật tự (của các chức năng) mà tôi trình bày có tính quy ước cao nhất và hợp lý nhất, trật tự ấy không hề là cố định.

Tiểu thuyết về lao động sản xuất ít nhiều bắt đầu với cuốn Xi măng. Nhưng chúng ta cần nhớ là Xi măng không có một cốt truyện kết cấu chặt chẽ bằng các tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chín rộ sau này; vì vậy, một số chức năng lệ thường do nhân vật chính tích cực, hoặc người hướng dẫn tinh thần của anh ta, thực hiện; trong Xi măng, những chức năng đó lại do các nhân vật phụ hơn và không có một bản sắc chính trị và đạo đức rõ rệt, chẳng hạn như Sergey, một đảng viên xuất thân từ giai cấp tư sản, sau này bị khai trừ, thực hiện. Ðể minh hoạ cho sự khác biệt này, những thời điểm tương ứng trong cốt truyện của Xi măng sẽ được biểu thị ở bên dưới trong ngoặc vuông sau khi từng chức năng đã được liệt kê.

Ðoạn mở đầu hay “Chia ly”

Nhân vật chính bước vào thế giới vi mô, một thế giới nhỏ và khá khép kín trong tiểu thuyết. Ðây có thể là một nhà máy, một nông trường tập thể, một trạm máy kéo, một đơn vị trong quân đội, hoặc một thị trấn tỉnh lẻ. Thường thì (như trong Ðội cận vệ thanh niên), việc nhân vật chính đến thế giới vi mô đó thật ra là chuyến trở về một nơi mà anh ta đã từng ở đó, nhưng nơi ấy giờ đây đã thay đổi. [Gleb (nhân vật chính trong Xi măng – ND) được giải ngũ và trở về thị trấn [nơi có] nhà máy của anh.]

Bắt đầu nhiệm vụ
  1. Nhân vật chính thấy là mọi việc đều tồi tệ trong thế giới vi mô đó. Ðiều này thường có nghĩa là một kế hoạch nhà nước nào đó không được thực hiện, hoặc được thực hiện với một “nhịp độ” lỏng lẻo. [Xi măng xảy ra trước thời kỳ các kế hoạch 5 năm, nhưng việc Ðảng chỉ thị tăng cường tái thiết sau cuộc Nội chiến cũng tương đương với Kế hoạch 5 năm trong các tiểu thuyết sau này; Gleb thấy nhà máy bị bỏ hoang, các giá trị tiểu tư sản lan tràn, và các quan chức địa phương thiếu tận tâm với công cuộc tái thiết.]
  2. Nhân vật chính lập kế hoạch chỉnh sửa những cái sai, thường thì – như điều này xảy ra trong tiểu thuyết – gần như trùng lặp với suy nghĩ của nhà nước và “nhân dân” địa phương. [Gleb quyết định tìm cách xây dựng lại nhà máy và giải quyết vấn đề cung cấp nhiên liệu; kế hoạch của anh cũng trùng khớp với khát vọng sâu thẳm nhất của mọi công nhân thực thụ trong thị trấn (Brynza, Savchuk, v.v…).]
  3. Khi nhân vật chính trình bày kế hoạch cho các quan chức địa phương, họ nói rằng kế hoạch của anh là “không tưởng” – rằng không thể thực hiện được kế hoạch đó vì không có khả năng kỹ thuật và cả vì thiếu sức người cũng như nguyên vật liệu. Họ cũng thường nói rằng kế hoạch của nhân vật chính đi ngược lại với lệnh trên. [Trong Xi măng, tất cả những yếu tố này đều có mặt.]
  4. Nhân vật chính động viên “nhân dân” và truyền cảm hứng để họ đi theo kế hoạch của anh, bằng việc nói với họ tại một cuộc meeting quần chúng, nơi anh sử dụng toàn bộ khả năng hùng biện của mình, và/hoặc do trò chuyện với những nhóm nhỏ hơn. Thường thì anh cũng tìm được một nhóm thiểu số các quan chức địa phương (những người không có tham vọng về địa vị) ủng hộ đề nghị của mình [Xi măng cũng theo mẫu này].
Ðoạn chuyển tiếp (Các thử thách, v.v…)
  1. Công việc trong dự án của nhân vật chính bắt đầu.
  2. Công việc bị một loạt khó khăn cản trở; những khó khăn này, cũng giống với những trở ngại trong truyện dân gian, có thể xảy ra dưới nhiều hình thức và nhiều lần. Vì tiểu thuyết thời Stalin chính là sự kết hợp giữa “hiện thực đời thường thực tế nhất và viễn cảnh anh hùng nhất” (theo công thức mà Zhdanov trình bày trong diễn văn tại Ðại hội Nhà văn lần thứ nhất, năm 1934), những trở ngại này thường theo hai trật tự sau:

    1. Prosaic (cái tầm thường, dung tục): Vấn đề về nguyên vật liệu, sức người, hoặc trang thiết bị; tệ tham nhũng hoặc lười biếng quan liêu; sự lãnh đạm hoặc bất mãn của công nhân. [Gleb phải đối mặt với tất cả những vấn đề đó.]
    2. Kịch tính / anh hùng (thần thoại): Thiên tai, địch xâm lược, kẻ thù giai cấp, bọn khủng bố phản cách mạng, đấu tranh với công chức quan liêu thù nghịch. [Gleb phải đối mặt với tất cả những điều này trừ thiên tai. Truyện cũng không cho biết rõ liệu Badin, địch thủ quan liêu của Gleb, là một nhân vật tích cực hay tiêu cực.]
  3. Nhân vật chính có vấn đề trong tình yêu và/hoặc trong vấn đề chế ngự cảm xúc của mình. [Gleb bị vợ là Dasha xa lánh, và anh không thể kiềm chế lòng căm ghét của mình với Badin.]
  4. Nhân vật chính thực hiện một cuộc hành trình (có thể chỉ bằng một cú điện thoại) để tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nhân vật có thẩm quyền cao hơn các nhân vật có mặt trong thế giới vi mô đó; thường thì anh ta đến Mạc-tư-khoa, hoặc “trung tâm” của địa phương đó. [Gleb đến “trung tâm” để tìm sự giúp đỡ và phê chuẩn cho kế hoạch của mình.]
Cao trào (Việc hoàn thành kế hoạch bị đe doạ)
  1. Nhiệm vụ của nhân vật chính tưởng chừng như không thể hoàn thành được, thường là khi một trở ngại “đầy kịch tính / anh hùng tính” nào đó xuất hiện, đe doạ việc hoàn thành kế hoạch. [Trong Xi măng, bọn phản cách mạng tấn công và phá huỷ đường dây được thiết lập để vận chuyển gỗ. Công việc tại nhà máy cũng bị đình trệ khi Gleb vắng mặt vì phải đến trung tâm, và điều này xảy ra một phần là do có sự đồng loã của các địch thủ của anh.]
  2. Tại một thời điểm nào đó, thường là trong quá trình nhân vật chính chạm trán với một loại trở ngại kịch tính / anh hùng tính, một cái chết thực sự hoặc tượng trưng (hoặc suýt chết) xảy ra. Ðiều này thường liên quan đến nhân vật chính. Nếu một cái chết thực sự xảy ra, thì một nhân vật phụ hơn sẽ hành động thay thế cho nhân vật chính. [Trong Xi măng, một công nhân địa phương bỏ mạng trong cuộc tấn công của quân phản cách mạng.]
  3. Nhân vật chính có những phút thực sự nghi ngờ bản thân (“Có thể những kẻ chống đối mình đã đúng, có thể mình đã đẩy mọi việc đi quá xa, có thể mình đã mất sợi dây liên lạc với nhân dân,” hoặc thậm chí “mình phải chịu trách nhiệm cho cái chết của X; lẽ ra mình không nên đẩy mọi việc xa đến như vậy”). [Trong Xi măng, Gleb có những phút khủng hoảng niềm tin như vậy sau khi đường dây vận chuyển gỗ bị phá huỷ và một công nhân bị giết.]
Sự hợp nhất (Khởi xướng)

Nhân vật chính có một cuộc trò chuyện với người hướng dẫn tinh thần của mình tại địa phương, và điều này mang lại cho anh sức mạnh để tiếp tục. [Trong Xi măng, nhân vật mà Gleb trò chuyện cùng tại thời điểm này là Sergey, đảng viên có xuất thân tư sản, người sắp bị khai trừ khỏi Ðảng và do đó không thích hợp cho vai trò người hướng dẫn tinh thần.]

Kết thúc (hay Lễ kỷ niệm cuộc hợp nhất)

Kết thúc khá phức tạp, bởi nó gồm nhiều chức năng ít nhiều xảy ra cùng một lúc, nhưng dĩ nhiên phải được trình bày theo trình tự kể truyện. (Các yếu tố sau được trình bày theo một trật tự không cố định.)
  1. Hoàn thành nhiệm vụ. [Nhà máy được xây lại.]
  2. Một nghi lễ hoặc một lễ kỷ niệm để đánh dấu việc hoàn thành nhiệm vụ. Thường có diễn văn và liên hoan. Sự kiện này có thể cung cấp khung cho toàn bộ kết thúc, vì tất cả mọi chức năng kết thúc khác được đan xen lại trong đoạn lễ kỷ niệm. [Gleb phát biểu tại một buổi lễ công cộng, đánh dấu việc nhà máy được khai trương trở lại.]
  3. Giải quyết cốt truyện tình yêu và các vấn đề tình cảm khác. [Dasha, vợ Gleb, rời bỏ anh, nhưng anh đã học được cách chấp nhận nỗi đau của mình; tuy vậy, anh vẫn không làm chủ lòng căm ghét của mình dành cho Badin.]
  4. Nhân vật chính vượt qua những thôi thúc ích kỷ của mình và đạt được một bản sắc phi thường (extrapersonal – vượt ra ngoài [khả năng của] con người). [Gleb chấp nhận thực tế là đời tư của anh không hạnh phúc bằng cách lấy mục tiêu tập thể làm vui hoàn thành ước nguyện của mình. Tuy nhiên, chức năng này được thể hiện mạnh mẽ hơn khi Sergey coi việc bị khai trừ khỏi Ðảng của mình chỉ là một bi kịch cá nhân, hoàn toàn nhỏ bé trong bối cảnh vĩ đại hơn của Lịch sử tiến lên phía trước.]
  5. Một đám tang được tổ chức cho nạn nhân bỏ mạng trong thời điểm Cao trào (đám tang này có thể diễn ra sớm hơn, nhưng thường bị hoãn lại, để nhấn mạnh kết thúc). Hoặc các nhân vật chính cũng có thể đến thăm mộ của những đồng chí đã ngã xuống và đọc diễn văn. [Trong Xi măng, chức năng này xảy ra ở đoạn Cao trào: những người đồng chí chôn nạn nhân bên sườn núi, và Gleb đọc diễn văn.]
  6. Có sự cải tổ về nhân sự trong thế giới vi mô; một số người có thể bị khai trừ hoặc đuổi việc, một số người có thể được đề bạt hoặc thuyên chuyển đi nơi khác. Thường thì nhân vật chính được đề bạt vào chức vụ mà người hướng dẫn tinh thần của anh ta nắm trước đó. [Trong Xi măng, có sự cải tổ nhân sự, nhưng ý nghĩa của sự việc nhiều quan chức địa phương bị gửi tới các vị trí khác không rõ ràng, và Gleb không có liên quan gì tới việc này.]
  7. Trong diễn văn đánh dấu việc hoàn thành kế hoạch, hoặc dưới một hình thức hiển nhiên nào đó, chẳng hạn một em bé ra đời, chủ đề về tái sinh và về thời kỳ huy hoàng đang đợi các thế hệ tương lai được giới thiệu để đối lập với hy sinh và cái chết. [Trong Xi măng, motif này được giới thiệu phần lớn trong độc thoại của Sergey, nhưng nó cũng có mặt trong các diễn văn mà Badin và Gleb đọc nhân dịp khai trương nhà máy.]
(Xem Phụ lục B sau chú thích Phụ lục A)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas

[1]picaresque: Tính từ gốc tiếng Pháp, có nghĩa nguyên thuỷ là “tinh quái”, “gian xảo”, “bịp bợm”, “xỏ lá”; sau này trở thành thuật ngữ lý luận văn học, chỉ loại tiểu thuyết lấy đề tài về giới lưu manh giang hồ, những người sống ngoài vòng kiểm soát của các chính quyền, song cũng có những phẩm chất tốt đẹp đáng trọng như khảng khái, nghĩa hiệp, mã thượng. Thể loại tiểu thuyết picaresque xuất hiện lần đầu trong văn học Tây Ban Nha cuối thời trung đại, về sau phát triển ra toàn châu Âu và cả ngoài châu Âu. Một thí dụ về tiểu thuyết loại này là danh tác Đông Ki-khô-tê (Don Quixote) của văn hào Miguel de Cervantes. (Chú thích của bản dịch.)
[2]V. Propp, A Morphology of the Folktale, do Lawrence Scott dịch, bản in lần thứ 2 (Austin: University of Texas Press, 1971).
----------------
Phụ lục B – Danh sách tuyển chọn chính thức các tiểu thuyết mẫu, được đề cập trong các báo cáo tại các Ðại hội Nhà văn

Những tiểu thuyết sau xuất hiện trong danh sách tuyển chọn các tiểu thuyết mẫu được trích dẫn, nhân các dịp như được đề cập dưới đây, trong các báo cáo chính thức đọc tại Ðại hội Nhà văn. Các tiểu thuyết mẫu đôi khi được trích dẫn với tên tác giả, đôi khi là tên nhân vật chính, và đôi khi là chính tên tác phẩm. Khi chỉ có tên tác giả được trích dẫn, tôi sẽ để phần tham khảo thư mục trước tên các tiểu thuyết của tác giả đó và sẽ để trong ngoặc vuông những tiểu thuyết tôi nghĩ là diễn giả quan chức đó muốn nói đến (không kể những tiểu thuyết được nhắc đến tại các đại hội khác và do đó sẽ không nằm trong ngoặc vuông). Khi chỉ có nhân vật chính được nhắc đến, tôi sẽ đánh dấu bằng dấu sao. Tôi cũng không liệt kê các tiểu thuyết mẫu của các nhà văn ít danh tiếng, không có tầm ảnh hưởng định hình lớn tới truyền thống Hiện thực Xã hội chủ nghĩa; tôi cũng không liệt kê các tác phẩm mẫu về thơ hay kịch.

Chìa khoá cho tham khảo thư mục

II là báo cáo của A. Surkov đọc tại Ðại hội Nhà văn lần 2 (“Doklad A. A. Surkova ‘O sostojanii i zadačax sovetskoj literatury.’,” Vtoroj vsesojuznyj s’’ezd sovetskix pisatelej 15-26 dekabrja 1954 goda. Stenografičeskij otčet [Moscow: Sovetskij pisatel’, 1956] [1] ).

III là báo cáo của A. Surkov đọc tại Ðại hội Nhà văn lần 3 (“Doklad A. A. Surkova ‘Zadači sovetskoj literatury v kommunističeskom stroitel’stve.’,” Tretij s’’ezd pisatelej SSSR 18-23 maja 1959 goda. Stenografičeskij otčet [Moscow: Sovetskij pisatel’, 1959] [2] ).

IV là báo cáo của G. Markov đọc tại Ðại hội Nhà văn lần 4 (“Doklad G. M. Markova ‘Sovremennost’ i problemy prozy.’,” Četvertyj s”ezd pisatelej SSSR 22-26 maja 1967 goda. Stenografičeskij otčet [Moscow: Sovetskij pisatel’, 1968] [3] ).

V là báo cáo của G. Markov đọc tại Ðại hội Nhà văn lần 5 [“Doklad G. Markova ‘Sovetskaja literatura v bor’be za kommunističeskoe stroitel’stvo i ee zadači v svete rešenij XXIV s”ezda KPSS.’,” Pjatyj s”ezd pisatelej SSSR 29 ijunja - 2 ijulja 1971 goda. Stenografičeskij otčet [Moscow: Sovetkij pisatel’, 1972] [4] ).

VI là báo cáo của G. Markov đọc tại Ðại hội Nhà văn lần 6 (“Doklad G. M. Markova ‘Sovetskaja literature v bor’be za kommunizm i ee zadači v svete rešenij XXV s”ezda KPSS.’,” Šestoj s”ezd pisatelej SSSR 21 ijunja - 25 ijunja 1976 goda. Stenografičeskij otčet [Moscow: Sovetskij pisatel’, 1978] [5] ).

Danh sách tuyển chọn các tiểu thuyết mẫu

Azhaev, Vasily N. Xa Mạc Tư Khoa (Daleko ot Moskvy; 1948), II, trang 15; IV, trang 17.

Fadeev, Aleksandr A. III, trang 12; Chiến bại (Razgrom, 1927), III, trang 13; Ðội cận vệ thanh niên (Molodaja gvardija, 1946, 1951), II, trang 15; V*, trang 17; VI, trang 9.

Fedin, Konstantin A. III, trang 12; Hạnh phúc đầu đời (Pervye radosti; 1946) và Mùa hè không bình thường (Neobyknovennoe leto; 1947-48), cả hai đều trong III*, trang 13, và V*, trang 17.

Furmanov, Dmitry A. Sa-pa-ép (Čapaev; 1923), III*, trang 3; V*, trang 17.

Gladkov, Fedor V. Xi măng (Cement; 1925), II, trang 15; IV, trang 17; V*, trang 17; Nghị lực sống (Énergija; 1932-1937), II, trang 15.

Gorky, Maksim. Người mẹ (Mat’, 1907), IV, trang 16; V*, trang 17; VI, trang 9.

Ivanov, Vsevolod V. III, trang 12. Những người du kích (Partizany; 1921); Đoàn tàu bọc sắt (Bronepoezd; 1922).

Kataev, Valentin P. Tiến lên nào, thời gian! (Vremja, vpered!; 1932), IV, trang 17.

Kochetov, Vsevolod A. Nhà Zhurbins (Žurbiny; 1952), II, trang 15; IV, trang 17; V*, trang 17. V*, trang 17.

Kozhevnikov, Vadim M. Làm quen nhé, Baluev! (Znakom’tes’, Baluev!; 1960), V*, trang 17.

Krymov, Yury S. Tàu chở dầu “Derbent” (Tanker “Derbent”; 1938), II trang 15; IV, trang 17; Người kỹ sư (Inžener; 1938-40), IV, trang 7.

Leonov, Leonid M. III, trang 12; Sông Xốt (Sot’; 1930), IV, trang 17; Skutarevsky (Skutarevskij; 1932), IV, trang 17; Rừng Nga (Russkij les; 1953), V*, trang 17.

Malyshkin, Aleksandr G. III, trang 12 Người từ chốn quạnh hiu (Ljudi iz zaxopust’ja; 1937-38)].

Nikolaeva, Galina E. Chiến dịch dọc đường (Bitva v puti; 1957), IV, trang 17.

Ostrovsky, Nikolai A. Thép đã tôi thế đấy (Kak zakaljalas’ stal’?; 1934), II, trang 15; III*, trang 13; V*, trang 17.

Panferov, Fedor I. Đá mài (Bruski, 1930-37), II, trang 15; IV, trang 13.

Paustovsky, Konstantin G. Kara-Bugaz (1932), IV, trang 17.

Polevoy, Boris N. Chuyện một người chân chính (Povest’ o nastojaŝem čeloveke; 1946), II, trang 15; V*, trang 17.

Sholokhov, Mikhail A. Sông Ðông êm đềm (Tixij Don; 1928-40), III*, trang 13; IV, trang 9. Ðất vỡ hoang (Podnjataja celina, 1931-60), II, trang 15; III*, trang 13; IV, trang 13; V, trang 17.

Tolstoy, Aleksey N. III, trang 12 [Pi-e Đệ Nhất (Petr Pervyj; 1933)]; Con đường đau khổ (Xoždenie po mukam), Hai chị em (Sestry), 1922; Năm 1918 (Vosemnadcatyj god), 1927-1928; Buổi sáng ảm đạm (Xmuroe utro), 1939-41), III*, trang 13.

Ghi chú: Danh mục này là một chỉ dẫn chưa hoàn thiện về các tiểu thuyết mẫu dưới thời Stalin, dựa vào những báo cáo được đọc tại các đại hội nhà văn thời hậu Stalin. Nhưng trên thực tế – và có lẽ cũng là chỉ dấu cho thấy truyền thống Hiện thực Xã hội chủ nghĩa đã ngấm sâu tới mức nào – danh mục này bao gồm phần lớn các cuốn tiểu thuyết mẫu thời Stalin.

Tại Ðại hội Nhà văn lần thứ I tổ chức vào năm 1934, không có cuốn tiểu thuyết Xô-viết mẫu nào được đề cập đến trong những báo cáo chính thức. Nhưng có thể tìm thấy danh mục này trong một số nguồn có thẩm quyền vào thời đó, chẳng hạn trong bản báo cáo chính thức của V. Kirpotin đọc tại Phiên họp đầu tên của Ban Tổ chức Hội Nhà văn, diễn ra từ 19 tháng 10 đến 3 tháng 11 năm 1932. Những tác phẩm văn xuôi và các nhà văn được ca ngợi trong báo cáo của Kirpotin gồm: M. Gorky (trang 13); Vs. Ivanov; D. Furmanov; Yu. N. Libedinsky, Tuần lễ [Nedelja, 1922]; A. Fadeev, Chiến bại [Razgrom]; M. Sholokhov; và F. Panferov (tất cả đều trong trang 14); và M. Shaginyan, Trục thuỷ điện [Gidrocentral’, 1930], L. Leonov, Sông Xốt Skutarevsky, và Vs. Ivanov, Chuyến đi đến miền đất chưa tồn tại [Putešestvie v stranu, kotoroj eŝe net, 1930] (tất cả đều trong trang 15). Các trang tham khảo là trong bản in báo cáo của Kirpotin, “Doklad V. Kipotina ‘Sovetskaja literatura k pjatnadcatiletiju oktjabrja.’,” Sovetskaja literatura na novom etape. Stenogramma pervogo plenuma orgkomiteta Sojuza sovetskix pisatelej [Moscow: Sovetskaja literatura, 1933] [6] .

Ghi chú: Dịch giả cảm ơn tác giả La Thành đã giúp hiệu đính và có nhiều góp ý, bổ sung để bản dịch này (cùng với phụ lục A & phụ lục B) được hoàn chỉnh hơn.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas

[1]Tiếng Nga (dạng Roman hoá) từ nguyên bản: Báo cáo của A. A. Surkov “Về thực trạng và những nhiệm vụ của văn học Xô-viết”. Đại hội toàn liên bang các nhà văn Liên Xô lần thứ II, 15-26 tháng Mười Hai năm 1954. Bản tốc ký [Moscow: Nhà xuất bản “Nhà văn Xô-viết”, 1956]. (Chú thích của bản dịch.)
[2]Tiếng Nga (dạng Roman hoá) từ nguyên bản: Báo cáo của A. A. Surkov “Những nhiệm vụ của văn học Xô-viết trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản”. Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ III, 18-23 tháng Năm năm 1959. Bản tốc ký [Moscow: Nhà xuất bản “Nhà văn Xô-viết”, 1959]. (Chú thích của bản dịch.)
[3]Tiếng Nga (dạng Roman hoá) từ nguyên bản: Báo cáo của G. M. Markov “Tính hiện đại và những vấn đề của văn xuôi”. Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ IV, 22-26 tháng Năm năm 1967. Bản tốc ký [Moscow: Nhà xuất bản “Nhà văn Xô-viết”, 1968]. (Chú thích của bản dịch.)
[4]Tiếng Nga (dạng Roman hoá) từ nguyên bản: Báo cáo của G. Markov “Văn học Xô-viết trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa cộng sản và những nhiệm vụ của nó dưới ánh sáng Đại hội XXIV Đảng Cộng sản Liên Xô”. Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ V, 29 tháng Sáu - 2 tháng Bảy năm 1971. Bản tốc ký [Moscow: Nhà xuất bản “Nhà văn Xô-viết”, 1972]. (Chú thích của bản dịch.)
[5]Tiếng Nga (dạng Roman hoá) từ nguyên bản: Báo cáo của G. Markov “Văn học Xô-viết trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản và những nhiệm vụ của nó dưới ánh sáng Đại hội XXV Đảng Cộng sản Liên Xô”. Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ VI, 21-25 tháng Sáu năm 1976. Bản tốc ký [Moscow: Nhà xuất bản “Nhà văn Xô-viết”, 1978]. (Chú thích của bản dịch.)
[6]Tiếng Nga (dạng Roman hoá) từ nguyên bản: Báo cáo của V. Kirpotin “Văn học Xô-viết tiến đến kỷ niệm 15 năm Cách mạng tháng Mười”, trong tập văn kiện “Văn học Xô-viết trong giai đoạn mới”. Biên bản tốc ký của phiên họp toàn thể lần thứ nhất Uỷ ban Tổ chức Liên đoàn Nhà văn Liên Xô [Moscow: Nhà xuất bản “Nhà văn Xô-viết”, 1933]. (Chú thích của bản dịch.)
Nguồn: Katerina Clark, The Soviet Novel – History as Ritual. (3rd edition.) Indiana University Press, 2000. Trang: 261-263.
Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, Phụ lục A & Phụ lục B ngày 26.1.2008.

No comments:

Post a Comment