Wednesday, September 21, 2011

Wynn Wilcox – Phụ nữ và huyền thoại trong lịch sử Việt Nam: Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, và việc tạo ra tính liên tục về lịch sử tại Việt Nam (phần 2)

Cao Việt Dũng dịch

Ngọc Hân như là biểu tượng có tính hợp thức hóa: huyền thoại miền Nam

Năm 1961, nhà văn Nguyễn Thượng Khánh của Sài Gòn tuyên bố mình có thể chứng minh rằng Lê Ngọc Hân chính là thủ phạm đánh thuốc độc hạ sát hoàng đế Quang Trung. Tự nhận mình là hậu duệ của và chính xác hơn là một hậu duệ trực hệ của hoàng tử Lê Duy Mật (1738-70), một khuôn mặt đáng kể của lịch sử miền Bắc vì đã phát động cuộc nổi loạn chống các chúa Trịnh ở nửa đầu thế kỷ mười tám, Nguyễn Thượng Khánh viết trên một loạt số tạp chí Phổ Thông cho hay ông biết một sử liệu thầm kín từng đi qua gia đình ông nhưng đến năm 1961 thì đã bị mất, cung cấp bằng chứng rằng Ngọc Hân đã giết chồng mình, hoàng đế Quang Trung. Theo Nguyễn Thượng Khánh, động cơ để Lê Ngọc Hân giết chồng bắt nguồn từ một thỏa thuận giữa Quang Trung và hoàng đế Càn Long (1711-99) của Trung Quốc, Càn Long hứa gả một người con gái của mình cho Quang Trung. Theo Nguyễn Thượng Khánh, “trong một phút bồng bột vì quá ghen, Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho Quang Trung uống[1]”.

Sau đó, Nguyễn Thượng Khánh lại cho rằng thực chất Ngọc Hân bị thúc đẩy bởi tình yêu tổ quốc. Đúng như Đỗ Bang đã chỉ ra, lời tuyên bố này có vẻ rất mâu thuẫn với việc Ngọc Hân đã giết chồng vì lên cơn ghen[2]. Tuy nhiên, Nguyễn Thượng Khánh lập luận rằng, “Nhưng khi nghe tin vua Quang Trung cầu hôn với công chúa con vua Càn Long, thì công chúa Ngọc Hân vùng lên một ý nghĩ táo bạo… Tôi muốn đặt tính ghen của Ngọc Hân ra ngoài, mà chỉ dùng hai chữ “tổ quốc” để nói lên cái việc làm của Ngọc Hân[3].”

Trong các số Phổ Thông sau đó, lập luận của Nguyễn Thượng Khánh phải nhận về rất nhiều lời phê phán. Một số hậu duệ của Lê Duy Mật phản đối, cho rằng bản gia phả bí mật chép lại việc Ngọc Hân giết Quang Trung không hề tồn tại. Hơn thế nữa, nhiều học giả đã làm mất giá lời tuyên bố kỳ lạ của Nguyễn Thượng Khánh cho rằng Ngọc Hân giết hoàng đế Quang Trung. Một trong số những lời phê phán Nguyễn Thượng Khánh đáng kể nhất nằm ở số Phổ Thông ra tháng Mười năm 1961, trong đó sử gia nổi tiếng Thiện Sinh chỉ ra nhiều điểm không nhất quán và sai lệch trong các bài báo của Nguyễn Thượng Khánh. Thiện Sinh cho rằng Nguyễn Thượng Khánh không phải là hậu duệ trực hệ của Ngọc Hân, vì trên thực tế Lê Duy Mật không phải anh ruột của Ngọc Hân và con trai của Lê Cảnh Hưng như Nguyễn Thượng Khánh tuyên bố, mà là chú ruột của vua. Một trong số những lời phê phán khác quan trọng nhất nhằm vào ý tưởng theo đó cuộc hôn nhân của Ngọc Hân tạo ra sự oán hờn ở nhà Lê, điều này trái ngược hẳn với thực tế cuộc hôn nhân với Quang Trung được thực hiện theo thỏa thuận chung giữa nhà Lê và vị hoàng đế tương lai[4].

Tất cả những lời phê phán này đều làm mất giá lời tuyên bố của Nguyễn Thượng Khánh, mặc dù không lời phê phán nào bác bỏ nó hoàn toàn. Như Nguyễn Phương từng chỉ ra, không thể chứng minh rằng cuốn gia phả chưa từng tồn tại, nên không thể phán quyết được về những gì Nguyễn Thượng Khánh nói[5]. Có lẽ sẽ là có ích hơn nếu không đặt câu hỏi liệu lời tuyên bố của Nguyễn Thượng Khánh đúng hay sai, mà đặt câu hỏi tại sao tạp chí Phổ Thông lại cho đăng bài của Nguyễn Thượng Khánh vào đúng thời điểm ấy. Dù thế nào đi nữa, Phổ Thông cũng là một tờ tạp chí được kính trọng và có tầm ảnh hưởng lớn tại Sài Gòn trong những năm 1960. Thường thì nó không bị mang tiếng là đăng tin lá cải hay những lời tuyên bố lạ lùng, mà thường đăng các bài báo có tính chất học thuật. Vậy thì tại sao vào năm 1961 Phổ Thông lại cho đăng một lời tuyên bố có nhiều vấn đề như vậy? Và tại sao Nguyễn Thượng Khánh lại công bố điều đó vào đúng năm 1961 chứ không phải sớm hơn, hoặc, nếu đặt giả thiết rằng cuốn gia phả đang nói tới ở đây đã từng tồn tại, khi bằng chứng còn có ở đó để đem trưng bày cho tất cả mọi người?

Đặt ra những câu hỏi đó, chúng ta có thể xem xét vấn đề nghi án Ngọc Hân giết Quang Trung không chỉ theo các khía cạnh của tính chính xác về mặt kinh nghiệm nữa mà còn ở khía cạnh chức năng của nó với tư cách là một phúng dụ, một huyền thoại dân tộc được tạo ra nhằm hợp thức hóa địa vị của chính quyền Sài Gòn vào năm 1961. Huyền thoại này sẽ được rõ ràng hơn nếu chúng ta đánh giá nó trong mối liên hệ với một nhận định khác khá khiên cưỡng về Lê Ngọc Hân: vào năm 1802, sau khi Gia Long chiếm Phú Xuân, ông đã đem lòng yêu bà nồng nhiệt đến mức lấy bà làm vợ. Điều này đã được đưa ra lần đầu tiên trên tờ tạp chí Nam Phong hiện đại thân Pháp nhiều ảnh hưởng vào những năm 1920 và vẫn là một câu chuyện hay gặp trong các ấn phẩm của Pháp như Bulletin des Amis du Vieux Hué (Đô thành hiếu cổ) trong suốt những năm 1940 và trong các ấn phẩm của Sài Gòn vào những năm 1960.

Ở đây sự tấn công mang tính phúng dụ của một huyền thoại-dân tộc Sài Gòn rất đặc thù, được khởi phát thông qua Ngọc Hân, đã đi vào trung tâm của vấn đề. Ý tưởng Ngọc Hân giết Quang Trung và lấy Gia Long không chỉ phủ nhận huyền thoại trung tâm về Ngọc Hân như là người tình dân tộc mang tính biểu tượng của Quang Trung mà còn cấp một dạng tính chất hợp thức hóa cho triều Nguyễn, thông qua một cuộc hôn nhân. Nếu Ngọc Hân giết hoàng đế Quang Trung, như Nguyễn Thượng Khánh nói, thì lòng trung thành thực thụ của bà là dành cho nhà Lê, chứ không phải Tây Sơn. Hơn thế nữa, nếu bà làm vậy nhằm cứu đất nước khỏi tay Quang Trung, người có thể bị xem là đang chuẩn bị cho sự cai trị của Trung Quốc thông qua một cuộc hôn nhân khó hình dung nổi với con gái của hoàng đế Trung Hoa, thì tính chất hợp thức của huyền thoại dân tộc về uy thế của Quang Trung còn bị thách thức dữ dội hơn nữa.

Mang lại tính chất hợp thức cho chế độ nhà Nguyễn là một nhiệm vụ cốt tử đối với cả những người tham gia nhà nước bảo hộ của Pháp như Phạm Quỳnh, chủ bút tờ báo thân Pháp Nam Phong, cũng như các nhà văn và nhà biên tập của tờ Đô thành hiếu cổ. Tính chất hợp thức của chế độ nhà Nguyễn, được xây dựng như là hệ quả của một chiến thắng trước cái mà một số người có thể coi là những cuộc soán ngôi của quân Tây Sơn nổi loạn, là cốt tử đối với nhà nước bảo hộ bởi vì sự tồn tại của hoàng đế nhà Nguyễn và sự hợp tác (vào một lúc nào đó hoặc được chứng thực) của vị hoàng đế ấy với những người bạn Pháp tạo nên cơ chế trung tâm của việc biện minh cho sự cai trị của người Pháp tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ[6].

Nếu nhà Tây Sơn được xem là hợp thức, thì việc Nguyễn Ánh chiếm lấy lãnh thổ của Tây Sơn là phi hợp thức. Nếu sự cai trị của nhà Nguyễn là phi hợp thức kể từ năm 1802, thì mở rộng ra thêm, nó cũng là phi hợp thức dưới thời bảo hộ của Pháp. Do vậy mà cả người Pháp cũng sẽ đánh mất một lời biện minh mang tính ý hệ rất lớn cho sự cai trị của mình. Các nhà văn và sử gia chống thực dân, những người tìm cách xưng tụng cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và hạ thấp nhà Nguyễn phong kiến, đã nắm lấy điều này từ rất sớm[7]. Theo cách này, huyền thoại Lê Ngọc Hân giết Quang Trung và cưới Gia Long sẽ là một huyền thoại về tính chất liên tục ngõ hầu hợp thức hóa cho cả những người tham gia chính quyền của nhà Nguyễn dưới thời Pháp bảo hộ và những người tham gia công cuộc thực dân hóa của Pháp tại Việt Nam. Nó tạo ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Tây Sơn bằng cách sử dụng thân thể của Ngọc Hân làm vật chứng cho tính chất liên tục mang tính biểu tượng của triều Nguyễn với chế độ của nhà Lê, và như vậy là trao cho nó công cụ cần thiết để tuyên bố tính chất hợp thức của mình[8].

Huyền thoại giết chồng và cuộc hôn nhân cũng phục vụ cho các mục tiêu ý hệ của giới tinh hoa trí thức Sài Gòn hồi đầu những năm 1960. Ở đây, các hành động được cho là của Ngọc Hân đã được chuyển dịch từ một huyền thoại phục vụ tính hợp thức của nhà Nguyễn và nhà nước bảo hộ sang một lời biện minh cho chính quyền Sài Gòn những năm 1960 với tư cách là chính quyền thực thụ của nước Việt Nam. Trong sử sách Mác-xít của Hà Nội những năm 1950 và 1960, tính chất hợp thức của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cung cấp một kiểu mẫu thiết yếu về tính chất đứt đoạn lịch sử mang tính hợp thức đối diện với tính chất liên tục của chủ nghĩa phong kiến Lê-Nguyễn. Tính chất đứt đoạn này cho phép các sử gia miền Bắc như Văn Tân thiết lập một cái nhìn đầy tính hình thức, lãng mạn về lịch sử Việt Nam với một hàm nghĩa ý hệ cách mạng, trong đó cuộc khởi nghĩa nông dân, dù chưa thành công hoàn toàn, luôn sôi sục bên dưới bề mặt những chế độ phong kiến, chờ đợi các mâu thuẫn biện chứng của phương thức sản xuất phong kiến để trồi lên trên bề mặt và sản sinh ra một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa lâu dài.

Chính là thông qua các cơ chế này mà, trong những năm 1950 và 1960, một số sử gia ở cả hai phía của Việt Nam đã thiết lập Tây Sơn như một đại diện mang tính biểu tượng của miền Bắc và Nguyễn Ánh như là đại diện cho tính chất hợp thức của miền Nam. Do vậy, trong cả hai truyền thống sử sách Tây Sơn đều được đại diện bởi sự cai trị của Quang Trung ngoài Thăng Long (Hà Nội) từ 1788 đến 1792 chứ không phải bởi sự cai trị của Nguyễn Nhạc tại Qui Nhơn từ 1785 đến 1793 hay bởi nhà Tây Sơn tại Sài Gòn thời kỳ đầu. Như K. W. Taylor từng chỉ ra, sự kết hợp này thật kỳ lạ, nếu nhìn vào sự thực là phong trào Tây Sơn đã xuất phát từ miền Nam và miền Trung rồi sau đó chuyển mạnh ra miền Bắc[9].

Huyền thoại Lê Ngọc Hân giết Quang Trung, đặc biệt là khi nó đi kèm với cuộc hôn nhân của bà với hoàng đế Gia Long, làm mất giá chế độ Tây Sơn và trao sự hợp thức thông qua tính chất liên tục cho hoàng đế Gia Long. Bởi nếu Ngọc Hân là đại diện mang tính biểu tượng của nhà Lê (như Nguyễn Thượng Khánh từng lập luận), thì việc giết Quang Trung đã cắt đứt cái khả năng của việc bà là một biểu tượng cho sự hoàn thành công cuộc chuyển giao của Tây Sơn từ quân khởi nghĩa sang các hoàng đế. Điều này cũng ngăn cản bà vào vai người tình dân tộc như trong truyền thống sử sách của miền Bắc. Việc bà lấy Gia Long xác nhận rằng chính ông, chứ không phải Quang Trung, mới là hợp thức và là một biểu tượng của tính chất liên tục, và do vậy mà cũng xác nhận rằng nhà Tây Sơn là phi hợp thức.

Vì thế, huyền thoại về Lê Ngọc Hân này đã nảy sinh tại Sài Gòn trong những năm 1960 vì nó phục vụ cho các trí thức Sài Gòn không cộng sản cùng cái chức năng mà huyền thoại đối nghịch về Lê Ngọc Hân đã từng phục vụ cho các đối phương của họ ở miền Bắc. Huyền thoại này giúp củng cố những lời tuyên bố của miền Nam không cộng sản về tính chất hợp thức lịch sử bằng cách kết nối chúng với một khuôn mặt được công nhận một cách phổ quát như là một đại diện cho tình cảm của người dân Việt Nam, một người phụ nữ đã siêu vượt tính chất đứt đoạn của nhà Tây Sơn.

Một khuôn mặt gần như sống đương thời với bà, nhà thơ Hà Nội nổi tiếng Hồ Xuân Hương, rất khác với Ngọc Hân theo nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, tầm quan trọng của bà với tư cách là một biểu tượng mang tính hợp thức hóa đối với các sử gia Mác-xít, nhất là những người ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1950 và 1960, như thể nằm ở vai trò của bà trong việc khẳng định tính chất đứt đoạn của chế độ Tây Sơn với sự lạc lậu phong kiến của Lê-Trịnh. Không giống như Lê Ngọc Hân, dường như bà là một khuôn mặt của sự tác động tích cực: bà quan trọng vì chất lượng thơ ca của bà và những hình ảnh đầy sức sống mà thơ ca ấy gợi ra. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy mọi điều không đơn giản như vẻ bên ngoài. Thơ ca của Hồ Xuân Hương cũng được các sử gia Hà Nội trong những năm 1950 và 1960 diễn giải nhằm phục vụ cho những mục đích ý hệ của họ, và cách xử lý niên đại lịch sử của bà cho thấy bà có ích trong một huyền thoại mang tính hợp thức hóa khác của đất nước: huyền thoại về một tính chất liên tục giữa sự khoan dung với phụ nữ mang tính chống phong kiến củaTây Sơn và các chính sách tiến bộ tương tự của miền Bắc trong những năm 1950 và 1960.

(còn tiếp)

[1] Nguyễn Thượng Khánh, “Vua Quang Trung Chết vì một Liều Ðộc Dược của Ngọc Hân Công Chúa”, Phổ Thông 62 (8/1961). Được trích trong Đỗ Bang, Những Khám Phá, 42-43.
[2] Ibid., 43.
[3] Ibid., 43-44.
[4] Ibid., 47.
[5] Nguyễn Phương, Việt nam thời bành trướng: Tây Sơn (Sài Gòn: Khai Trí, 1967), 314.
[6] David Marr, Vietnamese Anticolonialism 1885-1925 (Berkeley: University of California Press, 1971).
[7] Xem Văn Tân, Cách Mạng Tây Sơn, 228-33.
[8] Hayden White, Metahistory: The Historical Imagination in Nineteenth-Century Europe (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1973), 142.
[9] K. W. Taylor, “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”, Journal of Asian Studies 57 (1998): 949-78.

Theo bản tiếng Việt trên talawas, 15.5.2010.

No comments:

Post a Comment