Thursday, September 1, 2011

Katerina Clark - Vai trò đặc biệt của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trong văn hoá Xô-viết (phần 1 & phần 2)

“Lời giới thiệu” cho cuốn Tiểu thuyết Xô-viết: Lịch sử như một điển lễ (The Soviet Novel: History as Ritual)

Hoài Phi dịch

Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là gì? Trước hết, nó không phải là một chủ thuyết đơn nhất. Giờ đây, chúng ta đã biết rằng cái ông ba bị chín quai ngày trước, “chủ nghĩa cộng sản nguyên khối (monolithic communism)”, không hề tồn tại; thay vì vậy, có nhiều loại chủ nghĩa cộng sản khác nhau. Tương tự, ta cũng có nhiều loại chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa khác nhau. Các nước khác nhau, các đảng chính trị khác nhau, và các nhà phê bình với những partis pris (“định kiến”) khác nhau đều rút ra những định nghĩa khác nhau về chủ nghĩa này.

Thậm chí nếu như ta hạn chế Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trong nghĩa “văn học Xô-viết được chính thức bảo trợ”, thì cũng có thể thấy rõ ngay được là trong nhiều diễn giải kinh điển khác nhau về Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa [của nền văn học này – ND], không hề có một phiên bản nào mà không thể gây tranh cãi và có sức bao quát toàn diện, theo bất kỳ nghĩa nào. Một số tuyên ngôn chính thức về lý luận của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa (rằng, chẳng hạn, văn học cần “lạc quan”, văn học cần “dễ hiểu” đối với quần chúng, văn học cần có “tính đảng”) có một tầm quan trọng nào đấy, nhưng chúng quá chung chung để có thể hướng dẫn cho một thực hành đặc biệt như vậy.

Ðể có được giải đáp cho câu hỏi Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là gì, ta nên tìm trong những ví dụ thực tiễn, chứ không phải trong các bài bản lý luận. Các học giả Xô-viết đã tranh luận về chuyện Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa có nghĩa là gì ngay từ khi thuật ngữ này xuất hiện vào năm 1932; các cuộc tranh luận của họ, về bản chất, chỉ là công việc chẻ tư sợi tóc trong học thuật. Chẳng hạn, các học giả đã tranh cãi về vấn đề một tác phẩm [hiện thực xã hội chủ nghĩa] cần bao nhiêu chất “hiện thực” và bao nhiêu chất “lãng mạn”. [1] Trong khi đó, Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa đã phát triển thành một thực tiễn văn học được ước lệ hoá cao độ. Do vậy, thay vì việc đi sâu vào những lý luận “kiểu Byzantine” (= quá phức tạp và chi tiết) xoay quanh câu hỏi “Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là gì?”, tôi sẽ áp dụng một cách tiếp cận hoàn toàn thực dụng và định nghĩa Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa Xô-viết như một học thuyết chính kinh, được định hình bởi các kinh thư tuyên giáo của nó [2] .

Không có ở đâu mà Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa Xô-viết lại được ước lệ hoá cao như trong đối tượng nghiên cứu của cuốn sách này: tiểu thuyết. Mặc dù – trong chừng mực nhất định – tính khuôn sáo của tiểu thuyết được chính thức dung dưỡng, cội nguồn của chúng không phải là các tuyên bố lý thuyết, mà là các tiểu thuyết chính quy “kiểu mẫu”. Kể từ năm 1932, khi Hội Nhà văn Liên Xô được thành lập và Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa được tuyên bố là phương pháp duy nhất thích hợp với văn học Xô-viết, phần lớn các tuyên ngôn chính thức về văn học, đặc biệt là các báo cáo mở đầu mọi Ðại hội Nhà văn, đều bao gồm một danh sách ngắn những tác phẩm mẫu (obrazcy) có mục đích hướng dẫn các nhà văn viết các tác phẩm tương lai (xem Phụ lục B). Mỗi phiên bản mới của danh sách này đều bao gồm những tác phẩm kinh điển chính thức của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa làm nòng cốt; một vài tác phẩm mới xuất bản khi đó sẽ được thêm vào danh sách. Không hề có một danh sách nào được lặp lại, và những tác phẩm được thêm vào trong danh sách này thường bị loại ra khỏi danh sách sau. Nhưng vẫn có một số tiểu thuyết được kể tên đủ thường xuyên để có thể được xếp vào danh sách các kinh điển: Người mẹKlim Samgin của M. Gorky; Sa-pa-ép của D. Furmanov; Cơn lũ thép của A. Serafimovich; Xi măng của F. Gladkov; Sông Ðông êm đềmÐất vỡ hoang của M. Sholokhov; Con đường đau khổ Pie Ðệ Nhất của A. Tolstoy; Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovsky; Chiến bạiÐội cận vệ thanh niên của A. Fadeev.

Những tác phẩm kinh điển đó là nhân tố cốt yếu trong việc định hình tiểu thuyết Xô-viết. Có khá nhiều kích thích tố bên ngoài khiến người ta noi theo các mẫu mực này, ngoài lý do đơn thuần do chúng được các tiếng nói quyền lực viện dẫn. Trong những năm đầu của thập niên 1930, một viện văn học đã được thành lập để đào tạo các nhà văn kiểu mới đi theo các khuôn mẫu đó. Tiền bản quyền ở mức ưu đãi và những tiền đồ khả quan khác – tỷ như dacha (nhà nghỉ ngoại ô) và phiếu tham dự các trại sáng tác văn học – treo lơ lửng trước mắt các nhà văn, sai khiến họ đi theo những tục lệ quan phương đang phát triển của tiểu thuyết Xô-viết. Nói cách khác, khi tiếng nói quyền lực cất lên, “Hãy xây dựng thêm các anh hùng như X (nhân vật của một cuốn tiểu thuyết mẫu nào đó)”, thì lời nói đó sẽ không chỉ rót vào những đôi tai điếc.

Kết quả là, việc viết tiểu thuyết nhanh chóng trở thành cái có thể so sánh được với những thủ tục mà các họa sĩ vẽ tranh thánh (ikon) thời trung cổ đã tuân thủ. Giống như các hoạ sĩ vẽ ikon tham khảo các bức tranh gốc để tìm góc chuẩn xác cho bàn tay của một vị thánh nào đó, hay để tìm những gam màu đúng cho một chủ đề nhất định, vân vân, các tiểu thuyết gia Xô-viết cũng sao chép các cử chỉ, nét mặt, hành động, biểu tượng… được sử dụng trong nhiều tác phẩm mẫu khác nhau.

Nhà văn Xô-viết không chỉ sao chép những tỷ dụ (trope), nhân vật hay tình tiết riêng lẻ từ các tác phẩm mẫu; anh ta tổ chức toàn bộ cấu trúc cốt truyện trên nền tảng của những mô hình có sẵn trong các khuôn mẫu đó. Từ giữa thập niên 1930 trở đi, phần lớn các tiểu thuyết, trên thực tế, được viết theo một cốt truyện chủ đạo (master plot) đơn nhất; đến lượt mình, cốt truyện này lại đại diện cho sự tổng hợp từ một số cốt truyện trong vài tác phẩm mẫu chính thức (chủ yếu là Người mẹ của Gorky và Xi măng của Gladkov).

Mô hình định hướng này không giải thích tất cả mọi điều trong một cuốn tiểu thuyết Xô-viết bất kỳ nào đó. Bất chấp việc phương Tây thường cáo buộc là tiểu thuyết Xô-viết khuôn sáo và lặp lại, trên thực tế, không phải mọi tiểu thuyết chỉ là việc tái tạo lại một công thức đơn nhất. Xem xét bất kỳ một tiểu thuyết riêng lẻ nào, ta phải phân biệt giữa một bên là cốt truyện bao quát hay cấu trúc vĩ mô, và bên kia là những cấu trúc vi mô, những đơn vị nhỏ hơn, được nối lại với nhau bởi công thức định hình này – các tình tiết phụ trợ (subplots), những tiểu đoạn / tiểu luận ngoài chủ đề (digressions), vân vân. Nếu xem xét một tiểu thuyết trên cơ sở những đơn vị nhỏ hơn này, ta sẽ thấy rất nhiều trong số chúng có hơi hướng báo chí và thời sự; chẳng hạn, chúng có thể nhằm ca ngợi một thành tựu mới của Liên-Xô, hoặc hợp lý hoá một sắc lệnh hay một chính sách mới. Nói cách khác, phần lớn chúng được dựa trên những chất liệu phù du, nhất thời.

Nhưng cốt truyện bao quát của tiểu thuyết [Xô-viết] thì không phù du – có nghĩa là nó không bị trói buộc vào một thời gian cụ thể nào. Nếu cốt truyện của một pho tiểu thuyết bị tước đi toàn bộ mọi đề cập về thời gian và địa điểm cụ thể, hay về một chủ đề nhất định nào đó, thì nó có thể được chắt lọc thành một thứ nước cốt mang tính khái quát cao độ. Trên thực tế, phiên bản trừu tượng này của cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết Xô-viết nào đấy là yếu tố được định hình bởi cốt truyện chủ đạo.

Nếu một cuốn tiểu thuyết được viết thành kinh điển, cốt truyện chủ đạo này sẽ điều khiển các thời khắc quan trọng nhất trong tiểu thuyết – mở đầu, cao trào và kết thúc. Với phần còn lại, cốt truyện chủ đạo có thể chỉ cung cấp những chỉ dẫn chung chung, cùng với một loạt các biểu tượng, các motif… để sử dụng trong những hoàn cảnh có tính công thức nhất định. Song le, thể tài phổ biến nhất trong tiểu thuyết Xô-viết, tiểu thuyết về hoạt động lao động sản xuất, thì thường sử dụng phiên bản đầy đủ của cốt truyện chủ đạo (xem Phụ lục A): chức năng kinh điển trong trường hợp này điều khiển toàn bộ tiến trình của pho tiểu thuyết.

Không phải tất cả tiểu thuyết Xô-viết đều [được phát triển] nương theo cốt truyện chủ đạo. Thậm chí không phải tất cả những tiểu thuyết có tên trong danh sách tác phẩm kinh điển đều răm rắp tuân theo nó. Chẳng hạn, Sông Ðông êm đềm, một tác phẩm chính thống kinh điển, chỉ cho thấy dấu vết thảng hoặc của cốt truyện chủ đạo, và các dấu vết này liên quan đến những nhân vật phụ là chủ yếu. [3] Do đó, mặc dầu về mặt thống kê, đại đa số các tiểu thuyết Xô-viết (hay tiểu thuyết Xta-lin-nít) ít nhiều đều tựa trên cốt truyện chủ đạo như giả thuyết của tôi, vị thế của cốt truyện chủ đạo trong vai trò quyết định truyền thống của tiểu thuyết Xô-viết không phụ thuộc vào tỉ lệ phần trăm số các tiểu thuyết thực sự rập khuôn theo nó, bởi vì cốt truyện chủ đạo không hề bừa ẩu hay thất thường trong chuỗi sự kiện do nó tạo ra: nó minh hoạ những giáo lý chính yếu trong hệ tư tưởng.

Cốt truyện chủ đạo là một mối liên kết, kết nối phần lớn tiểu thuyết thời Stalin, và, trong một chừng mực ít hơn, cả những tiểu thuyết thời hậu Stalin. Thậm chí tôi có thể nói rằng nó chính là Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa: để một tiểu thuyết Xô-viết có tính hiện thực xã hội chủ nghĩa, nó phải sao chép lại cốt truyện chủ đạo.

Nguồn của cốt truyện chủ đạo là gì? Rõ ràng là cốt truyện này không khởi phát từ chân không. Các nhà văn Xô-viết thập niên 1930 có biết thao tác hay phép chuyển nghĩa nào từ những tiểu thuyết khác nhau được chọn làm mẫu để sao chép lại không? Họ có biết gắn các mảnh miếng lại với nhau như thế nào để tạo ra một cái khung truyện kể mạch lạc hay không, và nếu có, làm thế nào mà họ biết?

Sự phát triển của truyền thống hiện thực xã hội chủ nghĩa có nương nhờ vào tài nghệ khéo léo của các nhà văn, nhưng tiến trình này có quy mô lớn hơn là phạm vi thuần tuý văn chương. Hiển nhiên, chính trị có đóng vai trò trong đó. Không ai có thể phân tích được động lực phát triển của cốt truyện chủ đạo hay ý nghĩa của những thành phần công thức của nó mà không xem xét đến, một mặt, quan hệ của nó với chính trị - tư tưởng và, mặt kia, với truyền thống văn học. Nhìn chung, ở phương Tây người ta cho rằng nội dung của tiểu thuyết Xô-viết là do nhà cầm quyền truyền xuống, hoặc được thiết kế một cách mù quáng để làm vừa lòng giới cầm quyền. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng đây là một tình trạng phi tự nhiên, bởi theo họ, lẽ thường là văn chương (về cơ bản) phải được tự trị. Theo quan niệm này, văn học Xô-viết – nếu muốn hoàn thành được cái vai trò cao quý mà giới trí thức Nga theo truyền thống đã gán cho nó – phải “truyền” ý tưởng “xuống” cho xã hội. Ðương nhiên, “tình trạng phi tự nhiên” này đã không thể tồn tại mà không vấp phải sự phản kháng. Giới quan sát phương Tây có xu hướng coi lịch sử trí thức Xô Viết như một thiên sử thi tranh đấu giữa “chế độ” và “các nhà trí thức”, hoặc – trong nội bộ giới trí thức Xô-viết – giữa một bên là phe “cực đoan” hay “bảo thủ” ủng hộ chế độ và bên kia là phe “cấp tiến”, những người muốn “dây trói” (chẳng hạn việc bị buộc phải theo cốt truyện chủ đạo) được nới lỏng hơn; có thể là họ (những trí thức “cấp tiến” – ND) muốn tái hiện hiện thực theo những cách phức tạp hơn, thậm chí mang nhiều phong cách Tây phương hơn. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các tư tưởng cựu hữu trong nhóm các nhà bất đồng chính kiến Xô-viết gần đây cũng khiến chúng ta cần xem xét lại [nhãn quan Tây phương – ND].

Vấn đề của cách tiếp cận lịch sử này không phải ở chỗ các cách phân loại đó không chính xác, mà ở chỗ nó mang tới ảo tưởng là hai phe – “chế độ” đối lập với “trí thức” – là hai hệ thống hoàn toàn tự do và tự trị. [Trên thực tế,] hai hệ thống này quấn bện nhau chặt chẽ hơn nhiều so với hầu hết các nền văn hoá khác. Hơn nữa, ở Liên Xô, chẳng có một thứ ngoại-lịch-sử (extrahistorical) nào được gọi là “Chính phủ” hay “Ðảng”. Cả hai đều là những nhánh chức năng của một hệ thống lớn hơn của nền văn hoá đại cục mà chúng thuộc về. Thật ra, bản thân Ðảng cũng chỉ là một nhóm trong cái giai cấp lớn hơn được gọi là giới trí thức. Hơn nữa, trong nội bộ Ðảng cũng có rất nhiều tranh cãi, và như chúng ta biết, có những khi Ðảng chấp nhận những giá trị trước đó đã được một nhóm bất đồng chính kiến nào đó cổ vũ. Tương tự, việc chúng ta bắt đầu không tin vào sự tồn tại của một một hệ thống văn chương độc lập đang ngày càng tăng lên.

Vì những lẽ trên, cốt truyện chủ đạo không chỉ đơn thuần được “truyền” từ trên “xuống” cho các nhà văn Xô-viết. Tất nhiên, việc giới lãnh đạo cổ vũ cho việc kinh điển hoá cốt truyện chủ đạo là sự thật, và việc họ hạn chế phạm vi của các khả năng tiếp cận văn chương khiến chúng trở nên rất chật hẹp cũng là sự thật. Tuy nhiên, sự chuyển động từ chính trị - tư tưởng sang văn học còn lâu mới là đường một chiều.

Quan hệ của các nhân tố văn chương với các nhân tố ngoài văn chương bao giờ cũng phức tạp. Một mặt, văn chương là một nhóm tự trị, có những truyền thống riêng của nó, và làm phát sinh ra những thể thức mới trong lòng những truyền thống đó; mặt khác, văn học không bao giờ có thể hoàn toàn độc lập tách khỏi những khía cạnh ngoài văn chương trong nền văn hoá của chính nó, bởi nếu văn học đứng độc lập, thì các ký hiệu (sign) của nó sẽ vô nghĩa. Văn học có tác động qua lại với nhiều khía cạnh khác của văn hoá, không chỉ với chính trị và tư tưởng. Tôi dùng từ “có tác động qua lại”, vì văn học không bao giờ đơn thuần “phản ánh” các vấn đề ngoài văn chương; nó luôn luôn thay đổi các vấn đề đó cho hợp với truyền thống của chính văn chương. Theo Bakhtin (“Medvedev”), quá trình tác động qua lại này mang tính biện chứng:

“Sáng tạo nghệ thuật… bị cuốn vào… các xung đột và mâu thuẫn [bên trong phạm vi tư tưởng]. Nó được thấm nhuần và (chủ động – ND) hấp thụ một số các yếu tố trong môi trường tư tưởng, và thải ra các yếu tố khác ngoài nó. Do đó, trong tiến trình lịch sử, “cái bên ngoài (extrinsic)” và “cái bên trong (intrinsic)” thay đổi chỗ cho nhau một cách biện chứng, và đương nhiên, trong quá trình đổi chỗ đó, chúng cũng thay đổi. Những cái ngày hôm nay còn là bên ngoài đối với văn học, cái thực tế ngoài-văn-chương (extra-literary), ngày hôm sau có thể đi vào văn học như một nhân tố bên trong, mang tính xây dựng. Và cái là văn học hôm nay có thể trở thành một thực tế ngoài-văn-chương ngày mai.” [4]

Ở Liên-Xô, tác động qua lại giữa hai thế giới văn chương và phi văn chương thậm chí còn gần gũi hơn ở những nơi khác nói chung; chẳng hạn, người ta thường khó thấy được ranh giới giữa văn chương và báo chí. Sở dĩ có điều này là bởi vì văn học Nga hiện đại và các phương tiện truyền thông vốn có truyền thống gần gũi nhau, và quyền lực chính trị đã tích cực cổ vũ cho sự tăng cường mối quan hệ này. Thế nhưng, ta không nên đồng nhất “chính trị” hoặc “tư tưởng” như một thực thể nguyên khối với văn học, là đối tượng mà chúng có tác động qua lại. Không những quá trình tương tác này mang tính biện chứng hơn là chỉ đơn hướng, mà cả cực “ngoài văn học” của mối quan hệ biện chứng đó cũng được tổng hợp từ một số thành phần khu biệt, và mỗi thành phần đó lại tác động tương hỗ – cũng một cách biện chứng.

Có ít nhất sáu yếu tố chính trong xã hội và văn hoá Xô-viết có vai trò trong quá trình sản sinh ra văn học. Thứ nhất là bản thân văn học; thứ hai là chủ nghĩa Marx-Lenin; thứ ba là những huyền thoại truyền thống và hình tượng anh hùng của giới trí thức cấp tiến (radical intelligentsia) mà những người Bolshevik đã mang theo trong hành trang khi lên cầm quyền ở Nga vào năm 1917; thứ tư là nhiều diễn đàn phi văn học (báo chí, các diễn đàn chính trị, các văn kiện lý luận, chính sử và những thứ tương tự) được dùng để phổ biến các quan điểm chính thống, mà tôi sẽ đề cập đến trong cuốn sách này bằng một thuật ngữ chung là “[các phương tiện] tu từ học” (rhetoric); thứ năm là các sự kiện chính trị và hệ thống chính sách; và thứ sáu là những cá nhân, là tác nhân chính trong các sự kiện chính trị đó, cùng với vai trò và giá trị của họ. Trên một vài phương diện, bất cứ thay đổi nào trong bất kỳ một trong sáu yếu tố này đều có khả năng làm thay đổi tất cả hoặc một yếu tố bất kỳ trong số còn lại (thậm chí có thể thay đổi ngay cả chủ nghĩa Marx-Lenin).

Tóm lại, ta sẽ quá đơn giản hoá vấn đề nếu như coi những biểu tượng hay cốt truyện chủ đạo của văn học Xô-viết chỉ có xuất xứ từ chính trị thông qua trung gian khúc xạ của tu từ học. Bản thân các yếu nhân trên chính trường cũng bị đẩy đến chỗ phải đóng những vai trò được gợi ra cho họ từ truyền thuyết cách mạng, và đa phần trong những truyền thuyết đó, đến lượt chúng, lại bắt nguồn từ văn học. Rốt cuộc thì câu hỏi “Cái gì sinh ra cái gì?” chỉ là một dạng câu hỏi “con gà hay quả trứng có trước” mà thôi.

Những yếu tố tạo nên cốt truyện chủ đạo, ở một mức độ nhất định, bắt nguồn từ trong bản thân văn học. Nhìn chung, cốt truyện chủ đạo tiếp tục một nhánh của văn học tiền cách mạng: nó tái chế lại những huyền thoại và tỷ dụ thịnh hành trong văn học và tu từ học cấp tiến Nga vào nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Một số ảnh hưởng của văn học tôn giáo và văn học dân gian cũng được tiếp tục sử dụng (mặc dù một số tác phẩm cấp tiến thời tiền Xô-viết cũng sử dụng các nguồn này).

Nhưng cốt truyện chủ đạo hoàn toàn không phải là một hiện tượng văn chương thuần tuý hay đơn độc. Thật ra, nếu chỉ đơn thuần dựa vào giá trị hay vai trò của văn chương thì hẳn nó đã không thể tồn tại: cốt truyện chủ đạo đã đóng một vai trò đặc biệt trong toàn bộ nền văn hoá Xô-viết.

Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa về bản chất là một cái tên được áp dụng cho hệ thống văn chương của văn hoá Xô-viết thì đúng hơn là một phương pháp viết văn mang đặc thù “xã hội chủ nghĩa” hay “hiện thực chủ nghĩa” nào đó. Thực tế, những khía cạnh “xã hội chủ nghĩa” và “hiện thực chủ nghĩa” trong văn học Xô-viết là tính năng của kiến trúc thượng tầng thì đúng hơn là của nền móng. “Nền móng” phải là cốt truyện chủ đạo.

Một đặc điểm bất biến của tất cả các tiểu thuyết Xô-viết là chúng được nghi lễ hoá, theo nghĩa chúng lặp lại cốt truyện chủ đạo; bản thân cốt truyện này lại là quá trình mã hoá các phạm trù văn hoá lớn. Ở đây, tôi đang dùng từ “nghi lễ” theo nghĩa mà các nhà nhân chủng học sử dụng. Nghi lễ là một thuật ngữ chỉ những hành vi xã hội, trong đó người tham gia cảm thấy rằng một lượng ý nghĩa văn hoá tối đa đã được tập trung vào các hành vi ấy. (Tất nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là các cá nhân tham gia [nghi lễ] đều nhất trí với “những ý nghĩa” đó; đối với cốt truyện chủ đạo của tiểu thuyết Xô-viết cũng vậy.) Nghi lễ là bộ phận của ngôn ngữ văn hoá mà trong đó các ký hiệu có độ tuỳ tiện ở mức thấp nhất. Đồng thời, nghi lễ cũng được ước lệ hoá ở mức cao nhất. Tất cả các nghi lễ đều có thể thức, và chúng đã thành công trong việc tập trung vào đấy năng lượng của văn hoá – mà nếu không có chúng, nó (năng lượng văn hoá – ND) hẳn đã bị khuếch tán – cũng đúng với mức độ mà chúng đã được công thức hoá. Chúng cung cấp một loại sức mạnh được định hình từ những nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trong xã hội; chúng là một thứ thấu kính hội tụ cho các thế lực văn hoá.

Một đặc điểm chung của nghi lễ trong bất kỳ nền văn hoá nào, như các nhà nhân chủng học từ Van Gennep đến Victor Turner đã chỉ ra, là mối quan tâm đến sự biến đổi đủ loại. Nghi lễ giúp cá biệt hoá những ngữ nghĩa văn hoá trừu tượng và biến chúng thành những tự sự có thể hiểu được. Ðây là cách thức để nghi lễ tạo ra những “tứ” riêng biệt mà nếu không nhờ chúng, những ý nghĩa [văn hoá] ấy chỉ mang tính chung chung trừu quát. [Trong mỗi nghi lễ,] đối tượng của nghi lễ “chuyển” từ một trạng thái này sang một trạng thái khác; những thí dụ nổi tiếng [về nghi lễ] là việc đánh dấu sự tiến triển từ niên thiếu sang trưởng thành, hoặc từ người ngoại quốc thành công dân [một nước].

Chức năng chính của cốt truyện chủ đạo rất giống với nghi lễ được hiểu theo cách vừa nêu. Nó định hình tiểu thuyết thành một kiểu ngụ ngôn về sự chế định chủ nghĩa Marx-Lenin trong lịch sử. Tiểu thuyết [Xô-viết] thường tập trung vào một nhân vật khá khiêm nhường – một công nhân, một viên chức, hoặc một người lính Xô-viết. Chủ thể này được biết đến như một “nhân vật tích cực”. Dù khiêm nhường đến mức nào đi nữa, thì các giai đoạn trong cuộc đời của nhân vật này phải tóm tắt lại một cách tượng trưng các giai đoạn phát triển lịch sử được mô tả trong lý thuyết Marx-Lenin. Ðỉnh điểm của tiểu thuyết diễn lại theo nghi lễ đỉnh điểm của lịch sử chủ nghĩa cộng sản. Vai trò quyết định mà nhân vật tích cực đó đóng, quả tình, chính là nguyên nhân khiến anh ta nhận được nhiều sự chú ý đến vậy của các nhà phê bình. Khi người ta kêu đòi, “Hãy xây dựng thêm các nhân vật như X!”, thì bạn có thể chắc chắn rằng cuốn tiểu thuyết kể lại các giai đoạn của cuộc đời X đã sử dụng cốt truyện chủ đạo một cách khéo léo.

Hình thức nghi lễ của các tiểu thuyết Xô-viết theo quy ước bao gồm cả những ký hiệu mang tính biểu tượng (iconic signs) cho các nhân vật tích cực và một bản liệt kê những chức năng của cốt truyện mà họ thường trình diễn. Cả các ký hiệu lẫn các chức năng đều là những biểu tượng được mã hoá, bắt nguồn từ các truyền thuyết và tri thức thời tiền cách mạng, nhưng với những ý nghĩa bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx-Lenin. Nhưng cốt truyện chủ đạo thì rộng lớn hơn rất nhiều về phạm vi ý nghĩa mà nó chứa đựng, và không chỉ bó hẹp với ẩn ngữ là chủ nghĩa Marx-Lenin.

Giờ đây, những nghiên cứu sử học về Liên Xô ở phương Tây, cho rằng trong thập niên 1930, tất cả các hoạt động công cộng đều được nghi lễ hoá cao độ, và phần lớn các công việc đó đều nhằm chính thống hoá quyền bá chủ của chính thể Xta-lin-nít bằng cách đồng nhất mối liên hệ của chính thể này với Lenin và chủ nghĩa Lenin, đã không còn mới mẻ. Tiến trình này cũng ít nhiều trùng khớp với quá trình thể chế hoá Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, xảy ra vào khoảng giữa những năm 1932-1934. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các ký hiệu và chức năng của cốt truyện chủ đạo, có ý nghĩa trong khoa biên sử Marxist-Leninist (Marxist-Leninist historiography), cũng đạt được những liên hệ đã thiết lập với chế độ Xô-viết và quan hệ của chính thể này với Lenin. Các bộ tiểu thuyết Xô-viết cùng một lúc vừa trở thành ngụ ngôn cho chủ nghĩa Marx-Lenin, vừa là huyền thoại nhằm duy trì nguyên trạng.

Về quan điểm xem vai trò của tiểu thuyết như một kho chứa các huyền thoại chính thống, các biện pháp khác thường đã được áp dụng nhằm bảo đảm sự tinh khiết của các công thức phải được duy trì từ cuốn sách này sang cuốn sách khác. Chẳng hạn, không phải chỉ có tính đồng bóng chính trị đã thúc đẩy phát ngôn viên của Ðảng Zhdanov, vào năm 1946, khi ông ta kêu gọi lòng trung thành triệt để với thể thức tụng ca. [5]

Trong các tiểu thuyết thời Stalin, bất kể văn cảnh là gì, bất kể thời điểm xảy ra truyện là vào lúc nào, ta có thể tin rằng các sự kiện sẽ đi theo mô hình đã được ấn định sẵn. Các hình thức biểu tượng của văn học rõ ràng là bất biến, bởi chính sự bất biến này khẳng định tính liên tục của chủ nghĩa Lenin.

Vì vậy, dường như tiểu thuyết Xô-viết cho chúng ta tư liệu hoàn hảo để phân tích kết cấu của cốt truyện chủ đạo theo cách phân chia ra các giai đoạn mang tính công thức, gần giống như cách Propp đã tiến hành với truyện dân gian Nga. [6] Tức là người ta có thể viện đến một thứ “ngữ pháp” cho tiểu thuyết Xô-viết. Thật vậy, tôi đã cung cấp một cái gì đó tương tự như “ngữ pháp” theo kiểu này trong Phụ lục A. Tôi gạt nó sang vị trí ngoại biên, bởi vì việc cung cấp chỉ một thứ “ngữ pháp” của hình thức, một mô hình kết cấu không thay đổi trong tiểu thuyết Xô-viết, và bỏ qua những cân nhắc về văn cảnh, cũng đồng nghĩa với việc chà đạp các chiều kích của ý nghĩa mà, trong bối cảnh Xô-viết, là tất cả những gì quan trọng.

Tính bất biến, trong đó cùng một nhóm ký hiệu cứ trở đi trở lại trong tiểu thuyết Xô-viết, phần nào dễ đánh lừa chúng ta. Tính liên tục trong việc sử dụng các biểu tượng không hẳn là một chỉ số chính xác cho tính liên tục của các giá trị. Như phần lớn các nhà ngôn ngữ học giờ đây đã nhất trí, nếu quan hệ giữa ký hiệu và ý nghĩa trong ngôn ngữ thông thường không phải là cố định mà là biến động, thì chắc chắn rằng khi ngôn ngữ được sử dụng một cách tượng trưng, khả năng thay đổi này cũng tăng lên. Và trên thực tế, trong tiểu thuyết Xô-viết, rất nhiều tỷ dụ có tính công thức đã thay đổi cùng với thời gian, hoặc chí ít ý nghĩa của chúng cũng bị sửa đổi.

Nhà nhân chủng học chính trị Abner Cohen đã viết về các biểu tượng chính trị (“các biểu tượng chính trị” được sử dụng với nghĩa rộng là đối tượng, quan niệm hoặc sự cấu thành ngôn ngữ) và cái thế giới luôn thay đổi, cùng với kết cấu quyền lực mà chúng phục vụ. Cohen cảnh giác chúng ta không nên coi các biểu tượng như “sự phản ánh hay tái hiện [một cách] máy móc của thực tại chính trị,” cũng không nên cho rằng “trong quan hệ giữa quyền lực và sự cấu thành biểu tượng… có thể quy cái này thành cái kia được.” Theo như ông chỉ ra, các quan hệ quyền lực và những cấu tạo biểu tượng tương đối tự trị, và quan hệ giữa chúng rất phức tạp. “Biểu tượng… đại diện một cách mơ hồ cho một tập hợp gồm vô vàn những ý nghĩa khác nhau,” và cùng một biểu tượng do đó có thể được sử dụng trong các văn cảnh khác nhau để chỉ cùng một thứ; chúng ta “cần phân biệt giữa hình thức biểu tượng và chức năng biểu tượng,” hay ý nghĩa. Ông viết tiếp:

“Biểu tượng đạt được một cấp độ của tính-liên-tục-trong-thay-đổi (continuity-in-change) nhờ tính mơ hồ và tính phong phú của ý nghĩa. Một nghi lễ có thể được lặp đi lặp lại trong cùng một thể thức mặc dù những biểu tượng của nó có thể đã chuyên chở những ý nghĩa khác cho phù hợp với những phát triển mới. Vì vậy, có một tiến trình liên tiếp của hành động và phản kháng giữa trật tự biểu tượng và trật tự quyền lực, ngay cả khi không có một sự thay đổi cơ cấu đáng kể nào.” [7]

Nói cách khác, ngôn ngữ – chưa nói đến ngôn ngữ biểu tượng cao độ – là đa giá trị (multivalent). Biểu tượng có thể có nhiều nghĩa, thậm chí trong cùng một lúc, và chúng thường được sử dụng một cách mơ hồ.

Shalom Spiegel đã cho chúng ta thấy một văn bản [mang tính] biểu tượng lớn của người Do Thái, câu chuyện trong kinh thánh về Abraham và Isaac, hoặc Akedah, đã được diễn giải khác nhau như thế nào. Mặc dù các sự kiện trong câu chuyện này về căn bản vẫn như vậy trong mỗi lần được kể lại, nhưng trong những thời điểm lịch sử khác nhau của người Do Thái, câu chuyện đó đã được diễn giải theo nhiều cách mới, mang màu sắc của những khát vọng và kinh nghiệm hiện tại của họ. [8] Ðiều tương tự như vậy cũng đã xảy ra với tiểu thuyết Xô-viết. Trong các giai đoạn khác nhau thời Stalin, nhiều cliché (khuôn sáo) của tiểu thuyết cũng được diễn giải theo những cách khác nhau. Một số thay đổi cũng được thực hiện trong cốt truyện chủ đạo, nhưng về tổng thể, những thay đổi này là về ngữ nghĩa hơn là về hình thức.

Các hình thức biểu tượng của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa đã được sử dụng làm phương tiện để thể hiện không chỉ quan điểm chính thống. Rốt cuộc thì trí thức có liên quan trực tiếp với công việc văn chương hơn là giới lãnh đạo, và trí thức cũng có thể hưởng lợi từ tính đa giá trị (multivalence) của các ký hiệu mang tính quy ước trong văn học.

Vai trò truyền thống của văn học Nga, ít nhất kể từ Belinsky [9] , là cung cấp một diễn đàn cho các tư tưởng tiên phong nhất của thời đại, và làm nhân chứng cho những hiện thực đen tối của đời sống Nga mà các cứ liệu chính thống không thừa nhận; chân dung tự hoạ của Solzhenitsyn trong thời đại chúng ta là một ví dụ điển hình cho truyền thống này. Đa phần người phương Tây cho rằng sự kiểm soát của nhiều thể chế đối với văn học Xô-viết đã cướp đi chiều kích truyền thống này trong sáng tác và phê bình văn học (ít nhất là trong các tác phẩm được xuất bản qua những kênh chính thức). Nhưng, hiển nhiên, sự thể không hẳn hoàn toàn như vậy; đã chớm nở một tình trạng căng thẳng trong tiểu thuyết, thậm chí nổi lên hàng đầu trong đời sống tri thức, giữa một bên là chức năng của tiểu thuyết như những bài viết theo sự kiện và người truyền bá các huyền thoại và giá trị chính thống, còn bên kia là vai trò có truyền thống lâu đời hơn của nó trong nước Nga hiện đại. Sự căng thẳng này không bộc lộ rõ rệt, bởi nó được biểu đạt qua những sắc thái tinh tế nhất.

Khi những mô hình công thức của tiểu thuyết Xô-viết trở nên cố định vào thập niên 1930, một hệ thống ký hiệu trở thành hạt nhân của hệ thống Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Bản thân những ký hiệu này là đa nghĩa, nhưng khi được sáp nhập vào cốt truyện chủ đạo, chúng mang những ý nghĩa rất đặc trưng, rõ ràng. Tuy nhiên, là ngôn từ, chúng vẫn duy trì khả năng cung cấp những nghĩa khác, và một nhà văn khôn khéo có thể lợi dụng khả năng này.

Nếu một nhà văn muốn xuất bản cuốn tiểu thuyết cuả mình, anh ta phải dùng thứ ngôn ngữ (những biệt danh [epithets], những dụng ngữ gây ấn tượng mạnh [catch phrases], những hình tượng đã được xây dựng sẵn [stock images], vân vân) và cú pháp (thứ tự các sự kiện theo thông lệ, phù hợp với cốt truyện chủ đạo) thích hợp. Làm như vậy cũng đồng nghĩa với một hành động nghi lễ, nhằm xác nhận lòng trung thành với nhà nước. Một khi nhà văn đã hoàn thành điều này, tiểu thuyết của anh ta có thể được gọi là “có tính đảng”. Nhưng anh ta vẫn còn diện tích để xoay xở với những ý tưởng thể hiện qua những hiệu ứng này nhờ đặc tính mơ hồ tiềm ẩn trong bản thân các ký hiệu.

Mỗi cuốn tiểu thuyết được viết trong một môi trường bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi, bởi những tranh cãi, và thậm chí cả bởi vị trí của chính nhà văn. Tất cả những nhân tố này lưu lại dấu ấn trong sáng tác cá nhân và có sức mạnh thay đổi ý nghĩa của nó. Những ý nghĩa mới có thể bắt nguồn từ bên trong hệ thống ký hiệu, qua việc sắp đặt lại hoặc nhấn mạnh, hoặc điều chỉnh đậm nhạt / nói lái những ký hiệu tiêu chuẩn và thứ tự, dù ở mức độ nhỏ nhất. Những người ngoài không được đào tạo trong truyền thống này có thể hầu như không nhận biết được những thay đổi kiểu như vậy, nhưng phần lớn độc giả Xô-viết hẳn sẽ nhận thấy rất rõ. Hệ thống ký hiệu đồng thời vừa là thành phần của một nghi lễ, vừa là đại diện của giáo phận ngôn ngữ kiểu ngụ ngôn Aesop mà các nhà văn lựa chọn sử dụng dưới thời Nga hoàng mỗi khi họ muốn đánh lừa nhân viên kiểm duyệt. Vì vậy, có một nghịch lý là chính sự cứng nhắc của cơ cấu Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa lại cho phép những thể hiện tự do hơn so với trường hợp [nếu như] các tiểu thuyết đó bị nghi lễ hoá ít hơn.

Những ký hiệu công thức trong tiểu thuyết Xô-viết đã được sử dụng làm công cụ tranh cãi cho đến tận ngày hôm nay. Sau cái chết của Stalin vào năm 1953, nhiều nhà văn đã phê phán di sản ông ta để lại, bao gồm cả tính khoa trương trong văn học Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng khi họ sáng tác văn học trong đó phê phán chủ nghĩa Stalin, thì họ thường sử dụng bộ mật mã hoặc hệ thống ký hiệu đã có sẵn của truyền thống Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Kết quả không thể tránh khỏi là hệ thống ký hiệu được điều chỉnh; chẳng hạn, một số cụm từ công thức thay đổi giá trị từ khẳng định sang phủ định. Nhưng dù gì đi nữa, những thay đổi này vẫn nằm trong chính cái truyền thống mà các nhà văn đó chống đối. Trong thời kỳ hậu Khrushchev, văn học phong phú hơn về kiểu dạng và cách tiếp cận, nhưng ta vẫn cảm thấy được sự hiện diện của truyền thống Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, thậm chí ngay cả trong dòng văn học rất không chính thống (những ấn bản chui [samizdat], và văn học tiếng Nga xuất bản ở phương Tây).

Sẽ quá dễ dãi nếu như ta kết luận rằng sự gắn bó còn rơi rớt lại với truyền thống Hiện thực Xã hội chủ nghĩa này là do người dân Xô-viết đã phải ghi khắc thứ ngôn ngữ ấy quá lâu đến mức họ không thể rũ bỏ nó. Nhưng nếu vậy thì ta phải hỏi tại sao những ước lệ của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa có được sức mạnh này. Tôi cho rằng nguyên nhân khiến rất nhiều biểu tượng của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa tiếp tục gây ảnh hưởng là bởi vì chúng không chỉ rung ngân với những người Bolshevik. Hệ thống ký hiệu này đủ rộng và đủ linh động, có thể chứa đựng hầu hết các dòng chảy riêng biệt đã làm nên văn hoá Xô-viết.

Việc Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa được phát động vào những năm đầu thập niên 1930 đã dẫn đến quá trình đồng nhất hoá văn học Xô-viết. Một tác động lớn của quá trình đồng nhất hoá này là từ đó trở đi, tất cả các nhà văn bắt đầu sử dụng cùng một ngôn ngữ. Mặc dù vậy, cũng như tất cả những người nói tiếng Anh có thể bày tỏ quan niệm khác nhau trong khi sử dụng đại khái cùng một ngôn ngữ, tất cả các nhà văn Xô-viết có thể biểu lộ các quan điểm khác nhau thông qua “ngôn ngữ” của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa (mặc dù, đương nhiên, ở một mức độ hạn chế hơn). Chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ, khiến rất nhiều người sử dụng ngôn ngữ (speaker) mới hoà dòng vào nhóm ngôn ngữ của những người Bolshevik, đã gây ra một hiệu ứng ta thường thấy trong trường hợp đế quốc ngôn ngữ: trong khi các nhà văn được quyền lực mới cấp phát “đồng phục”, thì tác nhân của quyền lực này cũng đồng thời khoác lên bộ “thường phục” của những thần dân mới của mình. Các tư tưởng và giá trị của nhiều nhóm khác nhau trong giới trí thức bắt đầu tô màu cho những liên hệ giữa các yếu tố khác nhau trong ngôn ngữ chính thống. Kết quả là một động lực của việc lai giống đã lôi kéo theo không chỉ văn học mà cả năm yếu tố cơ yếu còn lại của văn hoá Xô-viết – như tôi đã nói ở phần trên – ảnh hưởng lẫn nhau để sản sinh ra Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa; năm yếu tố đó là chủ nghĩa Marx-Lenin, truyền thuyết cách mạng, các phương tiện tu từ, các chính sách chính trị và các sự kiện lịch sử, cùng với những diễn viên trong đó.

Ðể cho sự trao đổi này diễn ra, cần có một phương tiện hữu hiệu nhằm tập trung vào nó. Ðiều này đưa chúng ta quay trở lại với nhận xét trước đây về nghi lễ. Những ký hiệu công thức trong tiểu thuyết Xô-viết chứng tỏ độ bền với thời gian bởi chúng nắm bắt được một số vấn đề và niềm tin nóng hổi của toàn bộ nền văn hoá, chứ không phải chỉ của văn hoá chính thống. Cốt truyện chủ đạo không đơn thuần là cốt truyện văn chương hay thậm chí công thức cho một cốt truyện văn chương. Nó là thể hiện văn chương của chính phạm trù chủ đạo cấu thành toàn bộ nền văn hoá [Xô-viết].

Vấn đề mà cuốn sách này đặt ra, do đó, là một biến thế của câu hỏi muôn đời về tính liên tục và sự thay đổi. Vì lẽ chính quyền Xô-viết bảo thủ về mặt tư tưởng và khao khát muốn thiết lập mối quan hệ “Leninist” cho bộ máy lãnh đạo đương thời (thời Stalin – ND), tiểu thuyết viết dưới chế độ này đã sử dụng, ở một mức độ đặc biệt, một số ký hiệu giống nhau qua nhiều năm trời, những ký hiệu trên thực tế có thể bắt nguồn từ rất lâu trước năm 1917. Nhưng khi nào thì các ký hiệu này thực sự giống nhau, và khi nào thì chúng khác nhau (do được triển khai theo một cách khác)?

Các ký hiệu của văn học Xô-viết không đứng im chỉ vì, như một bộ mã có sẵn, chúng có thể được sử dụng như những quân tốt trong cuộc đấu giữa phe “bảo thủ” và phe “cấp tiến”; chúng cũng không tượng trưng cho những khẳng định về lòng trung thành rỗng tuếch đối với nguyên trạng. Trong cuốn sách này, tôi hy vọng sẽ chứng minh được rằng việc cùng một [hệ thống] ký hiệu được sử dụng với tần suất cao như vậy có nguyên nhân bởi nó tóm lược được những tranh cãi và tình thế lưỡng nan của giới trí thức Nga, điều đã diễn ra thường xuyên muộn nhất là từ giữa thế kỷ 19 cho đến tận bây giờ. Chủ nghĩa Bolshevik đã tham gia vào các cuộc tranh cãi này, và từng hứa hẹn một giải pháp cho các tình thế lưỡng nan; nhưng cuộc tranh luận vẫn tiếp tục. Thực ra, chủ nghĩa Bolshevik chỉ mang đến cho nó một trọng tâm mới và một thứ ngôn ngữ mới.

(Xem tiếp phần 2 sau chú thích phần 1)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Ví dụ, xem Aktual’nye problemy socialističeskogo realizma. Sb. Statej (Moscow: Sovetskij pisatel’, 1969), và “Socialističeskij realism – znamja peredovogo iskusstva” (một cuộc thảo luận diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội của Ban Trung ương), Voprosy literatury, số 9, 1975, trang 3-25.
[2]Nguyên văn: canonical doctrine defined by its patristic texts.
[3]Cần lưu ý là Sholokhov bị cáo buộc là đạo văn trong Sông Ðông êm đềm. Ví dụ, xem Roy A. Medvedev, Problems in the Literary Biography of Mikhail Sholokhov, do A.D.P. Briggs dịch (New York: Cambridge University Press, 1977).
[4]P.N. Medvedev và M.M. Bakhtin, The Formal Method in Literary Scholarship: A Critical Introduction to Sociological Poetics, do Albert J. Wehrle dịch (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1978), trang 154. Khi nguyên bản tiếng Nga mới được xuất bản vào năm 1928, Medvedev được ghi là tác giả của cuốn sách, nhưng dư luận chung hiện nay cho rằng Bakhtin đã viết cuốn này và Medvedev có thể đã có bổ sung (xem Lời giới thiệu của Wehrle).
[5]Xem chương 9, trang 191 trong cuốn sách này.
[6]Xem V. Propp, Morphology of the Folktale, do Laurence Scott dịch, 2nd edition (Austin: University of Texas Press, 1971).
[7]Abner Cohen, Two-Dimensional Man: An Essay on the Anthropology of Power and Symbolism in Complex Societies (London: Routledge & Kegan Paul, 1974), trang ix, 35, 26, 135.
[8]Shalom Spiegel, The Last Trial: On the Legends and Lore of the Command to Abraham to Offer Isaac as a Sacrifice, do Judah Goldin dịch (New York: Schocken Books, 1967).
[9]Vissarion Grigorievich Belinsky (1811-48) là một nhà phê bình văn học có ảnh hưởng rất lớn. Ông kêu gọi các nhà văn Nga dùng ngòi bút của họ để phục vụ những tư tưởng vĩ đại, và trong khi làm như vậy, phơi bày tất cả mọi khuyết điểm trong cuộc sống Nga.
----------------------

Phần 2

Hoài Phi dịch

Mối quan hệ biện chứng “tự phát”/ “có ý thức” trong vai trò là sức mạnh kết cấu định hình cho cốt truyện chủ đạo

Các nghi lễ, như đã nói ở trên, luôn luôn bao gồm sự biến đổi: đối tượng của nghi lễ chuyển từ trạng thái này sang một trạng thái khác, còn sự phát triển – hay “đường đi” – của anh ta thì nhập vai một số khái niệm trung tâm của nền văn hoá. Vì cốt truyện chủ đạo của tiểu thuyết Xô-viết cung cấp một bản báo cáo được nghi lễ hoá về tư tưởng Marx-Lenin đối với tiến trình lịch sử, người đọc có thể nghĩ rằng thời kỳ quá độ nói đến ở đây có thể bao gồm quá trình chuyển đổi từ một xã hội có giai cấp, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản tiến đến nhà nước cuối cùng – một xã hội phi giai cấp đại loại như chủ nghĩa cộng sản. Song thật ra, đấu tranh giai cấp không phải là một chủ đề kiên định trong tiểu thuyết Xô-viết, và chắc chắn nó không cung cấp sức mạnh cấu thành cho cốt truyện chủ đạo của tiểu thuyết.

Ẩn ý định hình cốt truyện chủ đạo là một khái niệm cơ bản khác của chủ nghĩa Marx-Lenin, một khái niệm đã bị hạ thấp (déclassé) và trừu tượng hơn so với những diễn giải về đấu tranh giai cấp trong lịch sử. Trong phiên bản này, tiến bộ lịch sử xảy ra không phải nhờ giải quyết mâu thuẫn giai cấp, mà nhờ sự chế định (the working-out) của cái gọi là mối liên hệ biện chứng giữa “tự phát” và “có ý thức”. Trong mô hình biện chứng này, “tính có ý thức” phiếm chỉ những hành vi hoặc hoạt động chính trị được kiểm soát, chỉ đạo và duy trì kỷ luật bởi những con người có ý thức về chính trị. “Tính tự phát”, trái lại, phiếm chỉ những hành vi không được chỉ đạo hoàn toàn bởi ý thức chính trị, hoặc những hành động rời rạc, thiếu sự phối hợp, thậm chí vô chính phủ (chẳng hạn những cuộc đình công hay những cuộc nổi dậy tự bùng phát của quần chúng, v.v...); “tính tự phát” cũng có thể được quy cho tác động của các sức mạnh lịch sử to lớn khách quan, chứ không phải những hành động [chủ quan – ND] được cân nhắc.

Theo mô hình Marxist-Leninist về tiến bộ lịch sử, xã hội từ thuở ban đầu đã có cuộc đấu tranh biện chứng giữa các lực lượng “tự phát” (thống lĩnh trong những hình thức xã hội sớm nhất, nguyên thuỷ nhất) và các lực lượng “có ý thức” (vốn hiện diện ngay từ buổi đầu, mặc dù phần lớn dưới dạng tiềm tàng). Biện chứng này cung cấp động lực tiến bộ và đưa đến điểm dừng cuối của lịch sử là chủ nghĩa cộng sản. Nó tác động đến một chuỗi hợp đề [1] (những “sự nhảy vọt”, hay các cuộc cách mạng) ngày càng ở trình độ cao hơn, dẫn đến những hình thức cao hơn bao giờ hết của cả “tính tự phát” lẫn “tính có ý thức”. Giai đoạn sau chót của sự phát triển của lịch sử – tức chủ nghĩa cộng sản – đạt được trong hợp đề cuối cùng, trong đó mâu thuẫn biện chứng được giải quyết xong, một lần và mãi mãi. Hợp đề cuối cùng, hay cuộc cách mạng cuối cùng, sẽ kết thúc với chiến thắng của “tính có ý thức”, nhưng hình thức của “tính có ý thức” khi đó sẽ thay đổi khiến nó không còn đối lập với “tính tự phát” nữa; sẽ không còn mâu thuẫn giữa những phản ứng tự nhiên của con người và những lợi ích tốt đẹp nhất của xã hội nữa. Nói cách khác, hợp đề cuối cùng sẽ giải quyết mối mâu thuẫn lâu đời giữa cá nhân và xã hội.

Nhiệm vụ của văn học trong vai trò tạo ra các huyền thoại chính thống là cung cấp những bài học khách quan (object lessons) trong sự chế định của mối quan hệ biện chứng “tính tự phát” / “tính có ý thức”. Cũng như điều thường đúng với các hình thức nghi lễ, cốt truyện chủ đạo cá biệt hoá những quá trình được phác thảo trong sử học Marx-Lenin bằng cách mã hoá chúng trong thứ ngôn ngữ tiểu sử: nhân vật tích cực trên sân khấu đi từ trạng thái tương đối “tự phát” sang một mức độ cao hơn của “ý thức” mà anh ta đạt được nhờ một cuộc cách mạng cá nhân nào đó.

Khả năng ngụ ngôn hoá mối quan hệ biện chứng “tính tự phát” / “tính có ý thức” có được là nhờ bởi phạm vi ý nghĩa mà hai thuật ngữ này có thể bao hàm. Trong bối cảnh hạn hẹp hơn của con người cá nhân, khác biệt với xã hội nói chung, “tính có ý thức” có nghĩa là sự thủ đắc nhận thức chính trị và sự tự chủ hoàn toàn, khiến mọi hành động của cá nhân đó đều được hướng dẫn bởi nhận thức; trong khi đó, “tính tự phát” nhằm nói đến những hành động tự thân, bướng bỉnh, vô chính phủ và coi mình là trung tâm. Tấn kịch tranh đấu vĩ đại trong lịch sử giữa các thế lực tự phát và các thế lực có ý thức diễn ra qua câu chuyện kể về một cá nhân khắc phục cái tôi bướng bỉnh của mình, trở nên có kỷ luật và đạt tới “một thân thế ngoài bản thân” (an extra personal identity). Vì vậy, nếu gạt qua một bên những cái bẫy [đánh lừa người đọc – ND], chẳng hạn như bối cảnh nhà máy, nông trường và các cuộc họp Ðảng, chúng ta có thể xem tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trên thực tế như một biến thể được chính trị hoá của thể loại Bildungsroman (tạm dịch: “tiểu thuyết giáo dưỡng” – ND), trong đó nhân vật chính đạt được sự hài hoà lớn hơn, cả bên trong bản thân anh ta lẫn trong quan hệ [của anh ta] với xã hội. Nhưng sự so sánh này không thể tiến xa được, bởi vì tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa được nghi lễ hoá cao đến mức mà sự phát triển của nhân vật chính vừa không mang tính cá biệt, vừa không mang tính tự trọng (self-valuable).

Vì sao tiểu thuyết Hiện thực xã hội chủ nghĩa lại lấy mối liên hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức”, thay vì đấu tranh giai cấp, làm chủ đề nền tảng? Khó có thể nói điều này là kết quả của một sự tìm kiếm “có ý thức” (thay vì nổi lên “một cách tự phát”), nhưng còn lâu nó mới mang tính tuỳ tiện hay ngẫu hứng. Câu trả lời cho câu hỏi đó – một câu trả lời thật ra có hai mặt – sẽ giải thích vì sao tiểu thuyết Xô-viết lại là tư liệu chìa khoá cho lịch sử văn hoá Xô-viết.

Trước hết, bản thân mối liên hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức” không phải là một lý thuyết ngây thơ, bởi nó vẫn luôn luôn là trung tâm của các cuộc tranh cãi chính trong lòng chủ nghĩa Marx kiểu Nga. Ban đầu, khi những nhóm Marxist Nga đầu tiên được thành lập vào thập niên 1890, các thảo luận – được mô tả là cuộc tranh cãi giữa phe theo chủ ý luận (the voluntarists) và phe theo quyết định luận (the determinists) – thường xoay quanh vấn đề liệu lịch sử được quyết định bởi những nỗ lực “có ý thức” của con người, hay những thay đổi của lịch sử xảy ra theo cách riêng của nó (“tự phát”), bắt nguồn từ kết quả của những thay đổi trong các nhân tố ngoài con người, chẳng hạn như phương tiện sản xuất.

Trong chủ nghĩa Marx kinh điển, sự chia rẽ giữa phe chủ ý luận và phe quyết định luận cũng khá mơ hồ. Nhưng nói chung, ý tưởng Marxist về lịch sử ngả theo quan niệm là thay đổi lịch sử xảy ra do kết quả của những thế lực khổng lồ, siêu cá nhân (transpersonal), hơn là do hành động của “ý thức tự giác”, “tinh thần” hay những nhân vật xuất chúng. Trong những diễn giải về lịch sử, Marx nhấn mạnh vai trò quyết định của các thế lực vật chất siêu cá nhân. Tuy vậy, Marx thừa nhận có sự tương tác qua lại, thừa nhận ý niệm là không chỉ có “thời thế tạo anh hùng” mà “anh hùng [cũng] làm nên thời thế.” [2]

Với các nhà Marxist Nga, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề lý thuyết. Nó còn là trung tâm trong những vấn đề trọng đại của thực hành chính trị. Điều này có nguyên nhân bởi các quan sát của Marx dựa trên những xã hội công nghiệp khá phát triển ở Tây Âu, nơi mà quan niệm về một cuộc cách mạng “vô sản” có vẻ khả dĩ hơn. Nhưng khi đó Nga vẫn chưa phát triển tới thời điểm đủ điều kiện tiên quyết cho một cuộc cách mạng cộng sản. Ít nhất bốn phần năm dân số Nga là nông dân, và thậm chí cả giai cấp công nhân tương đối nhỏ của nó cũng bao gồm phần lớn những người trước đó vừa mới còn là nông dân. Trình độ học vấn của cả công nhân lẫn nông dân rất thấp; phần lớn trong số họ còn mù chữ. Tóm lại, khó lòng mà có một bộ phận đáng kể trong dân chúng có được ý thức cách mạng. Một số nhà Marxist Nga biện luận rằng vì vậy cần phải đợi đến khi giai cấp vô sản lớn hơn và phát triển hơn, mới có thể tiến hành cách mạng; những người khác thì tin rằng có thể có một con đường tắt đi tới cách mạng bằng cách nâng cao ý thức của công nhân, cũng như bằng những hoạt động có chủ định khác.

Cuộc tranh cãi này lên tới đỉnh điểm vào năm 1903, khi cuốn sách chính luận Làm gì? – Những vấn đề cấp bách của phong trào chúng ta [3] của Lenin (1902) chia rẽ Ðảng Lao động Dân chủ Xã hội (Marxist) Nga thành hai phe – Bolshevik (theo học thuyết của Lenin) và Menshevik. Trong chính luận này, Lenin đã đưa ra hướng đi gây rất nhiều tranh cãi của mình, một hướng đi tách khỏi (hay bổ sung thêm vào, tùy theo quan điểm của người nói) học thuyết Marxist ban đầu: học thuyết của “những người tiên phong”. Lenin cho rằng có thể vòng qua vô số những điều kiện tiên quyết theo chủ nghĩa Marx kinh điển mà xã hội Nga đương thời không đáp ứng được để tiến hành cuộc cách mạng cộng sản, bằng cách hình thành một “đội tiên phong của giai cấp vô sản”, bao gồm một nhóm nhỏ những nhà cách mạng tận tuỵ, có kỷ luật và có ý thức cao độ; những người này trước tiên sẽ lãnh đạo lớp quần chúng có “ý thức” thấp hơn đi đến “ý thức” cao hơn, rồi sau đó đến cách mạng. Sự chia rẽ trong phong trào Marxist Nga về những vấn đề này trở nên trầm trọng một lần nữa vào năm 1917, khi Lenin trở về từ nơi ông đang sống lưu vong sau cuộc Cách mạng tháng Hai và tuyên bố, trong Luận cương tháng Tư, rằng cuộc cách mạng “tư sản” đầu tiên này cần được đẩy xa hơn thành cuộc cách mạng cộng sản. Nhiều người, bao gồm cả một số nhân vật Bolshevik lỗi lạc, chống lại quan điểm này, vì họ cho rằng Lenin đã quá vội vàng và thiếu kiên nhẫn.

Có thể có người nghĩ rằng sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Mười hẳn sẽ chấm dứt những tranh cãi này. Nhưng điều đó còn lâu mới thành hiện thực, và những người Nga Xô-viết vẫn tiếp tục tranh cãi liệu cuộc Cách mạng [tháng Mười Nga] có quá hấp tấp không, và liệu lịch sử có thể được “làm nên” ở một mức độ đáng kể nào đó không. Hơn nữa, một khi cách mạng đã bùng nổ, việc tiếp tục dựa vào “đội tiên phong” – theo nghĩa một nhóm tinh hoa có quyền lực kiểm soát tập trung – khiến cho việc hoà hợp giữa thực hành Xô-viết với lý luận Marxist chủ yếu – “sự tàn lụi của nhà nước” – trở nên khó khăn. Bản thân Lenin thì tin rằng một khi cách mạng đã diễn ra và quần chúng đã trở nên có “ý thức” hơn trong môi trường hậu cách mạng, thì nhu cầu cần một “đội tiên phong” trong vai trò kiểm soát, kỷ luật và khai sáng, cũng kết thúc. “Ðội tiên phong” và bộ máy kiểm soát nhà nước (công an và những thứ tương tự) khi đó sẽ, theo ước định của Marx, dần dần “tàn lụi” trong một xã hội “phi giai cấp”.

Có thể “hoàn cảnh” đã chống lại họ, nhưng những người Bolshevik đã không biến nổi dự đoán này [của Marx] thành hiện thực. Trong những năm đầu thời hậu Cách mạng, nhiều mối đe dọa trong và ngoài đối với quyền lãnh đạo của Đảng Bolshevik (chẳng hạn như Nội chiến và sự can thiệp của các quân đội Ðồng minh) khiến họ nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng các thiết chế kiểm soát nhà nước hơn là họ đã hình dung. Sau này, thời Stalin, những mối đe doạ từ bên ngoài đã ít hơn (trừ Thế chiến thứ II), và có thể cho rằng cũng ít mối đe doạ từ bên trong hơn; thế nhưng bộ máy nhà nước dưới quyền Stalin lại phình to ra và thâu tóm nhiều quyền lực hơn trước đó. Mặc dù tranh cãi về các vấn đề chính trị tại không gian công là điều hầu như bất khả, song rõ ràng là việc nhà nước cưỡng lại sự “tàn lụi” theo kế hoạch đã khiến ngay cả giới lãnh đạo cũng phải băn khoăn. Một triệu chứng cho thấy sự lúng túng của họ là vào thập niên 1930, hầu như trong tất cả các số trên tờ Bolshevik, cơ quan lý luận của Ðảng, ra ra hai kỳ mỗi tháng, đều có một bài viết trực tiếp hoặc gián tiếp tìm cách giải quyết những câu hỏi như vì sao nhà nước chưa bắt đầu “tàn lụi” và khi nào thì có thể trông đợi điều ấy xảy ra.

Những người Bolshevik đã luôn luôn được tôi luyện qua các cuộc bút chiến với những người phê bình họ ngay trong phong trào cánh tả nhiều hơn là bởi kẻ thù thuộc cánh hữu, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi, thay vì cung cấp các câu chuyện khai trí về đấu tranh giai cấp, văn học Xô-viết chính thống lại sản sinh ra những huyền thoại để hợp lý hoá vị thế của người Bolshevik trong cuộc tranh cãi quyết liệt trường niên về vai trò của tính có ý thức và tính tự phát trong lịch sử. Thật vậy, việc văn học đóng vai trò là nhà biện hộ trên thực tế ngày càng tăng. Truyền thống Hiện thực Xã hội chủ nghĩa bắt đầu với những truyện ngụ ngôn (chẳng hạn Người mẹ) minh hoạ cho sự vận hành của mối quan hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức”, nhưng dưới thời Stalin, những quy ước đặc biệt đã được bổ sung vào cốt truyện chủ đạo để khẳng định một cách tượng trưng rằng con đường phát triển lên chủ nghĩa cộng sản được đảm bảo cụ thể dưới sự lãnh đạo của chính quyền Xô-viết đương thời.

Mặc dù tất cả những điều này là sự thật, chúng đại diện cho một giải thích phần nào hơi hạn chế về vai trò của cốt truyện chủ đạo trong xã hội Xô-viết. Chúng ta không thể chỉ xem vai trò của hai mặt đối lập “tự phát” và “có ý thức” như là ẩn ý của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh những cuộc tranh cãi giữa những người Marxist Nga và những mưu sĩ của phe theo học thuyết Lenin hay Stalin. Văn học không đơn thuần là nô lệ của chính trị, thậm chí ngay cả trong những thời kỳ nó bị đàn áp khốc liệt. Hơn nữa, Ðảng cũng không có một diễn giải dứt khoát, nhất quán về mối quan hệ biện chứng này để áp đặt cho văn học, ngay cả khi có thể áp đặt được đi chăng nữa.

Nếu theo dõi các cuộc thảo luận của phe Bolshevik về mối quan hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức” qua thời gian, ta sẽ thấy nổi lên ba đặc điểm: mâu thuẫn, gây tranh cãi, và đa nghĩa. Theo tôi, tính rườm rà về ngữ nghĩa này là hệ quả của một thực tế là sự đối lập “tự phát” / “có ý thức” có ảnh hưởng rộng hơn là vị trí mà nó chiếm giữ trong học thuyết Marx-Lenin. Ðây là một trong những cặp đối lập then chốt trong văn hoá Nga khi so sánh với, chẳng hạn, cặp đối lập “tư tưởng” / “thực tế” trong Triết học kinh viện (Scholasticism) hay sự phân biệt giữa “chủ thể” và “khách thể” trong tư tưởng Ðức thế kỷ 19.

Sự chia rẽ “tự phát” / “có ý thức” thích nghi một cách đặc biệt tốt với nhu cầu nghi lễ của toàn xã hội. Có lẽ không phải tình cờ mà đồ thức (scheme) của nó cho sự phát triển lịch sử rất giống với mô hình của Hegel cho sự chế định (the working-out) của Geist [4] trong lịch sử. (Hegel có ảnh hưởng rất sâu sắc tới giới trí thức Nga trong thời kỳ hình thành của giới này vào giữa thế kỷ 19.) Quan trọng hơn nữa, cặp đối lập này cung cấp phép tỷ dụ chủ đạo (the master trope), tập trung những năng lượng văn hoá chính yếu lại và chỉ đạo gỡ rối những tình thế lưỡng nan then chốt của giới trí thức Nga. Mối biện quan hệ chứng “tự phát” / “có ý thức” là phiên bản Nga của một động lực từng được biết đến ở Tây Âu như cặp đối lập “thiên nhiên” / “văn hoá”, đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà nhân chủng học đương đại. Chúng ta có thể phát hiện ra mâu thuẫn gốc rễ của nước Nga về quá trình hiện đại hoá, ẩn núp đằng sau vô số tranh cãi liên quan đến mô hình kiểu Lenin về sự phát triển của lịch sử. Sự đối lập “tự phát” / “có ý thức”, trên thực tế, là công thức có hiệu quả cho việc chuyển mã chủ nghĩa Marx của Ðức vào văn hoá Nga.

Phiên bản Leninist về sự phát triển của lịch sử không chỉ khác với Marx về mức độ – bằng cách thay đổi sự nhấn mạnh. Cứ cho rằng từ quan điểm của Marx về lịch sử, lịch sử diễn ra 90 phần trăm là do tất yếu (necessity) và 10 phần trăm là do các hoạt động có chủ đích, thì với Lenin, phần ảnh hưởng khổng lồ đã được chuyển sang gán cho các thế lực của “ý thức” (chẳng hạn, “đội tiên phong”). Một thay đổi tận gốc rễ đã diễn ra.

Các nhà Marxist Nga đã bắt đầu bằng việc thu nhận một hệ tư tưởng Ðức để giải quyết những nan đề xã hội kinh niên của nước Nga (tỷ như nghèo đói, chế độ chuyên quyền và sự bất bình đẳng). Hệ tư tưởng này, một khi đã bắt rễ trên mảnh đất Nga, đã bị “Nga hoá”. Chủ nghĩa Marx là tư tưởng phát sinh trong lòng một xã hội công nghiệp phát triển. Nay nó được áp dụng vào một xã hội nông dân lạc hậu, với những điều kiện chính trị và trí thức hết sức khác biệt. Vì vậy, việc văn hoá Nga tô màu cho phiên bản tư tưởng Marx của họ là điều không thể tránh khỏi; kết quả là tư tưởng đó ngày càng ít giống với một chương trình chính trị Tây Âu hơn, và ngày càng giống một hệ tư tưởng biểu thị đặc điểm của một nhánh trong giới trí thức cấp tiến Nga hơn.

Một chỉ dấu bề mặt cho thấy sự khác biệt giữa hai quan điểm này là sự thay đổi trong thuật ngữ. Trong chủ nghĩa Marx kinh điển, cặp đối lập “tự phát” / “có ý thức” không tồn tại như thế. Marx có mô tả một mô hình tương tự cho sự phát triển lịch sử, nhưng ông bàn về nó theo mối biện chứng giữa “tự do” (freedom), nơi Con Người điều chỉnh trao đổi của nó với Tự Nhiên một cách có lý trí, và “tính tất yếu” (necessity), chẳng hạn những hoàn cảnh có tác động đến sự phát triển của lịch sử. [5] Trong lý thuyết, Marx cũng tập trung khá nhiều vào phạm trù “tính có ý thức” (Bewusstsein); song, mặc dù phạm trù “tính tự phát” (Spontanität) có xuất hiện trong các tác phẩm của Marx, nó có vị trí khiêm tốn hơn “tính có ý thức” rất nhiều, và chắc chắn nó không phải là cực đối lập rõ rệt của “tính có ý thức”.

Khi các nhà Marxist Nga của thập niên 1890 và đầu thế kỷ 20 tranh cãi về con đường đi tới cho nước Nga, các cuộc tranh luận của họ không xoay quanh vai trò của “tự do” và “tính tất yếu”, mà xoay quanh “tính có ý thức” và “tính tự phát” – những phạm trù mà trong trước tác Làm gì? của Lenin (1902) đã trở thành hai cực trong mối quan hệ biện chứng căn bản của sự phát triển lịch sử. Hơn nữa, trong khi “tính có ý thức” và “tính tự phát” trong chủ nghĩa Marx kinh điển là những thuật ngữ khá mang tính chuyên môn (“tính có ý thức” – Bewusstsein [6] , vốn bao hàm nghĩa “sự khai sáng” – có phần ít chuyên môn hơn), cả hai từ mà các nhà Marxist Nga chọn để diễn đạt các khái niệm này đều mang ý nghĩa đồng hoá những thuật ngữ ấy với những mối bận tậm của giới trí thức Nga khi đó. [7] Chẳng hạn từ [tiếng Nga] được chọn cho “tính có ý thức” là soznatel’nost’ , vốn dĩ nhuốm màu một điều gì đó được gợi cảm hứng bởi lương tâm con người [8] , và do vậy có thể liên hệ với vai trò truyền thống của giới trí thức là gánh vác lương tâm của xã hội Nga.

Ví dụ nổi bật nhất của sự chuyển mã này là từ được chọn để dịch “tính tự phát” – stixijnost’, một từ chuyên chở rất nhiều ý nghĩa, cả tích cực lẫn tiêu cực; tất cả những ý nghĩa đó đều là trọng tâm của những vấn đề nan giải mang tính sống còn của giới trí thức Nga. Căn từ của thuật ngữ stixijnost’, stixija, có nghĩa là “nguyên tố của tự nhiên” [9] . Từ này vì vậy có thể được sử dụng trong những thành ngữ như “trong môi trường của anh ta”, với nghĩa tích cực, và cũng hàm nghĩa “những thế lực hoang dã, không kiểm soát được” (chẳng hạn các trận bão trong thiên nhiên hay cơn điên giận của con người) [10] . Vì vậy stixijnost’ hay “tính tự phát” vừa có thể có nghĩa là một cái gì đó tự nhiên, tốt đẹp, khác biệt với những cái giả tạo, xa lạ hay kìm hãm, lại vừa có thể bao hàm những điều tệ hại như “những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên”, hoặc có thể phiếm chỉ những cái nằm ngoài tầm kiểm soát [của con người], thậm chí đe doạ [con người].

Khi từ stixijnost’ được đặt cạnh từ soznatel’nost’ trong một cặp đối lập, cặp đối lập ấy có khả năng bao quát tất cả những vấn đề nan giải, ám ảnh nhất mà giới trí thức Nga đang phải đối mặt. Ðiều này bao trùm một phạm vi rộng lớn, bởi những liên tưởng phong phú và thậm chí đầy mâu thuẫn mà từ stixijnost’ gợi lên hoàn toàn phù hợp với những mối bận tâm hiện hữu của họ. Cặp đối lập này gợi ý, chẳng hạn, hố sâu vốn được ca tụng ở Nga giữa đám quần chúng nông dân thất học khổng lồ (stixijnost’) và giới tinh hoa có giáo dục (soznatel’nost’), hoặc, diễn tả một cách hơi khác đi, là giữa một nước Nga nông thôn lạc hậu (vương quốc của “tính tự phát”) và nước Nga thành thị hiện đại (vương quốc của “tính có ý thức”); hoặc giả, một lần nữa, giữa các lực lượng quần chúng luôn sôi sục, có khả năng tạo ra các cuộc nổi dậy tự phát, và giới cầm quyền, một nhà nước bị quan liêu hoá cao độ và có tôn ti thứ bậc, đang tìm cách kiểm soát quần chúng và chỉ huy họ.

Cặp đối lập “tự phát” / “có ý thức” cũng có thể được xem như sự đồ thức hoá (schematization) một số khía cạnh của cuộc tranh cãi giữa giới Slavophiles (“những người thân Xla-vơ và bài phương Tây” - ND) và những người thân phương Tây, chẳng hạn như vấn đề liệu con đường đi tới cho nước Nga có thể tìm được trong các mô hình và tư tưởng phương Tây, bằng cách mang lý tính, tổ chức, trật tự và công nghệ tới đất nước lạc hậu và hỗn loạn này không; hay liệu nền văn minh phương Tây đã trở nên cằn cỗi và kiệt quệ về tinh thần, so với phong khí (ethos) bản địa Xla-vơ hay Nga vốn chống lại lý tính, tự phát, theo bản năng, thậm chí có thể còn chống lại thành thị và trật tự nhà nước. Nhiều người trong phe thân Xla-vơ ngả theo hướng quay về với trật tự xã hội của nước Nga nông thôn truyền thống, dựa vào công xã và những nghị hội nông dân (mir) [11] . Những người khác phát triển một thuyết về con người bất bình nổi loạn (buntar’); nhóm này cho rằng lý luận khô khan của trí thức đã cằn cỗi, và các thế lực mạnh mẽ và hữu hiệu nhất có thể mang đến những thay đổi khả quan cho nước Nga hiện đang nằm trong đám quần chúng nông dân đông đảo thất học (và “tự phát”), những người chưa bị hư hỏng do nền giáo dục Tây hoá hay do làm việc với nhà nước chuyên quyền, và do đó có thể biểu lộ “cơn phẫn nộ” thuần khiết từ gan ruột của người Nga chống lại những thế lực xa lạ đang làm ô uế mảnh đất của họ. Cứ mỗi một trí thức ngả về phương thuốc “dân gian” cho các vấn đề nan giải của nước Nga (dù tìm được trong sự nổi loạn dân gian hay trong lối sống truyền thống), thì lại có một người thấy rằng con đường đi lên [của nước Nga] là làm sao để tầng lớp quần chúng “tự phát” ấy trở nên “có ý thức” hơn, bằng cách mang sự khai sáng và văn hoá đến với nỗi tăm tối của những người nông dân ngu dốt và cùng khổ.

Bản thân Lenin nghiêng hẳn về phe “có ý thức”, nghĩa là ông ủng hộ lý tính, trật tự, kiểm soát, công nghệ, sự dìu dắt và khai sáng cho quần chúng. Thuật hùng biện của Lenin đầy những hình ảnh về việc mang “ánh sáng” đến nơi “tăm tối” cho dân chúng Nga. Vợ Lenin, Krupskaya, đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục Xô-viết bằng sự tận lực tham gia phong trào xoá mù chữ và các chương trình khác nhằm nâng cao trình độ học vấn và văn hoá cho quần chúng.

Tuy nhiên, dù rằng Lenin nghiêng về “tính có ý thức” hơn “tính tự phát”, cũng giống như giai cấp trí thức nơi ông xuất phát, chính ông cũng mâu thuẫn về “tính tự phát” và vai trò của nó trong lịch sử. Trong phân tích của Lenin, mặc dù các yếu tố “tự phát” có thể mang tính suy đồi và nguy hiểm nếu không được kiểm tra và hướng dẫn, ông không coi “tính tự phát” thuộc loại tiêu cực về bản chất. Trong Làm gì?, Lenin xác nhận rằng thậm chí trong biểu đạt nguyên thuỷ nhất, “tính tự phát” cũng bao hàm một tiềm lực ở dạng phôi thai cho “tính có ý thức”. [12] Hơn nữa, là một chiến thuật gia sắc sảo, Lenin nhận ra được vai trò quyết định của tầng lớp nông dân trong bất kỳ cuộc cách mạng nào ở Nga; vì vậy, ta thường thấy trong các bài phát biểu của Lenin những đề cập hết sức tâng bốc dành cho nhân tố “tự phát” này. [13]

Tính lập lờ này không chấm dứt cùng với Lenin; nó còn tiếp tục trong khoa tu từ chính thống [Nga] mãi cho đến tận bây giờ. Các thuật ngữ “tính tự phát”, “tính có ý thức” và ý nghĩa của mối quan hệ biện chứng giữa chúng đã được diễn giải khác nhau theo những thay đổi lớn trong văn hoá chính trị.

Vì vậy, một mặt, cặp đối lập “tính tự phát” / “tính có ý thức” là một giáo lý định hình của chủ nghĩa Lenin và là quỹ tích của những tranh cãi lớn nhất về việc làm thế nào để áp dụng lý luận vào thực tiễn. Mặt khác, nó cũng nắm bắt được một số vấn đề nan giải ám ảnh giới trí thức Nga. Thực ra, bản thân chủ nghĩa Lenin, trong nghĩa rộng là một tư tưởng Nga, cũng phản ánh chính những mâu thuẫn của giới trí thức [Nga].

Mẫu hình phức tạp này được phân nhánh khi ta xem xét vai trò mà mối quan hệ biện chứng “tính tự phát” / “tính có ý thức” thủ đắc trong tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn là thế lực định hình đằng sau cốt truyện chủ đạo. Ở đây, tất nhiên nó phục vụ quyền lợi của Ðảng bằng cách biến tiểu thuyết thành các truyện ngụ ngôn tư tưởng, và cũng thường xuyên biến chúng thành các huyền thoại để duy trì nguyên trạng. Thế nhưng, nghịch lý là, nó cũng cung cấp một loại môi trường, dù bị thu hẹp đến bao nhiêu chăng nữa, để thảo thuận và thậm chí tự biểu hiện. Những thuật ngữ mang tính gợi mở phong phú như “tính tự phát” và “tính có ý thức” không chỉ cung cấp một chiếc ô để, dưới bóng nó, người ta có thể tiếp tục cuộc tranh luận vĩnh viễn về con đường đi tới cho nước Nga; chúng còn phản chiếu một số chủ đề lan toả trong bản thân nền văn học Nga, bao gồm cả những quan điểm không ai nghĩ có thể có trong văn học Xô-viết. Chẳng hạn như những quan điểm thường thấy trong văn học thế kỷ 19, rằng hiện thực bề mặt chỉ có vẻ giống vậy, chỉ là một lớp véc-ni, trong khi hiện thực nằm bên dưới thuộc về các thế lực tự nhiên, tăm tối; cũng như việc sính sử dụng những biểu hiện tính dục (libidinous expressions) mà ta thấy trong văn học ít nhất là từ Apollon Grigoryev tới Dostoevsky, Blok và Belyj, cho đến và thậm chí xuyên qua cả Cách mạng, sang tới trào lưu Skifstvo (Scythianism) [14] . Mặc dù những quan điểm như vậy đương nhiên không bao giờ có thể trở thành chủ đề thực sự của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, chúng thường tô màu cho những ký hiệu biểu tượng được sử dụng theo quy ước để diễn dịch cặp đối lập “tính tự phát” / “tính có ý thức” sang hình thức tiểu thuyết.

Vì vậy, bằng cách nghiên cứu những đường nét thay đổi của cốt truyện chủ đạo và sự phức tạp của các thế lực tương tác với cốt truyện ấy, cuốn sách này sẽ lần theo những khuôn mẫu đồ sộ của văn hoá Xô-viết qua một số thời kỳ chuyển tiếp. Hơn nữa, cuốn sách này sẽ không chỉ lần theo văn hoá chính thống, mà còn theo vết, dù ở mức độ ít hơn, những tiếng nói bất đồng chính kiến Nga trong cuộc đối thoại với nó (nền văn hoá chính thống). Trong văn cảnh có giới hạn của cốt truyện chủ đạo, với những khối đá trụ tư tưởng của nó, cuốn sách này sẽ lập biểu đồ cho sự thất thường trong mối quan hệ biện chứng giữa ký hiệu và ý nghĩa, và mối quan hệ biện chứng giữa cái bên trong văn học và cái bên ngoài nó. Bằng cách này, cuốn sách sẽ cung cấp một mô hình động lực của những đổi thay văn hoá trong thời kỳ Xô-viết.

(còn 2 phần)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas

[1]Trong hệ thống triết học của Hegel – một nửa tiền thân của triết học Marx –, “hợp đề” (synthesis) là kết quả của sự chuyển hoá lẫn nhau giữa “chính đề” (thesis) và “phản đề” (antithesis) vào giai đoạn cuối của sự phát triển biện chứng của mối mâu thuẫn mà trong đó, thesisantithesis là hai mặt đối lập. (Chú thích của bản dịch.)
[2]Karl Marx và Friedrich Engels, The German Ideology, trong Collected Works, tập 5 (New York: International Publishers, 1976), đặc biệt các trang 31, 35-37, 43-44, 50.
[3]Tiếng Nga «Что делать? – Наболевшие вопросы нашего движения». (Chú thích của bản dịch.)
[4]Geist là một [danh] từ tiếng Đức, rất khó dịch sang nhiều ngôn ngữ khác (hiển nhiên, trong đó có tiếng Việt). Trên hiện trường Anh ngữ, Geist thường được dịch là mind (tư tưởng, tâm trí), spirit (tinh thần) hoặc ghost (linh hồn), song cũng được liên hệ với drive (sự tiến triển) hay motivation (sự thúc đẩy, động cơ). Một số dịch giả [sử dụng tiếng] Anh đã sáng tạo từ ghép “spirit-mind” để chuyên chở ý nghĩa của thuật ngữ này. Geist là khái niệm trung tâm trong trước tác của Hegel Phänomenologie des Geistes (tạm dịch Hiện tượng học của Tinh thần, tiếng Anh Phenomenology of Spirit), trong đó, theo Hegel, cái Weltgeist (tạm dịch “Tinh thần Thế giới”, tiếng Anh “World Spirit”) không phải là một thực thể (an actual thing) mà người ta có thể bắt gặp / chạm đến hoặc một cái gì tựa-hồ-Thượng-Đế bất khả nhận thức (a God-like thing beyond), mà là một phương tiện của sự tư biện về lịch sử (a means of philosophizing about history). Weltgeist được ứng nghiệm vào lịch sử thông qua sự dàn xếp (the mediation) của những Volksgeist (tạm dịch “Tinh thần Nhân gian”, tiếng Anh “Folk Spirits”) các loại; những vĩ nhân của lịch sử, tỷ như Napoléon Bonaparte, là cái “vũ trụ cụ thể” (the “concrete universal”). Điều này đã khiến một số người quả quyết rằng Hegel ủng hộ thuyết vĩ nhân (the great man theory) [về lịch sử], mặc dù triết học lịch sử (philosophy of history) của ông – nói riêng, liên quan tới vai trò của “nhà nước phổ quát” (the “universal state” – tiếng Đức Universal Stand –, khái niệm hàm nghĩa “trật tự” [order] hay “pháp quy” [statute] thì hơn là “nhà nước” [state]), và tới vai trò của một “Điểm Kết của Lịch Sử” (an “End of History”) – thì phức tạp hơn nhiều. Theo triết học lịch sử của Hegel, vĩ nhân được/bị sử dụng một cách không chủ ý bởi Geist hoặc Tinh thần Tuyệt đối (Absolute Spirit), hay bởi một “sự thức tỉnh của Lý tính” theo cách diễn đạt của Hegel, và sẽ không còn liên quan đến lịch sử một khi sứ mệnh của anh ta đã hoàn thành; bậc vĩ nhân vậy là đã được đệ giao cho nguyên lý mục đích luận của lịch sử, một nguyên lý cho phép Hegel tái lý giải toàn bộ lịch sử của triết học như là đã đạt đến đỉnh điểm tại triết học về lịch sử của ông. (Chú thích của bản dịch, theo Wikipedia.)
[5]Karl Marx, Capital: A Critique of Political Economy (Chicago: Charles Kerr & C., 1909), trang 954-55.
[6]Tiếng Đức ở nguyên bản. (Chú thích của bản dịch.).
[7]Leopold Haimson cũng đưa ra quan sát tương tự trong The Russian Marxists and the Origins of Bolshevism (Cambridge, Mass: Harvard University Press, 1967).
[8]Trong tiếng Nga, danh từ «сознательность» (đọc soznatel’nost’ – “tính có ý thức”) là phái sinh của tính từ «сознательный» (đọc soznatel’nyj), hàm nghĩa “tận tâm”, “chu đáo”, “có lương tâm”. (Chú thích của bản dịch.)
[9]Theo Từ điển tiếng Nga của S. I. Ozhegov, danh từ «стихия» (đọc stixija) có nghĩa nguyên thuỷ là “một trong bốn nguyên tố cơ bản của tự nhiên theo triết học cổ đại – bao gồm lửa, nước, không khí và đất”. Những nghĩa chuyển (nghĩa bóng) chủ yếu của stixija là: hiện tượng thiên nhiên (trong tư cách một lực lượng phi nhân tính và bất khả chế ngự); lực lượng xã hội vô tổ chức (do đó tác động xấu đến môi trường xã hội); môi trường hay hoàn cảnh quen thuộc (đối với một con người hay một nhóm người). (Chú thích của bản dịch.)
[10]Xem chú thích trên.
[11]Trong tiếng Nga cổ, «мир» (đọc mir) có nghĩa là cộng đồng nông dân hoặc cuộc gặp mặt giữa các nông dân. (Chú thích của bản dịch.)
[12]V.I. Lenin, What Is to Be Done? Burning Questions of Our Movement, trong Collected Works, bản in lần thứ 4, tập 5, do Joe Fineberg và George Hanna dịch (Moscow: Progress Publishers, 1961), trang 374.
[13]Ví dụ, xem V.I. Lenin “Russian Revolution and the Civil War” (tháng Chín 1917), trong Collected Works, bản in lần thứ 4, tập 26, do Yuri Sdobnikov và George Hanna dịch (Moscow: Progress Publishers, 1964), trang 31.
[14]Skifstvo (tiếng Nga «Скифство», tiếng Anh Scythianism) là phong trào xã hội và văn học chính luận xuất hiện vào năm 1917 ở nước Nga. Tuy lãnh đạo phong trào là những nhà chính trị – các đảng viên xã hội - cách mạng cánh tả Ivanov-Razumnik và Mstislavsky, những người cổ vũ cho một học thuyết tân dân tuý mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội muzhik” (muzhik: người nông dân Nga) –, nhưng thành phần chủ yếu tham gia phong trào lại là giới trí thức sáng tác (đặc biệt có các nhà thơ xuất chúng như Blok, Yesenin, Klyuev, v.v...), liên kết với nhau trên tinh thần Chính thống giáo và dân tộc chủ nghĩa. Bộ phận trí thức này chịu ảnh hưởng của những tư tưởng dân tuý [Nga] bảo thủ, tin rằng chính nước Nga La Tư («Русь», Rus’) thô lậu theo chủ nghĩa tập thể sẽ đem đến sự giải thoát cho phương Tây tư sản. Về mặt từ nguyên, tên gọi phong trào Skifstvo /Scythianism có lẽ có xuất xứ từ nhan đề một bài thơ của Blok sáng tác trong thời kỳ này – «Скифы» (Skify, hay “[Những] người Scythian”) –, trong đó nước Nga La Tư cổ được mô tả như một đế quốc của những người Scythian thô kệch có cặp mắt xếch tham lam, sẵn sàng thôn tính châu Âu. Người Scythian (tiếng Nga Skif, số nhiều Skify) thực ra là một dân tộc du mục cổ thuộc chủng tính Aryan, nói một ngôn ngữ thuộc nhánh Iran của ngữ tộc Ấn-Âu. Quốc gia - dân tộc cổ Scythia (tồn tại trong khoảng 700 BCE – 600 CE) của người Scythian từng là một đế quốc có nền văn hoá rực rỡ, với lãnh thổ rộng lớn trải lên các địa vực Đông Âu, Trung Á (tức một phần nước Nga) và Bắc Ấn Độ ngày nay. Cổ sử của nhiều quốc gia châu Á cũng gọi người Scythian là người Saka, Hán tự塞 (phiên âm quan thoại là [Sài], âm Hán-Việt là “Tái”). (Chú thích của bản dịch, theo Русская Цивилизация Wikipedia.)

Nguồn: Katerina Clark, The Soviet Novel – History as Ritual. (3rd edition.) Indiana University Press, 2000. Trang: 3-24.

Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, phần 1 ngày 24.1.2008 & phần 2 ngày 25.1.2008

No comments:

Post a Comment