Wednesday, September 21, 2011

Wynn Wilcox – Phụ nữ và huyền thoại trong lịch sử Việt Nam: Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, và việc tạo ra tính liên tục về lịch sử tại Việt Nam (phần 1)

Cao Việt Dũng dịch

Ba huyền thoại về hai người phụ nữ Việt Nam

Lê Ngọc Hân (1770-99) và Hồ Xuân Hương (k. 1770-1822) là hai trong số các nhà văn nữ nổi tiếng nhất thời kỳ cận đại của Việt Nam. Mặc cho khác biệt về nguồn gốc xã hội (Ngọc Hân là công chúa và hoàng hậu, còn Xuân Hương đứng ở vị trí bên lề của thế giới văn chương), hai người đều có vai trò quan trọng trong văn học và lịch sử Việt Nam. Họ luôn có tên trong các hợp tuyển thơ ca Việt Nam, những câu chuyện về Việt Nam, tên các tòa nhà và tên phố ở Việt Nam, ở tiền sảnh của bảo tàng phụ nữ và các bảo tàng lịch sử Việt Nam. Nói cách khác, hai người phụ nữ có vị trí quan trọng trong điện thờ các anh hùng dân tộc Việt Nam và tại những nơi sản xuất ra tính chất liên tục của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, quá khứ cũng như hiện tại.

Thế nhưng việc xem xét lại tài liệu lịch sử của hai người phụ nữ này khiến ta thấy vị trí được trọng vọng của họ trong lịch sử dân tộc của Việt Nam có gì đó rất kỳ quặc. Mặc dù họ có mặt ở khắp mọi nơi, giờ đây chúng ta biết tương đối ít về cả hai người. Những gì chúng ta biết về các tư tưởng của Ngọc Hân chỉ giới hạn trong hai bài thơ nổi tiếng nhưng rất ngắn của bà: một là văn tế và một là bài vãn (cả hai đều được viết theo đúng lối ước lệ điển hình của thể loại) cho người chồng đã mất của mình, hoàng đế Quang Trung (kh. 1753-92, làm vua từ 1788-92). Tuy Xuân Hương là một nhà thơ viết nhiều, nhưng các bài thơ của bà chỉ nằm trong các tuyển thơ xuất bản gần một thế kỷ sau khi bà mất, và những gì ít ỏi ta biết về cuộc đời bà chủ yếu bắt nguồn từ những bài thơ được cho là của bà. Nói một cách khác, dù cả hai người phụ nữ đều có tầm quan trọng lớn lao trong sử sách Việt Nam và văn học Việt Nam, thì cái vị thế ấy họ chỉ có được từ tương đối gần đây, mặc cho (hoặc cũng có thể là vì) việc người ta biết rất ít về họ.

Từ 1954, năm đánh dấu sự khởi đầu của hai thập niên phân chia Bắc-Nam tại Việt Nam, các ấn phẩm về hai người phụ nữ xuất hiện với số lượng lớn hơn hẳn so với trước đây. Cả Xuân Hương và Ngọc Hân đều như thể là một thành phần của cái mà Patricia Pelley gọi là “một phiên bản mang tính điển phạm về quá khứ của Việt Nam” mà các sử gia Mác-xít của miền Bắc Việt Nam dựng lên. Trong bối cảnh này, những gì họ viết ra được sử dụng như là bằng chứng cho thấy tính chất tiến bộ của triều Tây Sơn (1771-1802), giai đoạn được các sử gia này coi là báo trước cho chủ nghĩa cộng sản Việt Nam[1].

Trong bài viết này, tôi sẽ lập luận rằng sở dĩ hai người phụ nữ ấy đã nổi lên chiếm lấy địa vị rất cao trong hệ thống điển phạm lịch sử và văn học Việt Nam ở thời kỳ ấy, ít nhất cũng một phần, là do các cuộc tranh luận về ba huyền thoại trung tâm được duy trì rất lâu dài về họ. Thứ nhất, tại miền Bắc Việt Nam, các sử gia duy trì cái huyền thoại cho rằng Ngọc Hân và Quang Trung rất yêu nhau. Thứ hai lại là một điều trái ngược hẳn với điều trên: tại miền Nam Việt Nam, các tờ tạp chí lan truyền cái truyền thuyết rằng Ngọc Hân, thay vì yêu chồng, lại ghét ông đến nỗi đầu độc hạ sát ông. Cuối cùng, một phần ở miền Bắc, các sử gia duy trì cái huyền thoại theo đó Xuân Hương viết thơ trong thời Tây Sơn chứ không phải thời Nguyễn. Do vậy, các sử gia miền Bắc lập luận, bà là đại diện cho chủ nghĩa xã hội sơ khởi tiến bộ được cho là của Tây Sơn, và bởi thế bà có thể được gắn liền với biểu hiện chống Trung Quốc của Tây Sơn, và mong ước chống lại phong kiến của người dân Việt Nam.

Việc xác định chúng là các huyền thoại không nhằm để phạm trù hóa ba câu chuyện này với tư cách là đối nghịch với các sự kiện mà chúng ta biết về Ngọc Hân và Xuân Hương. Bruce Lincoln đã gợi ý rằng chúng ta nên coi huyền thoại là một truyện kể (narrative) đòi hỏi một hình thức đặc biệt về thẩm quyền của xã hội, như là “một động thái diễn ngôn qua đó các tác nhân gợi lên những tình cảm mà xã hội được xây dựng một cách tích cực dựa ở trên[2]”. Lincoln phân biệt câu chuyện (history) và huyền thoại (myth) không phải dựa trên tính chất có thật của câu chuyện và tính chất hư cấu của huyền thoại, mà dựa trên việc các huyền thoại đòi hỏi “địa vị của chân lý mang tính hệ hình”, trong đó chúng đặt ra một cấu trúc hoặc một mô hình thông qua đó “người ta có thể thực sự huy động được một sự tập hợp về mặt xã hội[3]”.

Bằng cách nâng cao vị thế của những huyền thoại về lịch sử Việt Nam thế kỷ mười tám ấy, các học giả tìm cách vun đắp cho những câu chuyện về quá khứ nhưng lại mang ý nghĩa hệ hình cho tương lai. Họ giới thiệu Ngọc Hân và Xuân Hương như là các nhà văn đủ sức mang lại tính hợp thức và thẩm quyền cho các phiên bản hiện đại về Việt Nam của mình, thông qua việc hợp thức hóa hoặc Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam hoặc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc. Ba huyền thoại này có thể tìm thấy trong giai đoạn 1954-75, khi Việt Nam bị chia cắt làm hai nửa. Đó chính là thời kỳ khi xây dựng một xã hội mới là một việc làm vô cùng cốt yếu. Hơn thế nữa, các huyền thoại này lại nói về một sự chia cắt của một giai đoạn khác, những cuộc chiến tranh của Tây Sơn (1773-1802), trong đó triều Tây Sơn, do hoàng đế Quang Trung lãnh đạo tại Hà Nội, chiến đấu chống lại triều Nguyễn (1802-1945), dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ánh (1781-1820, từ 1802-1820 là hoàng đế Gia Long) từ Sài Gòn.

Vì lo lắng cho tính chất liên tục hoặc thậm chí là sự sống còn của phiên bản quốc gia Việt Nam của mình, các sử gia và nhà phê bình văn học đã lần ngược về thời Tây Sơn và tạo ra các huyền thoại nhằm đảm bảo với chính họ rằng phiên bản về quốc gia Việt Nam của họ sẽ còn tồn tại sau này. Đó là lý do khiến cho các học giả miền Bắc tìm mọi cách để tự đồng hóa mình với triều Tây Sơn bởi họ coi Tây Sơn là một sự báo trước về tính chất xã hội chủ nghĩa cho chính quyền của họ. Vì vậy, họ coi Tây Sơn là triều đại hợp thức cuối cùng, một triều đại với các chính sách công bình luôn quan tâm tới ý chí dân chúng.

Các học giả ấy hướng vào Ngọc Hân như bằng chứng cho tính chất liên tục và tính hợp thức của Tây Sơn. Vì là một công chúa của triều Lê, triều đại ngay trước Tây Sơn, Ngọc Hân được coi như là một bằng chứng cho tính chất liên tục của Tây Sơn trong quan hệ với nhà Lê. Hơn thế nữa, huyền thoại về tình yêu của bà với hoàng đế Quang Trung cung cấp cho các sử gia này một biểu tượng về tình yêu và sự trìu mến mà họ nghĩ mọi người Việt Nam đều dành cho Quang Trung.

Hơn thế nữa, các sử gia miền Bắc kể từ những năm 1960 đã chú mục vào những phê phán xã hội thẳng thừng và các bài thơ đầy khiêu khích về mặt tình dục của Xuân Hương như là đại diện cho những chính sách tiến bộ của Tây Sơn, mà họ cho là đặc biệt có tính chất Việt Nam, và đối lập các chính sách ấy với những chính sách phong kiến và phi hợp thức của nhà Nguyễn. Cái phương tiện huyền thoại này cho phép họ che giấu sự thật rằng Tây Sơn đã bại trận trước nhà Nguyễn, nhấn mạnh rằng ý chí thực thụ của dân chúng Việt Nam, như Hồ Xuân Hương đã phát ngôn trong giai đoạn Tây Sơn, đã phải ẩn khuất đi dưới triều Nguyễn, cho mãi tới khi có chính quyền của Việt Minh mới xuất hiện trở lại.

Ngược lại, một số nhà văn, nhà phê bình văn học và sử gia miền Nam lại tìm cách thiết lập tính hợp thức của nhà nước Nam Việt Nam hiện đại bằng cách cho rằng triều Nguyễn là triều đại báo trước cho họ, theo cách phúng dụ. Bằng cách nói không hay về những cuộc nổi dậy của Tây Sơn và khẳng định tính thẩm quyền của triều Nguyễn trong quá khứ, các học giả này có thể khẳng định ham muốn đánh bại miền Bắc ở thời hiện tại. Do vậy, khi một học giả Sài Gòn đưa ra giả thuyết Lê Ngọc Hân đầu độc hoàng đế Quang Trung và bí mật cưới hoàng đế Gia Long, ông đã bày ra một huyền thoại nằm lại dai dẳng ngay trong lòng xã hội miền Nam. Họ đề xuất rằng Lê Ngọc Hân đã ban tính chất hợp thức biểu tượng của triều Lê không phải cho Quang Trung, vị hoàng đế được yêu quý nhất của miền Bắc, mà là Gia Long, vị hoàng đế từ Sài Gòn nhất thống được cả đất nước. Vì thế, họ có hàm ý rằng miền Nam Việt Nam có được tính chất hợp thức xuất phát và không hề đứt đoạn từ triều Lê.

Không phải mọi sử gia và nhà phê bình văn học ở hai bên bờ vĩ tuyến mười bảy đều tin vào hoặc góp sức duy trì những huyền thoại được truyền tải trên các tạp chí học thuật và báo chí phổ thông ấy. Nhưng chỉ riêng việc các huyền thoại này được tung ra đã cho chúng ta một cái nhìn hết sức quan trọng vào căn cước và tính chất hợp thức ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, đặc biệt là trong những năm 1950 và 1960: ở cả Hà Nội và Sài Gòn, các học giả đều chú trọng đòi hỏi tính thẩm quyền về tinh thần của chế độ của mình thông qua tính hợp thức do hai nhà văn nữ của cuối thế kỷ mười tám và đầu thế kỷ mười chín ấy trao cho. Vì vậy mà hai người phụ nữ này đã cung cấp cho cả hai phía một sự tương đồng với quá khứ để thông qua đó mà có thể nhận định, ngay giữa những biến động của những năm 1950 và 1960, rằng nước Việt Nam của họ là bên chiến thắng, vì nước Việt Nam của họ được tiếp nối từ trong lịch sử.

Trường hợp Lê Ngọc Hân

Công chúa Lê Ngọc Hân là một trong các nhân vật hoàng gia được lãng mạn hóa nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam. Không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét những chi tiết rất lạ đã tạo nên cuộc đời bà. Năm 1786, người thứ hai trong ba anh em trai đã thành lập nên triều đại Tây Sơn, Nguyễn Văn Huệ, sau này sẽ trở thành hoàng đế Quang Trung, chiến thắng quân của chúa Trịnh, khi ấy đang nhân danh các vua Lê để thống trị. Trong số các thỏa thuận với mục đích giữ được ngai vàng, vị hoàng đế gần cuối cùng của triều Lê, Lê Cảnh Hưng (sau khi chết được phong tước hiệu Lê Hiển Tông, làm vua từ 1740-86), đã gả cho Nguyễn Văn Huệ người con gái thứ hai mươi mốt của mình, Ngọc Hân.

Khi hôn lễ được tiến hành, Lê Ngọc Hân mới mười sáu tuổi. Hẳn nhiên các dính dáng của bà vào những sự kiện chính trị một ít năm sau đã đặt bà vào một vị trí khó xử một cách khác thường. Sau khi cha bà mất không lâu sau đó, năm 1786, hoàng đế mới của triều Lê, người anh em của Ngọc Hân, Lê Chiêu Thống (cũng được biết đến dưới cái tên Lê Mẫn Đế, làm vua từ 1787-89), tìm cách nổi loạn chống lại Nguyễn Huệ và khôi phục mối quan hệ Trịnh/Lê ngày trước; Nguyễn Huệ đánh tan các lực lượng Trịnh/Lê. Ông lên ngôi, trở thành hoàng đế Quang Trung vào năm 1788.

Để đáp lại cái bị coi là sự tiếm ngôi của hoàng đế Quang Trung đối với ngai vàng hợp pháp của triều Lê, năm 1789 hoàng đế Càn Long của Trung Quốc cử một đạo binh xâm chiếm gồm 200.000 lính để đoạt Thăng Long (ngày nay là Hà Nội) trả về cho nhà Lê. Trong một trong những trận chiến nổi tiếng nhất của lịch sử Việt Nam, viên tướng Trung Quốc đã bị lực lượng Tây Sơn đánh bại và phải tự sát để tránh nỗi nhục phải quay về Trung Quốc với tư cách kẻ chiến bại. Xác lính Trung Quốc tử trận được chất lại thành đống cao đến nỗi ngày nay vẫn còn một cái gò tại nơi là quận Đống Đa của Hà Nội[4].

Tuy chỉ có rất ít tài liệu về việc Ngọc Hân cảm thấy như thế nào về các sự kiện xảy ra trong đời bà từ 1787 đến 1789, nhưng chúng ta cũng biết rằng bà được phong hoàng hậu vào năm 1789 và bà và Quang Trung có hai người con, một con trai và một con gái. Tuy nhiên, truyền thuyết về Ngọc Hân nói về bà nhiều hơn thế. Liệu bà có yêu hoàng đế Quang Trung hay không? Liệu có phải là bà giết chết ông trong một cơn ghen tuông? Những huyễn tưởng ấy đã đi vào quá trình biểu tượng hóa mang tính lịch sử hình ảnh của Ngọc Hân ở hai bối cảnh rất khác nhau: lịch sử cách mạng của miền Bắc và Sài Gòn trong những năm 1960.

Ngọc Hân như là người tình dân tộc: huyền thoại miền Bắc

Vợ của các hoàng đế Việt Nam rất hiếm khi trở thành đề tài cho các câu chuyện về Việt Nam. Dù thường thì cuộc đời và tên của họ được chép lại trong các sách vở hoàng gia như Đại Việt Sử Ký Toàn ThưĐại Nam Chính Biên Liệt Truyện, cuộc đời họ vẫn hiếm khi vượt quá được một sự nêu tên thoáng qua trong các tài liệu lịch sử gần đây hơn. Vậy thì tại sao, trong thế kỷ hai mươi, các nhà phê bình văn học và sử gia lại liên tục viết các tiểu luận và những quyển sách về cuộc đời và tác phẩm của bà?

Chắc chắn một phần lời giải thích nằm ở tính chất giật gân chỉ thuần túy có giá trị về mặt câu khách trong câu chuyện của bà. Không nghi ngờ gì nữa tự bản thân cuộc đời của Ngọc Hân đã chứa đựng một sự hấp dẫn nào đó, và việc trở thành vợ của người đã tước mất ngai vàng của dòng tộc bà khiến bà ở vào một vị trí ngưỡng cửa đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, rất ít người chú ý tới vai trò mang tính ý hệ của cuộc đời Ngọc Hân. Cuộc đời Ngọc Hân cung cấp cho các sử gia Mác-xít của Hà Nội một công cụ về truyện kể nhằm đảm bảo tính chất liên tục trong việc chuyển giao từ Lê sang Tây Sơn. Tình yêu mà người ta đặt giả thiết là bà có với Quang Trung cung cấp một số công cụ then chốt nhất trong các nỗ lực của các sử gia Mác-xít những năm 1950 nhằm hợp thức hóa chế độ của Quang Trung, và do đó (vì ông đã trở thành gương mặt đại diện nằm ở trung tâm của phong trào Tây Sơn), chế độ của Tây Sơn nhìn chung.

Những lập luận mới về tầm quan trọng của Lê Ngọc Hân với tư cách nhà văn và mối quan hệ của bà với hoàng đế Quang Trung xuất hiện lần đầu tiên trên Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa hồi giữa những năm 1950 giữa một loạt bài báo ca tụng triều Tây Sơn nói chung và hoàng đế Quang Trung nói riêng. Như Pelley chỉ ra, với những người được gọi là sử gia mới của Hà Nội, kỷ nguyên Tây Sơn là một giai đoạn cốt tử trong tiến trình lịch sử và văn học cách mạng và là một sự báo trước quan trọng cho xã hội mới mà họ đang nỗ lực xây dựng bên trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Các học giả này cho rằng “Cách mạng tháng Tám 1945 đánh dấu sự hoàn chỉnh của những gì mà nhà Tây Sơn đã khởi sự từ cách đây 150 năm[5].”

Khi các bài báo về Tây Sơn bắt đầu bùng nổ trên những trang Văn sử địa, các học giả bắt đầu đánh giá lại tầm quan trọng của Lê Ngọc Hân. Tháng Hai năm 1956, Văn Tân, nhà phê bình văn học và sử gia về Tây Sơn nổi bật (viết dưới bút danh D.M.), dành gần một nửa bài báo viết về văn học thời Tây Sơn của mình cho Ngọc Hân. Trong bài báo này, Văn Tân đã chế tạo một huyền thoại sẽ còn chiếm ưu thế trong văn học về Lê Ngọc Hân của Hà Nội trong suốt nhiều thập niên sau đó: tầm quan trọng của bà trong văn học Tây Sơn nằm ở tình yêu đích thực và bất tử dành cho hoàng đế Quang Trung và khả năng của bà trong việc diễn đạt sự thương xót một quốc gia qua cái chết yểu mệnh của Quang Trung vào năm 1792[6].

Trong phân tích của mình, Văn Tân bình luận về các tác phẩm viết được biết đến của bà, nghĩa là hai bài thơ nổi tiếng: “Tiên Thánh Thăng Hà Hoàng Hậu Ai Vãn”, hoặc được biết đến rộng rãi hơn dưới cái tên Ai tư vãn, và “Tế Quang Trung Đế Văn”[7]. Hai bài thơ này được viết nhằm nhấn mạnh mối quan hệ giữa Quang Trung và Ngọc Hân, như là một mối quan hệ đầy tình cảm, một khối cảm xúc giữa chồng và vợ, vốn có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam[8]. Ai tư vãn viết:
 
Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan hoa héo ron ron
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao
Sầu sầu thảm thảm xiết bao
Sầu đầy gạt bể, thảm cao ngất trời[9]

Sau khi chép lại nhiều đoạn trong bài thơ, Văn Tân đưa ra lập luận sau đây về ý nghĩa những lời của Ngọc Hân:

“Tình của Lê Ngọc-Hân đối với vua Quang-Trung là chí tình, nên thơ bà lâm ly thống thiết. Đó thật là một khúc đoạn trường. Ngọc-Hân yêu quí Quang-Trung đến mực sẵn sàng chết đi để vua sống lại! Đủ biết nước mắt bà không chỉ là biểu hiện sự đau đớn của một người vợ mất chồng, mà còn là sự lo lắng của người dân mất lãnh tụ nữa. Vì ai cũng biết việc vua Quang-Trung chết yểu là một trong những nguyên nhân làm cho nhà Tây-Sơn sớm đổ.”[10]

Trong diễn giải này, Văn Tân khôn khéo kết nối những cảm xúc sâu kín mà ông tin Ngọc Hân nói với người chồng đã khuất của mình trong bài vãn này với nỗi lo lắng mà dân tộc Việt Nam cảm thấy khi Quang Trung mất. Văn Tân mời chúng ta coi “sự hấp hối” của Ngọc Hân như một kiểu biểu tượng của cảm xúc mà toàn thể dân tộc Việt Nam đã có khi hoàng đế của mình qua đời và sự sụp đổ sau đó không lâu của triều Tây Sơn.
Cách diễn giải của Văn Tân về nỗi đau đớn của Ngọc Hân như là đại diện cho những âu lo của dân tộc vào lúc kết cục cuộc đời Quang Trung rất tương hợp với cách diễn giải chung của ông đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong những năm 1950 như là sự tái sinh của triều Tây Sơn. Với Văn Tân, Quang Trung là nhà cai trị hợp thức cuối cùng của Việt Nam. Người dân Việt Nam đã bị buộc phải chịu đựng 150 năm áp bức dưới sự cai trị của triều Nguyễn (1802-1945), với các ông vua tình nguyện hợp tác với đế quốc Pháp. Như Văn Tân viết trong chuyên luận quan trọng và vẫn còn ảnh hưởng lớn về triều Tây Sơn, Cách Mạng Tây Sơn (1958):

“Năm 1792, vua Quang-trung mất, bọn phong kiến phản động mà Nguyễn Phúc Ánh là đại biểu thừa dịp tấn công vào triều đại Tây-sơn, kéo lịch sử lùi trở lại để rồi cuối cùng mở cửa đất nước cho bọn thực dân xâm lược. Nhưng tất cả cố gắng của bọn phong kiến phản động và bọn thực dân đế quốc chỉ kìm hãm lịch sử Việt-nam được 152 năm (1802-1954) thôi. Năm 1954, sau chiến thắng Điện-biên vĩ đại, nhân dân Việt-nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng tiền phong, đã giành được độc lập trên già nửa đất nước. Trên khoảng đất này, nhân dân Việt-nam đang kế tục và phát triển sự nghiệp mà vua Quang-trung đã bỏ dở.”[11]

Với Văn Tân, việc chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam và Bắc bởi chế độ Mỹ-Diệm là một sự tiếp nối của việc kéo lùi lịch sử Việt Nam như thời phong kiến đã làm, được nhà Nguyễn thực hiện trong thời các cuộc chiến của Tây Sơn hai trăm năm trước, trong khi chế độ Hà Nội dưới thời Hồ Chí Minh tiếp tục các chính sách tiến bộ mà Quang Trung đã khởi xướng nhưng không thể hoàn thành[12]. Vai trò của Lê Ngọc Hân trong câu chuyện này rất rõ ràng: thông qua tình yêu của bà dành cho Quang Trung và nỗi đau đớn của bà khi ông qua đời, bà đã trở thành một biểu tượng cho nỗi buồn cũng như niềm hy vọng của người dân Việt Nam vào tiến bộ của quốc gia Việt Nam đang phục sinh tại miền Bắc sau năm 1954. Do vậy, Văn Tân đã xây dựng một huyền thoại về Lê Ngọc Hân ủng hộ cho tính chất hợp thức của miền Bắc Việt Nam trong việc đại diện cho ý chí của người dân Việt Nam, bằng cách kết nối các cảm xúc của người dân, được đại diện theo lối hoán dụ qua nỗi đau đớn của Lê Ngọc Hân, đối với Quang Trung và sau này là đối với Hồ Chí Minh.

Phân tích của Văn Tân về Lê Ngọc Hân rất quan trọng vì ông được công nhận không chỉ như một trong các lãnh đạo của Viện Sử học tại Hà Nội mà còn như một chuyên gia hàng đầu trong số các học giả Hà Nội về lịch sử và văn học triều Tây Sơn. Với tư cách đó, cách diễn giải của Văn Tân chỉ bị biến đổi rất ít bởi các học giả sau này, những người vẫn coi các tình cảm mà Ngọc Hân thể hiện trong “Ai Tư Vãn” như là bằng chứng về tình yêu mạnh mẽ giữa chồng và vợ. Cách diễn giải này chủ yếu được dựa trên cái có vẻ như là chủ nghĩ tình cảm của các bài thơ, những ẩn dụ phái tính, và sự lôi cuốn của tình yêu tiền định và vĩnh cửu. Đó cũng là một cách diễn giải thơ bà đứng vững được qua sự kiểm chứng của thời gian. Năm 1986, nhà phê bình văn học Nguyễn Lộc đưa ra một phiên bản chỉ hơi mạnh mẽ hơn một chút so với cách diễn giải của Văn Tân gần ba thập niên về trước:

“Trong Ai tư vãn, Ngọc Hân hồi tưởng lại  mối tình của nàng với vua Quang Trung. Ngọc Hân nói lên những lo lắng  khi nhà vua lâm bệnh, nỗi đau xót thống thiết của nàng trước cái chết của nhà vua… Có thể nói những lời Ngọc Hân viết về Quang Trung không những hết sức chân thành, mà đồng thời cũng có thể coi là những đánh giá khách quan và chính xác nhất…”[13]

Ở đoạn này Nguyễn Lộc đã tường minh hóa cấu trúc của sự dịch chuyển thông qua đó tình yêu của Ngọc Hân trở thành biểu tượng cho tình yêu của dân tộc. Dù vậy, cũng thật kỳ lạ khi Nguyễn Lộc gọi một tình yêu là “khách quan”, vì thường thì tình yêu được hiểu là loại tình cảm trìu mến và chủ quan một cách hoàn hảo nhất. Ở đây, tình yêu của Ngọc Hân là khách quan theo cái nghĩa, trong cấu trúc của đất nước Việt Nam như Nguyễn Lộc hiểu, tình yêu của bà là một đặc tính được cảm nhận một cách phổ quát. Nó thuần túy là một cách phô bày điều mà mọi người Việt Nam cần phải cảm thấy đối với hoàng đế Quang Trung.

Tìm cách chỉ ra dứt khoát liệu Ngọc Hân thật ra có yêu Quang Trung hẳn là một công việc không có ích lợi gì, và cũng vô nghĩa về mặt bản chất. Tuy nhiên, chỉ cần nói rằng các sử gia không thể chỉ cầu viện tới “Ai tư vãn” để làm bằng chứng rằng Ngọc Hân thực sự yêu hoàng đế Quang Trung theo cách thức mà cái huyền thoại ấy gợi ý. Chẳng hạn, rất ít người chỉ ra rằng cả hai bài thơ của Ngọc Hân đều không hề được viết ra trong một lóe chớp của nỗi đắm say. Chúng đều được viết vào dịp tang lễ Quang Trung, và cả hai bài thơ đều thuộc về các thể loại có quy chuẩn rất rõ: văn tế và vãn. Điều này không có nghĩa là những cảm xúc của Ngọc Hân là không thành thực, mà có nghĩa là những bài thơ này tương ứng rất rõ với những kỳ vọng của thể loại, tức bà phải than thở và phải tuyên dương các công nghiệp của Quang Trung.

Văn học cuối thế kỷ mười tám có rất nhiều văn tế nổi tiếng, như tác phẩm của Phạm Thái (1771-1813) cho Trương Quỳnh Như và các văn tế nổi tiếng của hoàng đế Gia Long (làm vua từ 1802-19) hay của Đông Cung Cảnh (1779-1801) dành cho đồng minh của họ, giám mục Pierre Pigneau de Béhaine (1740-99) [Bá Đa Lộc][14]. Bài văn tế của Ngọc Hân có chung nhiều phương diện nền tảng với một hoặc tất cả những văn tế này: việc sử dụng các đặc điểm của thiên nhiên như bầu trời hoặc thiên đường làm ẩn dụ cho nỗi đau đớn; lời tuyên bố về tình yêu; và những lời định luận bắt đầu với những hô ngữ như “hỡi ôi!” hay “thương ôi!” Nói một cách ngắn gọn, bài văn tế của Ngọc Hân đi theo các khuôn khổ định sẵn của thể loại; do vậy, không nên coi đó là một bằng chứng cho sự gắn bó của bà với Quang Trung.

Hơn nữa, một số học giả về văn học thậm chí đã đã đặt ra vấn đề về sự chân xác của những bài thơ này. Chẳng hạn, Nguyễn Cẩm Thúy và Nguyễn Phạm Hùng chỉ ra những điều giống nhau về cơ bản giữa cấu trúc và ngôn ngữ trong các bài thơ của Ngọc Hân và phong cách viết cũng như thơ ca của một văn nhân có nhiều ảnh hưởng thời Tây Sơn, Phan Huy Ích (1751-1822)[15]. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này có thể chỉ là phản ánh của một định kiến về giới tính cho rằng phụ nữ thế kỷ mười tám không thể viết được thơ hay. Chẳng hạn như họ không tính đến khả năng sự tương tự giữa các bài thơ được cho là của Ngọc Hân và những bài vẫn được hiểu là của Phan Huy Ích cũng rất dễ dàng được diễn giải như là gợi ý cho thấy tác giả thực của các bài thơ của Phan Huy Ích chính là Lê Ngọc Hân.

Tuy vậy, không bằng chứng thực tế khách quan về tình yêu của Ngọc Hân dành cho Quang Trung nào có thể phủ nhận rằng để tình yêu này hiện diện được trong huyền thoại dân tộc như một dạng đại diện có tính chất cấu trúc của một tình cảm giữa Quang Trung và dân tộc Việt Nam, thì mối quan hệ của Quang Trung với Ngọc Hân phải là duy nhất hoặc đặc biệt theo một cách nào đó. Thế nhưng đơn giản là ở đây không phải như vậy. Quang Trung đã lấy ít nhất ba vợ. Một trong số đó là một phụ nữ của dòng họ Phạm ở Quy Nhơn, có lẽ mang tên Phạm Thị Liên, được Nguyễn Huệ cưới rất lâu trước khi đội quân Tây Sơn hành quân ra Bắc. Với bà, hoàng đế Quang Trung có nhiều con nhất: bà sinh cho ông ba người con trai và hai người con gái, trong đó có cả vị hoàng đế tương lai, Nguyễn Quang Toản[16].

Một điều còn quan trọng hơn, Đỗ Bang ghi lại rằng bệnh tật của người vợ họ Phạm đã dẫn Quang Trung tới một cuộc tìm kiếm vô vọng một nhà truyền giáo hay bác sĩ Âu châu nhằm chạy chữa cho bà. Cuộc tìm kiếm này cuối cùng đã khiến Quang Trung mời Cha François Joseph Girard (mất năm 1812) trẻ tuổi và gặp nhiều rủi ro, một người không được đào tạo về y khoa, tới triều đình để cứu bà vào mùa xuân năm 1791. Thật không may, khi Cha tới nơi, bà đã mất[17]. Trong một bức thư của mình Girard nói người vợ họ Phạm của Quang Trung là “người thứ nhất trong số những người vợ của ngài” và, trong một bức thư khác, rằng bà “được coi là người thứ nhất” trong số các bà vợ của vua[18]. Có điều này, mặc dù Ngọc Hân được chính thức phong làm hoàng hậu. Hơn nữa, việc Quang Trung tiến hành một công việc rất đặc biệt là tìm kiếm trên khắp đất nước một viên thừa sai biết được cách chữa bệnh của phương Tây cũng cho thấy rằng có khả năng hoàng đế rất quan tâm chăm lo sức khỏe của người vợ đầu.

Nhìn vào sự tồn tại của những người vợ khác của Quang Trung và sự coi trọng bên ngoài (hoặc thậm chí là tình yêu) dành cho ít nhất một trong số những người vợ khác này, huyền thoại về câu chuyện tình yêu riêng có với Ngọc Hân có vẻ thật khó đứng vững. Nhưng sức mạnh của huyền thoại này không nằm ở việc Ngọc Hân yêu Quang Trung là đúng hay sai, mà ở sức mạnh của chuyện này trong việc cung cấp thẩm quyền mang tính biểu tượng cho lời khẳng định của các học giả Hà Nội theo đó chính quyền của họ là hiện thân của chính quyền Quang Trung và tình yêu của dân chúng dành cho Quang Trung, đại diện bởi Ngọc Hân, đã được tái sinh bởi tình cảm của dân chúng dành cho vị anh hùng của nhân dân, Hồ Chí Minh[19]. Sự thiếu vắng các tài liệu thời Tây Sơn về những người vợ khác cho phép Ngọc Hân có được vị trí người tình dân tộc; mối quan hệ được cho là thuần khiết của bà với Quang Trung cho phép hình dung ra tính chất thuần khiết mang tính biểu tượng của mối quan hệ giữa Quang Trung và Việt Nam và do vậy tạo ra một truyện kể mang lại thẩm quyền cho chính quyền miền Bắc Việt Nam với tư cách là đại diện chân chính của người dân Việt Nam.

Huyền thoại Ngọc Hân như là người tình dân tộc không phải là huyền thoại duy nhất hỗ trợ cho mối liên kết giữa Ngọc Hân và một khái niệm về dân tộc Việt Nam. Một huyền thoại nữa, rất khác, xuất hiện tại một địa điểm sản sinh rất đặc thù: Sài Gòn những năm 1960.
(còn tiếp)

[1] Patricia Pelley, Postcolonial Vietnam: New Histories of the National Past (Durham, NC: Duke University Press, 2002), 8.
[2] Bruce Lincoln, Discourse and the Construction of Society (New York: Oxford University Press, 1989), 25.
[3] Ibid., 24-25.
[4] Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ (Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 1976), 187-214.
[5] Pelley, Postcolonial Vietnam, 38.
[6] D.M. [VănTân], “Giới thiệu văn học Việt-nam thời Tây-sơn”, Tập san nghiên cứu văn sử địa 14 (2/1956): 51-59. Tôi xin cảm ơn Patricia Pelley vì đã giúp tôi xác định danh tính của bút danh D.M.
[7] Nguyên văn chữ nôm của các bài thơ này, đi kèm với bản dịch nghĩa sang Quốc Ngữ, có trong Nguyễn Cẩm Thúy và Nguyễn Phạm Hùng, Văn thơ nôm thời Tây Sơn (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1997), 95-122. Nguồn của các văn bản chữ nôm này là “Quốc Âm Phú” (bản AB, Viện Hán Nôm, Hà Nội, 184); và “Quốc Âm Tế Văn” (bản AB, Viện Hán Nôm, Hà Nội, 318). Bản AB dẫn chiếu tới hệ thống phân loại văn bản chép tay của Viện Hán Nôm tại Hà Nội. Về thông tin hệ thống phân loại này hoặc về các văn bản lưu trữ, xem Trần Nghĩa và François Gros, bs., Di sản Hán Nôm: thư mục đề yếu, 3 t. (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1993).
[8] Một tiểu luận đặc biệt thú vị về tầm quan trọng của tình cảm có thể tìm được trong Allison Truitt, “Changing the Terms of Address: Women’s Writing and the Crisis of Vietnamese Literature” (luận án thạc sĩ, Cornell University, 2000); cũng xem Neil Jameson, UnderstandingVietnam (Honolulu: University of Hawaii Press, 1988).
[9] Nguyễn Cẩm Thúy và Nguyễn Phạm Hùng, Văn Thơ Nôm, 107. Một phần bài thơ này đã được dịch ra tiếng Pháp, xem Nguyen Khac Vien, Nguyen Van Hoan, và Huu Ngoc, Anthologie de la littérature Vietnamienne, t.2 (Paris: Harmattan, 2000): 160-63.
[10] D.M. [VănTân], “Giới thiệu”, 55-56.
[11] Văn Tân, Cách Mạng Tây Sơn (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Sử Ðịa, 1958): 231-32.
[12] Ibid., 232-33.
[13] Nguyễn Lộc, Văn học Tây Sơn (Nghĩa Bình: Sở văn hóa và thông tin, 1986): 79.
[14] Về bài văn tế của Phạm Thái, xem Nguyen Khac Vien, Nguyen Van Hoan, và Huu Ngoc, Anthologie de la littérature Vietnamienne, t.2, 168-69; về sự ca tụng của Gia Long dành cho giám mục Adran, xem Léon Vandermeersch, “Autour des honneurs funèbres décernés à l’évêque d’Adran au Vietnam”, Vietnamologica 3 (1998): 127-28.
[15] Nguyễn Cẩm Thúy và Nguyễn Phạm Hùng, Văn Thơ Nôm, 93-94.
[16] Thư của François Joseph Girard gửi Denis Boiret, 25/11/1792, AMEP, Paris, vol. 692, 398; Ðỗ Bang, Những khám phá về Hoàng Đế Quang Trung (Huế: Thuận Hóa, 1998): 16.
[17] Ibid., 17; thư của Girard gửi Claude François Létondal, 23/3/1791, AMEP, vol. 801, 349-50; và lá thư của Girard gửi Boiret, 25/11/1792, AMEP, vol. 692, 397.
[18] Ibid.
[19] Văn Tân, Cách Mạng Tây Sơn, 233.
Theo bản tiếng Việt post trên talawas, 14.5.2010.

No comments:

Post a Comment