Sinh viên và giới học giả nói tiếng Anh ở Việt Nam mang ơn Huỳnh Sanh Thông rất nhiều. Năm 1973, ông xuất bản bản dịch xuất sắc của Truyện Kiều. Truyện Kiều là tác phẩm truyện thơ của Nguyễn Du đầu thế kỉ 19, được công nhận rộng rãi là kiệt tác của văn học Việt Nam cận đại và là tác phẩm thơ của dân tộc. Mười năm sau, để phục vụ sinh viên ngôn ngữ và giới nghiên cứu, ông sửa lại bản dịch, mở rộng chú thích và tái bản truyện thơ này ở dạng song ngữ tại nhà xuất bản Đại học Yale. Nhờ sự xuất sắc của bản dịch tiên phong về Truyện Kiều, Huỳnh Sanh Thông đã được trao giải MacArthur năm 1987 –một giải thưởng mà rất nhiều người mơ ước. Ngoài ra, ông còn xuất bản bản dịch của hai tác phẩm văn học cận đại lớn khác (The Quarel of the Six Beasts – Lục súc tranh công và Song of a Soldier’s Wife – Chinh phụ ngâm), hai tuyển tập thơ lớn bằng tiếng Việt và Hán Việt, một số thơ trong nhà tù cộng sản, tuyển tập ký sự cùng truyện ngắn của những người dân tị nạn viết về cuộc sống ở các trại học tập cải tạo (re-education camps). Với những khởi đầu từ giải thưởng MacArthur và hỗ trợ về mặt hành chính của James Scott và Kay Manfield, Huỳnh Sanh Thông sáng lập Diễn đàn Việt Nam (The Vietnam Forum), tạp chí khoa học của Việt Nam do Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á xuất bản. Tại Yale, ông là người khởi xướng ấn phẩm Lạc Việt, giúp khuyến khích phát triển nghiên cứu của những học giả nổi tiếng như Oliver Wolters và John Whitmore. Ngoài Lạc Việt, ông còn cho ra đời phân loại chiết trung (eclectic assortment) những tác phẩm văn học dịch và các tác phẩm nguyên bản do mình sáng tạo (original scholarship).
Từ khi nghỉ hưu đầu những năm 1990, Huỳnh Sanh Thông tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu về lịch sử mối quan hệ về giới và nguồn gốc của ngôn ngữ. Chúng tôi rất vui mừng khi ông đồng ý tham gia phỏng vấn qua email với JVS.
Hỏi: Ông có thể kể cho chúng tôi biết về gia đình mình không ạ?
Đáp: Tôi sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926, ở Hóc Môn (tỉnh Gia Định), cách Sài Gòn (bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh) chừng 10 dặm. Tôi là con trai lớn thứ hai, trên tôi có một anh và dưới là hai em gái và hai em trai. Tất cả anh em tôi đều đã sang Pháp, Anh hoặc Mỹ sau ngày Sài Gòn giải phóng năm 1975.
Bố mẹ tôi đã qua đời. Lâm Thị Kén, mẹ tôi, sinh ra trong gia đình trồng lúa mang nửa dòng máu người Hoa. Bà là người cần kiệm và khiêm tốn, chỉ biết chăm lo vun vén cho gia đình. Mặt khác, bố tôi, cụ Huỳnh Sanh Thinh là một sản phẩm hoàn hảo của chế độ thực dân Pháp. Ông nói tiếng Pháp rất chuẩn, thích sách Pháp, có một thư viện sách Pháp nhỏ xíu đặt trong một cái hòm, và cụ còn sáng tác cả thơ xô nê của Pháp. Một thanh tra giáo dục người Pháp một lần đã nhận ra tài năng của bố tôi và mời ông ấy dạy ở lớp cao nhất trong hệ thống trường tiểu học: lớp 6. Bố tôi làm ở vị trí này đúng một năm, cuối năm đó học sinh làm bài thi quá tệ đến nỗi bố tôi phải dạy bắt đầu từ lớp hai (Ông không bao giờ muốn dạy những người lớp 1 vì theo ông thì như vậy sẽ tốn nhiều công sức hơn).
Bố tôi biết hát “Khúc ca người đấu bò” của Bizet’s Carmen, biết chơi đàn nguyệt, và hay mời những bạn yêu nhạc tham dự tiệc tùng, cùng nhau chơi nhạc và tất nhiên vì điều này mà mẹ tôi làm mọi công việc nội trợ mà không phàn nàn gì cả. Bố tôi rất mê rượu của Pháp, tham gia thi đạp xe, sở hữu một con ngựa đua và vướng vào những cuộc tình một cách ngẫu nhiên (had love affairs as a casual state of things). Mặc dù không giàu có gì nhưng bố tôi và cả ông nội là Huỳnh Sanh Nhơn, đều hút thuốc phiện: hàng ngày họ nằm cùng nhau trong phòng khách để thỏa mãn đam mê và nơi đó luôn là nơi hẹn hò của họ với “nàng tiên nâu”. Tôi chính là người lẻn vào nơi bán thuốc phiện của người Hoa để mua thuốc về cho ông và bố. Chìm đắm trong nghiện ngập, bố tôi chẳng có lúc nào mà tham gia công việc chính trị. Thời gian gần ngày phải trả tiền thuốc phiện của ông làm cho cả nhà đều lo lắng. Thông thường, tiền phải trả ít hơn dự kiến bởi vì con nợ giữ lại một phần và thường mẹ tôi phải lục lọi đồ trang sức và những thứ gì có giá trị trong nhà để đem cầm và có thêm tiền mặt chi trả cho sinh hoạt gia đình.
Từ bố mình, tôi nhận ra rằng tôi được thừa hưởng niềm đam mê cho những gì bản thân tôi yêu thích. Vì vậy, từ rất nhỏ, tôi đã quyết định sẽ tránh xa việc lệ thuộc vào các chất gây nghiện (dịch ý: physical dependence), và tôi vẫn trung thành với điều này cho tới ngày tôi ở Mỹ, trừ hai điều: (i) tình yêu dành cho âm nhạc phương Tây cổ điển, sau khi tôi nhận học giải MacArthur năm 1987, tôi âm thầm mua rất nhiều đĩa CD, một tuyển tập những tác phẩm của các tác giả từ Adolphe Adam tới Zemlinksky và (ii) tình yêu của tôi dành cho những điều phi thường.
Ở Mỹ, khi đã tới lúc tìm vợ, tôi muốn tìm ai đó không giống như những người con gái bình thường khác: một người có niềm đam mê âm nhạc. Quê ở Sài Gòn, Huỳnh Thị Vân Yến lúc đó đang học nhạc ở Minnesota, vì vậy tôi tới đó và tán tỉnh nàng. Tôi đã thành công và chúng tôi kết hôn tháng 4 năm 1954. Chúng tôi sinh được ba cháu: hai gái, Thi và Thanh, và một cháu trai tên Tùng.
Mặc dù là một người cha có nhiều khiếm khuyết song cuộc hôn nhân của chúng tôi hóa ra lại tuyệt vời hết mức có thể. Trong nhiều năm, Yến hỗ trợ tôi bằng cách dạy đàn piano. Ngoài âm nhạc, cô còn thích những môn nghệ thuật trang trí như vẽ, điêu khắc và may (quilting). Cũng giống như người mẹ quá cố của tôi, Yến rất siêng năng, tiết kiệm và biết lo xa. Mặc dù sống ở Mỹ nhưng cô không ngại việc không có xe ô tô. Tại trung tâm mua sắm lớn ở gần chỗ chúng tôi ở tại Hamden, Connecticut, cô đẩy xe hàng nhỏ từ chợ này tới chợ khác để so sánh giá và tìm giá tốt nhất.
Năm 1998, tôi bị hai lần đột quỵ và đến giờ tôi vẫn gặp khó khăn khi nói. Lại một lần nữa, Yến là vị cứu tinh của gia đình chúng tôi. Cô không chỉ lo kiếm sống bằng cách làm việc tại thư viện đại học Yale, mà còn mang sách cho tôi; bằng cách này tôi có thể theo đuổi sở thích đa dạng trong nghiên cứu mặc dù sức khỏe của tôi không tốt. Sau gần 40 năm, Yến vẫn làm việc ở thư viện Yale Sterling.
Hỏi: ông có thể kể cho chúng tôi nghe về tuổi trẻ và những kỷ niệm đi học thủa nhỏ của mình không?
Đáp: Sau khi chuyển từ Hóc môn tới Sài Gòn, tôi học ở trường dự bị đại học tốt nhất tại miền Nam: trường Vĩnh Ký. Những buổi đi học đầu tiên của tôi chỉ đơn thuần là học môn nghệ thuật tự do và văn học Pháp, vì vậy tôi đã sớm thấy hứng thú với những tác phẩm văn học Pháp, đặc biệt là Moliere và la Fontaine. Không giống như miền Trung và miền Bắc Việt Nam, nơi sự hiện diện của người Pháp ít được biết tới, Miền Nam nước Việt là thuộc địa của Pháp. Không ai bảo tôi phải thích văn học Việt Nam. Tiếng Trung/Hán Việt/Nôm thực sự không được dạy ở đâu hết. Về sau này, khi tôi cần học tiếng Trung và Hán nôm để dịch Kim Vân Kiều tân truyện, tôi đã tham khảo từ điển tại Đại học Yale.
Tôi thừa hưởng tình yêu ngôn ngữ từ cha mình. Chắc tôi đã thể hiện được tài năng xuất chúng của mình từ khi còn đi học bởi vì thầy giáo người Pháp của tôi, thầy Monsier Gros, một ông cụ cộc cằn, đã có lần mời tôi tới nhà ông. Khi ấy ông đã chơi cho tôi nghe một bản piano nào đó. Về sau, tôi cũng được thầy Nguyễn Minh Triết, thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi, mời tới căn nhà rất đẹp của thầy ở Sài Gòn. Với nền tảng gia đình tốt, thầy được hưởng nền giáo dục tại Anh, một điều thực sự khác biệt đối với một giáo viên trung học bình thường.
Năm 1945 là một năm đầy hỗn loạn khi lực lượng chiếm đóng của Nhật hất cẳng chính quyền Pháp của Phó tổng tư lệnh hải quân Jean Decoux tại Đông Dương và sau đó Nhật lại đầu hàng quân Đồng Minh: do vậy quân đội Pháp trở lại Sài Gòn. Cũng giống như những thanh niên Việt Nam khác, tôi không chấp nhận cúi đầu trước sự tái thiết của thực dân Pháp, và tôi bí mật hoạt động chống Pháp.
Năm 1946, bố tôi được thông tin rằng tổng lãnh sự quán của Mỹ vừa mới được mở tại Sài Gòn. Theo gợi ý của ông, tôi tới đó xin việc và được nhận vào làm vì biết tiếng Anh: Tôi được thuê để làm công việc “trông coi”. Nhưng tôi được ngài phó lãnh sự và vợ của ngài là Margaret (quá cố) giúp đỡ. Tại nhà của họ, tôi gặp Trần Văn Khê, người sau này sang Pháp du học; hiện tại ông là nghệ sĩ biểu diễn và là nhà âm nhạc dân tộc học người Việt Nam xuất sắc nhất trên thế giới. Ông có viết bài “Múa rối nước ở Việt Nam,” nằm trong cuốn The Vietnam Review tôi xuất bản lần đầu tiên năm 1996.
Sau đó chính quyền Pháp bắt giữ tôi. Tôi bị giam ở một trại tập trung không xa Sài Gòn. Trong những lần mẹ tới thăm và mang thức ăn cho tôi, chúng tôi bị ngăn cách bởi hàng rào dây thép gai cao ngất. Ngài Reed, tổng lãnh sự người Mỹ, vượt mọi ngả đường đến gặp viên sĩ quan chỉ huy người Pháp để bảo lãnh cho tôi và tôi đã được thả. Sau đó không lâu, Coughlin cấp cho tôi học bổng toàn phần tại đại học Ohio, và tôi rời Việt Nam tới Athens, Ohio, vào năm 1948.
Hỏi: Vậy xin hỏi ông học ngành gì ở Mỹ?
Đáp: Lúc đầu, ở đại học Ohio, để thực hiện ước mơ của bố rằng tôi sẽ trở thành một doanh nhân giàu có, tôi học lấy bằng cử nhân kinh tế học trong hai năm. Nhưng suy đi tính lại, thành công trong lĩnh vực kinh doanh không phải là ước mơ của tôi. Tại Mỹ, tôi cảm thấy không có chút áp lực nào để đạt được thành công và tôi cũng chả có kế hoạch sự nghiệp nào mà nói. Thay vào đó, tôi tìm cách giải thích sự khác biệt giữa việc phụ nữ có trách nhiệm và đàn ông vô trách nhiệm được đối xử như thế nào trong xã hội, như trong gia đình tôi cũng như nhiều gia đình mà tôi chứng kiến. Tôi muốn so sánh cách người Việt Nam và người Mỹ đối xử với hai giới, và tôi rút ra kết luận rằng ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, đàn ông vẫn được đối xử tốt hơn so với phụ nữ.
Vài năm sau đó, từ Đại học Georgetown tới Cornell, tôi chuyển từ ngành quan hệ quốc tế sang nhân loại học, và cố gắng học chăm chỉ hết kì này sang kì khác, không rõ là tôi sẽ hợp với ngành nào. Giống như phần lớn người Việt Nam, tôi muốn đất nước mình thoát khỏi ách thống trị của nước ngoài, nhưng chính trị chưa bao giờ hấp dẫn tôi bởi vì tôi biết rằng mình thiếu những kỹ năng cần thiết. Trong khoảng thời gian đó, năm 1954, tôi cưới Yến và chúng tôi sinh sống ở Washington, DC.
Hỏi: Ông có thể kể về hoàn cảnh ông xuất bản cuốn sách giáo khoa tiếng Việt năm 1960?
Đáp: Khoảng năm 1955, Robert B.Jones, nhà ngôn ngữ học và tôi, “người cung cấp thông tin bản địa” (native informant), cùng chuẩn bị cuốn Giới thiệu ngôn ngữ nói Tiếng Việt (An introduction to Spoken Vietnamese). Đó là cuốn sách đầu tiên trong một loạt khoảng 50 cuốn sách giáo khoa ngôn ngữ từ tiếng Albany tới Yoruba, do chính phủ Mỹ tài trợ trong cuộc chiến chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Ý tưởng về việc biên soạn một cuốn sách giới thiệu về tiếng Việt mang cho tôi nhiều tham vọng hơn. Max Muller đã nói ở đâu đó rằng “ngôn ngữ là tự truyện về trí óc của con người”. Tôi quyết định chuẩn bị một từ điển Việt-Anh, như vậy tôi sẽ hiểu thêm về cả văn hóa Việt và Anh.
Dự án vẫn còn dang dở bởi vì năm 1957, Coughlin, người sau này dạy môn xã hội học ở ĐH Yale, quyết định tiếng Việt nên được dạy tại Yale và mời tôi tới đó. Đó là sự khởi đầu thật sự cho giấc mơ Mỹ của tôi: được hỗ trợ bởi những nguồn lực sẵn có từ Thư viện Yale Sterling, tôi có thể nghiên cứu các vấn đề về phân biệt giới tính một cách thoải mái.
Tại thời điểm đó, Đại học Yale là nơi tập trung tất cả các nhà ngôn ngữ học của Mỹ. Là một “người cung cấp thông tin bản xứ” (native informant), không cần đòi hỏi phải được tuyên dương, tôi tận tình cung cấp “thông tin” về các từ hoặc các cụm từ tiếng Việt bằng cách phát âm rất nhiều lần từng từ một: sinh viên nam học âm vị hoặc hình vị tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của nam giáo sư ngôn ngữ học.
Nhưng Edward Sapir, một nhà ngôn ngữ học tại Yale có vẻ cũng là một nhà thơ, cảm nhận được giới hạn những nguyên tắc của mình và nhận xét rằng: “Có lẽ nguồn gốc của ngôn ngữ không phải là vấn đề có thể được giải quyết chỉ với việc nghiên cứu ngôn ngữ học” (It is probably that the origin of language is not a problem that can be solved out of the resources of linguistics alone.) Từ khi bắt đầu vào những năm 1980, the Language Origins Society (Hội Nguồn gốc của ngôn ngữ) vẫn tìm kiếm về sự khởi nguồn của ngôn ngữ. Thành viên của hội này cố ý bỏ qua Doris F.Jonas và A.David Jonas, những người cho rằng phụ nữ đã tạo ra ngôn ngữ trong bài viết “Khác biệt giới trong chức năng tâm thần: manh mối về nguồn gốc của ngôn ngữ” (“Gender differences in mental function: a clue to the origin of language”), xuất bản trong cuốn Nhân loại học đương đại (tập 16, số 4, tháng 12 năm 1975).
Hỏi: Ông có thể kể về hoàn cảnh ông viết bài “Greatest Little Man in Asia” (Người đàn ông nhỏ bé vĩ đại ở Châu Á) xuất bản trong tạp chí The Nation ngày 18 tháng 2 năm1961? Có phải ông cũng có nhiều tác phẩm khác được đăng trên các tạp chí của Mỹ vào thời gian này?
Đáp: “Greatest Little Man in Asia – Người đàn ông nhỏ bé vĩ đại ở Châu Á” nói về cách mà tờ The Reader’s Digest, tạp chí xuất bản của chính quyền Mỹ ca ngợi Tổng thống theo đạo Thiên chúa (President catholic) Ngô Đình Diệm như vị cứu tinh của Việt Nam và của phương Tây trong cuộc chiến chống lại cộng sản trên thế giới.
Khoảng năm 1960, ở Washington DC, tôi được giao nhiệm vụ là người Việt Nam tiếp đón Ngô Đình Diệm. Lúc đó ông ấy sang Mỹ để gặp Ngoại trưởng Dean Ancheson. Lúc đầu, Ngô Đình Diệm nghỉ tại khách sạn Mayflower, nhưng ông phàn nàn với tôi là nó đắt quá, vì thế tôi tìm cho ông một chỗ ở YMCA trong thành phố. Tôi đã ở bên ông ấy đủ lâu để chịu đựng màn độc diễn nổi tiếng của ông trong hàng giờ (I was around him long enough to be subjected to his famous monologue, which lasted for hours without interruption.)
Thời còn đương quyền, Ngô Đình Diệm được em trai là Nhu và vợ của Nhu hỗ trợ. Bà Nhu trở thành Đệ nhất Phu nhân của Miền Nam Việt Nam bởi vì Ngô Đình Diệm là người độc thân. Là một tín đồ đạo Phật chuyển sang đạo Thiên chúa, bà ấy được mệnh danh là “bà chằn” (the dragon lady) vì tính đồng bóng của mình (cái này làm tôi nhớ tới một tranh hài cũ ở một quyển tạp chí nào đó của Việt Nam vẽ một người đàn bà hay là “dragon lady”, tay cầm cái cán chổi đuổi theo một người đàn ông quấy rầy bà ta). Bà Nhu muốn cải cách xã hội Sài Gòn theo những cái mà bà gọi là giá trị của Thiên chúa giáo. Bà kết hợp Thiên Chúa với quan niệm của mình giống như hiện thân thời hiện đại của Hai Bà Trưng của Việt Nam thời mẫu quyền, khoảng gần 2000 năm trước. Cụ thể, bà Nhu phổ biến kiểu áo dài truyền thống bó sát người. Thời đó người ta còn tranh cãi nhiều bởi vì kiểu bó sát của áo dài: những người bảo thủ cho rằng cổ áo dài cắt thấp xuống là quá sức khêu gợi đối với phụ nữ Việt Nam.
Tháng 6 năm 1963, khi sự khủng bố bức hại của Ngô Đình Diệm đối với Phật tử lên tới cao trào, nhà sư Thích Quảng Đức đã tự thiêu mình ngay giữa ngã tư trên đường phố Sài Gòn náo nhiệt; nhiều nhà sư khác cũng tự tử công khai. Bà Nhu gọi những vụ tự sát như vậy là “nướng” (barbecues) và nói rằng “Cứ để họ tự thiêu và chúng ta sẽ vỗ tay”. Trần Văn Chương, cha của bà Nhu, người sau này trở thành đại sứ miền Nam Việt Nam tại Mỹ, đã từ chức để phản đối việc khủng bố đạo Phật. Ngày 1 Tháng 11, bạo động quân đội (military coup) diễn ra và lật đổ chính quyền của Diệm. Ngày hôm sau, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị xử tử. Rất lâu sau những biến sự đó, tôi gặp Trần Văn Chương ở Washington, DC, khi đó ông lại trở thành đại sứ của Miền Nam Việt Nam tại Mỹ. Tôi thấy ông thực sự rất tao nhã và tinh tế. Ông cho tôi xem một bài viết bằng tiếng Pháp của ông viết về Truyện Kiều. Năm 1983, tôi xuất bản bài viết này trong tập hai của The Vietnam Forum dưới tiêu đề “Le Kim – Van – Kieu et la poesie pure”. Tháng 7 năm 1986, tại nhà ở Washington DC, Trần Văn Chương và phu nhân của ông bị con trai là Khiêm xiết cổ chết, người ta cho là vì vợ chồng ông dọa sẽ không cho gã thừa kế tài sản.
Bài báo về Ngô Đình Diệm là bài viết duy nhất về chính trị mà tôi từng viết ở một tạp chí lớn. Tôi làm như vậy khi tôi đại diện cho Đại Việt Quốc dân Đảng. Khi đó Đảng này do hai người đàn ông mà tôi yêu quý và kính trọng lãnh đạo (giờ họ đều đã qua đời): Nguyễn Tôn Hoàn, một bác sĩ theo đạo Thiên chúa và Nguyễn Ngọc Huy, một nhà khoa học chính trị. Sau này, sau khi cộng sản chiếm Sài Gòn, cả hai đều qua Mỹ. Nguyễn Tôn Hoàn và gia đình ông sinh sống ở California. Nguyễn Ngọc Huy làm nghiên cứu sinh trong chương trình nghiên cứu Luật Đông Á tại ĐH luật Harvard. Ông cùng Tạ Văn Tài, với sự hỗ trợ của Trần Văn Liêm, chuẩn bị và xuất bản cuốn The Lê Code Law in Traditional Vietnam (Bộ luật đời Lê trong Việt Nam xưa) năm 1987. Tôi xuất bản The Tradition of Human Rights in China and Vietnam (Truyền thống về nhân quyền tại Trung Quốc và Việt Nam) của Stephen Young và Nguyễn Ngọc Huy trong số 10 của các ấn phẩm Lạc Việt năm 1990.
Hỏi: Tại sao ông lại quyết định dịch Truyện Kiều? Ở đâu và khi nào ông tiến hành việc dịch thuật này? Ông đánh giá như thế nào về bản dịch thơ sang tiếng Pháp và tiếng Anh trước đó? Ông có thể tiết lộ cách tiếp cận của mình khi dịch bản thơ này không?
Đáp: Khi một số sinh viên tại lớp học tiếng Việt của tôi muốn tìm hiểu về văn học Việt Nam, điều đầu tiên tôi nghĩ ra là một tác phẩm thơ có ý nghĩ văn học đối với phần lớn người Việt Nam: Truyện Kiều. Nhưng vấn đề là lớn lên trong thời thực dân Pháp, tôi chư a bao giờ đọc bất kì bài thơ tiếng Việt nào khi đi học, chứ nói gì đến một kiệt tác văn học như thế.
Tôi tìm kiếm trong thư viện Yale, và tôi tìm được các tác phẩm của Rene Crayssac và của Xuân Phúc và Xuân Việt bằng tiếng Pháp và của Lê Xuân Thủy bằng tiếng Anh. Tôi đối chiếu giữa các bản dịch hai dòng đầu tiên trong bài thơ này của Nguyễn Du
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Và bản dịch là thế này:
Cent ans-le inaximum d’une humaine existence!
S’encoulent rarement sans qu’avec persistence,
Et comme si le Sort jalousait leur bonheur,
Sur les gens de talent s’abatte le Malheur.
René Crayssac
En Cent ans, dans ces limites de l’humaine carrière, comme talent et
destine se plaisent à s’affronter!
Xuân Phúc và Xuân Việt
Within the span of a hundred years of human existence, what a bitter struggle is waged between genius and destiny!
Lê Xuân Thủy
Phần dịch xuôi thì rất chuẩn nhưng chưa hẳn đã thỏa đáng so với bản thơ gốc. Vì vậy, đúng theo những gì tôi được học về tiếng Pháp, đầu tiên tôi thử những câu thơ lục ngôn của Crayssac bằng tiếng Pháp, làm chúng ngắn cho đúng với hai dòng đầu tiên của bản gốc:
Within a hundred years, the span of human life,
Talent and destiny are apt to fight and feud.
Cuối cùng, nguyên nhân cũng dược hé lộ và tôi chấp nhận thơ tự do tiếng Anh làm phiên bản dịch của bản thơ lục bát nguyên gốc:
A Hundred years- in this life span on earth
Talent and destiny are apt to feud.
Việc dịch Truyện Kiều vất vả mất 3 tháng, nhưng việc sửa lại còn tốn nhiều thời gian hơn. Cách tiếp cận của tôi rất đơn giản: hai dòng đầu nên giống như thể thơ lục bát của Nguyễn Du.
Hỏi: Bản dịch ban đầu của ông đã được Random House xuất bản năm 1973. Ông có thể nói về quá trình xuất bản nó được không? Ban đầu bản dịch này được đón nhận ra sao? Ông nghĩ như thế nào khi chiến tranh ảnh hưởng tới việc tiếp nhận thơ, cũng như quyết định của ông khi dịch bản thơ này?
Đáp: Tôi đưa bản dịch nháp Truyện Kiều cho Alex Woodside, thời đó mới chỉ là cử nhân đại học Harvard. Tôi còn nhớ rất rõ, Alex gợi ý rằng thay vì tự lừa dối mình và đem bản dịch cho mấy nhà xuất bản xoàng xĩnh, tôi nên tìm tới nhà xuất bản danh tiếng nhất. Tôi mơ hồ cho rằng Knopf là nhà xuất bản tốt nhất lúc đó ở New York và gửi bản thảo của tôi tới đó. Robert Gottlieb, chủ tòa soạn và là tổng biên tập của Knopf lúc bấy giờ, trả lời tôi rằng ông ấy thích bản dịch nhưng không thể xuất bản nó được, do vậy ông ấy giới thiệu tôi tới nhà xuất bản Random House mà Knopf có liên kết. Sau đó ít lâu, tôi được nhà xuất bản Random House mời tới New York và có dịp làm việc lâu dài với Anne Freedgood, biên tập viên của tôi. Chị là một phụ nữ rất tốt bụng. Sau đó lần lượt Gloria Emerson và Frances Fitzgerald được phân công vào dự án xuất bản này. Năm 1973, chúng tôi cho ra đời hai bản sách, sách bìa cứng và sách bìa mềm kiểu cổ điển. Tôi nghĩ cuốn sách này có được thành công khiêm tốn đối với những người quan tâm tới Chiến tranh Việt Nam và những người muốn biết thêm về những nạn nhân của chiến tranh.
Hỏi: Thế sao ông lại quyết định cho tái bản sách này (revised edition) năm 1983? Tại sao ông lại quyết định thêm vào những chú thích mở rộng trong bản dịch của mình?
Đáp: Sau khi cộng sản đoạt Sài Gòn năm 1975, có rất nhiều người Việt miền Nam vượt biên sang tái định cư trên khắp đất Mỹ, đặc biệt là ở California. Khi Nhà xuất bản Yale xuất bản cuốn Di sản thơ Việt Nam (the Heritage of Vietnamese poetry) trước đó, có vẻ như năm 1983 là năm thích hợp để tái bản Truyện Kiều, đặc biệt dành cho độc giả Việt Nam là người tị nạn ở Mỹ. Lần tái bản này mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho bản dịch, với bản tiếng Việt bên cạnh, chú thích rất cẩn thận và còn nhiều thay đổi khác nữa. Trong lời đề từ, tôi cũng dùng hai câu từ Truyện Kiều gợi nghĩ đến hai con rắn đang buộc và quấn chặt lấy nhau khi giao phối: “Of course, when two kin spirits meet, one tie/soon binds them both in a knot none can yank loose” [Lạ gì thanh khí lẽ hằng, một dây một buộc ai giằng cho ra]. Nhà vẽ tranh minh họa (illustrator) Hồ Đắc Ngọc khắc họa hình ảnh của Kiều bằng hai màu đen và trắng – hai màu chính xác định một người phụ nữ (bên cạnh màu đỏ) – màu đen, hay là màu của đêm và màu trắng, hay là màu trong của trăng. Được xuất bản tại Nhà xuất bản đại học Yale năm 1983, Truyện Kiều đến nay vẫn tiếp tục được xuất bản.
Hỏi: Ông đánh giá thế nào về ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng trong truyện thơ?
Đáp: Tôi chỉ là người nghiệp dư, không phải là chuyên gia trong việc đánh giá Truyện Kiều. Tôi thấy Mai Quốc Liên và Nguyễn Quảng Tuân là hai người đáng tin cậy để tham khảo ý kiến. Năm 2000, ở ngoại thành Hồ Chí Minh, Lê Xuân Lít cho ra đời cuốn Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều. Đây là một tác phẩm dày hơn 1000 trang nói về tất cả các từ ngữ sử dụng trong bài thơ gồm 3,254 dòng thơ của Nguyễn Du. Theo thông tin từ phía nhà xuất bản, chỉ có 500 bản của cuốn này được in. Ở Hamden, Connecticut, tôi thật may vì đã mượn được cuốn sách rất hay này từ thư viện Yale Sterling và có thể nghiền ngẫm nó thoải mái.
Hỏi: Thế việc ông giành giải thưởng Harry J.Benda và giải MacArthur Foundation có ảnh hưởng thế nào tới sự nghiệp sau này của ông?
Đáp: Cuối năm 1979, kết thúc khoảng thời gian thất nghiệp là thời gian tôi giành được thành công đỉnh cao trong sự nghiệp với cương vị một nhà dịch thuật nghiệp dư, một học giả và một “nhà ngôn ngữ học”. Năm 1981, giải thưởng Harry J.Benda của Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á làm tôi đặc biệt xúc động (proved especially moving for me). Ở Connecticut, Yến và tôi sống ở Hamden, Harry và Eva Benda sống ở North Haven. Hai gia đình chúng tôi sống trên cùng một con phố, chỉ khác tên đường là Glendower Road và Ridgewood Avenue, bị ngăn cách bởi Đại lộ Whitney, và chúng tôi thực sự là những hàng xóm thân thiết. Yến và tôi sống ở căn hộ nhỏ hơn ở New Haven, và chính Eva là người tìm giúp chúng tôi một căn hộ mới ở Hamden; chúng tôi sống ở đó kể từ năm 1966. Là người Do thái đến từ Prague, Czechoslovakia, Harold chạy trốn chế độ Đức Quốc Xã, chấp nhận làm tù nhân của Đế Quốc Nhật tại Java. Tôi không biết chơi một thứ nhạc nào mặc dù tôi rất yêu âm nhạc, do vậy tôi ngưỡng mộ Harold không chỉ vì đầu óc nhạy bén của một nhà sử học mà còn vì tài nghệ chơi violin của anh – một Itzhak Perlman nghiệp dư! Thỉnh thoảng Harry và tôi đi nghe nhạc với nhau ở New Haven.
Tháng 11 năm 1987 giải thưởng MacArthur Fellowship cho tôi cơ hội đi Chicago tham gia cuộc họp mặt nghiên cứu sinh MacArthur. Ở đây tôi có cơ hội trao đổi về lý thuyết “tiếng mẹ đẻ và tiếng lóng” với ngài Cedric Davern quá cố, một nhà sinh vật học tại Đại học Utah. Sau khi xem xét lý thuyết của tôi, ngày 20 tháng 11 năm 1987, Davern viết một bức thư dài bày tỏ sự quan tâm của ông trong đó có nói rằng: “Tôi thực sự thích lý thuyết của anh về nguồn gốc của ngôn ngữ hơn so với lý thuyết cho rằng ngôn ngữ tiến hóa nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu trao đổi trao những cuộc đi săn hiệu quả. Theo quan sát của tôi thì nếu một người nói chuyện khi người kia đuổi bắt thú săn thì chỉ có thể đuổi con mồi đi mà thôi.”
Hỏi: Ông quyết định sáng lập (Diễn Đàn Việt Nam) The Vietnam Forum trong hoàn cảnh nào? Sứ mệnh ban đầu của Vietnam Forum là gì? Ông có thể kể cho chúng tôi nghe về quá trình thành lập và hoạt động của tạp chí này không?
Đáp: Ban đầu, dự án Tị nạn Đông Nam Á của Đại Học Yale thuê tôi làm giám đốc dự án nhằm thu thập thông tin từ những người tị nạn và dịch ra tiếng Anh. Lần đầu tiên tôi tới Washington, DC để phỏng vấn một số người tị nạn và khi trở về, tôi thấy sợ khi nghĩ tới viễn cảnh phải dịch tất cả những gì ghi chép được. Do đó tôi nghĩ tới một ý tưởng khác có thể làm tôi thấy thoải mái hơn: The Vietnam Forum, tạp chí phát hành 6 tháng một lần trong đó có những bài báo nói về người tị nạn. Ngoài ra, tôi sẽ thêm vào tạp chí một loạt sách Lạc Việt (Lac – Viet series of books) về người tị nạn và những chủ đề khác về Việt Nam. Tôi muốn dùng từ Lạc (nghĩa là cả “rắn nước” lẫn “nước”), tên dân tộc của người Việt Nam thời kì mẫu hệ gần 2000 năm trước: trong tiếng Việt, từ Lạc xuất hiện từ cổ nác hay từ hiện đại là nước, nghĩa là “nước”.
Do không quen với việc ra lệnh, tôi thích làm việc một mình, và tự làm tất cả mọi việc: tập hợp và lựa chọn các bài báo, đánh máy, thiết kế các trang báo và những công việc khác. Nguyễn Mộng Giác, một nhà văn tài năng, là đại diện của chúng tôi ở California. Trong công việc in ấn, tôi cũng nhờ đến một nhà xuất bản của Việt Nam tại California. Khi gặp vấn đề về tài chính, tôi đã có hỗ trợ từ Kay Mansfield, một thư ký làm việc rất hiệu quả.
Trong The Vietnam Forum, tôi cũng viết một số bài báo nói về lý thuyết “tiếng mẹ đẻ và tiếng lóng” (tất nhiên là không đặt tên bài báo như thế này): ví dụ như “The Fan In the Battle of the Sexes” “Cái quạt trong trận chiến giữa hai giới” số 2, mùa hè thu năm 1983. Oliver W.Wolters quá cố, một nhà sử học của Đông Nam Á, rất thích lý thuyết này của tôi và gửi cho tôi thông tin về chủ đề này tại Indonesia. Sau này, ông ấy thường xuyên hợp tác với The Vietnam Forum và The Lac-Viet series cho tận tới khi ông qua đời.
Tạp chí này thu hút sự chú ý của công chúng với những cây bút nữ của Việt Nam như Nguyễn Thị Hoàng, Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh, Công-Huyền Tôn-Nữ Nha-Trang, Trùng Dương…The Lạc-Việt Series cho chúng tôi biết tới cái tên Lucy Nguyễn Hồng Nhiệm thuộc Đại học Massachusetts, một phụ nữ đáng chú ý mà gần đây mới xuất bản hồi ký của bà mang tên: The Dragon Child: Reflections of A Daughter of Annam in America (tạm dịch: Con của Rồng: Suy ngẫm của một người con gái Annam tại Mỹ)
Hỏi: Ông có thể cho chúng tôi biết về quá trình phát triển những bản dịch khác trong tập Di sản thơ Việt Nam và Tuyển tập thơ Việt Nam không? Điều gì đã khiến ông quyết định lựa chọn loại tác phẩm này để dịch? Tại sao sở thích của ông lại nghiêng về thơ chứ không phải là văn xuôi? Trong những tác phẩm dịch của mình, ngoài Truyện Kiều, ông thấy tự hào nhất về tác phẩm nào?
Đáp: Đầu tiên James C.Scott, nhà khoa học chính trị và là người đứng đầu của viện nghiên cứu đông nam Á tại Yale lúc đó đã xem bản thảo Di sản Thơ Việt Nam. Ông ấy giới thiệu bản dịch này tới Nhà xuất bản Đại học Yale và nó được xuất bản năm 1979. Sau giải thưởng MacArthur, tôi chuẩn bị dịch Tuyển tập thơ Việt Nam, đặc biệt là thơ thế kỉ 20. Tôi có chủ ý chia sách thành 9 phần: 9 là con số linh thiêng của phụ nữ và của các bà mẹ. Trong những bức tranh bán thân của họa sĩ Đinh Cường, tôi tìm thấy bức tranh một cô gái có vẻ đẹp tượng trưng cho vẻ đẹp của thơ Việt.
Khoảng đầu năm 1990, lúc này tôi đã dành 10 năm làm ở dự án người tị nạn Đông Nam Á của Đại học Yale. Dường như đã đến lúc để chuyển sang làm một điều gì đó khác, và tôi nhường lại công việc của mình cho Dan Duffy. Cùng với Hoàng Ngọc Hiến đến từ Hà Nội và Trương Vũ từ Washington DC, theo tinh thần của Quỹ MacArthur, tôi hy vọng xuất bản The Vietnam Review, một tạp chí tự do tập hợp các nhân tài từ Châu Á, châu âu, châu Mỹ để nói thay tất cả những người Việt sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi có thể nêu lên 4 vấn đề trong hơn 500 trang báo mỗi số, nhưng sau đó năm 1998, tôi phải chịu 2 cơn đột quỵ.
Trong thời gian 10 năm thất nghiệp, tôi cũng thử dịch thơ tiếng Pháp và tiếng Trung. Tôi đặc biệt thích Les femmes savant của Moliere và tôi đã dịch bài này với tiêu đề “Phụ nữ có học” (The learned ladies). Bản dịch này do Đại học Carnegie Mellon xuất bản: Jean Gascon (quá cố), diễn viên và đạo diễn người Canada gốc Pháp phụ trách sản xuất. Tôi cũng có bản thảo của một cuốn thơ Đường. Cùng một cách tiếp cận, tôi thích tất cả các bản dịch của mình, không có sự thiên vị đặc biệt nào.
Khi sinh viên hỏi về văn học Việt Nam, tôi đã nói ngay về Truyện Kiều và tôi luôn nói về thơ từ đó về sau. Đối với một người nghiệp dư như tôi, thơ thông thường dường như có số lượng hữu hạn, dễ xử lý hơn những thể loại văn xuôi không có giới hạn; điều đó lý giải vì sao tôi thích dịch thơ hơn. Trong số hàng ngàn tác phẩm thơ, tôi dịch những bài mà mình cho rằng có ý nghĩa hay, dù cho nó không nổi tiếng, và tôi không bao giờ dịch những bài không có ý nghĩa với mình. Bất kể bài thơ đó có nổi tiếng hay không- dù cận đại hay hiện đại- thì chẳng có gì khác cả. Tôi sẽ rùng mình khi ai đó bảo tôi dịch T.S Eliot.
Hỏi: Ông có lời khuyên nào cho những nhà dịch văn trẻ thích dịch văn học Việt Nam không? Có xu hướng, thể loại hoặc là những tác phẩm đặc biệt cụ thể nào đó mà ông cho là nên được dịch ra không?
Đáp: Hiểu biết của tôi về văn học Việt Nam lhạn chế tới mức tôi không dám đưa ra lời khuyên về những tác phẩm hay thể loại nên dịch. Cá nhân tôi cho rằng tôi sẽ dịch nhiều tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu – thi sĩ miền Nam Việt Nam. Về văn xuôi, những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có vẻ được Peter Zinoman, Nguyễn Nguyệt Cầm và Thúy Trần Việt dịch thành công. Với sự phát triển của nghiên cứu tiếng Việt tại Mỹ, chúng ta có thể hy vọng nhiều hơn vào lĩnh vực văn học Việt Nam.
Hỏi: Ông nghĩ gì về sự bùng nổ của việc dịch thơ văn Việt Nam sau Đổi mới trong suốt hai thập niên qua?
Đáp: Các bản dịch văn học Việt thời kỳ sau đổi mới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, đã thoát khỏi sự kìm kẹp, chắc chắn có ảnh hưởng sâu sắc tới chúng ta; không giống sự đồng bộ đơn điệu về quản lý tư tưởng ở Hà Nội. Huế và Sài Gòn có vẻ cởi mở với những ý tưởng mới hơn.
Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của nghiên cứu tiếng Việt hàn lâm, nói chung, trong suốt cả cuộc đời mình?
Đáp: Với việc người tị nạn Việt đổ vào Mỹ, tôi ngạc nhiên về sự chuyển đổi của nghiên cứu tiếng Việt hàn lâm theo hướng tốt hơn trong những thập niên qua.
Hỏi: Ông có thể kể về nguồn gốc và sự phát triển đam mê nghiên cứu của ông giúp hoàn thành tác phẩm Rắn vàng: Con người học nói và sáng tạo ra văn hóa như thế nào?”
Đáp: Khi mới đặt chân lên đất Mỹ, từ 1948 tới 1957, tôi bị ám ảnh bởi nạn phân biệt giới tính và nhìn chung, với vấn đề văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng tôi không thể nghĩ về vấn đề này trong thời gian dài. Năm 1957, tôi được mời làm trợ giảng môn tiếng Việt tại Yale, cuối cùng tôi có thể sử dụng thư viện khổng lồ và lại bắt đầu công cuộc nghiên cứu về chủ đề này. Sau vài năm, tôi bắt đầu hình thành lý thuyết của mình, gọi là “tiếng mẹ đẻ và tiếng lóng”: trong những khu rừng rậm nguyên sinh ở Châu Phi, khoảng 200 000 năm trước, với sự giúp đỡ vô tình của rắn, các bà mẹ đã tạo ra ngôn ngữ, tôn giáo, và văn hóa, và sau này những bà mẹ lại rời tới những vùng khác trên thế giới.
Đầu những năm 1960, các lớp học tiếng Việt của tôi thường có nhiều nhất hai hoặc ba sinh viên. Tôi có cơ hội hiểu họ hơn và thảo luận với họ về lý thuyết “tiếng mẹ đẻ và tiếng lóng.” Sau này rất lâu, một trong số họ là Richard Hawkins từ Úc gửi cho tôi một món quà. Đó là một cuốn sách của A.W. Reed tiêu đề là Truyện Cổ và Truyện Truyền thuyết (Aboriginal Fables and Legendary Tales) với lời đề tặng như thế này “Gửi Huỳnh Sanh Thông – có thể đây là nguồn cảm hứng mới, có thể chỉ là những câu chuyện về rắn. Thân mến, Dick Hawkins, tháng 7 1990.”
Với tôi, sau đó là quãng thời gian thất nghiệp nhưng maymắn thay, Yến có thể tìm được việc làm tại Thư viện Yale Sterling. Đầu những năm 1980, Nancy Scott (hiện ở Harvard), lúc đó đang dạy môn nghiên cứu phụ nữ tại Yale, nghe phong thanh về lý thuyết “tiếng mẹ đẻ và tiếng lóng” của tôi và mời tôi tới nói tại một trong số buổi nói chuyện không chính thức của bà. Khi James C. Scott, một nhà khoa học chính trị, lên đứng đầu việc nghiên cứu Đông Nam Á của Yale năm 1976, tôi lại được thuê để làm việc cho dự án người tị nạn Đông Nam Á. Louise, vợ của Jim (giờ đã qua đời) rất quan tâm tới lý thuyết của tôi và cung cấp cho tôi nhiều thông tin tiểu sử hơn (further bibliographical information)
Ngày 20 tháng 8 năm 1989, xuất bản tờ New Haven Register, Abram Katz, tác giả khoa học của tạp chí này có bài viết về lý thuyết của tôi với tiêu đề “Scholar Links Language to Mom, Snakes” (Học giả kết nối ngôn ngữ với mẹ, rắn). Ông cũng phỏng vấn Michael Studdert-Kennedy, nhà ngôn ngữ học tại Yale vào lúc bấy giờ. Ông này nhận thấy lý thuyết của tôi “hấp dẫn và thuyết phục” song lại cho rằng nó “thiếu tính khoa học.”
Trong số báo ra tuần từ mùng 6-13 tháng 11 năm 1989, bản tin và lịch tuần của Yale cũng công bố lý thuyết của tôi tới mọi người ở Yale trong một bài báo dài với tiêu đề “On Mothers and Snakes and the Genesis of Language” (Mẹ và Rắn và Nguồn gốc của ngôn ngữ). Ngay lập tức, Edmund S. Crelin quá cố, giáo viên môn giải phẫu ở trường Y Yale, gọi điện cho tôi đầy hào hứng và chúc mừng tôi. Trong thư gửi ngày 15 tháng 12 1989, Crelin viết cho tôi “Theo tôi thấy thì ngôn ngữ chỉ có thể bắt đầu sau 300 000 năm. Tuy nhiên, các nhà nhân loại học đều cho rằng ngôn ngữ bắt đầu khoảng 2 triệu năm trước. Có rất ít dữ liệu khoa học chứng minh thời điểm ra đời ngôn ngữ sớm như thế. Điều đó có nghĩa là con người có thể có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ với thanh quản giống như của vượn. Thật không thể nào!”
Từ năm 1989 tới năm 2000, ở miền Nam California, Aline Horaday và Ann Elwood biên tập bài báo của họ về lịch sử độc đáo (unconventional history). Gọi lý thuyết của tôi là “công trình cột mốc” (landmark work), họ xuất bản ba bài báo của tôi về vấn đề này: “Tiếng mẹ đẻ và tiếng lóng: Ý nghĩ, Ngôn ngữ và Văn hóa bắt đầu Tại sao và Như thế nào”, “Làm việc là để chơi: Một bài luận về Khiêu vũ” và “Rắn, vết thương và cái cung: một cách lý giải mới về bí mật và bi kịch của Philoctetes” (the Serpent, the wound and the bow: a new interpretation of the myth and tragedy of Philoctetes).
Người tán đồng quan điểm của tôi nhất chính là Wendy Doniger dạy môn lịch sử thần thoại và tôn giáo tại đại học Chicago từ năm 1978. Năm 2003, bà muốn tôi viết bài báo “Rắn” cho phiên bản 2004 của cuốn The Encychopedia of Religion – Bách khoa về tôn giáo (tập 16, tổng biên tập Micea Eliade, Nhà xuất bản Macmillan, 1987); nhưng lúc bấy giờ tôi quá ốm yếu nên không thể chấp nhận lời đề nghị này.
Tôi thảo bản Rắn vàng: Con người học nói và sáng tạo ra văn hóa như thế nào, tuy nhiên đây chưa phải bản thảo cuối cùng; chưa đến 100 bản được phát cho những cá nhân và thư viện quan tâm tới vấn đề này. Tiêu đề của bản thảo được giữ nguyên để không quá khiêu khích (provocative). Giờ đây, tôi sẽ đặt cho nó cái tiêu đề nghe mạnh mẽ hơn như là “The serpent Goddess: How Mothers Created Language, Religion and Culture” (Nữ thần rắn: Đức Mẫu đã tạo ra ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa ra sao). Tôi coi Rắn vàng là loại Thần rắn sáng nhất thiên đàng. Bây giờ, tôi cho rằng chính nữ thần rắn là “trăng”, “trắng” và “trằn” giống như “trăn” trên bầu trời buổi đêm, đen và không có “đèn”. Đó là mặt trời, hay chính là con trai của trời, bay từ đến từ mặt trăng hay chính là mẹ của mặt trời.
Hỏi: Ông có cho rằng văn học Việt ở nước ngoài viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thuộc về truyền thống của văn học Việt Nam không?
Đáp: Có, văn học Việt ở nước ngoài bằng tiếng anh, Pháp hay bất kỳ thứ tiếng nào đều thuộc về văn học Việt truyền thống.
Hỏi: Ông có theo kịp với sự phát triển văn học Việt Nam ngày nay không? Sự phát triển của văn học Việt ở nước ngoài hoặc viết bằng tiếng nước ngoài ra sao?
Đáp: Tôi rất tiếc là sức khỏe của tôi kém đi từ năm 1998 và không thể theo kịp với sự phát triển của văn học Việt Nam ngày nay.
Hỏi: Ông có lời khuyên nào cho giới trí thức muốn theo đuổi con đường của ông không?
Đáp: Hãy theo đuổi ước mơ của mình. Xin học ở một trường đại học hoặc cao đẳng với thư viện lớn tầm cỡ quốc tế. Và làm quen với một số bạn bè trong giới trí thức, càng nhiều càng tốt. Những người bạn tin tưởng vào mơ ước của tôi như Richard J.Coughlin, giảng viên danh dự môn xã hội học và nhân chủng học ở Đại học Virginia; Alexander B.Woodside, dạy môn lịch sử Trung Hoa và Đông Nam Á tại Đại học British Columbia; Harry J.Benda quá cố, dạy môn lịch sử Indonesia tại Yale; James C.Scott dạy môn khoa học chính trị tại Yale; Oliver W.Wolters dạy môn lịch sử Đông Nam Á tại Cornell; Cedric Davern quá cố dạy môn sinh học tại Đại học Utah; Edmund S.Crelin quá cố, dạy môn giải phẫu tại Trường y của Yale, Aline Hornaday và Ann Elwood, người biên tập cho tạp chí Lịch sử Độc đáo (Unconventional History)trong suốt 10 năm; và Wendy Doniger, người dạy lịch sử thần thoại và tôn giáo (của Ấn độ nói riêng) từ năm 1978 tại Đại học Chicago.
Ghi chú
1. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Huỳnh Sanh Thông dịch và chú thích, với “Lời nói đầu” do Gloria Emerson và “Bối cảnh Lịch sử” do Alexander Woodside chấp bút (New York: Random House, 1973).
2. Nguyễn Du, Truyện Kiều: Bản song ngữ, dịch giả: Huỳnh Sanh Thông. (New Haven, CT: NXB ĐH Yale, 1983).
3. Đặng Trần Côn và Phan Huy Ích, Chinh phụ ngâm (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu về Đông Nam Á Yale, 1986); Lục súc tranh công (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á Yale, 1987); Di sản thơ Việt Nam, biên tập và dịch: Huỳnh Sanh Thông (New Haven, CT: NXB Đại học Yale, 1979); Tuyển tập thơ Việt Nam: Từ thế kỉ 11 tới thế kỉ 20 do Huỳnh Sanh Thông dịch và biên tập (New Haven, CT: NXB ĐH Yale, 1996); Nguyễn Chí Thiện, Hoa địa ngục, do Huỳnh Sanh Thông tuyển chọn và dịch từ tiếng Việt (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á Yale, 1983); To be Made over: Tales of Socialist Reeducation in Vietnam, do Huỳnh Sanh Thông dịch và biên soạn (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á Yale, 1988).
4. John Whitmore, Việt Nam, Hồ Quý Ly, và nhà Minh (1371-1421) (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á của Yale, 1985), O.W. Wolters, 2 bài luận về Đại Việt vào thế kỷ 14 (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á của Yale, 1988). Xem cả Louis-Jacques Dorais, Lise Pilon-Lê và Nguyễn Huy, Excile in a Cold Land: Cộng đồng người Việt ở Canada (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á của Yale, 1987); Phạm Văn Ký, Anh em kết nghĩa, dịch từ Frese de Sang của Margaret Mauldon (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á của Yale, 1987); Phan Bội Châu và phong trào Đông Du, do Vĩnh Sính biên soạn (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á của Yale, 1988); Stephen B.Young và Nguyễn Ngọc Huy, Truyền thống Nhân quyền ở Trung Quốc và Việt Nam (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á của Yale, 1990); Nguyễn Thị Thu – Lâm, Lá Rụng (New Haven, CT: Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á của Yale, 1989).
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Vol. 3, Issue 1, pps. 220–239. Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên CPS – Journal Donation Project.
Ghi chú của Hoa Sơn luận kiếm: Dịch giả bài phỏng vấn: Chưa rõ tên. Bản dịch đã được chỉnh sửa đôi chút theo gợi ý của Nguyễn Tuấn Cường.
Ghi chú của Hoa Sơn luận kiếm: Dịch giả bài phỏng vấn: Chưa rõ tên. Bản dịch đã được chỉnh sửa đôi chút theo gợi ý của Nguyễn Tuấn Cường.
No comments:
Post a Comment