Sunday, June 26, 2011

Liên Hằng T. Nguyễn - Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 (phần 2)

Vy Huyền dịch

Tổn thất đầu tiên của cuộc chiến

Mặc dù cơ cấu nội bộ của Đảng đặt Hà Nội ở vị thế phải tiến hành chiến tranh, nhưng tại Ðại hội Ðảng lần 3, lãnh đạo của ĐLĐVN vẫn không thể công khai đề cập đến cuộc chiến ở miền Nam. [1] Trong một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo năm 1960, Mao tố cáo Khrushchev là kẻ theo chủ nghĩa xét lại; để trả đũa, trong kỳ họp quốc hội ở Bucharest, Krushchev lên án Mao là kẻ thiên lệch. Bắc Việt, như bất kỳ những nước nhỏ và vừa khác trong khối cộng sản, bị cuốn theo những cách biệt quan điểm ngày càng lớn. Những lãnh đạo Hà Nội mong muốn được giúp đỡ từ nhiều phía nên không muốn lặp lại những gì đã xảy ra ở Bucharest ở Ðại hội Ðảng lần 3. Họ không muốn đưa ra những vấn đề có thể làm cho mối rạn nứt Nga-Trung ngày càng lớn hơn. Thêm vào đó, cả hai đồng minh này đều không toàn tâm toàn ý ủng hộ việc Hà Nội tiếp tục chiến tranh. Khrushchev và ĐCSLBXV phản bác kế hoạch "chiến tranh địa phương" với lý do Liên Xô sợ rằng bất kỳ một mâu thuẫn nào giữa phương Tây và phương Đông đều có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân, và [do đó], ĐLĐVN nhấn mạnh lòng mong muốn được thống nhất trong hoà bình. [2] Mặc dù vào đầu năm 1960, Mao và các lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ Nghị quyết 15 của ĐLĐVN, Bắc Kinh vẫn khuyên Hà Nội nên tập trung vô đấu tranh chính trị và tránh để chiến tranh leo thang nhanh chóng. [3] Vì vậy, ở đại hội đảng, các lãnh đạo miền Bắc chỉ đề cập một cách mập mờ về chiến lược cho cuộc chiến với miền Nam và cụ thể hơn về việc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. [4]

Tuy nhiên, vấn đề ủng hộ đấu tranh giải phóng dân tộc là điều không thể tránh khỏi trong mối bất đồng Xô-Trung. Trong Hội nghị của 81 Ðảng Cộng sản vào tháng 11 năm 1960, những nhà lãnh đạo Liên Xô hứa sẽ ủng hộ phong trào đấu tranh của các nước thứ ba vì e ngại Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong trong lãnh vực này. [5] Tháng 1 năm 1961, Khrushchev đặc biệt tuyên bố cuộc xung đột ở miền Nam Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Tuyên bố này được ĐCSLX hoàn toàn ủng hộ. Nhưng trên thực tế, Moscow bắt đầu thoái lui khỏi Đông Dương trong khi những ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn. [6] Cuộc khủng hoảng ở Lào càng cho thấy sự mâu thuẫn trong chính sách của Moscow và Bắc Kinh tại Đông Dương. Vì muốn giảm bớt căng thẳng với các nước phương Tây, Khrushchev thôi không ủng hộ Pathet Lào và tìm cách để quốc tế cộng sản giám sát việc ngừng bắn và tạo ra con đường đưa đến bàn hoà giải. [7] Trái lại, Bắc Kinh tăng cường việc giúp đỡ những người cộng sản Lào và ủng hộ họ gia tăng chiến tranh và giành lại thế mạnh trong quá trình thương thuyết. [8] Vì miền Bắc Việt Nam cần con đường vận chuyển phía tây nam Lào nên không thể không dự phần trong cuộc nội chiến ở Lào. Do vậy, tại Hội nghị Geneva, chính sách của Trung Quốc hợp với hoàn cảnh của Bắc Việt hơn chính sách của Moscow.

Khi chính quyền mới của tổng thống John F. Kennedy muốn đưa cuộc khủng hoảng ở Lào ra bàn hoà giải, Hoa Kỳ cũng thay đổi lập trường và trở nên cứng rắn hơn với những cuộc nổi dậy ở miền Nam Việt Nam. [9] Việc Hoa Kỳ tham gia đồng thời gia tăng viện trợ cho miền Nam làm cho chiến lược đấu tranh chính trị và kế hoạch giới hạn đấu tranh vũ trang chống chính phủ Ngô Ðình Diệm mà Hà Nội vạch ra trước đó trở nên không đủ để có thể giành chiến thắng. Đáp lại việc Washington đẩy mạnh "chiến tranh đặc biệt", dùng xương máu của lính miền Nam và viện trợ của Hoa Kỳ, BCT chia cuộc chiến miền Nam thành ba vùng với ba chiến lược khác nhau: đấu tranh vũ trang ở vùng rừng núi, kết hợp đấu tranh vũ trang và chính trị ở vùng đồng bằng và đấu tranh chính trị ở thành thị. [10] Đấu tranh vũ trang, trước đây luôn được miền Bắc bọc dưới lớp vỏ "tự vệ", giờ chuyển sang tấn công, nhấn mạnh mục đích tấn công và tiêu diệt các lực lượng của kẻ thù.

Đối với phe ôn hoà trong nội bộ ĐLĐVN, việc thống nhất trong hoà bình không còn là một lựa chọn khả thi nữa, và việc xây dựng kinh tế chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc càng trở nên xa vời hơn. Mặc dù phong trào tập thể hoá và việc công nghiệp hoá không tiến hành được như dự định, BCT vẫn phân bố 15% tổng ngân sách cho quốc phòng. [11] Theo một nguồn tài liệu từ Hungary, kế hoạch kinh tế của VNDCCH năm 1962 phải điều chỉnh lại vì không đạt được mục tiêu ban đầu: "Việc điều chỉnh kế hoạch đã tạo ra những gãy vỡ (huỷ bỏ những đầu tư cho công nghiệp) và làm cho những kế hoạch vốn đã hỗn độn càng trở nên tồi tệ hơn." Năm 1962, VNDCCH không thể đạt chỉ tiêu cả trong và với các nước trong khối cộng sản (VNDCCH nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu), làm cho những món nợ ngày càng tăng. Trong khi đó, số tiền vay được từ những nước "anh em" cho năm 1962 lại không được dùng đến. [12] Kết quả của sự phá sản này là việc phe ôn hoà muốn thúc đẩy những hợp tác kinh tế giữa những nước liên minh trong khối XHCN để chuyển đổi miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Phe chủ chiến lại muốn đưa ra mô hình thúc đẩy miền Bắc có khả năng tự lực về kinh tế để có thể bảo đảm [hỗ trợ] cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam. [13]

Hà Nội rõ ràng gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa ba lĩnh vực: chính sách trong nước, chiến lược chiến tranh và quan hệ quốc tế. Trong nước, mặc dù tầm quan trọng của cuộc chiến với miền Nam được phần lớn BCT đánh giá cao hơn, việc xây dựng miền Bắc vẫn được đảng chú ý đến. Đặc biệt, với những người trong ĐLĐVN được đào tạo ở Moscow thì việc cạnh tranh về kinh tế với các nước tư bản bằng cách hợp tác với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, hơn là dùng vũ lực, là con đường hiệu quả nhất để thống nhất đất nước. [14] Về mặt chiến lược chiến tranh, với việc Hoa Kỳ ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở miền Nam thì điều cốt yếu trong lúc này mà Hà Nội phải làm là sử dụng vũ trang và áp lực chính trị đủ để đánh bại chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng lại phải tránh việc quân đội Mỹ can thiệp hoàn toàn vào miền Nam. Bất chấp việc chính quyền Ngô Đình Diệm áp dụng Chương trình Chiến lược Nông thôn và với sự có mặt của gần mười ngàn lính Mỹ ở miền Nam, những lãnh đạo ĐLĐVN kết luận là cán cân quyền lực ở nông thôn miền Nam vẫn không hề thay đổi. [15] Đồng thời, lãnh đạo ĐLĐVN phải duy trì một chính sách trung lập trước mối mâu thuẫn Nga-Trung để có thể nhận được những viện trợ hết sức cần thiết từ cả hai đồng minh để chi trả cho cả cuộc chiến ở miền Nam và công cuộc xây dựng miền Bắc. Nhưng việc Bắc Kinh ngày càng gia tăng lập trường hiếu chiến, không chỉ chống lại "chủ nghĩa đế quốc" mà còn chống cả "chủ nghĩa xét lại", làm cho miền Bắc Việt Nam ngày càng khó có thể giữ vị trí trung lập giữa hai ý thức hệ. [16]

Năm 1963 chứng kiến sự chấm dứt lập trường dao động của Hà Nội giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, thái độ trung lập với mối chia rẽ Nga-Trung, giữa cuộc chiến ở miền Nam và việc xây dựng miền Bắc. Tháng 11 năm đó, sau hai cuộc ám sát anh em họ Ngô và John F. Kennedy, Hà Nội đứng giữa hai chọn lựa: thương thuyết với chính quyền mới ở miền Nam và củng cố những thắng lợi vũ trang của quân nổi dậy ở nông thôn hoặc dốc toàn lực quân sự để giành chiến thắng cấp tốc trước khi Hoa Kỳ có thể can thiệp. [17] Trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Trung ương bắt đầu ngày 22 tháng 11 năm 1963, Hà Nội chọn phương án gia tăng chiến tranh. Nói cách khác, phe chủ chiến đạt được ủng hộ tuyệt đối năm 1963, điều mà họ đã từng mong muốn trong năm 1959: huy động cả miền Bắc tập trung vào cuộc chiến, gia tăng số lượng gửi quân và khí giới về hướng Nam của vĩ tuyến 17. [18] Cũng trong phiên họp này đã xuất hiện những ý kiến chiến lược được coi là phôi thai cho cuộc tấn công TMT sau này. Áp dụng một số điểm trong học thuyết quân sự của Mao với những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, Hà Nội tuyên bố rằng cuộc chiến ở miền Nam đòi hỏi một “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy” mà không nhất thiết phải theo đúng ba bước mà chiến lược của Mao đề ra. Trên thực tế, tại phiên họp thứ 9 này, Hà Nội đã từ bỏ ý định giành chiến thắng ở miền Nam bằng chiến lược kéo dài chiến tranh; thay vào đó họ [quyết định] xây dựng một lực lượng quân sự lớn nhằm mục đích giành thắng lợi nhanh chóng.

Về vấn đề quan hệ với các nước đồng minh lớn, kỳ đại hội này cho thấy lập trường của Bắc Việt thiên hẳn về Trung Quốc. Tuy Lê Duẩn không công khai chỉ trích Khrushchev tại phiên họp, nhưng việc nói đến những "sai lầm" và thái độ "thụ động" của những "người theo chủ nghĩa xét lại" thì ai cũng biết rõ ông ta đang phê phán đến ai. Vị tổng bí thư này còn tuyên bố là những người có thái độ ôn hoà với chủ nghĩa đế quốc là vật cản lớn nhất cho sự phát triển của cách mạng. Ngược lại, Lê Duẩn ca ngợi những đóng góp của Mao cho sự phát triển của thuyết Mác-Lê qua việc Mao nhấn mạnh vai trò của giai cấp nông dân và việc thiết lập những cơ sở ở nông thôn cũng như việc xây dựng thành thị bao bọc bởi nông thôn và mở rộng đấu tranh vũ trang. [19] Mặc dù rõ ràng ÐLÐVN theo Trung Quốc, nhưng khi ban bố Nghị quyết, đảng vẫn tránh làm mất lòng Liên Xô bằng cách không đề cập đến Khrushchev và ĐCSLX là những người theo chủ nghĩa xét lại. [20] Khi cuộc chiến đang ngày càng gia tăng và lan rộng, Hà Nội thật sự không muốn mất đi khả năng nhận được thêm viện trợ của Liên Xô.

Trong nội bộ [Ðảng], phe chủ chiến trong BCT khiến cho không ai còn mơ hồ về phương hướng của cuộc cách mạng và về đường lối thân Trung Quốc. Trước phiên họp, không khí chính trị ở Hà Nội khá thuận lợi cho những trao đổi về ưu điểm trong chính sách của Liên Xô và Trung Quốc cũng như vị trí đúng đắn của ĐLĐVN trước những chia rẽ trong ý thức hệ. [21] Sau khi thu thập hết mọi quan điểm, Trường Chinh đề nghị Hoàng Minh Chính [22] , lúc này là Hiệu trưởng trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và là người thẳng thắn bênh vực cho việc chung sống hoà bình với miền Nam, chuẩn bị bản tường trình về đường lối của Đảng trong năm 1963. [23] Tuy nhiên, những người đứng đầu trong BCT như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh và cả một Trường Chinh đã được phục hồi [chức quyền], đều đã quyết định chọn đường lối đấu tranh vũ trang kiểu Mao-ít để mở rộng cuộc chiến ở miền Nam. [24]

Theo Hoàng Minh Chính, Lê Duẩn là người dựng nên Nghị quyết này cho dù gần một nửa thành viên trong BCT tại kỳ đại hội này ủng hộ việc chung sống trong hoà bình với miền Nam. [25] Mặc dù phe Lê Duẩn làm cho phe ôn hoà phải im hơi lặng tiếng, và đáng chú ý hơn nữa là việc cho Hồ Chí Minh ra rìa ở kỳ đại hội này, nhưng vẫn không thể ngăn được việc các thành viên của UBTƯ lên tiếng. [26] Điển hình là việc Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Bùi Công Trừng kêu gọi việc tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khối XHCN và đề nghị miền Bắc nên từ bỏ ảo tưởng độc lập kinh tế, hay việc nguyên Bộ truởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm và các thành viên khác phản đối kịch liệt việc đi theo Trung Quốc. [27] Dù nhận được thư của gần 50 cán bộ cấp trung đề nghị các lãnh đạo cấp cao tiếp tục chọn thái độ trung lập trong mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, phe ôn hoà ở BCT vẫn bị lép vế trong kỳ đại hội này. [28] Khi Hoàng Minh Chính biết tin rằng báo cáo của ông bị bác bỏ và bị dán nhãn "chủ nghĩa xét lại", ông thấy Đảng không những đã bỏ qua những gì được thông qua tại Ðại hội Đảng lần 3, mà còn đi ngược lại đa số của Hội nghị 81 Ðảng Cộng sản. [29]

Người dân miền Bắc biết được đường hướng mới mà Đảng sẽ theo trong Nghị quyết 9 trước tiên qua tin tức radio phát đi từ Bắc Kinh. [30] Trong phần 5 với nhan đề "Nhiệm vụ quốc tế của Đảng", Nghị quyết viết:

Một số lượng nhỏ các cán bộ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa xét lại. Khi bọn NVGP lợi dụng việc Đảng tự kiểm những sai lầm trong quá trình cải cách ruộng đất, việc củng cố tổ chức và việc Đảng chống lại sự sùng bái cá nhân của Stalin để gây ra những hoạt động phá hoại, đã có những cán bộ của Đảng đồng loã với chúng. Những năm gần đây, trong những chuyển động của cộng sản quốc tế xảy ra những đấu tranh gay gắt về mặt tư tưởng, có một số cán bộ ủng hộ những người theo chủ nghĩa xét lại và ủng hộ quan điểm sai lầm này. [31]

Về cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam, những phần tử “cánh hữu” trong đảng “e ngại cuộc chiến gian khổ có thể kéo dài, họ sợ hy sinh... họ đã có thái độ khá thờ ơ.” [32] Một Nghị quyết khác chỉ phổ biến trong nội bộ và vẫn chưa được xuất bản kêu gọi mở rộng cuộc chiến ở miền Nam và gia tăng giáo dục chính trị. [33]

Chiến dịch loại trừ những phần tử cánh hữu trong năm 1964 dẫn đến việc cho ra rìa và quản thúc những cán bộ được đào tạo ở Moscow và người bị coi là thân Liên Xô trong nội bộ ÐLÐVN, bao gồm cả những cán bộ cấp cao, du học sinh, trí thức và các nhà báo. [34] Ngay sau phiên họp, những thành viên thẳng thắn dám lên tiếng của phe ôn hoà ở UBTƯ đều bị mất ghế. [35] Những du học sinh ở Liên Xô và các nước Đông Âu được gọi về để tham gia những lớp học "chỉnh huấn." [36] Tố Hữu, lúc này là Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung ương, tiếp tục đàn áp giới trí thức bằng việc bắt đầu một chiến dịch mới chống lại những ảnh hưởng của "chủ nghĩa xét lại" trong văn chương Việt Nam. Tố Hữu cảnh cáo cái gọi là "chủ nghĩa nhân văn tư sản" bắt nguồn từ chủ nghĩa xét lại hiện đại. [37] Nói tóm lại, những người có bất kỳ quan hệ nào với các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội hay đồng thuận với việc chung sống hoà bình đều bị phe chủ chiến canh chừng và theo dõi.

Ngay cả trong tổ chức quân đội cũng không tránh khỏi những phiền phức liên quan đến chủ nghĩa xét lại. Sau việc tướng Nguyễn Văn Doãn, Tổng biên tập báo QĐND, trốn sang Liên Xô, Tổng cục Chính trị mở cuộc điều tra về tờ báo này. Theo Bùi Tín, lúc đó đang làm việc cho tờ QĐND, "công an chìm đi xe ô tô với cửa sổ bịt bùng" đến toà soạn nhiều lần và thẩm tra ít nhất năm thành viên của toà soạn. [38] Những viên chức này không chỉ bị mất việc và mất uy thế, họ còn bị quan sát chặt chẽ bởi bộ máy an ninh của Hà Nội. [39] Cuộc điều tra những thành viên của toà soạn báo QĐND và việc đàn áp những "người theo chủ nghĩa xét lại" chỉ là bước đầu cho những xung đột nội bộ của Đảng sau này, được tiến hành trên cái nền của cuộc kháng chiến ở miền Nam.

1964-1967: Đàm hay đánh?
Tướng Nguyễn Chí Thanh: Thân thế và sự nghiệp

Chưa tròn một năm mà những động lực thúc đẩy Nghị quyết 9 đã trở nên lỗi thời. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào miền Nam làm cho canh bạc "đánh tới cùng" của ĐLĐVN thất bại. Cũng trong thời điểm này, viện trợ ồ ạt của Liên Xô khiến Hà Nội chấm dứt việc ngả hoàn toàn theo Trung Quốc. [40] Ngày 2 tháng 8, 1964, tàu biên phòng của Bắc Việt tấn công tàu khu trục Maddox của hải quân Hoa Kỳ ở vịnh Bắc Bộ vì nhầm tưởng rằng tàu này yểm trợ chiến dịch tấn công OPLAN-34A của VNCH. Hai ngày sau, Hoa Kỳ giả cách tuyên bố rằng cộng sản tiếp tục tấn công các tàu chiến của Mỹ trên biển; điều này cho phép chính quyền của Lyndon B. Johnson trả đũa bằng những đợt oanh tạc Bắc Việt. [41] Đây là khởi đầu cho chuỗi những sự kiện dẫn đến việc quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, chấp thuận cho Tổng thống Johnson tham chiến ở Việt Nam.

Việc Hoa Kỳ can thiệp vào miền Nam cũng làm thay đổi quan hệ của Hà Nội với những nước lớn trong khối cộng sản. Sau phiên họp toàn thể lần thứ 9 của ĐLĐVN, thất vọng với thái độ của VNDCCH, Liên Xô cắt giảm viện trợ kinh tế và hàng xuất khẩu cho Bắc Việt; trong khi đó Trung Quốc ủng hộ chính sách của Hà Nội đã gia tăng viện trợ đồng thời đề nghị đưa quân tình nguyện sang giúp đỡ. [42] Tuy nhiên sau những sự kiện xảy ra vào tháng 8 năm 1964, Liên Xô bắt đầu thay đổi chính sách; cuộc đối đầu giữa Mỹ và Bắc Việt trong cuộc đương đầu với Hoa Kỳ khiến việc viện trợ hữu nghị giữa các nước XHCN trở thành bắt buộc. [43] Tháng 10, sau khi Khrushchev bị hất cẳng, tổng bí thư mới là Leonid Berzhnev muốn lập lại mối quan hệ với Bắc Việt, mà bằng chứng là chuyến viếng thăm Hà Nội của Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin đầu năm 1965. Đáp trả lại, lãnh đạo ĐLĐVN thôi không phê phán chủ nghĩa xét lại của Liên Xô. Một lần nữa, Hà Nội lại theo đuổi đường lối trung lập trong mâu thuẫn Nga-Trung.

Tuy nhiên, Lê Duẩn cùng với phe “diều hâu” chủ chiến trong ÐLÐVN và các cán bộ miền Nam tiếp tục sử dụng biện pháp quân sự để giành thắng lợi bằng hàng loạt những đợt tấn công vô căn cứ không quân Biên Hoà, khu Bình Giã, các doanh trại của lính Mỹ ở Pleiku và những mục tiêu khác ở Sài Gòn với mục đích ngăn chặn Hoa Kỳ đổ quân cho cuộc chiến trên bộ ở châu Á. [44] Từ sau đại hội 9 cuối năm 1963, tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cùng với một người miền Nam khác, phó của ông, là Phạm Hùng, lên nắm quyền chỉ đạo chiến tranh và chuyển vào miền Nam. [45] Mặc dù phương hướng chiến lược trong Nghị quyết của BCT [46] đầu năm 1965 khá mập mờ, nhưng những bức thư của Lê Duẩn gởi cho Nguyễn Chí Thanh cho thấy rằng cả hai đều muốn thúc đẩy một chiến lược cộng sản “tung toàn lực” thay vì kéo dài cuộc chiến. [47] Trước việc Hoa Kỳ đổ bộ vào và tiến hành điều Hà Nội gọi là "chiến tranh cục bộ", tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục chiến lược tấn công của mình bằng cách chỉ đạo những trận đánh lớn xứng với việc leo thang chiến tranh của Hoa Kỳ. Khi chiến lược đánh bại Hoa Kỳ của Nguyễn Chí Thanh được loan truyền trên các loa phóng thanh ở Hà Nội, Lê Duẩn ủng hộ viên tướng này bằng cách gởi những thư mật, thúc giục Nguyễn Chí Thanh tiếp tục “chiến đấu kiên cường.” [48] Hà Nội, cũng như Washington, đều mong muốn một thắng lợi nhanh chóng.

Tuy nhiên, vào mùa Ðông-Xuân 1965 - 1966, cuộc chiến tốn kém đã trở thành chủ đề của những cuộc tranh cãi trong nội bộ đảng. [49] Những đợt tấn công dữ dội của bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ làm Việt Cộng tổn thất nặng nề về quân số cũng như phí tổn ở miền Nam và ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế ở miền Bắc. Đầu năm 1965, khi Hoa Kỳ đưa Thuỷ quân Lục chiến đến Việt Nam, cả miền Bắc sôi sục cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. [50] Tuy vậy, vào cuối năm đó, chiến dịch “tìm và diệt" của tướng William Westmoreland và những đợt oanh tạc trên toàn miền Bắc làm cơn sốt chiến tranh sôi sục lúc ban đầu dần tan biến, với con số thương vong ngày càng tăng. Phe Lê Duẩn lúc này đương đầu với những công kích từ hai phía trong nội bộ Đảng: kêu gọi đàm phán hoà bình với Hoa Kỳ và xem xét lại chiến lược chiến tranh ở miền Nam.

Trước tiên là việc phe ôn hoà trong ÐLÐVN yêu cầu kêu gọi đàm phán với Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở miền Nam và việc Hà Nội thôi không nghiêng hẳn theo Trung Quốc giúp phe ôn hoà dần lấy lại thế cân bằng. Những lý do mà phe ôn hoà đưa ra trong lúc này trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Vì trước khi Hoa Kỳ can thiệp, phe ôn hoà tin rằng cuộc chiến ở miền Nam sẽ làm trì trệ quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng giờ đây, việc Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc đe doạ sẽ phá huỷ toàn bộ công cuộc xây dựng miền Bắc mới còn trứng nước. Việc Moscow gia tăng viện trợ khiến phe ôn hoà phần nào bớt e ngại bị dán mác "thân Liên Xô." Vì vậy, phe ôn hoà kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến để đàm phán với Hoa Kỳ. [51] Mặc dù các chiến lược gia Hoa Kỳ thất vọng là chiến dịch oanh tạc dài ngày đem lại rất ít kết quả trong việc ngăn chặn tiến độ xâm nhập của quân miền Bắc [vào miền Nam], nhưng chiến dịch "Sấm Rền" (Operation Rolling Thunder) đã thực sự phá huỷ công trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. [52] Những đợt oanh tạc này đã tàn phá các cơ sở giao thông hạ tầng của miền Bắc, khiến cho nhiều nhà máy công nghiệp và sản xuất không liên quan đến bộ máy chiến tranh bị bỏ hoang, và buộc dân chúng thành thị phải tản cư về các vùng nông thôn. [53] Vào thời điểm này, phe ôn hoà quả là khó nuốt trôi những tuyên bố của Lê Duẩn: "Chúng ta sẽ vùng dậy, từ cuộc chiến này, không những không bị tàn phá, mà còn mạnh mẽ và vững vàng hơn. Nhờ chính sách sơ tán, chúng ta sẽ thành lập đội ngũ công nhân và phát triển khoa học kỹ thuật và cơ khí ở vùng nông thôn, vì chúng ta không phân tán để thoát thân mà để sản xuất và chống lại quân thù." [54] Không may [cho Lê Duẩn] là nhiều công nhân lại chỉ muốn dùng kiến thức, tài năng để xây dựng kinh tế ở miền Bắc hơn là để tiến hành chiến tranh ở miền Nam. [55] Mượn cơ hội Hoa Kỳ ngưng oanh tạc, vào cuối năm 1965, phe ôn hoà tăng nỗ lực kêu gọi đàm phán, nhưng bất thành trước thế lực của phe chủ chiến trong BCT. [56]

Tuy nhiên, vào năm 1966, không chỉ có những người thuộc phe phản đối chiến tranh yêu cầu phải đàm phán; những đảng viên khác bắt đầu cùng với họ lên tiếng kêu gọi hoà giải chính trị. Phe ôn hoà được hậu thuẫn bởi một nhóm “thiên về đàm phán” đang ngày một đông lên, những đảng viên trước đây ủng hộ việc dùng biện pháp quân sự để giành chiến thắng, nhưng giờ đây ủng hộ đàm phán ngoại giao để chấm dứt những can thiệp của Hoa Kỳ. Các kho lưu trữ của Đông Âu cho thấy rằng thậm chí ngay một số thành viên trong BCT cũng có nhu cầu nói đến việc đàm phán. [57] Mặc dù các tài liệu chính thức của Việt Nam đều nói rằng vào năm 1966, BCT nhất trí rằng đàm phán với Hoa Kỳ là vô ích, nhưng những bằng chứng mới cho thấy đồng thuận hoàn toàn trong BCT có thể chưa từng tồn tại. Theo nghiên cứu của sử gia James Hershberg về những nỗ lực đem lại hoà bình của Ba Lan trong nửa cuối 1966, MARIGOLD, thì thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng và có thể là cả một số lãnh đạo cao cấp khác trong đảng chân thành mong muốn được đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ và [những người này] đã cố gắng thúc đẩy đường hướng hoà bình trong BCT. [58]

Phe Lê Duẩn, ngoài việc hứng chịu sự công kích từ phe ôn hoà và phe yêu cầu đàm phán với Hoa Kỳ, còn phải chống cự với những công kích dữ dội trong nội bộ quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, tướng Võ Nguyên Giáp, công khai chỉ trích tướng Nguyễn Chí Thanh trên báo chí và đài truyền thanh ở Hà Nội. Võ Nguyên Giáp, người đề nghị hiện đại hoá QĐNDVN, cho rằng chiến lược của Nguyễn Chí Thanh đã gây hao tổn các đơn vị chủ lực trong những trận đụng độ tự sát, khi lẽ ra, với ưu thế về hoả lực và cơ động của Mỹ, chiến lược chiến tranh lâu dài sẽ hợp lý hơn. [59] Ðể bảo vệ chiến lược của mình, Nguyễn Chí Thanh cho rằng chiến lược chiến tranh tiêu hao của Westmoreland cuối cùng rồi sẽ thất bại vì thiếu nhân lực và thiếu tính bền bỉ. Nguyễn Chí Thanh lý luận rằng quân cộng sản sẽ mất hết nhuệ khí nếu co lại phòng thủ. Ông ta nói rằng những người chỉ trích ông ta đã lạc hậu vì không trực tiếp tham chiến ở miền Nam; đây là lời gián tiếp công kích Võ Nguyên Giáp và những người dưới quyền ông, vì họ đang an toàn ở miền Bắc. [60] Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh con đường duy nhất cho cuộc kháng chiến là sử dụng chiến lược quân sự tấn công để cho quân cộng sản toàn quyền đánh giặc, đồng thời phải nhận được sự hậu thuẫn tuyệt đối của miền Bắc. [61]

Với chiến lược hiếu chiến của mình, tướng Nguyễn Chí Thanh giành được ưu thế trong vòng đầu của cuộc tranh luận vào mùa Đông Xuân 1965-1966, nhưng những áp lực từ trong quân đội buộc Lê Duẩn phải ra lệnh cho Nguyễn Chí Thanh kết hợp cả chiến tranh du kích và chiến tranh lâu dài. [62] Mặc dù vào mùa hè năm 1966, có những cuộc đột kích và sử dụng chiến thuật quấy rối bên cạnh những trận đánh lớn sử dụng quân chủ lực, ngày càng có nhiều những chỉ trích về việc tướng Nguyễn Chí Thanh không dùng đến quân du kích. [63] Mùa khô 1966-1967, phe tướng Võ Nguyên Giáp dùng báo chí và truyền thanh hết lời ca ngợi tính hiệu quả của các đơn vị du kích vượt trội quân chủ lực thậm chí cả ở thành thị. [64] Nhưng đến mùa hè 1967, các cuộc tranh luận đột ngột chấm dứt. Theo một nguồn tài liệu, những hoạt động nhộn nhịp cho hoà bình và thế bế tắc ở miền Nam đã đem lại sự đồng thuận [tạm thời] trong quân đội. [65] Tuy vậy, những sự kiện xảy ra trong năm 1967 sẽ cho thấy rằng sự im lặng của Nguyễn Chí Thanh không có nghĩa ông ta thay đổi lập trường và thất bại trong những cuộc tranh luận hay việc quân đội đã tìm được tiếng nói chung.

Trong lúc phe bảo thủ trong ĐLĐVN đối phó với những đấu đá nội bộ, thì bên ngoài, các đồng minh của Hà Nội tiếp tục gây áp lực và đưa ra những lời khuyên đối nghịch nhau về việc Bắc Việt phải làm gì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả hai đồng minh lớn của Hà Nội là Trung Quốc và Liên Xô nắm giữ hai cán cân quan trọng: Trung Quốc nắm vận tải, hậu cần và đóng khoảng 320,000 quân, gồm những đơn vị kỹ thuật và đơn vị phòng không, trong khi Liên Xô cung cấp cho Hà Nội pháo phòng không và những vũ khí hạng nặng để có thể đương đầu với Hoa Kỳ. [66] Trong khi Bắc Kinh thúc đẩy Hà Nội tiến hành chiến tranh lâu dài, chiến tranh du kích ở nông thôn theo lối của Mao và phản đối đàm phán với Washington, thì Moscow lại muốn Hà Nội tiến hành đàm phán và trang bị khí giới cho quân cộng sản để tiến hành một cuộc chiến đúng nghĩa. [67]

Liên Xô tiếp tục gia tăng những viện trợ quân sự và kinh tế; việc Moscow trở thành nguồn viện trợ lớn nhất của Hà Nội đã đẩy mối e ngại của Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Những cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1965 đến 1967 cho thấy Bắc Kinh cảnh cáo và đe doạ Hà Nội về sự "gian trá" của Liên Xô. [68] Ban đầu, vị trí địa lý của Trung Quốc cho phép họ kiểm soát được những viện trợ của Liên Xô, nhưng con đường chuyên chở này bị phá huỷ từ sau cuộc Cách mạng Văn hoá cuối năm 1966 làm cho việc vận chuyển viện trợ vốn đã không thuận lợi từ lúc ban đầu càng trở nên khó khăn hơn. [69] Đáp lại việc Liên Xô tố cáo Trung Quốc cản trở viện trợ, Phạm Văn Đồng làm dịu bớt tình hình bằng cách ra mặt "cảm ơn Trung Quốc" về việc đã "giúp đỡ để cho những viện trợ từ Liên Xô và từ các nước anh em trong khối Đông Âu đến đúng thời hạn." [70]

Liên Xô phản pháo lại bằng việc kêu gọi những lãnh đạo Bắc Việt tố cáo tính bá chủ và cuộc Cách mạng Văn hoá của Trung Quốc. Bên cạnh việc nói xấu Trung Quốc, Liên Xô lợi dụng những ảnh hưởng để thúc giục Bắc Việt tiến đến đàm phán. [71] Trung Quốc phản ứng ra mặt. Mao và ÐCSTQ cố gắng chặn đứng mọi "âm mưu đàm phán hoà bình" của Liên Xô và thậm chí còn kêu gọi các đảng cộng sản anh em lật trần âm mưu của Liên Xô. [72] Trong buổi gặp gỡ giữa tướng Nguyễn Văn Vịnh, chủ tịch Ủy ban Thống nhất Chính phủ và đại diện P. Privalov, tướng Nguyễn Văn Vịnh đã tuyên bố: "Kết quả của những cuộc đàm phán lúc này sẽ ra sao? Nó đồng nghĩa với mất đi tất cả, mà trước tiên là tình hữu nghị với Trung Quốc, là nước đã hoàn toàn phản đối việc đàm phán." [73] Tuy nhiên, việc một bộ phận trong ĐLĐVN mong muốn giải pháp đàm phán ngày càng tăng khiến Ðại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội khuyên Moscow nên tập trung mọi nỗ lực để khuyến khích Hà Nội kết thúc cuộc chiến bằng đàm phán chính trị. [74] Vì Trung Quốc có chân đứng ở Bắc Việt lâu hơn Liên Xô, nên Ðại sứ Liên Xô Ilya Scherbakov và đại sứ quán Liên Xô muốn nuôi dưỡng những mối giao thiệp và bằng hữu ở Hà Nội để lấy thế cân bằng. [75] Biết được sự chia rẽ trong nội bộ Đảng, cuối 1966, các phe đồng minh của Hà Nội muốn lợi dụng những phe phái này để giành lợi thế.

Việc mâu thuẫn ngày càng tăng cao trong và ngoài nước khiến phe Lê Duẩn thấy cần phải bẻ gãy ý chỉ của phe đối lập ở trong nước, đồng thời khẳng định quyền tự trị của mình trước các nước đồng minh. Điều đó đồng nghĩa với việc khoá miệng những đòi hỏi đàm phán của phe “bồ câu”, những phê phán về chiến lược của tướng Nguyễn Chí Thanh trong quân đội, những chỉ trích của Trung Quốc đối với Liên Xô, và những áp lực yêu cầu đàm phán của Liên Xô. Đến 1967, những áp lực nội bộ và quốc tế về vấn đề đàm phán và chiến lược chiến tranh đã đẩy Đảng vào vị thế tâm thần phân liệt. Đầu năm, UBTƯĐ thông qua Nghị quyết 13 để thúc đẩy đấu tranh ngoại giao và phần nào làm dịu phe ôn hoà: "Đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh sự cân bằng sức mạnh quân sự trên chiến trường, mà còn đóng vai trò quan trọng trên bình diện quốc tế và với kẻ thù." Bên cạnh việc nâng cao vai trò của đấu tranh ngoại giao, Nghị quyết 13 còn kêu gọi "những cuộc nổi dậy tự phát để giành thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn nhất" [76] - xác nhận lại [vai trò quan trọng của] phe chủ chiến mạnh hơn, mà đại diện là tướng Nguyễn Chí Thanh, người muốn tổ chức một cuộc tổng tấn công vào năm 1968. Tuy nhiên, vài ngày sau khi Nghị quyết 13 ban bố, Bộ trưởng Ngoại giao và uỷ viên BCT VNDCCH Nguyễn Duy Trinh bất ngờ tuyên bố rằng Hà Nội sẽ đồng ý tiến đến bàn đàm phán với điều kiện Hoa Kỳ ngưng oanh tạc vô điều kiện miền Bắc. [77]

Nhưng đến giữa năm 1967, phe Lê Duẩn bảo đảm rằng giải pháp khả thi cho sự bế tắc ở miền Nam là một cuộc tổng tiến công quân sự chứ không phải là đàm phán. [78] Phe bảo thủ cho rằng nếu họ cưỡng lại áp lực nội bộ và từ phía Liên Xô từ chối đàm phán thật và, thay vì vậy, tiến hành một cuộc tổng tấn công quân sự trong năm có bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ (1968) thì Hà Nội có thể giành được một thắng lợi quân sự quyết định và một cuộc nổi dậy chính trị lật đổ được chế độ Sài Gòn. Bằng không, cuộc tấn công ít nhất cũng sẽ đặt Hà Nội ở thế thuận lợi hơn nếu đàm phán xảy ra năm 1968. Những tham vọng cho cuộc tấn công này ngày càng lớn. Đến cuối năm 1967, trước sự thất vọng của Trung Quốc và của phe công kích Nguyễn Chí Thanh trong quân đội, BCT từ bỏ mục tiêu thắng nhỏ dựa trên nguyên tắc chiến tranh lâu dài, và thay vào đó bằng chiến lược để giành thắng lợi hoàn toàn và tuyệt đối, với mục tiêu chính của các cuộc tấn công là những đô thị miền Nam. Theo chiến lược này, quân đội VNCH sẽ bị liên minh sức mạnh của QÐNDVN và Quân Giải phóng [79] đập tan; trong khi đó toàn dân miền Nam sẽ nổi dậy để lật đổ chế độ Sài Gòn. [80] Đầu năm 1968, UBTƯ thông qua kế hoạch của cuộc "Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa" trong Nghị quyết 14. Trên thực tế, phe chủ chiến, những người soạn thảo và thúc đẩy Nghị quyết 14 đã thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan: kế hoạch tấn công TMT là một đòn giáng cho phe đối lập trong nước và sự cản trở của phe [đồng minh] ngoài nước. Ngoài việc phân tích chiến tranh ở miền Nam, chúng ta phải xem xét cả những đấu đá ở miền Bắc mới có thể hiểu được những biến chuyển trong chiến lược của Hà Nội từ Nghị quyết 13 sang Nghị quyết 14.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Mặc dù Hà Nội không tham khảo ý kiến Bắc Kinh và Moscow trước phiên họp toàn thể lần thứ 15 năm 1959 nhưng Hồ Chí Minh đã đến Beidaihe và Moscow tháng 8 năm 1960 để kêu gọi Liên Xô và Trung Quốc hàn gắn những bất hoà để tránh lặp lại những gì ở Bucharest tại Đại Hội Đảng lần 3 ĐLĐVN. Tuy nhiên, nỗ lực của Hồ bất thành vì rạn nứt quá lớn giữa Liên Xô và Trung Quốc. Xem Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (Chapel Hill, NC: The University of North Carolina Press, 2000), 86-88.
[2]Xem Ilya Gaiduk, Confronting Vietnam: Soviet Policy toward the Indochina Conflict, 1954–1963 (Stanford, CA: Stanford University Press, 2003), 114.
[3]Zhai, China and the Vietnam Wars, 83.
[4]Ví dụ, Hà Nội tuyên bố rằng vấn đề quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Hà Nội là nhu cầu bảo đảm viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho Kế Hoạch 5 Năm lần đầu (1961-1965) của Bắc Việt.
[5]Xem Yang Kuisong, Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 1949–1973 (Washington, DC: Cold War International History Project [CWIHP], Woodrow Wilson Center, 2002), 26.
[6]Xem Gaiduk, Confronting Vietnam, 209.
[7]Xem Martin Stuart-Fox, A History of Laos (Cambridge: Cambridge University Press, 1997), 99–126.
[8]Xem Zhai, China and the Vietnam Wars, 104, để biết thêm về việc Trung Quốc giúp đỡ Pathet Lao tấn công Nam Tha tháng 5, 1962.
[9]Ban đầu, chính quyền Kennedy làm tăng hy vọng của phe ôn hoà của ĐLĐVN, là những người mong Hoa Kỳ thoả hiệp một chính phủ liên minh tại một miền Nam Việt Nam trung lập như đã làm ở Lào. Trong một thời gian ngắn, đàm phán ngoại giao và chính trị là giải pháp chiếm ưu thế, những người ủng hộ đàm phán thăm dò khả năng trung lập và các cán bộ [cộng sản] ở miền Nam tìm cách liên lạc với các thành phần phi cộng sản ở Sài Gòn để chuẩn bị xây dựng một chính phủ liên minh. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán này không đi đến đâu và việc Hoà Kỳ gia tăng ảnh hưởng sau chiến dịch Taylor-Rostow, biến Hoa Kỳ từ vị trí cố vấn thành "đồng minh tham chiến có giới hạn." Sau khi Kennedy bị ám sát năm 1963, số cố vấn Hoa Kỳ ở miền Nam gia tăng từ 600 đến 16000.
[10]Xem Đoàn Lâm, ed., The 30-Year War: 1945–1975, vol. 2, 1954–1975 (Hà Nội: Thế Giới Publishers, 78.
[11]Xem Lịch sử Đảng cộng sản Viêt Nam (1954–1975) [The History of the Communist Party of Vietnam, 1954–1975], vol. 2 (Hà Nội: Chính Trị, 1995), 175–176.2001), 78.
[12]Xem bài “Report Written on 6 May 1963 by the Hungarian Embassy in the DRV. Subject: The Results and Problems of the DRV’s 1962 Economic Plan, and the Main Objectives of the 1963 Economic Plan,” XIX. J-1-j, Box 8, 24/b, 004321/1963, Magyar Országos Levéltár [Hungarian National Archives], Budapest, Hungary. Bản tiếng Anh này do Balasz Szalontai dịch và cung cấp.
[13]Xem bài của Lê Duẩn, “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp [Improving Cooperatives Management, Improving Technique, Stepping Up Agricultural Production],” Học Tập 85, no. 2 (1963): 4–12. Lê Duẩn đọc diễn văn ở Đảng Uỷ Nghệ An thảo luận về những Nghị quyết của UBTƯ đã được thông qua ở phiên họp toàn thể lần 5 và lần 7; Lê Duẩn ca ngợi những tiến triển trong việc cải thiện các biện pháp tập thể hoá. Xem thêm Phạm Hùng, “Tập trung sức phấn đấu, tiến lên giải quyết vững chắc vấn đề lương thực [To Centralize the Struggle and to Advance a Solid Resolution Regarding Provisions],” Học Tập 93, no. 10 (1963): 14–24; “Tăng cường công tác quản lý tài chính [Strengthening Finance Management Tasks],” Học Tập 95, no. 12 (1963): 1–8.
[14]Ví dụ những trí thức được Liên Xô đào tạo và đang làm việc ở Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước tin tưởng rằng những kiến thức của họ tốt nhất là được dùng để xây dựng miền Bắc hơn là phục vụ cho chiến tranh ở miền Nam. Xem See Judy Stowe, “‘Revisionnisme’ au Vietnam [‘Revisionism’ in Vietnam],” Approche Asie, no. 18 (2003): 58.
[15]Xem Đoàn Lâm, ed., The 30-Year War, 94. Chiến thắng của quân cộng sản ở Ấp Bắc đầu năm 1963 làm tăng thêm lòng tự tin của ĐLĐVN rằng quân cộng sản có thể đánh bại quân của chính quyền Ngô Đình Diệm bằng những trận đánh lớn.
[16]Năm 1963, Liên Xô và Trung Quốc xác định lập trường quan điểm trong cuộc trao đổi mở lần cuối: ĐCSTQ xuất bản Đề Xuất Của Đảng Cộng Sản Trung Quốc Liên Quan Đến Đường Lối Chung Của Phong Trào Cộng Sản Thế Giới, và Liên Xô đáp lời bằng Thư Ngỏ Của Đảng Cộng Sản Liên Xô.
[17]Xem Elliott, The Vietnamese War, 1:430. Muốn thấy được quan điểm khác, xem thêm Duiker (The Communist Road to Power in Vietnam, 221–222). Duiker cho rằng những lãnh đạo Hà Nội cần gia tăng chiến tranh vì sau sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, chính quyền mới dưới quyền Dương Văn Minh được nhiều người ủng hộ đồng thời tinh thần của quân kháng chiến rất thấp.
[18]Xem Smith, An International History of the Vietnam War, 2:348; Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam, 221–223.
[19]Xem Zhai, China and the Vietnam Wars, 125.
[20]Bắc Việt công khai buộc tội Thống chế Nam Tư Marshal Tito là tâm điểm của chủ nghĩa xét lại hiện đại. Những cuộc đả kích miệng nhằm vào Khrushchev cũng xảy ra trong nội bộ ĐLĐVN.
[21]Xem Stowe, “‘Revisionnisme’ au Vietnam,” 56–58. Mùa hè 1963, đã có những dấu hiệu đàn áp sẽ xảy ra ở miền Bắc sau phiên họp: những đảng viên cấp trung ủng hộ Liên Xô lúc này bắt đầu ỉm đi những ý kiến của mình.
[22]Hoàng Minh Chính, tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, sinh năm 1920 ở Nam Ðịnh, gia nhập đảng cộng sản năm 19 tuổi. Trong Cuộc chiến Ðông Dương lần đầu, Hoàng Minh Chính chỉ huy cuộc tấn công máy bay của Pháp ở phi trường Bạch Mai. Vì những đóng góp trong chiến tranh, đảng gởi ông đi học ở Liên Xô từ năm 1957 đến 1960. Sau khi trở về vào năm 1961, Hoàng Minh Chính giữ những chức vụ như Viện Trưởng Viện Triết học, chủ nhiệm Trường đảng Nguyễn Ái Quốc.
[23]Tác giả đã phỏng vấn Hoàng Minh Chính ngày 28 tháng 9 2005 tại Cambridge, MA. Đầu năm 1963, Trường Chinh gặp Hoàng Minh Chính để thảo một bản báo cáo quan trọng cho phiên họp lần thứ 9. Bản báo cáo, chỉ ra đường hướng của đảng cộng sản Pháp, Tiệp và Ba Lan, khuyên UBTƯ ÐLÐVN tiếp tục đường hướng trung lập trong quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc và ủng hộ chung sống trong hoà bình. Tuy nhiên, theo Hoàng Minh Chính, Trường Chinh lúc này đã quyết định ủng hộ đường lối đấu tranh vũ trang của Lê Duẩn với hy vọng giành lại quyền lực và củng cố vị trí của mình sau những sai lầm của phong trào cải cách ruộng đất. Theo ông Chính, Trường Chinh đã "vuốt ve, mua chuộc" ông để thảo ra một bản báo cáo mà ông ta biết chắc sẽ bị bác bỏ.
[24]Xem bài diễn văn của Lê Duẩn ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc nhân dịp kỷ niệm 80 ngày mất của Kark Marx; Lê Đức Thọ, “Phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường sức mạnh chiến đấu của Đảng [Bringing in the Revolutionary Tradition and Strengthening the Party’s Resistance],” Nhân Dân, September 2, 1963; Nguyễn Chí Thanh, “Ai sẽ thắng ai ở miền Nam Việt Nam? [Who Will Emerge Victorious in South Vietnam?],” Học Tập 90, no. 7 (1963): 18–21; “Nâng cao lập trường, tư tưởng vô sản, đoàn kết, phấn đấu giành thắng lợi [Raising Our Position, Proletarianism, Unity, Striving for Victory],” Học Tập [Study] 93, no. 10 (1963): 1–13.
[25]Ví dụ, xem bài của Phạm Văn Đồng, “Một số vấn đề ý thức tư tưởng đối với hai cuộc vận động cách mạng lớn hiện đang tiến hành [A Few Issues Regarding Ideological Consciousness Regarding Two Major Revolutionary Movements Under Way],” Học Tập 94, no. 11 (1963): 11–16.
[26]Xem Martin Grossheim, "“Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam: New Evidence from the East German Archives,” Journal of Cold War History 5, issue 4, (November/December 2005): 454–458; tác giả phỏng vấn Hoàng Minh Chính. Theo những tài liệu của Đông Âu, Lê Duẩn dùng những sai lầm vì đã thoả hiệp trong quá khứ của Hồ Chí Minh (từ 1945 đến 1954) để buộc Hồ phải chấp thuận [đường lối của Lê Duẩn] trong phiên họp này; khi có tranh luận, Hồ chỉ im lặng và không tham gia bỏ phiếu.
[27]Xem Stowe, “‘Revisionnisme’ au Vietnam,” 57; Grossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam,” 457–458.
[28]Grossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam,” 457.
[29]Tác giả phỏng vấn Hoàng Minh Chính.
[30]Tác giả phỏng vấn Hoàng Minh Chính. Hoàng Minh Chính cho rằng những nhà trí thức rất lo lắng khi nghe Nghị quyết 9 qua chương trình Việt ngữ của Đài Phát Thanh Bắc Kinh. Thông cáo chính thức được đăng trên báo Nhân Dân ngày 20 tháng 6 năm 1964 và diễn văn của Lê Duẩn tại phiên họp toàn thể được đăng trên tờ Học Tập (97, no. 2 [1964]: 1–20) và sau này được in trong cuốn Một vài vấn đề trong nhiệm vụ quốc tế [A Few Issues in Our International Duty] (Hà Nội: Sự thật, 1964), 125–183. Bản dịch tiếng Anh, xem “Lao Dong Plenum Resolution Nine,” December 1963, DP: Unit 06, VA.
[31]Xem “Lao Dong Plenum Resolution Nine,” December 1963, p. 44, DP: Unit 06, VA.
[32]Ibid., 46.
[33]Xem Smith, An International History of the Vietnam War, 2:220. Theo Hoàng Minh Chính, tháng 1 năm 1964, 400 cán bộ trung và cao cấp tập trung ở Quảng trường Ba Ðình để học tập Nghị quyết 9. Tại đây, Trường Chinh thông báo rằng vì tình hình phức tạp của phong trào cộng sản thế giới, phần quan trọng nhất của Nghị quyết không thể được viết lại, đó là việc chính sách đối nội và đối ngoại của Bắc Việt sẽ đi theo đường hướng của Trung Quốc. Sau đó, Lê Đức Thọ nói rằng ĐLĐVN phải tố cáo chủ nghĩa xét lại hiện đại.
[34]Xem Grossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam,” 456–457.
[35]Nguyên Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Ung Văn Khiêm bị Xuân Thuỷ thay thế. Bùi Công Trừng mất ghế ở Uỷ Ban Trung Ương và chức chủ tịch Uỷ Ban Khoa Học Công Nghệ Nhà nước, và cái chết nhiều bí ẩn của Dương Bạch Mai, uỷ viên Trung ương đảng, phó chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Xô làm các nhà ngoại giao Châu Âu nghi ngờ rằng vì quan điểm của mình mà ông đã bị giết hại. Xem Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày: Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị [Nightmare in the Daytime: A Political Memoir Written by a Non-politician] (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1997), 274–287; Grossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam,” 460–461.
[36]Năm 1964, có khoảng 1000 sinh viên Bắc Việt theo học ở các trường tại Liên Xô. Mặc dù đa số chấp hành đường lối của đảng, có khoảng 50 người xin tị nạn lại Liên Xô. Xem Stowe, “‘Revisionnisme’ au Vietnam,” 58; Grossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam,” 464–468.
[37]Xem Grossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam,” 461–462.
[38]Bùi Tín, Following Hồ Chí Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel (London: Hurst & Company, 1995), 54.
[39]Theo hồi ký chính trị của Bùi Tín, được biết đến với bút danh Thành Tín, giai đoạn từ 1964 đến 1966 chứng kiến một phong trào đàn áp trong quân đội, được goị là Vụ án xét lại trong quân đội. Bùi Tín biết được những việc này qua tướng Kinh Chi (giờ đã nghỉ hưu), là người đứng đầu nhóm Bảo Vệ từ năm 1958 đến 1976. Nhóm Bảo Vệ nổi tiếng là nhóm của Tổng Cục Chính Trị, có nhiệm vụ bảo đảm lòng trung thành của tất cả mọi sĩ quan trong quân đội đối với đảng, kể cả của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ 1964 đến 1967, nhóm Bảo Vệ bắt nhiều người với tội danh theo "chủ nghĩa xét lại." Xem Thành Tín [pseud. “True Faith”], Mặt thật: Hồi ký chính trị của Bùi Tín [True Identity: The Political Memoirs of Bùi Tín] (Irvine, CA: Saigon Press, 1993), 189–190. Xem thêm Bùi Tín, Following Hồ Chí Minh, 54–55. Tuy nhiên, ngày tháng và những vụ bắt bớ trong hồi ký của Bùi Tín không khớp với thời gian diễn ra vụ này, khi những vụ bắt bớ xảy ra trong năm 1967 chứ không phải trước đó. Có nhiều khả năng, giai đoạn từ 1964 đến 1966 chứng kiến những cuộc đàn áp các đảng viên và quân nhân không ủng hộ cuộc chiến, chứ không phải là các cuộc bắt bớ thẳng thừng.
[40]Mặc dù Hà Nội chuẩn bị cho việc Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam bằng việc Ủy Ban Trung Ương ĐLĐVN thông qua Nghị quyết 9 cuối năm 1963, BCT vẫn không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ gia tăng chiến tranh. Xem Elliott, The Vietnamese War, 1:612–613.
[41]Đến bây giờ chúng ta biết rằng cuộc tấn công ngày 4 tháng 8 không xảy ra. Xem John Prados, ed., The Gulf of Tonkin Incident: 40 Years Later— Flawed Intelligence and the Decision for War in Vietnam, National Security Archive Electronic Briefing Book No.132. Để tham khảo thêm những tài liệu mật về sự kiện Vịnh Bắc Bộ được Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ công bố từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 30 tháng 5 năm 2006, xem http://www.nsa.gov/vietnam/index.cfm (truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2006).
[42]Xem Zhai, China and the Vietnam Wars, 131. Lê Duẩn yêu cầu với chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ giúp thêm phi công và lính tình nguyện. Xem “Meeting between Liu Shaoqi and Lê Duẩn” (April 2, 1965, Beijing) trong phần 77 Conversations between Chinese and Foreign Leaders on the Wars in Indochina, 1964–1977 (sau đây sẽ được đề cập đến là 77 Conversations), eds. Odd Arne Westad et al. (Washington, DC: CWIHP, Woodrow Wilson Center, 1998), 85.
[43]Xem Ilya V. Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War (Chicago: Ivan R. Dee, Inc., 1996), 33.
[44]Cũng thời điểm này, ĐLĐVN cố mở một chiến dịch ở miền Nam tương tự như chương trình cải cách ruộng đất và chỉnh huấn tổ chức như đã làm ở miền Bắc trong những năm 1950. Tuy nhiên, chiến dịch "Vận Động Nông Dân" này không đi đến đâu vì tình hình quân sự và việc Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam. Đảng cần mở rộng đến các tầng lớp khác nhau nên gác qua tính chất giai cấp của cuộc cách mạng. Xem thêm Elliott, The Vietnamese War, 2:737–795.
[45]Việc tướng Nguyễn Chí Thanh chuyển vô miền Nam là dấu hiệu bắt đầu chấm dứt quyền tự trị trên lĩnh vực quân sự của [các lãnh đạo cộng sản đóng ở] miền Nam. Tướng Nguyễn Chí Thanh, trong thời gian làm chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị là người có nhiệm vụ bảo đảm tính trung thành của QĐND với Đảng, và việc ông chuyển công tác là để thực hiện tiến trình tương tự ở miền Nam.
[46]Phiên họp lần thứ 11 của UBTƯĐLĐVN tháng 3 năm 1965 chính thức chấp thuận việc gia tăng chiến tranh để đáp lại việc Mỹ hoá chiến tranh, nhưng còn rất mơ hồ về nhịp độ của cuộc chiến. Xem thêm Lịch sử Binh Chủng Thiết Giáp Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam (1959–1975) [The History of the Artillery Forces of the PAVN (1959–1975)] (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1982), 37.
[47]Xem thư của Lê Duẩn gửi tướng Nguyễn Chí Thanh vào tháng 2 năm 1965 trong tập Thư Vào Nam [Letters to the South] (Hà Nội: Sự Thật, 1985), 68–95, Mặc dù Lê Duẩn báo với Nguyễn Chí Thanh rằng Thanh sẽ sớm nhận được nội dung Nghị quyết của BCT vào đầu năm 1965 phác thảo chiến lược mà Trung Ương Cục Miền Nam cần thông qua, vị tổng bí thư này cũng nhân đó đưa ra những ý kiến cá nhân về việc thi hành Nghị quyết này như thế nào.
[48]Trong Thư vào Nam, 96-114, Lê Duẩn gởi tướng Nguyễn Chí Thanh tháng 5, 1965. Thư này là lời đáp trả cho hàng loạt những câu hỏi của Trung Ương Cục Miền Nam gởi BCT. Mặc dù giọng điệu của Lê Duẩn có vẻ không lạc quan như lá thư hồi tháng hai, Duẩn vẫn tiếp tục ủng hộ đấu tranh vũ trang tấn công và bác bỏ việc đàm phán hoà bình.
[49]Xem những bài của Lê Đức Thọ trên báo Nhân Dân February 3–4, 1966, những bài này sau được Đài Phát Thanh Hà Nội phát ngày 6 tháng 2 năm 1966. Những bài viết này bao gồm bàn luận toàn diện về những mối bất hoà trong nội bộ Đảng liên quan đến "tính bi quan về cuộc chiến ở miền Bắc, những ngờ vực liên quan đến cuộc chiến ở miền Nam, quan ngại về việc quốc tế ủng hộ vị trí của Hà Nội hay không, và những bất bình về sự cân bằng giữa sản xuất và chiến đấu."
[50]Tháng 4 1965, Chiến dịch "Ba sẵn sàng" của ĐLĐVN được toàn dân Bắc Việt ủng hộ. Chiến dịch này kêu gọi "sẵn sàng tham gia quân đội, sẵn sàng dự phần vào cuộc kháng chiến và sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào tổ quốc cần." Xem Cao Văn Lượng, ed., Lịch sử Việt Nam, 1965–1975 [The History of Vietnam, 1965–1975] (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2002), 18. Kết quả của chiến dịch động viên làm tăng hơn gấp đôi số quân của QĐND.
[51]Xem bài của Lê Đức Thọ trên báo Nhân Dân ngày 5-6 tháng 2 năm 1966. Lê Đức Thọ nói bóng gió đến phe phái này khi Thọ viết "một nhóm nhỏ các đồng chí" đã không nhận ra được "tính chất gian trá" của "âm mưu" đàm phán.
[52]Những ước lượng của tình báo Hoa Kỳ kết luận rằng Bắc Việt đang "bị trừng phạt trên lãnh thổ của họ, nhưng họ chấp nhận cái giá phải trả với hy vọng họ có thể đạt được những mục tiêu chính trị." Xem “The Vietnamese Communists’ Will to Persist—Summary and Principal Findings Only,” August 26, 1966, ở National Intelligence Council, Estimative Products on Vietnam, 1948–1975 (Pittsburgh: Government Printing Office, 2005), 366.
[53]Xem “Capabilities of the Vietnamese Communists for Fighting in South Vietnam,” Special National Intelligence. Estimate, November 13, 1967, in Estimative Products on Vietnam, 434. Theo những ước tính của Hoa Kỳ, có khoảng từ năm đến sáu trăm ngàn thường dân Bắc Việt chuyển sang những hoạt động liên quan cục bộ và toàn phần đến chiến tranh.
[54]War Experiences Recapitulation Committee of the High-Level Military Institute, The Anti-U.S. Resistance War for National Salvation 1954–1975: Military Events, trans. by Joint Publication Research Services (JPRS), (Hà Nội: People’s Army Publishing House, 1980), 68–69.
[55]Xem Trần Thư, Tử tù xử lý nội bộ [Sentenced to Death, Internal Settlement] (California: Văn Nghệ Publishers, 1996), 276.
[56]Phe chủ chiến gọi việc Johnson lần đầu tiên trong khoảng từ tháng 12 1965 đến tháng 1 năm 1966 ngưng oanh tạc miền Bắc là "thủ đoạn bẩn thỉu." Xem Nhân Dân, ngày 3 tháng 1 1966; lời phát biểu của Bộ Trưởng Ngoại Giao (BTNG) VNDCCH ngày 4 tháng 1 1966; Quân Đội Nhân Dân [The People’s Army Daily] ngày 12 tháng 1 năm 1966; phát ngôn của BTNG VNDDCH ngày 1 tháng 2 1966. Xem thêm Lưu Văn Lợi, Cuộc tiếp xúc bí mật Việt Nam-Hoa Kỳ trước Hội Nghị Pari [Secret Exchanges between Vietnam-US before the Paris Conference] (Hà Nội: Viện Quan Hệ Quốc Tế, 1990), 124–138. Bây giờ chúng ta biết là chính quyền Johnson ngừng oanh tạc để chứng minh rằng Hà Nội khôngmuốn đàm phán. Xem George C. Herring, ed., The Secret Diplomacy of the Vietnam War: The Negotiating Volumes of the Pentagon Papers (Austin: University of Texas Press, 1983), 110.
[57]New Central and Eastern European Evidence on the Cold War in Asia, CD của George Washington University Cold War Group and The Cold War History Research Centert, Hungary, 2003).
[58]Xem Jim Hershberg, MARIGOLD: Lost Chance for Peace in Vietnam (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, forthcoming), 45, 65, 68–69; và Who Murdered “Marigold”?—New Evidence on the Mysterious Failure of Poland’s Secret Initiative to Start U.S.-North Vietnamese Peace Talks, 1966 (Washington, DC: CWIHP, Woodrow Wilson Center, 2000). Theo Cecil Currey, Võ Nguyên Giáp phản đối việc Hà Nội bỏ lỡ cơ hội đàm phán trực tiếp năm 1965. Xem Cecil Currey, “Giap and Tet Mau Than 1968: The Year of the Monkey,” trong cuốn Gilbert and Head, The Tet Offensive (see note 2), 81. Theo Hoàng Minh Chính, trong ÐLÐVN, ai cũng biết rằng Ba Lan vận động để đưa Hà Nội và Washington đến bàn đàm phán (phỏng vấn Hoàng Minh Chính).
[59]Xem Võ Nguyên Giáp, “Cả nước một lòng đẩy mạnh cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược [The Will of the Entire Country Strongly Pushes the Great Liberation Struggle to Defeat the Invading Americans],” Học Tập 120, no. 1 (1966): 1–30.
[60]Nhân Dân, 22 tháng 12, 1965.
[61]Xem bài Nguyễn Chí Thanh, “Công tác tư tưởng trong quân và dân miền Nam ta với chiến thắng mùa khô 1965–1966 [Ideological Tasks of the Army and the People of the South and the Victories of the 1965–1966 Dry Season],” Học Tập 126, no. 7 (1966): 1–10. Đặc biệt trong bài này, Nguyễn Chí Thanh cảnh cáo những âm mưu chiến lược trừu tượng.
[62]Trong thư gởi cho Trung Ương Cục Miền Nam tháng 11 năm 1965, Lê Duẩn nói rằng đây là một cuộc chiến lâu dài (Lê Duẩn, Thư vào Nam, 115–157). Cũng xem thêm “Translation of Absolutely Secret (Declassified) Letter Possibly Written by Le Duan, First Secretary of the Lao Dong Party Central Committee (Captured by units of the 173rd Airborne brigade),” pp. 21–22, March 15, 1967, Folder 18, Box 06, DP: Unit 02—Military Operations, VA.
[63]Xem Patrick McGarvey, Visions of Victory: Selected Vietnamese Communist Military Writings, 1964–1968 (Stanford, CA: However Institution on War, Revolution and Peace, 1969), 7–16.
[64]Ibid., 16.
[65]Ibid., 17.
[66]Về những viện trợ của ĐCSTQ, xem Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 132–139; Chen Jian, “Personal-Historical Puzzles about China and the Vietnam War,” trong cuốn 77 Conversations, 26. Xem thêm Bùi Tín, From Enemy to Friend (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 2002), 99–100. Về viện trợ của Liên Xô, xem Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 57–64, 79. Liên Xô gia tăng viện trợ pháo phòng không cho Bắc Việt khi Hoa Kỳ gia tăng oanh tạc vào tháng 4, đây là lần đâu tiên Hoa Kỳ sử dụng oanh tạc cơ B-52 ở Bắc Việt.
[67]Về việc Trung Quốc áp lực Bắc Việt dùng chiến lược quân sự của Mao, xem “Meeting between Zhou Enlai [Chu Ân Lai] and Phạm Văn Đồng, Hoàng Tùng” (August 23, 1966, Beijing); và “Meeting between Mao Zedong [Mao Trạch Ðông] and Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp” (April 11, 1967, Beijing) trong cuốn 77 Conversations. Muốn biết thêm về vai trò của Liên Xô trong việc bố trí đàm phán, xem thêm Herring, ed., The Secret Diplomacy of the Vietnam War, VI.C.3.
[68]Xem 77 Conversations, 89–91, 93–94, 101–104, 107–114, and 121–123.
[69]Trung Quốc chỉ đồng ý với điều kiện Hà Nội phải đón viện trợ của Liên Xô tại biên giới Liên Xô - Trung Quốc và tự tay đưa những viện trợ này qua lãnh thổ của Trung Quốc. Khi Liên Xô xin quyền bay qua không phận của Trung Quốc để chuyển các máy bay đến Bắc Việt, Trung Quốc từ chối và buộc tội Liên Xô muốn chuyển những bí mật của Trung Quốc cho Hoa Kỳ. Xem “Meeting between Chinese Deputy Foreign Minister Qiao Guanhua and Vietnamese Ambassador Ngô Minh Loan” (May 13, 1967, Bejing), trong cuốn 77 Conversations, 121–123.
[70]Xem Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày 25 tháng 4 1966 để biết thêm về bài diễn văn Phạm Văn Đồng đọc trước Hội Đồng Nhà Nước Bắc Việt.
[71]Văn bản V: “Record of Czechoslovak Delegation Talks in Moscow Following Late September 1966 Visit to North Vietnam,” Central State Archive, Prague; CC CPCz Archive, fond 02 11, Sv. 10, Ar. J. 11, List. 20, b. 18, hồ sơ Novotny, ngoại giao - Vietnam. Văn bản được Oldrich Tuma cung cấp và Francis Raska dịch trong cuốn New Central and Eastern European Evidence (see note 100).
[72]Yang Kuisong, Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 32–34; Qiang Zhai, Beijing and the Vietnam Peace Talks, 1965–1968: New Evidence from Chinese Sources (Washington, DC: CWIHP, Woodrow Wilson Center, 1997).
[73]Trích dẫn từ Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 80.
[74]Ibid., 96–97.
[75]Theo Hoàng Minh Chính, các quan chức Liên Xô và Đông Âu thường đến thăm ông ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cả chính thức và không chính thức để biết chắc chắn về đường hướng cách mạng của ĐLĐVN. (Tác giả phỏng vấn Hoàng Minh Chính).
[76]Viện Lịch Sử Đảng [Institute of Party History], Lịch sử biên niên Xứ uỷ Nam Bộ và Trung Ương Cục Miền Nam (1954–1975) [The History of COSVN] (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2002), 573–574.
[77]Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, 1945–1995 [50 Years of Vietnamese Diplomacy, 1945–1995], 2 vols. (Hà Nội: Công An Nhân Dân, 1996), 1:259.
[78]Tháng 5, Nguyễn Chí Thanh chủ trì phiên hội nghị lần 5 của Trung Ương Cục Miền Nam, kết luận rằng "tiếp tục những cuộc tấn công mạnh mẽ vào phe địch là điều cần thiết để lấy đà cho cuộc TCKTKN". Guan, “Decision-Making Leading to the Tet Offensive,” 345 (see note 2).
[79]LLVTGPND là lực lượng quân sự của MTGPDT.
[80]Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung Ương Đảng [Resolution 14 of the VWP Central Committee],” được in lại trong Văn Kiện Đảng [Party Documents], comp. Đảng Cộng Sản [Communist Party], 39 vols. (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2004), 29:41–68. 

Nguồn: Vol. 1, No. 1-2. Journal of Vietnamese Studies, published by University of California Press. Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 22.2.2007.

No comments:

Post a Comment