Monday, July 4, 2011

François Guillemot – Trực diện với cái chết và nỗi đau: vấn đề thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam (1950-1975) – phần 2

Phương Hoà dịch

II. Một lực lượng phục vụ chiến tranh: thành phần và cách nhận biết

Việc nghiên cứu lực lượng này – được hình thành từ một bộ phận của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh – đòi hỏi đi sâu tìm hiểu thành phần xã hội, sắc tộc hoặc địa phương của nó ngay cả khi những câu hỏi như: Ai? Ở đâu? và Bao nhiêu? vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề.

Việc tập hợp những TNXP đã tiến triển trong những năm chiến tranh, nhưng sơ đồ tổ chức của lực lượng này không hề thay đổi theo dòng thời gian. Do đó, công trình nghiên cứu của tôi đặc biệt tập trung hơn vào thời kỳ của những “TNXP chống Mỹ”, sơ đồ tổ chức của họ có dạng của một cấu trúc kim tự tháp mà trên đỉnh là Ban Bí thư Trung ương Đoàn, có Ban Chỉ đạo TNXP Trung ương tiếp sức. Ban Chỉ đạo này có dưới tay bốn Ban trọng yếu của TNXP có liên hệ với các cơ quan có sử dụng nhân lực của họ:

1. Ban Chỉ đạo TNXP tỉnh thành đoàn;
2. Ban Chỉ đạo TNXP ngành Giao thông Vận tải Trung ương;
3. Đoàn 559 phục vụ Quốc phòng [Đường mòn Hồ Chí Minh];
4. Ban Cán sự Thanh niên ngành Lâm nghiệp[1].

Xếp theo tầm mức quan trọng, ngành Giao thông Vận tải bỏ xa các cơ quan khác với 9 Cục và Ban có sử dụng các đơn vị TNXP: các Cục I, II, Đường sắt, Ôtô-ray, Đường sông, Đường biển, Quản lý Quân lương, các Ban 64 và 67. Ba phần tư số “TNXP chống Mỹ” được tuyển mộ được phân bổ vào các Cục và Ban này dưới sự lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Đoàn 559 – nổi tiếng vì được sử dụng vào việc mở Đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua rừng già – cũng tập hợp được khoảng 6.700 “Thanh niên Tình nguyện” trong số 120.000 quân mới tuyển[2].

Các Đội hoặc Tổng đội TNXP sau đó được chia thành Đại đội rồi thành Tiểu đội, đơn vị nền tảng của cấu trúc[3]. Các nhóm TNXP khác nhau thường mang một phiên hiệu riêng cho mình. Vì thế, người ta dễ nhận ra mỗi Liên đội, Đội, Đại đội hoặc Tiểu đội qua phiên hiệu của họ[4]. Từ 1965 đến 1975, Nguyễn Văn Đệ thống kê có đến 131 Đội, 34 Đại đội độc lập hoạt động tại các địa phương cũng như có 4 Đội khác không ghi rõ nguyên quán[5]. Tuy nhiên, thực hiện việc thống kê các Đội cho cả ba thời kỳ tuyển mộ không dễ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, có khoảng mười Đội không thay đổi phiên hiệu[6]. Thêm vào đó là một số vấn đề khác như việc xây dựng lại các đơn vị, đặc biệt là đối với các Đội đang lao động trên Đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc là việc cấp mã thiếu chính xác hay hoàn toàn tách biệt với công tác mã hóa thông thường[7].

Việc tuyển mộ xét theo vùng địa lý có thể được xác định lại căn cứ vào những chiến dịch động viên ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiến dịch mộ quân và tuyển chọn TNXP đầu tiên kể từ tháng 8 năm 1950 chủ yếu liên quan đến các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Để đáp ứng nhu cầu về người cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cung ứng phần lớn quân mới tuyển. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa, với việc huy động được 18.000 đội viên TNXP trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đã đóng góp nhiều nhất cho nỗ lực chiến tranh[8].

Trong thời kỳ từ 1965 đến 1975, việc tuyển mộ trở nên ồ ạt và thường xuyên để đáp ứng sự phát triển và những bất trắc của chiến tranh. Phạm vi địa lý của việc tuyển mộ bao gồm 24 tỉnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng chỉ một vài tỉnh mới chứng tỏ được phần đóng góp quan trọng của mình. Trên thực tế, đứng đầu vẫn là tỉnh Thanh Hóa khi, theo số liệu báo cáo, đã mộ được từ 33.000 đến 43.000 thanh niên sẵn sàng đưa ra phục vụ chiến tranh (chiếm khoảng 25% trên tổng số). Ba tỉnh khác là Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Hà theo sau với phần đóng góp là gần 15.000 người cho mỗi tỉnh. Ba tỉnh mới (Hải Hưng, Thái Bình, Quảng Bình) nối gót toán dẫn đầu này với một nỗ lực đóng góp từ 6.000 đến 10.000 quân mới tuyển. Bảy tỉnh này góp tổng cộng hơn 70% lực lượng TNXP trong thời kỳ chống Mỹ. Việc tuyển mộ cũng được triển khai theo vùng địa lý gắn liền với những địa phương gần mặt trận, chủ yếu liên quan đến ba khu vực sau đây: những vùng phụ cận ngay sát đường biên giới và Đường mòn Hồ Chí Minh, chung quanh khu vực cảng Hải Phòng và thành phố Hà Nội (tuyển được khoảng 6.000 quân).

Những chiến dịch tuyển mộ cũng tuân theo một lịch phân chia định kỳ rõ rệt. Như tôi đã đề cập đến việc này trên đây, từ 1965 đến 1975, những TNXP được tuyển ồ ạt qua ba thời kỳ, mỗi thời kỳ có hạn phục vụ là ba năm, theo thống kê sau đây của Nguyễn Văn Đệ: thời kỳ I, từ 1965 đến 1967, tuyển được 73.851 người (với 25 đợt tuyển); thời kỳ II, từ 1968 đến 1971, tuyển được 27.770 người (với 15 đợt tuyển); thời kỳ III, từ 1972 đến 1975, tuyển được 41.770 người (với 35 đợt tuyển)[9]. Thời kỳ đầu tiên từ 1965 đến 1967 cho thấy một tỷ lệ tuyển mộ rất cao (chiếm 51,50% trên tổng số), điều này được lý giải như là việc khởi động thế trận kháng chiến và tổng động viên các lực lượng quốc gia phục vụ mặt trận (các chiến dịch “Ba Sẵn Sàng” và “Ba Đảm Đang”).

Tuy không đi sâu nghiên cứu xã hội học, việc tuyển mộ TNXP do đây vẫn là một công việc tự thân nó còn phải làm rất nhiều, vấn đề thành phần xã hội của TNXP cũng cần được đặt ra. Những người được tuyển mộ là ai? Về mặt chính thức, việc tuyển mộ hoàn toàn nhắm vào những thanh niên không phân biệt giai cấp xã hội, tôn giáo, nguồn gốc sắc tộc, nhưng trên thực tế thì lại không mấy rõ ràng.[10] Đại đa số TNXP đều được chọn từ thanh niên nông thôn: “chủ yếu là thanh niên xuất thân từ các hợp tác xã nông nghiệp, học sinh các trường sơ cấp và chuyên nghiệp và con em cán bộ.[11] Trong số họ, đa phần là những thiếu niên nam nữ tuổi từ 15 đến 20. Trong nhiều trường hợp, tuổi quy định để gia nhập TNXP hạ xuống còn 13 tuổi. Đó chính là trường hợp đặc biệt của những nhóm “TNXP Giải phóng Miền Nam” có độ tuổi từ 13 đến 24 tuổi[12]. Trong số những thanh nữ được tuyển thì học sinh nữ hiện diện rất thường xuyên. Do đó, một báo cáo của chiến dịch thi đua năm 1967 chỉ rõ ra rằng “một số khá đông những học sinh nữ cấp II và III đã tạm thời rời khỏi ghế nhà trường để nắm lấy cơ hội duy nhất này – chỉ xảy ra một lần mỗi thế kỷ – để đem thân phục vụ cho Tổ quốc[13]. Điều này cho phép hiểu ngầm rằng những thanh nữ 12 hoặc 13 tuổi cũng có thể được tuyển trong trường hợp cần thiết.

Đối với những thiếu niên-lính này (thậm chí trong một vài trường hợp là trẻ em-lính), vũ khí chỉ là cuốc chim đơn giản, xẻng lớn và hành trang trí thức ít ỏi mang theo người chỉ là vài năm học sơ cấp ở trường. Họ gặp nhau và chỉ trong mấy ngày là bị đẩy ra tuyến lửa. Không có kiến thức quân sự, tất cả họ đều được huấn luyện tại chỗ như câu khẩu hiệu “Khắc làm, khắc biết” đã tóm ý[14]. Đối với những học sinh nữ ở các thành phố chẳng biết gì ngoài việc cầm bút, tham gia các công việc lặt vặt trong gia đình, hãy còn được mẹ nuông chiều và ban đêm vẫn còn sợ ma thì sự hụt hẫng của họ thật dữ dội[15]. Sau khi được tập hợp và biên chế thành đơn vị, những TNXP được nhanh chóng gởi ra tuyến lửa. Văn Tùng và Nguyễn Hồng Thanh nhắc lại những điều kiện khủng khiếp của chuyến lên đường ra mặt trận:

"Nhiều đội viên chưa một lần xa nhà. Phần lớn họ là thanh niên nông thôn, chưa quen đi bộ đường xa 5 – 7 km, nay phải hành quân mang nặng, phải trèo đèo, lội suối , qua truông dài hun hút. Có đơn vị khi lên đường vẫn chưa có dép, hoặc có nhưng không đúng cỡ, phần lớn anh em phải đi chân đất, bàn chân phồng rộp. Một số đội viên TNXP đã ngã xuống ngay trên đường hành quân, vì bom đạn Mỹ hoặc do rắn cắn, chưa kịp một ngày cống hiến.”[16]

Về việc cung cấp, thông tư ngày 30 tháng 6 năm 1965 có quy định về khẩu phần, lương bổng, trang phục, nhưng tất cả đều thiếu. Về mặt thực phẩm, ngày 11 tháng tám 1965, Bộ Nội vụ ra sắc lệnh về khẩu phần lương thực chính thức hằng tháng phải phân phối cho các TNXP[17]. Dù cho rất rõ ràng, những sắc lệnh có liên quan đến việc tiếp tế vẫn đơn thuần mang tính lý thuyết và hoàn toàn không phù hợp với thực tế khắc nghiệt của chiến trường. Do Mỹ ném bom thường xuyên nên tình trạng thiếu thốn (lương thực và quần áo) rất phổ biến, không thể thực hiện việc tiếp tế liên tục hay đều đặn được[18].

Khi phân tích ngắn gọn về thành phần của lực lượng này, tôi tưởng cũng nên đi sâu vào tỷ lệ đàn ông/đàn bà (thậm chí có thể nói tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái căn cứ vào tuổi của một vài em trong số đó). Từ năm 1965, việc tuyển mộ ồ ạt thanh niên mới cho các đoàn “TNXP chống Mỹ cứu nước” chính thức đưa tỷ lệ hiện diện của nữ trong lực lượng lên trên 50%[19]. Trên Đường mòn Hồ Chí Minh, TNXP của Đoàn 559 hầu như gồm toàn các cô gái. Trong một vài Đội, tỷ lệ thanh nữ chiếm hơn 70%[20]. Đại đội 551 (TNXP 55) gồm 105 nữ trên 131 đội viên với tỷ lệ là 80%[21]. Đại đội TNXP 873 (được thành lập ngày 2 tháng giêng năm 1966) có 170 nữ trên 200 quân được tuyển, tỷ lệ là 85%[22]. Một số nhóm khác do nam giới chỉ huy thì gồm toàn thanh nữ như trường hợp Đại đội 512 có nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, Đại đội 459 làm công tác công binh trên dãy Trường Sơn hoặc Đại đội C333 nổi danh do được Hồ Chí Minh khen thưởng[23].

Những cô gái này làm đủ thứ công việc: xung phong gỡ mìn, lái xe tải nặng, làm y tá cấp cứu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, lấp hố bom… Những câu chuyện kể về họ đều giống nhau, đan xen giữa sự hy sinh vô hạn, lòng dũng cảm mẫu mực và định mệnh đau thương không thể tránh khỏi. Hiện nay, những nữ anh hùng tập thể có số phận gắn liền với nhau này đều được đưa vào đền thờ các liệt sĩ được sử sách chính thức công nhận. Trong số những nữ liệt sĩ nổi tiếng nhất, phải kể đến: mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc ở tỉnh Hà Tĩnh và mười hai cô gái ở Truông Bồn trong tỉnh Nghệ An[24]. Đặc biệt, mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc) ở tỉnh Hà Tĩnh được thần thánh hóa và người ta đã dựng lên một đài tưởng niệm nguy nga để tôn vinh họ[25]. Tiểu chú chính thức về họ được ghi như sau: “Ngày 24 tháng bảy 1968, sau 18 lần địch đánh phá, một loạt bom thả trúng vào hầm, mười cô gái Đồng Lộc đã hy sinh vào lúc năm giờ chiều, trong tư thế tay vẫn cầm dụng cụ sản xuất[26] Với những dụng cụ như xẻng, cuốc chim, xô, các công cụ của thợ cơ khí trong tay, thì dù tràn đầy lòng dũng cảm và ý chí, việc chống chọi lại sức tấn công của bom pháo thường vẫn là vô nghĩa.

Những nỗi đau dai dẳng vẫn còn hằn sâu trong suốt những năm hậu chiến. Những địa điểm hiểm nguy nhất đã được các cựu TNXP đặt cho những cái tên rất cụ thể: “Cửa tử thần”, “Đèo lò lửa”, “Ngã tư thịt chó”, “Ngã ba âm phủ”, “Đồi thịt xáo”, “Đất của những hồn ma kêu hú”, “Thung lũng những oan hồn lạc lối”[27]. Đường 20 tháng bảy, được đặt tên lại là “đường Quyết Thắng”, hiển nhiên là ví dụ tiêu biểu nhất cho những cửa tử thần này. Trong vòng chưa đầy một năm, nơi đó đã có 200 đội viên TNXP tử nạn và 700 người khác bị thương[28]. Lại một ví dụ khác, từ tháng ba đến tháng 10 năm 1968, tại Ngã Ba Đồng Lộc, chốt chặn tất yếu phải vượt qua trên đường Nam tiến phát xuất từ Đường mòn Hồ Chí Minh (Đường mòn HCM), máy bay B52 đã thả 48.600 quả bom đủ mọi loại[29]. Lịch sử của lực lượng này được đánh dấu bằng hàng loạt địa danh bị nguyền rủa cũng như biết bao nấm mộ ngoài trời. Trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương, những tên đồi, tên ngã tư và tên đường giao thông chiến lược do TNXP đặt đã đi vào lịch sử và trở thành những nơi của hồi ức.

Phụ lục 1

Tổng cộng tạm thời về số lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tính theo các tỉnh

Province Nombre de TNXP Pourcentage Autres estimations
1 Thanh Hóa 33.800 23,77 % + de 40.000
2 Nghệ An 16.800 11,81 % + de 18.000
3 Hà Tĩnh 14.970 10,52 %
4 Nam Hà 14.660 10,31 %


80.230 Sous-total 56,41%
5 Hải Hưng 8.750 6,15 %
6 Thái Bình 8.350 5,87 %
7 Quảng Bình 6.500 4,57 %


103.830 73,02 %
8 TP Hải Phòng 4.450 3,13
9 TP Hà Nội 4.349 3,05 + de 6.000
10 Lạng Sơn 4.100 2,88
11 Vĩnh Phúc 4.020 2,82
12 Hà Tây 3.950 2,77
13 Bắc Thái 3.200 2,25
14 Ninh Bình 2.600 1,83 ≈ 5000 (Lê Thi)
15 Hà Bắc 2.380 1,67
16 Tuyên Quang 1.500 1,05
17 Lào Cai 700 0,49
18 Lai Châu 650 0,45
19 Sơn La 500 0,35
20 Cao Bằng 500 0,35
21 Khu Vĩnh Linh 450 0,31
22 Quảng Ninh 400 0,28
23 Hòa Bình 304 0,21
24 Yên Bái 248 0,17

Indéterminé 4.060 2,85

Total 142.191

Bảng thống kê do Nguyễn Văn Đệ cung cấp trong Nguyễn Văn Đệ , Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung), Hà Nội , Nxb Giao Thông Vận Tải, 2004, tái bản lần thứ nhất tr. 207-219.

(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 François Guillemot và Phương Hoà
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] “Sơ đồ hệ thống tổ chức lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung)”, trong Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, xem sơ đồ giữa các tr. 240 và 241.
[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-1975), Hanoi, Nxb QĐND, 2005, tr. 524. Nhiều TNXP giữ những điểm binh trạm rải trên khắp đường mòn.
[3] Một tổng đội gồm từ 500 đến 1.500 người, một đại đội gồm 150 đến 200, một tiểu đội gồm 10 đến 15 người (Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam, tr. 249). Từ 1965 và 1975, ba Tổng đội được thành lập để hợp nhất 3 đại đội miền.
[4] Các con số được sử dụng theo một hợp lý riêng. Đối với TNXP chống Mỹ cứu nước, số đầu tiên là 21 được gán cho Đại đội Thanh Hóa là ngày thành lập chính thức (21/6/1965) trong giai đoạn 1965-1975. Nói chung Đội TNXP gồm chữ cái N theo sau hai con số, Đại đội TNXP, chữ cái C theo sau là 3 số, hai số đầu là dành cho Đại đội (Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), TNXP những trang oanh liệt, tr. 37-38; Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 221).
[5] Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 220.
[6] Đội TNXP: 25, 39, 45, 53, 55, 57, 73, 75, 91, 99 (Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), TNXP những trang oanh liệt, tr. 38).
[7] Xem phân tích và thống kê của Nguyễn Văn Đệ: Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 220-239. Trong việc nhận dạng và tái lập, Nguyễn Văn Đệ lưu ý rõ các khó khăn (tr. 237-239).
[8] Mai Xuân Minh, “Sáng mãi truyền thống TNXP Thanh Hóa”, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tr. 187.
[9] Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 198-204 (bảng).
[10] Lê Phong Thái, Tổ chức và hoạt động của đội TNXP chống Mỹ, cứu nước cơ sở, Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 1967, tr. 7-8.
[11] Trần Hữu Đính, “Phong trào thi đua của giai cấp công nhân miền Bắc”, tr. 9; Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử  TNXP Việt Nam, tr. 279.
[12] Đặng Hoàng Thám, “Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ – Một thời hào hùng”, Báo Cần Thơ (19-3-2007); Minh Tâm, “Đi tìm ‘những bông hoa trên tuyến lửa’ ”, Tuổi Trẻ (24-8-2005).
[13] Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung toàn miền Bắc lần thứ nhất (lưu hành nội bộ), Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 1967, tr. 15. Cấp II và III tương ứng với lứa tuổi từ 11 đến 18.
[14] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 58.
[15] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 57-58.
[16] Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam, tr. 278-279.
[17] Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 45. (Chỉ thị số 552, 11/8/1965, Bộ Nội thương).
[18] Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam, tr. 320.
[19] Những đánh giá ban đầu của Nguyễn Văn Đệ cho một tỉ lệ là 51%. Trong 138.000 thành viên TNXP có 70.000 nữ (Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 70).
[20] Ví dụ trong hơn 400 tân binh của Đại đội 51 TNXP Hà Nội có 72% nữ (Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 66).
[21] “Đại đội 551, Đội TNXP 55 (Thuộc ty Giao thông Hà Tĩnh)”, Anh hùng quê hương  (1945-1973), Ty Thông tin Hà Tĩnh xuất bản, 1975.
[22] Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), TNXP những trang oanh liệt, tr. 97.
[23] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 66, 68 và 70.
[24] Về những tập thể nữ anh hùng, xem: Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 105-148.
[25] Nghiêm Văn Tân, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, truyện ký, Hà Nội, Nxb Phụ Nữ, 2006; Võ An Khánh, “Ngã ba Đồng Lộc – Mảnh đất thiêng”, Báo điện tử Cần Thơ (23-7-2006).
[26] “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc (thuộc Ty Giao thông Hà Tĩnh)”, Anh hùng quê huong, 1975.
[27] Thể hiện trong hai tiểu thuyết lớn về chiến tranh thời “Đổi mới”: Dương Thu Hương, Roman sans titre [Tiểu thuyết vô đề], Paris, Editions des Femmes, 1992, xem tr. 7 (“vực Cô hồn”) và tr. 181 (“thung lũng Bảy oan hồn”); Bảo Ninh, Le chagrin de la guerre [Nỗi buồn chiến tranh], Arles, Editions Philippe Picquier, 1994, tr. 15, 50, 54 (“truông Gọi Hồn”) và tr. 55 (“Đồi xáo thịt”). Xem Lê Cao Đài, C’était au Tây Nguyên. Journal de guerre d’un chirurgien nord-vietnamien [Tây Nguyên ngày ấy], Hanoi, Editions Thế Giới, 2006 , tr. 36 (“cửa tử”), tr. 37 (“Ngã ba thịt chó”); Trần Đình Thùy, Vượt Trường Sơn mở đường Quyết thắng, Hà Nội, Nxb Giao Thông Vận Tải, 1998, tr. 29 (“Đèo lửa”); Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 87 (“Ngã ba âm phủ”).
[28] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 83-84.
[29] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 108.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, Number 3, Fall 2009. Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có sự hiệu đính của tác giả. Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 22.4.2010.

No comments:

Post a Comment