Saturday, August 27, 2011

Erica J. Peters – Đối kháng, Cạnh tranh và Tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến (phần 1 & phần 2)

Nguyệt Cầm dịch

Mùng Một Tết 1927, ba mươi hội viên Hội Đầu bếp Đông Dương ở Paris [Association des Cuisiniers Indochinois] tụ họp tại một tiệm café ở Quận Tám ăn mừng việc sắp khai trương liên doanh mà họ đã chuẩn bị năm tháng ròng – một tiệm ăn Việt ở Khu Latin. Nhưng không khí chẳng mấy chốc trở nên nặng nề. Trước hết, tập thể đầu bếp người Việt có mặt ở đó bác bỏ đề nghị của chủ tịch về việc hợp nhất với tổ chức sinh viên Việt, the Asociation Mutuelle des Indochinois [Liên hiệp Đông Dương] (AMI). Đầu bếp Ngô Văn Minh, một trong những người tài trợ cho liên doanh sắp khai trương, hớt hải chạy vào báo rằng mình đang bị bạn gái Pháp của một đầu bếp người Việt khác tố cáo là biển thủ. Vì đang bị nghi ngờ, Ngô Văn Minh sẽ phải dè chừng và không thể đầu tư sáu mươi ngàn francs tiền “kiếm chui” vào nhà hàng được nữa. Khi hai cô bồ Pháp của hai đầu bếp bắt đầu to tiếng với nhau ngoài phố, thì liên doanh sụp đổ, trở thành nạn nhân của vụ cãi vã mới nhất trong cộng đồng người Việt tại Pháp.[1] Sự kiện nhỏ này phản ánh chia rẽ trong nội bộ cộng đồng và mở ra đầu mối để ta tìm hiểu xem công nhân Việt ở Pháp giữa hai cuộc thế chiến muốn gì. Họ có vai trò gì trong bàn cờ chính trị lớn hơn của Đảng Cộng sản Pháp (PCF), Đảng Lập hiến Việt Nam, và nhiều phong trào chống thực dân khác ở Pháp? Và ngoài chính trị ra, họ còn bỏ công bỏ của vào những lĩnh vực gì?

Trong tiểu luận quan trọng viết vào năm 1975, Daniel Hémery cho rằng công nhân đóng một vai trò nhỏ trong câu chuyện chính trị của người Việt ở Pháp vào cuối thập niên 1920. Ông lưu ý hai điểm chính: một, là câu chuyện chính của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam không diễn ra ở Pháp, mà ở thuộc địa; và hai, tiểu luận của ông chỉ nhằm lưu ý mọi người về những đề tài nghiên cứu trong tương lai.[2] Trong ba mươi năm qua, các nhà nghiên cứu như Hồ Tài Huệ Tâm, Claude Liauzu và Scott McConnell đã mở rộng nghiên cứu lịch sử người Việt tại Pháp những năm đầu thế kỷ hai mươi.[3] Nghiên cứu về giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, các tác giả này tập trung vào kinh nghiệm của tầng lớp trí thức người Việt bao gồm sinh viên và các nhà hoạt động đang tìm đường đến với chủ nghĩa dân tộc, và trong một số trường hợp, đến với chủ nghĩa cộng sản. Nghiên cứu mở ra một câu chuyện quan trọng, nhấn mạnh quan hệ chính trị và tư tưởng không ngừng thay đổi trong cộng đồng người nhập cư [lưu sinh viên…], nhưng lại không mâu thuẫn với nhận xét ban đầu của Hémery là phát triển quan trọng nhất trong phong trào chống thực dân của Việt Nam diễn ra ở thuộc địa.[4]

Tuy nhiên, vẫn còn có có lỗ hổng. Tiểu luận của Hémery đề cập đến quan hệ giữa sinh viên và công nhân, hàm ý rằng sinh viên Việt trông đợi sự ủng hộ chính trị của công nhân. Sinh viên nhận được sự ủng hộ vật chất từ các tổ chức của công nhân tài trợ cho việc in ấn và chuyển báo chí của họ về thuộc địa. Mặc dù có nhiều luận thuyết hùng biện về việc trí thức hòa hợp với bình dân, nhưng [trên thực tế], không hề có một liên minh nào giữa sinh viên và công nhân Việt nào ở Pháp tồn tại được lâu dài.[5] Thậm chí ngay cả khi công nhân chia sẻ mối đồng cảm chính trị với sinh viên, họ vẫn thích duy trì các tổ chức riêng của họ hơn là một hiệp hội thống nhất chống thực dân. Vì sao sinh viên Việt không thể thuyết phục công nhân Việt ở Pháp đi theo sự dẫn dắt của họ? Và vì sao những công nhân này không mấy quan tâm đến việc gây ảnh hưởng tới quan điểm của sinh viên?

Tôi lập luận rằng việc nghiên cứu xã hội học về cộng đồng người Việt có thể giúp chúng ta hiểu được những rạn nứt đó. Tiểu luận này không chỉ quan tâm đến nguồn gốc giai cấp, mà còn cả những khác biệt tinh tế hơn trong đời sống thường nhật, chẳng hạn như ngôn ngữ được sử dụng trong các buổi giao tế và địa điểm những nơi hội họp đó. Tôi cũng thừa nhận là chưa bao giờ có một sự chia rẽ tuyệt đối giữa sinh viên và công nhân Việt, dù điều đó có thể làm cho sự phân định của tôi bị mờ nhạt đi. Một số sinh viên rốt cuộc quyết định bỏ học để tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị, hoặc vì họ không có đủ tiền để tiếp tục trả học phí. Các cựu sinh viên này đôi khi làm việc ở nhà hàng, làm thợ sơn hoặc những việc thủ công khác. Có người trong số những công nhân mà tôi đề cập đến trong bài về sau đã mở được nhà hàng hoặc cửa hiệu ở Pháp để tự mình làm chủ. Một số ít trong nhóm ghi danh vào các trường đại học. Nhưng cựu sinh viên thường có xu hướng giao tiếp với các sinh viên nói tiếng Pháp hơn là với công nhân nói tiếng Việt, và cựu công nhân thì thường có xu hướng mở nhà hàng trong những khu vực có nhiều công nhân tụ họp.

Chẳng hạn, tại cuộc tụ họp rôm rả ngày mùng một năm đó, lý do chính được đưa ra giải thích nguyên nhân các đầu bếp không nên liên kết với hội AMI do sinh viên lãnh đạo là vì sinh viên Việt nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, còn đầu bếp lại muốn nói tiếng Việt những khi không phải làm việc. Một lý do khác là AMI nhóm họp ở Quận Năm, trong khi đó các đầu bếp lại tụ tập ở phía bên kia của Paris, tại Quận Tám buồn tẻ hơn, gần nơi các ông chủ của họ sống. Các đầu bếp mơ điều hành một quán café ở Khu Latin, một địa điểm lý tưởng để thu hút khách hàng có tiền, nhưng bản thân họ thì tìm tới những quán ăn rẻ hơn, nằm bên ngoài các khu trung tâm của thành phố. Những khác biệt này cũng xuất hiện ở cả mức độ lớn hơn: trong khi một số công nhân lao động tay chân người Việt tụ tập tại những quận ít sành điệu hơn của Paris, thì những công nhân khác lại làm việc ở những khu ngoại ô công nghiệp còn xa hơn nữa, hoặc tại các thành phố cảng lớn như Le Havre và Marseilles.[6] Mạng lưới của công nhân phân tán ở những điểm khác với mạng lưới của các sinh viên và các nhà hoạt động người Việt tại Pháp.[7] Bằng cách chú ý tới những quan hệ cụ thể giữa các nhóm công nhân hải ngoại, chúng ta có thể phân tích những điều được họ ưu tiên và những mối quan tâm có giới hạn của họ trong việc xây dựng liên hệ chính trị với những giai cấp và cộng đồng khác ở Pháp thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến.

Theo hướng này, những nghiên cứu của nhà nhân học Lê Hữu Khoa đã tạo cảm hứng cho tôi. Mối quan tâm của ông với đời sống thường nhật của những di dân thời thuộc địa và hậu thuộc địa tạo cơ hội cho phép ta có những góc nhìn tương tự về hoạt động và mối quan tâm của người Việt tại Pháp thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến.[8] Trình bày của Lê Hữu Khoa về những mối quan tâm thực tế trong cộng đồng người Việt chẳng hạn như việc làm, gia đình và phương kế tồn tại, khuyến khích tôi tìm hiểu về những hoạt động và mối tương tác giữa công nhân Việt, những người được cho là có quan điểm chính trị vừa tự phát vừa bất nhất hơn so với tầng lớp tinh hoa từ thuộc địa. Với việc xem xét cộng đồng lao động người Việt, tôi hy vọng sẽ bổ sung thêm vào những nghiên cứu đáng chú ý đã được thực hiện về các cộng đồng di dân khác ở Pháp trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến của những nhà nghiên cứu như Stéphane Sirot, Tyler Stovall, Yael Simpson Fletcher, Brent Hayes Edwards, Mary Dewhurst Lewis, Clifford Rosenberg, và Gary Wilder.

Rosenberg, Stoval, Sirot và Wilder đều đã phân tích những trở ngại mà công nhân thuộc địa phải đối mặt trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến ở Pháp. Rosenberg trình bày hệ thống giám sát panoply kiểm soát sức khỏe, di biến động và chính trị của công nhân thuộc địa ở Pháp trong thời kỳ này.[9] Stovall thảo luận về việc trục xuất công nhân da đen, châu Á và Bắc Phi khỏi Pháp trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến như một cách để người Pháp khẳng định vị trí da trắng của mình. Phân tích của Stovall giúp chúng ta hiểu được vì sao PCF lại thường lưỡng lự mỗi khi phải cộng tác mật thiết với các nhà cộng sản thuộc địa.[10] Sirot nêu rõ rằng những chia rẽ tương tự giữa công nhân Châu Âu và thuộc địa ở Pháp, cho thấy là các tay chủ đã có những nỗ lực cố ý chia rẽ họ, và, trong phần lớn thời gian, thì chính những công nhân đó cũng không cố gắng tìm ra những nền tảng chung hay ủng hộ những cuộc đình công của nhau.[11]

Không khí nội bộ các cộng đồng thuộc địa ở Pháp cũng chẳng mấy thân thiện hơn. Wilder đã chứng minh cho ta thấy mối quan hệ căng thẳng giữa các lý tưởng xuyên giai cấp, xuyên thuộc địa của Union des Travailleurs Negres [Hiệp hội Công nhân Da đen] vào thập niên 1930, và lưu ý rằng hiệp hội này được trông đợi “cung cấp sự ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất cho các sinh viên da đen ở Pháp” trong khi chống lại những nỗ lực của PCF nhằm chia rẽ hiệp hội thành các nhóm châu Phi và Mỹ La tinh tách rời nhau.[12] Wilder gợi ý rằng việc phân tích làm rõ những khác biệt giữa những mối quan tâm, ưu tiên của công nhân thuộc địa và sinh viên thuộc địa là một việc quan trọng cần làm.

Trong tiểu luận này, tôi đi theo hướng gợi ý của Wilder. Để đào xới lại câu chuyện đã được nghiên cứu kỹ về hoạt động của di dân thuộc địa tại Pháp, tôi tập trung vào vai trò của một nhóm ít có ảnh hưởng hơn – những người lao động, dân vô công rồi nghề, và dân phạm pháp – ở Pháp trong thập niên 1920 và đầu thập niên 1930. Vào năm 1924, có khoảng từ một tới hai ngàn người Việt làm việc tại Pháp với nghề thợ sơn (sơn cánh máy bay cũng như các món đồ thương mại khác), thủy thủ, giúp việc, sửa chữa ảnh, hoặc các công việc ít nhiều là hợp pháp khác. Cùng thời gian đó, có khoảng bảy ngàn lính người Việt vẫn đang đóng quân tại Pháp, và chỉ có khoảng hai trăm sinh viên. Vào cuối thập niên 1920, số binh lính giảm xuống còn một nửa và số sinh viên tăng lên tới khoảng một ngàn năm trăm người; trong khi đó, số công nhân vẫn dao động trong khoảng hai ngàn người.[13]

Dù thành phần dân cư ổn định như vậy, việc tìm hiểu các chi tiết về cộng đồng giai cấp lao động này không dễ dàng gì. Cuộc sống của công nhân thường xuyên hỗn loạn, họ phải đối mặt với những công việc hiểm nghèo, những món nợ cờ bạc, sử dụng ma túy, bị bắt, các mối quan hệ cá nhân bấp bênh, và nhiều nỗi thất vọng khác của cuộc sống nơi đất khách quê người. Người Việt thuộc giai cấp lao động ít khả năng hơn sinh viên trong việc viết bài cho báo chí đương thời, khiến cho việc trình bày ý kiến và kinh nghiệm của họ trở nên khó khăn hơn. Tỉ lệ biết chữ thấp hơn có đóng một vai trò, nhưng ảnh hưởng của nó không lớn tới mức như ta tưởng tượng: hồ sơ quân đội cho thấy rằng trong số binh lính người Việt được gửi sang chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất, chỉ có 10 phần trăm là hoàn toàn mù chữ.[14] Trên thực tế, binh lính gửi rất nhiều thư từ về Việt Nam; nhưng sau chiến tranh, phòng kiểm soát thư tín chặn ít thư hơn, vì vậy có ít dấu vết trong các phòng lưu trữ hơn cho các sử gia xem xét.[15] Về phần mình, các tờ báo thiên tả quan tâm nhiều đến việc tố cáo sự bóc lột người Việt ở thuộc địa hơn là kể chi tiết về đời sống của công nhân người Việt ở chính quốc. Những người thực sự tận tâm trong việc theo dõi các hoạt động và các cuộc hội thoại của người dân thuộc địa ở Pháp là các viên chức trong Service de Liaison avec les Originaires des Territories [Phòng Liên lạc với người bản xứ thuộc lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại] (SLOTFORM) trực thuộc Bộ Thuộc địa. Dù làm tình hình tốt lên hay xấu đi, thì những công việc theo dõi và kiểm soát của SLOTFORM lấp đầy các phòng lưu trữ với các báo cáo của chỉ điểm, giúp bổ sung cho những chỗ còn thiếu trong nguồn tài liệu cho các sử gia sau này.

Tôi xem xét báo cáo của SLOTFORM về một số tổ chức của công nhân, cùng bình luận của chỉ điểm về những hoạt động cá nhân của nhiều thành viên trong các tổ chức đó. Dựa quá nhiều vào báo cáo của chỉ điểm viên của cảnh sát cũng mang lại vô khối vấn đề, đặc biệt là do sự khan hiếm các nguồn tài liệu tương ứng từ các nguồn ngoài chính quyền. Thế nhưng các văn bản này vẫn cung cấp những chi tiết hết sức thú vị về cuộc sống thường nhật của lớp người lao động di cư từ các thuộc địa đến. Chỉ điểm được tuyển chọn từ chính cộng đồng mà họ phải báo cáo, vì vậy cách hiểu của họ về những mối quan tâm, các liên minh, các đối kháng của công nhân đều là dựa trên những hiểu biết mắt thấy tai nghe. Xét vị trí (làm chỉ điểm) của họ, sự trung thực có thể không được chắc chắn lắm, nhưng chính việc chính phủ tiếp tục trả lương cho những người chỉ điểm này là chỉ dấu cho thấy, ở một mức nào đó, độ đáng tin cậy tổng thể trong những báo cáo của họ.[16] Các gián điệp người Việt cũng cùng hoàn cảnh, cùng sống, làm việc và giao thiệp xã hội tại cùng địa điểm với các đồng bào của họ, và chúng ta không nên tưởng tượng ra những rào cản tư tưởng hay quan điểm xã hội ngăn cách giữa họ với đồng bào. Wilder đề nghị chúng ta hãy xem những chỉ điểm của cảnh sát như những quan sát viên có tham gia vào những sự kiện họ quan sát: họ được nhà nước trả lương để báo cáo lại những điều họ thấy và nghe được, nhưng họ cũng tích cực đóng góp vai trò trong các sự vụ và các cuộc tranh luận trong cộng đồng của họ.[17] Trên thực tế, vì căn cước thực sự của các chỉ điểm viên vẫn bị giấu kín đằng sau những cái tên giả trong hồ sơ lưu trữ của SLOTFORM, có khả năng là bản thân một số người được đề cập đến trong tiểu luận này cũng là chỉ điểm viên bí mật.

(Xem tiếp phần 2 sau chú thích phần 1)

Chú thích:

1. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 4 tháng 1 năm 1927 và 6 tháng 1, 1927, Archives of the Service de Liaison avec les Originaires des Territoires Français d’Outre-Mer (SLOTFOM), series 3, carton 1, dossier 56, Centre des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence, France (CAOM).
2. Daniel Hémery, “Du patriotisme au marxisme: L’immigration vietnamienne en France de 1926 à 1930” Le Mouvement social 90 (January–March 1975): 3.
3. Hue-Tam Ho Tai, Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1992); Claude Liauzu, Aux origines des tiers-mondismes: Colonisés et anticolonialistes en France (1919–1939) (Paris: Harmattan, 1982); Scott McConnell, Leftward Journey: The Education of Vietnamese Students in France, 1919–1939 (New Jersey: Transaction Publishers, 1989); Eric Jennings, “Remembering ‘Other’ Losses: The Temple du Souvenir Indochinois of Nogent-sur-Marne,” History and Memory 15, no.1 (Summer 2003), 5–48; Herman Lebovics, True France: The Wars over Cultural Identity (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1992); Panivong Norindr, Phantasmatic Indochina (Durham, NC: Duke University Press, 1996); Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 2002); Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh à Paris (1917–1923) (Paris: Harmattan, 1992). Lưu ý là công trình của Claude Liauzu nghiên cứu về người Việt giữa các cộng đồng thuộc địa khác ở Pháp.
4. Hồ-Tài đã so sánh một cách hữu ích giữa Pháp và Trung Quốc trong vai trò là môi trường cho sự phát triển chính trị của người Việt di cư.
5. Hémery, “Du patriotisme,” 31, 34. Ông lưu ý, ngược lại, là cộng đồng người Hoa ở Pháp có những sự hợp tác như vậy giữa công nhân và sinh viên trong thập niên 1920.
6. Về sự khác biệt giữa các mô hình di dân của Marseille với các mô hình ở các thành phố khác của Pháp, xem Mary Dewhurst Lewis, “The Strangeness of Foreigners: Policing Migration and Nation in Interwar Marseilles,” French Politics, Culture and Society 20, no. 3 (Fall 2002): 68 – 72.
7. Tương tự, những mạng lưới của người lao động Nam Phi ở Pháp tập trung ở Marseilles, Le Havre và Dunkirk và không trùng lặp với các mạng lưới của “các nhà cấp tiến hay trí thức cộng sản Nam Phi ngụ ở Paris trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến.” Gregory Mann, “Locating Colonial Histories: Between France and West Africa,” American Historical Review 110, no. 2 (April 2005): 431.
8. Le Huu Khoa, Les Vietnamiens en France: Insertion et Identité (Paris: Harmattan, 1985); Le Huu Khoa, “Manger et nourrir les relations”, Ethnologie française 27, no. 1 (1997): 51–63.
9. Clifford Rosenberg, “The Colonial Politics of Health Care Provision in Interwar Paris,” French Historical Studies 27, no. 3 (2004): 637–668.
10. Tyler Stovall, “National Identity and Shifting Imperial Frontiers: Whiteness and the Exclusion of Colonial Labor after World War I,” Representations 84 (Fall 2003): 52–72.
11. Stéphane Sirot, “Les conditions de travail et les grèves des ouvriers coloniaux à Paris des lendemains de la 1ère guerre mondiale à la veille du Front populaire”, Revue française d’histoire d’outre-mer 83, no. 311 (1996): 87–89.
12. Gary Wilder, The French Imperial Nation-State: Negritude and Colonial Humanism between the Two World Wars (Chicago: University of Chicago Press, 2005), 183–184. Ở Pháp, Wilder tuyên bố, “giới tinh hoa thuộc địa, đặc biệt là sinh viên, rất miễn cưỡng dấn thân cho cuộc đấu tranh của công nhân thuộc địa” (184). Wilder tập trung nghiên cứu của mình vào sinh viên và các nhóm trí thức thuộc địa ở Pháp.
13. Hémery, “Du patriotisme,” 5–6, 22–23; Liauzu, Aux origines, 101.
14. Một điều lạ lùng là Sở Đăng ký Quân sự báo cáo là 50 phần trăm binh lính người Việt có thể đọc được chữ Nho, 30 phần trăm có thể đọc được chữ quốc ngữ và 10 phần trăm có thể đọc được tiếng Pháp. Với tỉ lệ 10 phần trăm theo báo cáo là mù chữ, chúng ta có thể đi đến kết luận đáng ngờ là 90 phần trăm binh lính biết một, nhưng chỉ một, hệ thống chữ viết/tiếng nói. Chắc chắn là các con số thực tế sẽ phải cao hơn 100 phần trăm. Các con số thống kê được dẫn trong Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh, 183.
15. Theo một báo cáo vào năm 1926, “Binh lính An Nam viết và nhận được rất nhiều thư, nhưng thư từ của họ không bị kiểm duyệt.” General Peltier report, October 8, 1926, 3 SLOTFOM 22, CAOM. Cũng xem Mireille Le Van Ho, “Travailleurs et tirailleurs indochinois en France pendant la premiere guerre mondiale: Un milieu porteur de modernité” (PhD dissertation [thèse], Ecole Nationale de Chartes, 1986), 307, 698–705; Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh, 183.
16. Quinn-Judge, Ho Chi Minh, 9.
17. Wilder, French Imperial, 158.
-----------------------------------

Phần 2

Nguyệt Cầm dịch

Chuẩn bị sân khấu cho các tổ chức của công nhân

Vào đầu thập niên 1920, công nhân Việt ở Pháp dường như có rất nhiều điểm chung với sinh viên Việt và các nhà hoạt động chống thực dân. Điều này là do những nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh trong tương lai, người đã dành nhiều năng lượng để xây dựng những chiếc cầu nối kết các cộng đồng thuộc địa tại Pháp. Vào năm 1921, ông và các nhà hoạt động khác thành lập the Union Intercoloniale [Liên hiệp thuộc địa], với mục đích đoàn kết các nhóm dân thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung giành độc lập từ tay người Pháp.[1] Nguyễn Ái Quốc vận dụng tài năng quảng bác của ông để làm việc chung với nhiều người có gốc gác khác nhau: ông thúc đẩy công nhân và sinh viên Việt hợp tác và khuyến khích họ tìm đến những điểm tương đồng với các nhóm dân thuộc địa khác sống dưới sự thống trị của Pháp.[2] Là chủ biên của Le Paria, tờ tạp chí hàng tháng của Liên hiệp thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi công nhân cũng như các nhà hoạt động từ các thuộc địa khác; ông làm việc ngày đêm để phân phát báo bên ngoài khuôn khổ nhà máy nhằm đến được với một lượng độc giả rộng rãi hơn. Cuối cùng, tờ báo có khoảng hai ngàn độc giả, bao gồm một số nhỏ ở thuộc địa, mặc dù tạp chí này không bao giờ thực sự là “diễn đàn của người vô sản thuộc địa” như nó tuyên bố.[3]Trớ trêu thay, Bộ Thuộc địa cũng hoạt động để tập hợp các nhóm di dân Việt ở Pháp lại với nhau. Vào năm 1920, bộ này bắt đầu bao cấp/ có tài trợ hàng năm gồm năm mươi ngàn francs cho AMI, với hy vọng thiết lập được sự kiểm soát đối với nhóm này và mở rộng hội viên cho cả những người không phải là sinh viên. Nhưng như ta sẽ thấy, qua nhiều năm, công nhân Việt có một mối quan hệ đầy trắc trở với AMI.

Công nhân Việt ở Pháp có những mối quan ngại mà cả AMI và Liên hiệp thuộc địa đều không mấy lưu tâm, dẫn đến việc công nhân phải thành lập các tổ chức của riêng họ. Trong số đó, hai tổ chức lớn nhất là Hiệp hội các Đầu bếp và Hiệp hội chung Indochina, cả hai đều đóng tại Paris.[4] Vào đầu những năm 1920, nhiều hội viên của các tổ chức công nhân này duy trì liên hệ mật thiết với Liên hiệp thuộc địa và PCF, trong khi những người khác lại liên kết với AMI; nhưng dù liên kết với ai thì họ cũng phát biểu rõ ngay từ đầu là họ có mục đích và những mối quan tâm riêng.[5]

Các quan hệ giữa người Việt ở Pháp trở nên ngày một tồi tệ sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Pháp đi Moscow vào năm 1923. Người được chính Nguyễn Ái Quốc chọn thay mình là Nguyễn Thế Truyền không chia sẻ cả tài năng lẫn những mối ưu tiên của vị tiền nhiệm. Là cháu của một tổng đốc và được đào tạo làm một kỹ sư hóa học, Nguyễn Thế Truyền đưa quan điểm của trí thức vào phong trào chống thực dân. Không giống Nguyễn Ái Quốc, ông không quan tâm xây dựng các liên hệ với các phong trào chống thực dân khác trong đế chế Pháp, cũng không thiết tìm cách thu hút công nhân. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ nhiều công sức vào Liên hiệp thuộc địa và tờ Le Paria; tờ này được xuất bản bằng tiếng Pháp, với các tựa đề có cả tiếng Việt và tiếng Ả-rập. Ngược lại, Nguyễn Thế Truyền sáng lập ra the Annamite Independence Party [Đảng Độc lập An Nam] (AIP) và mở những tờ báo chỉ dành riêng cho người Việt ở Pháp – những dự án mang mục đích dân tộc hơn là liên thuộc địa.[6]

Tờ báo đầu tiên của Nguyễn Thế Truyền, tờ Việt Nam Hồn, xuất bản bằng tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán – tất cả những ngôn ngữ được dạy cho người Việt. Tờ báo tiếp sau đó của ông, Phục Quốc, in song ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt; rồi ông bắt đầu xuất bản báo chỉ bằng tiếng Pháp – báo tiếng Pháp ít bị kiểm duyệt nhất.[7] (Cũng như ở thuộc địa, nhà cầm quyền Pháp khoan dung với những tư tưởng cấp tiến được thể hiện bằng tiếng Pháp hơn là bằng tiếng Việt, bất kể chủng tộc của người viết.) Những tờ báo tiếng Pháp này, L’Ame annamite [Hồn An Nam] và La Nation annamite [Dân tộc An Nam], được viết cho lớp độc giả người Việt thạo tiếng Pháp, và do đó phần lớn công nhân không đọc được. Các nhà xuất bản có tìm đến công nhân để được tài trợ, quảng bá và nhắc chung chung đến nhu cầu hợp tác.[8] Nhưng họ không tìm đến công nhân để tham vấn về tư tưởng.

Dù nuôi dưỡng mục đích dân tộc chủ nghĩa, Nguyễn Thế Truyền đã quản lý không tốt mối quan hệ với những người Việt thuộc tầng lớp lao động. Ông có tiếng là “ngạo mạn”; ông khăng khăng dùng tiếng Pháp ngay cả khi nói chuyện với những công nhân người Việt không thạo tiếng Pháp, và ông nổi tiếng là thiếu quan tâm tới những mối bận tâm bình thường của công nhân.[9]

Chẳng hạn, vào năm 1925, Đảng Cộng sản Pháp yêu cầu Liên hiệp Thuộc địa đề xuất một con số nhất định các ứng cử viên thuộc địa cho các cuộc bầu cử cấp thành phố. Đảng Cộng sản Pháp bối rối trước các chỉ trích rằng mình có tiếng là chậm chạp trước các vấn đề thuộc địa và muốn có thêm một số gương mặt không phải là da trắng trong các ứng cử viên của mình.[10] Giữa những quan ngại là được mời cho có, các nhà hoạt động Abdelkader Hadj Ali, Lamine Senghor và Max Clainville-Bloncourt miễn cưỡng đồng ý tham gia tranh cử.[11] Để có một ứng cử viên từ Đông Dương, Nguyễn Thế Truyền chọn Võ Thành Long, một thành viên người Việt có nhiều triển vọng của Liên hiệp Thuộc địa và một chức sắc (officer) của Hiệp hội những người bạn Đông Dương. Tuy nhiên, Võ Thành Long từ chối ra ứng cử, viện lẽ là ông ta “không có phương tiện cũng như tài năng cần thiết để tiến hành một chiến dịch như vậy; hơn nữa, ông lại là một viên chức trong bộ máy hành chính Pháp và việc [ra ứng cử] ấy có thể có thể gây rắc rối cho việc làm của ông.”[12]

Từ cuộc trao đổi này, ta có thể hiểu được một chút về quan hệ của Nguyễn Thế Truyền với những người Việt khác ở Paris. Trong số những người ông tiếp xúc hàng ngày, hẳn có rất nhiều sinh viên ông có thể thuyết phục đứng ra tranh cử, nhưng Đảng Cộng sản Pháp lại muốn có một công nhân. Dưới áp lực đó, ông chọn Võ Thành Long, một viên chức cổ cồn thay vì một người lao động chân tay. Võ Thành Long có thể nổi bật lên vì ông ta đã là hội viên của Liên hiệp Thuộc địa, vì ông ta đã đi học ở Sài Gòn và nói thạo tiếng Pháp, hoặc có thể vì ông ta có nghề nghiệp đứng đắn và ổn định. Tất cả những điều đó và nhiều khía cạnh khác đã khiến Võ Thành Long trở thành một thành viên khá dị thường của Travailleur Manuels Hiệp hội Lao động (chân tay). Trong những nét riêng biệt đó, có chi tiết là Võ Thành Long xuất thân từ An Nam (Trung kỳ), trong khi phần lớn công nhân là người Tonkin (Bắc kỳ) và phần lớn sinh viên là người Cochichina (Nam kỳ).[13] Trước chiến tranh, ông sang Pháp làm người hầu; ông tình nguyện nhập ngũ vào năm 1914, được thưởng Huân chương Chiến tranh (the Croix de Guere) vì bị thương trong một trận đánh vào năm 1915, rồi sau đó nhận được một học bổng của chính phủ để học tiếng Pháp. Sau khi hết học bổng, các viên chức thuộc địa gây áp lực hòng ép ông về nước. Nhưng thay vì hồi hương, ông mở một tiệm ăn có tên L’Indochinois [Đông Dương] ở vùng tây nam nước Pháp và đính hôn với một công nhân xưởng máy người Pháp trước khi trở lại Paris và giành được một vị trí trong bộ máy hành chính.[14] Tiểu sử đặc biệt này khiến Võ Thành Long trở thành một lựa chọn kỳ quặc nếu Đảng Cộng sản Pháp muốn mở rộng cầu nối với công nhân Việt ở Pháp và qua đó khiến họ thấy được hoan nghênh hơn. Hơn nữa, bằng việc từ chối tranh cử, Võ Thành Long hình như không ngại rằng bản thân, hay tổ chức của mình sẽ có lúc cần đến sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp.

(còn tiếp)

Chú thích

1. Liauzu, Aux origines, 105; William J. Duiker, Ho Chi Minh: A Life (New York: Hyperion, 2000), 78.
2. Ho Tai, Radicalism, 69–71.
3. Liauzu, Aux origines, 110–111; Quinn-Judge, Ho Chi Minh, 35–36; Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh, 204, 214.
4. Bản bị chú không ghi ngày tháng về các tổ chức của người Việt ở Pháp, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Thuật ngữ chỉ người Việt dưới thời thuộc địa đặt ra cho chúng ta vô số khó khăn. Các nhóm ở Paris không bao gồm người Lào hay người Campuchia, thậm chí cả khi họ sử dụng thuật ngữ “người Đông Dương”. Khi họ dùng thuật ngữ “An Nam,” họ muốn nói đến người Việt từ cả ba miền – không chỉ Trung kỳ. (Có rất ít người Việt miền Trung ở Paris. Xem Ho Tai, Radicalism, 71.) Hiệp hội các nhà đầu bếp Đông Dương vì vậy được biết đến như Hiệp hội các nhà đầu bếp An Nam. Khi trích dẫn, tôi sử dụng các thuật ngữ trong nguyên bản, nhưng ở những chỗ khác, tôi dùng chữ “người Việt.”
5. Agent Désiré report, February 26, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
6. Ho Tai, Radicalism, 232–233. Về Nguyễn Thế Truyền, cũng xem 54, 70, và 276n126, trong đó giải thích là cha của Nguyễn Thế Truyền trợ cấp tài chính cho ông sống ở Paris bất chấp các hoạt động cấp tiến của ông. Chính phủ Pháp coi Nguyễn Thế Truyền là cộng sản, nhưng thuật ngữ “cấp tiến” của Hồ Tài thì hợp với ông hơn. Cũng xem Hémery, “Du patriotisme,” 16.
7. Hémery, “Du patriotisme,” 16–17; Ho Tai, Radicalism, 232–233.
8. Agent Désiré report, December 29, 1926, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
9. Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh, 223.
10. Robert Wohl, French Communism in the Making, 1914–1924 (Stanford, CA: Stanford University Press, 1966), 407–411.
11. Philippe Dewitte, Les mouvements nègres en France, 1919–1939 (Paris: Harmattan, 1985), 109–110. Cả Hadj Ali và Senghor đều có xuất thân từ giai cấp lao động (107, 110); Senghor cũng phục vụ trong quân đội Pháp trong Thế chiến thứ I (111).
12. Chỉ điểm Désiré báo cáo về một cuộc họp giữa Abdelkader Hadj Ali, Nguyễn Thế Truyền và Võ Thành Long vào 13 tháng 3, 1925, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Võ Thành Long (còn gọi là Maurice Long) có thể có một lý do khác muốn tránh bị chú ý; khi phân tích các hồ sơ, tôi nghĩ Võ Thành Long có khả năng là một chỉ điểm cảnh sát.
13. Hémery, “Du patriotisme,” 6, 14, 22–23; Ho Tai, Radicalism, 57, 71, 241; McConnell, Leftward Journey, 120; Le Van Ho, “Travailleurs,” 234, 435. Phần lớn các cuộc tuyển mộ trong chiến tranh là từ Bắc kỳ, và làn sóng sinh viên sang Pháp vào thập niên 1920 là từ Nam kỳ. Nhưng những bằng chứng về xuất xứ của công nhân thời hậu chiến chỉ mang tính gợi ý chứ không mang tính kết luận. Để biết thêm, xin xem phần dưới tiểu mục “Công nhân và cuộc Đại khủng hoảng.”
14. Về tiểu sử thời trẻ của Võ Thành Long (1895-1918), xem the Archives du Gouvernement Général de l’Indochine, dossier 19453, CAOM.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143.

Bản tiếng Việt đăng trên talawas, phần 1, 12.9. 2010 và phần 2, 13.9.2010.

No comments:

Post a Comment