Monday, July 4, 2011

François Guillemot – Trực diện với cái chết và nỗi đau: vấn đề thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam (1950-1975) – phần 1



Phương Hòa dịch

“Máu V2 có thể chảy nhưng đường V2 không thể tắc”
(Biển tuyên truyền trên đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh)

“Lúc ấy họ là những người lính chỉ đáng giá ba xu”
(Những cô gái bị lãng quên của Đường mòn Hồ Chí Minh, 2003)

Dẫn nhập

Dù “chiến tranh Việt Nam” đã chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cách đây 35 năm, nhưng sự xung đột tại Việt Nam vẫn còn là đề tài cho rất nhiều câu hỏi đang được nghiên cứu. Như mọi người đều biết, từ năm 1954 đến 1975, ngoài việc bị lôi cuốn trong khuôn khổ Chiến tranh lạnh với một tầm vóc quốc tế quan trọng, sự xung đột này được thể hiện dưới hình thức một cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai Nhà nước đối lập nhau về mặt ý thức hệ và ngăn cách nhau bằng một đường biên giới. Ai cũng biết rõ những khía cạnh chính trị và quân sự của cuộc chiến, nhưng còn những vùng tối khác cần phải được nghiên cứu thêm, đặc biệt là ảnh hưởng của nó với các lực lượng dân công, bản chất của những đoàn quân được tuyển mộ, vai trò của phụ nữ, hàng loạt vấn đề xoay quanh “văn hóa chiến tranh” và những đoàn thể bị mắc trong gọng kềm của cuộc chiến đó.

Khi nêu lên vấn đề về bản chất của cuộc chiến, công trình nghiên cứu này nhằm mục đích nghiên cứu lịch sử của một lực lượng xã hội và quân sự có tên là “Thanh niên xung phong” trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam giữa hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) chủ yếu diễn ra từ năm 1965 đến 1975. Nụ cười rạng rỡ của các cô gái anh hùng trên nhật báo và phim ảnh tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh đã chu du khắp thế giới, nhưng số phận bi thảm của chính những người nữ anh hùng vô danh này vẫn chưa được mọi người biết đến đầy đủ. Vấn đề này vẫn còn mang tính nhạy cảm ở Việt Nam dù người ta đã giới thiệu một bộ sử mang tính thực chứng về cuộc đấu tranh giải phóng đất nước; bộ sử này mới đây đã góp phần trong việc xác định một vị trí quan trọng hơn của các nhân vật lịch sử bị lãng quên, đặc biệt là của thành viên các đoàn Thanh niên xung phong.

Được chia làm bốn phần, đề tài tôi sẽ đề cập đến là cuộc phiêu lưu đầy giông bão của những “Thanh niên xung phong” đắm chìm trong ngọn lửa chiến tranh. Trong phần đầu, điều quan trọng là đặt ra những cột mốc lịch sử cần thiết để người đọc hiểu được việc hình thành lực lượng tập thể phục vụ chiến tranh này và, trong phần thứ hai, nhận ra được cơ cấu của nó, cùng những nam nữ thanh niên đã tham gia trong cuộc. Trong phần thứ ba, tôi xem xét hiện thực khốc liệt đổ lên cơ thể thanh niên xung phong, những người trải qua bao gian khó chiến tranh; đây cũng là vấn đề trọng tâm của công trình nghiên cứu này. Tôi sẽ phác thảo bức tranh những cơ thể trong chiến tranh này, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; tôi sẽ xem xét quá trình sáng tạo, kết cấu, tan rã và cuối cùng là tái tạo những cơ thể đó. Trong phần cuối, tôi sẽ đề cập một cách ngắn gọn hậu quả của kinh nghiệm bi thảm này, và xem xét vai trò của các yếu tố tâm lý và hồi ức cá nhân, cũng như các nhân tố xã hội và lịch sử có liên quan. Những người chịu trách nhiệm và việc quản lý khó khăn thời hậu chiến sẽ được đề cập ngầm ẩn trong phần kết luận của công trình nghiên cứu bước đầu này.

I. Yêu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân: việc hình thành một lực lượng thanh niên tập thể đặc biệt

Nhiệm vụ đầu tiên của “thời đại lịch sử” của chúng ta là dựng lên những cột mốc cần thiết để mọi người hiểu được hiện tượng này. Tuy nhiên, trước khi ta đi sâu vào quá trình hình thành của lực lượng tập thể ấy, thiết tưởng cần phải phân tích bản thân khái niệm về Thanh niên xung phong (sau đây viết tắt là TNXP). Có nhiều cách dịch cụm từ này bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp[1]. Tên gọi “TNXP”, được sử dụng để chỉ một tập hợp thanh niên nguyện hiến “thể xác và tâm hồn” cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh, dẫn đến nhiều khía cạnh cần phải xác định lại. Đó là một tổ chức xã hội và chính trị bao gồm những người trẻ (thanh niên) và được Nhà nước – Đảng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập ra từ năm 1950. Tổ chức này được chỉ định phải hoàn thành một nhiệm vụ được miêu tả bằng những thuật ngữ như “xung phong” hoặc “xung kích”, một hình dung từ mạnh mẽ miêu tả một lực lượng thanh niên sẵn sàng xông lên, trong lòng họ chủ nghĩa duy ý chí hòa lẫn với lòng yêu nước[2].

Sự xuất hiện của lực lượng này – trên khái niệm có thể được xác định bằng ngày tháng cụ thể. Thuật ngữ này chính thức xuất hiện trong một chỉ thị của Ban thường vụ trung ương ngày 3 tháng 5 năm 1950 có liên quan đến chiến dịch động viên cho biên giới Việt-Trung khi chiến tranh Đông Dương đang lúc đỉnh điểm[3]. Tiêu đề của chỉ thị đã chỉ ra mục đích phục vụ quân sự: “Về việc sửa đường và vận tải”. Dù ngôn từ còn chịu ảnh hưởng khá nặng của chủ nghĩa Mao (Thanh niên Đột kích Đội -青年突击队/ Youth Shock Brigades), chỉ thị ngày 3 tháng 5 năm 1950 sử dụng trực tiếp cụm từ tiếng Pháp “brigade de choc”, một cụm từ chính trị-quân sự thông dụng trong các đảng cộng sản châu Âu thời bấy giờ.

Tính độc đáo và đặc thù của Việt Nam chính là đã chuyển đổi thuật ngữ này, xuất phát từ ngôn ngữ chính trị Trung-Xô, thành một thuật ngữ đặc trưng gắn liền với chiến tranh và với việc tái thiết hậu chiến. Những TNXP sẽ là đội tiên phong của hậu tuyến thời chiến tranh (hậu cần: phục vụ tuyến sau) và của việc chuyển sang xã hội chủ nghĩa trong thời bình. Tính đặc trưng của lực lượng này được nhắc lại trong định nghĩa rõ ràng của Trần Hữu Đính: “[là] một đội quân lao động, chiến đấu đặc biệt của tuổi trẻ Việt Nam và là một lực lượng dự bị hùng hậu cho giai cấp công nhân Việt Nam [4]. Trong thời chiến, đội hậu vệ ở tuyến đầu này sẽ là những “tay và chân của cuộc chiến”. Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam đưa ra một định nghĩa khác, trong đó những nhiệm vụ của TNXP được xác định rõ ràng hơn: “[là] lực lượng thanh niên Việt Nam tự nguyện, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và một số nhiệm vụ khác (mở đường, sửa chữa đường, điều chỉnh giao thông, vận chuyển hàng quân sự, tải thương, quan sát và đánh dấu vị trí bom nổ chậm, thủy lôi của địch…)[5]. Về mặt lý thuyết, nhiều chỉ thị được soạn thảo trong thời gian này đều nhắc nhở rằng thanh niên xung phong “là một lực lượng lao động đặc biệt, có ba nhiệm vụ: lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và học tập rèn luyện [6].

Những lời minh chứng của các cựu TNXP xác định vai trò thực sự của họ: “Trước những trận đánh, họ luôn ‘đi trước’ mở đường, xây dựng chiến tuyến, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu, cuối cùng họ lại chính là những người ‘về sau’ thu dọn chiến trường, tải thương, chôn cất liệt sĩ[7]. Cụm từ “những người đi trước về sau” tự thân nó đã tổng kết được nhiệm vụ khổng lồ trên giao cho họ.

Dựa trên cụm từ chung “Thanh niên xung phong”, nhiều khái niệm đã được những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn lựa để nối kết lực lượng thanh niên này vào quá trình tiến hóa của lịch sử và việc chép sử, vào các tình huống chiến tranh khác nhau từ 1950 đến 1975. Theo ghi chép trong sách sử chính thức, có nhiều lực lượng đã nối tiếp nhau kể từ tháng bảy 1950 và cũng được phân chia thành ba “thế hệ” lớn: thế hệ TNXP tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp; thế hệ TNXP chống Mỹ, giải phóng miền Nam; thế hệ TNXP xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (sau đại thắng mùa Xuân 1975)[8]. Có thể nói, dù xuất phát từ một nguồn gốc mang đậm dấu ấn của thế giới cộng sản, một kiểu mẫu Việt Nam mang tính quốc gia đã được lập ra cùng với cuộc chiến. Từ năm 1965, lực lượng tập thể Thanh niên xung phong đã được đặt cho một cái tên viết tắt là “TNXP”, một phù hiệu biểu trưng[9], một màu xanh lá cây riêng biệt, một nền văn hóa (các khẩu hiệu, bài ca, phim ảnh)[10]. Bằng cách này, lực lượng – trên khái niệm và lực lượng tập thể TNXP trở nên rất dễ nhận ra. Ở đây tôi đặc biệt quan tâm đến các lực lượng TNXP được gọi là “chống Mỹ cứu  nước" từ năm 1965 đến năm 1975.


Ngày 15 tháng bảy 1950, Hồ Chí Minh quyết định thành lập một lực lượng thanh niên đặc biệt để phục vụ chiến tranh. Thế là, một lần nữa, chúng ta thấy được cao trào của việc Mao-hóa trong quân đội nhân dân Việt Nam và có thể xác chứng được rằng, những TNXP đều phát xuất từ quá trình này. Để tranh thủ được sự ủng hộ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới được thành lập (tháng 10 năm 1949), Đảng Cộng sản Đông Dương đã vạch ra một chiến lược chính trị quân sự mới. Vào tháng 6 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương của Việt Minh quyết định chuyển mặt trận chiến đấu lên biên giới thông qua một loạt những chiến dịch được gọi là “chiến dịch Biên giới” rồi đây sẽ giáng trả rất ác liệt lực lượng CEFEO (Đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông). Ngoài ra, những chiến dịch này còn cho phép kiểm soát một vùng biên giới Trung-Việt rộng lớn, mở ra những tuyến đường liên lạc với Trung Hoa của Mao và củng cố lại chiến khu Việt Minh ở Việt Bắc[11]. Khối lượng lớn công việc này cần đến việc tuyển mộ những lực lượng bổ sung quan trọng. Chính trong hoàn cảnh nhằm thiết lập một mối tương quan mới của lực lượng biên giới và tranh thủ sự ủng hộ quân sự của Trung Quốc – chiến lược đánh dấu bước ngoặt giữa chiến tranh tái chiếm của chủ nghĩa thực dân mới và mặt trận nóng bỏng của chiến tranh lạnh – mà nhóm “TNXP” đầu tiên đã ra đời.

Từ 1950 đến 1954, các lực lượng TNXP được thử nghiệm qua nhiều giai đoạn, một sự thử nghiệm đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Hồ Chí Minh và của Vũ Kỳ, người thân tín của ông ta. Lúc đầu, khi còn được đặt dưới sự giám sát của hai tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản Đông Dương[12], những đội TNXP đầu tiên chỉ quy tụ được vỏn vẹn có 225 thành viên, một con số được sử sách chính thức nhấn mạnh. Nhiệm vụ được trên giao cho họ với tư cách là “dân công” trên mặt trận Đông-Bắc chủ yếu là tham gia vào nỗ lực mở những tuyến đường và chuyển vận hàng tiếp tế vũ khí và thực phẩm[13]. Đặc biệt, lực lượng cơ động mới này còn cho phép bù đắp những thiếu thốn trong vận chuyển bằng đường sắt và thực hiện việc vận tải trong những vùng núi non hiểm trở khó đi lại. Nhiệm vụ của các TNXP nhanh chóng trở nên gian khổ khi họ phải đối mặt với chiến tranh. Những tử sĩ TNXP đầu tiên đã ngã xuống trong trận Đông Khê ngày 16 tháng 9 năm 1950. Đó là trận đánh quy mô đầu tiên đối với những TNXP đảm bảo một phần công tác vận chuyển 8 tấn hàng quân nhu thu được của Pháp cũng như công tác tải thương[14].

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến kinh lý thanh tra Liên phân đội TNXP 312, ngày 20 tháng 3 năm 1951, tại Nà Cù, Bắc Kạn (vùng Việt Bắc), đã nhân cơ hội làm thơ về nhiệm vụ vẻ vang và dũng cảm mà những thanh niên mới được tuyển mộ cần phải hoàn thành. Trong chuyến viếng thăm bất ngờ này, người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ứng tác và tặng các TNXP 4 câu thơ sau đây: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên.[15]

Với chiến thắng biên giới, được minh họa bằng thất bại rúng động của quân Pháp từ cuối năm 1950 ở Cao Bằng, các lãnh đạo Việt Minh quyết định mở rộng việc động viên. Trong suốt những năm sau đó cho đến năm 1954, quân số của lực lượng đã lên đến hàng mấy vạn; theo các tài liệu nghiên cứu quân sự thì con số này dao động từ 14.000 đến 23.000 người được tuyển mộ[16].

Nhiệm vụ lớn cuối cùng của TNXP trong chiến tranh chống Pháp và Chính phủ Bảo Đại được cụ thể hóa bằng việc chuẩn bị phi thường trong trận đánh Điện Biên Phủ. Võ Nguyên Giáp đã cho tuyển mộ hàng vạn phu tạp dịch, phu khuân vác, dân công và những nhóm “TNXP” để hoàn thành một công việc gần như đội đá vá trời. Quân số của TNXP, vào giữa năm 1953 chỉ có khoảng 15.000, đã tăng lên để đạt được 22.000 người mới tuyển vào thời điểm ác liệt nhất của trận đánh[17]. Đặc biệt, 8.000 người được tuyển xuất phát từ hàng ngũ TNXP được đưa ra trực tiếp phục vụ mặt trận để bù đắp lại những tổn thất lớn trong quân đội nhân dân. Có nghĩa là trong số 42.000 quân được tuyển mộ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ 5 người thì có 1 người xuất phát từ hàng ngũ TNXP[18]. Vũ Thị Hòa thừa nhận: “Có thể nói sự phát triển Đoàn TNXP là do yêu cầu của chiến dịch Điện Biên Phủ.[19] Nhiệm vụ chủ yếu của TNXP trong thế trận Điện Biên Phủ là sửa chữa và mở đường, là trợ giúp, thậm chí, trong trường hợp cần thiết, là thay thế những người lính của bộ đội chính quy[20]. Như vậy, trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, những nhiệm vụ trên giao cho các TNXP được phân loại như sau: mở và sửa chữa những tuyến đường thông tin liên lạc, xây cầu và làm bè để vượt sông, lấp hố bom, phá bom nổ chậm, vận chuyển hàng quân nhu, khí tài và lương thực cho các chiến sĩ ngoài mặt trận[21]. Nói rõ ra, họ đảm bảo công tác hậu cần đặc biệt cho cuộc chiến tranh này.

Sau chiến tranh, các đội TNXP giải thể, họ được tổ chức lại và sung dụng vào công việc tái thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trọng tâm được đặt trên phong trào thi đua lao động trong việc xây dựng lại đường sá và trong công tác nông nghiệp[22]. Phụ nữ càng lúc càng đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động nhân lực để xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Theo kiểu “Những cô gái thép” trong thập niên 60 ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thông qua các đội TNXP, người ta đã huy động ồ ạt thanh nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ các kế hoạch năm năm để xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước khi họ được động viên thêm một lần nữa để phục vụ cho những nỗ lực của cuộc chiến tranh mới.

Từ 1965, một bước ngoặt căn bản được hình thành[23]. Dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ, Ủy ban Trung ương Đảng Lao động quyết định tổ chức hai lực lượng TNXP mới để đối phó với tình hình khẩn cấp khi quân Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Ngày 20 tháng 4 năm 1965, “Lực lượng TNXP Giải phóng Miền Nam Việt Nam” được thành lập tại Bảy Bàu (Tây Ninh) và đặt dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Đức Toàn, thành viên phong trào thanh niên của Đảng Nhân dân Cách mạng, phái viên chính trị ngầm của Hà Nội được cài cắm vào miền Nam[24]. Ngày 24 tháng 4, “Đội TNXP Chống Mỹ Cứu Nước” đầu tiên được thành lập ở tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, phong trào này đã lan rộng khắp lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ ngày 21 tháng 6 với Chỉ thị số 71 của Thủ tướng quyết định chính thức thành lập những “Đội TNXP Chống Mỹ Cứu Nước tập trung” và khẳng định lại vai trò của nó trong việc phục vụ công tác giao thông vận tải[25]. Việc thành lập này, theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, của Đảng ủy Trung ương và của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đạt sự nhất trí có thể nói là cao độ, và diễn ra trong một hoàn cảnh ý thức hệ đặc biệt được minh họa bằng hai phong trào thi đua rộng lớn nhắm vào giới thanh niên và phụ nữ. Ví dụ phong trào có tên là “Ba Sẵn Sàng”, được phát động vào ngày 9 tháng 8 năm 1964, là một phong trào thi đua cách mạng rộng lớn nhắm vào thanh niên (1 – Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang đi chiến đấu; 2 – Sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác, học tập; 3 – Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào tổ quốc cần)[26]. Phong trào thứ hai, được gọi là “Ba Đảm Đang”, có liên quan trực tiếp đến giới phụ nữ hơn, là một phong trào thi đua do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ ngày 19 tháng 3 năm 1965, bao gồm (1 – Gánh vác việc sản xuất và lao động thay cho nam giới ra mặt trận; 2 – Gánh vác việc gia đình trong lúc chồng hoặc con trai vắng mặt; 3 – Gánh vác việc trợ giúp cần thiết cho mặt trận và chuẩn bị chiến đấu)[27]. Đối với các lực lượng TNXP được Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (phong trào thanh niên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng) lãnh đạo ở miền Nam, một phong trào thi đua tương tự cũng được phát động dưới tên gọi “Năm Xung Phong”, (1 – Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch; 2 – Xung phong tòng quân giết giặc; 3 – Xung phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở đô thị và nông thôn; 4 – Xung phong phục vụ tiền tuyến; 5 – Xung phong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn)[28]. Như vậy, các lực lượng TNXP Chống Mỹ mới đã được thành lập trong bầu không khí tổng động viên toàn quốc[29]. Ngoài ra, còn phải kể đến lời kêu gọi lòng yêu nước vang dội do Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 17 tháng 7 năm 1966 đã tạo được sự hưởng ứng rộng lớn trong ba đợt liên tiếp nhằm tuyển mộ TNXP cho cuộc chiến[30].

Để đối phó với tình hình chiến tranh khẩn cấp gắn liền với việc các lực lượng Mỹ đổ quân ồ ạt trong cuộc đối đầu, một đợt tuyển mộ tăng cường được phát động, và trong thời gian ngắn, đã có hơn 52.000 thanh niên gia nhập. Lòng yêu nước cuồng nhiệt nơi họ để hoàn thành việc giải phóng miền Nam được thể hiện qua khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và được cụ thể hóa bằng hàng chục vạn chiến binh xây dựng nên Đường mòn Hồ Chí Minh với một hệ thống chằng chịt dài 16.000 km. Trong suốt mười năm, tức từ 1965 đến 1975, “Lực lượng TNXP chống Mỹ” đã hình thành đội tiên phong nhiệt thành của một thế hệ trẻ hoàn toàn tận tụy với nỗ lực của chiến tranh. Họ trở thành mũi xung kích trong việc cung cấp vũ khí và lương thực, tháo ngòi bom trên các tuyến đầu của mặt trận và đảm bảo các đường giao thông được thông suốt, một vấn đề sống còn trong việc chỉ đạo chiến tranh.

Hiện nay, những số liệu ước tính tổng quát liên quan đến nhiều thế hệ TNXP từ 1950 cho thấy có gần 220.000 cán bộ và đội viên tham gia. 80% quân số này thuộc quyền điều động của Bộ Giao thông Vận tải và ba phần tư các lực lượng này được hình thành từ những lực lượng TNXP tập trung của miền Bắc[31]. Quân số TNXP tập trung của miền Bắc lên đến 143.591 cán bộ và đội viên (chiếm khoảng 72% trong tổng số).[32] Tuy nhiên số liệu được mọi người công nhận là 220.000 đội viên vẫn còn là một con số tối thiểu cần được đánh giá lại. Các nguồn thông tin chính thức khác xuất phát chủ yếu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra con số tổng quát cao hơn nhiều là 330.000 cựu TNXP[33]. Thông tấn xã lại thông báo con số “hơn 335.800” cựu đội viên vào năm 2004[34].

Có ba nét rõ rệt nổi bật từ quá trình phát triển của TNXP từ năm 1950 đến năm 1975: 1 – Quyết định đã được đưa ra từ cấp cao nhất của Nhà nước. Hồ Chí Minh đã đích thân giám sát việc thực hiện và theo dõi quá trình phát triển của phong trào trước khi trao lại quyền chỉ huy cho guồng máy của Đảng Lao động do Lê Duẩn lãnh đạo vào thời ấy; 2 – Việc tuyển mộ và biên chế lực lượng được thực hiện khẩn cấp mà không lường trước được những hậu quả về con người. Điều này đặc biệt lộ rõ trong thời kỳ từ 1965 đến 1975 với việc các cô gái xung phong gia nhập ồ ạt; 3 – Việc giải quyết quy chế và chế độ cho các cựu đội viên của lực lượng này thường muộn màng, cứng nhắc và mang nặng tính chính trị.

Trong chiến tranh, việc quản lý các nguồn nhân lực của TNXP chủ yếu mang tính ý thức hệ và quân sự. Nó được kiện toàn dần qua các chiến dịch tuyển mộ và sự phát triển các trận đánh. Tình cảm chung xuất phát từ việc quản lý lực lượng tập thể này – được thành lập vì và do chiến tranh cách mạng – vẫn là thứ tình cảm của một đội quân dự bị, phần đông là nữ, chịu đựng gian khổ mà không than thở, sẵn sàng tuân phục việc huấn thị ý thức hệ tuy sơ đẳng nhưng rất gắt gao. Với danh nghĩa ấy, đức vâng lời là một yêu cầu tuyệt đối như đã được nêu ra trong lời thề mười điểm hay còn được gọi là mười điều kỷ luật của các đội viên TNXP và nội quy của tổ chức. Điểm đầu tiên của lời thề nhắc lại sứ mệnh thiêng liêng của các TNXP là: “Sẵn sàng hy sinh vô điều kiện v Tổ quốc Việt Nam, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.[35]

(còn tiếp)
Bản tiếng Việt © 2010 François Guillemot và Phương Hoà
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Trong tiếng Anh, được báo chí tuyên truyền cộng sản trong thời chiến dịch là Youth shock brigades. Douglas Pike đề nghị nhấn mạnh đến hoạt động quân sự bằng một cách dịch gần như ghép từ, trong tác phẩm của ông về quân đội nhân dân Việt Nam “Youth rush to the front organization” (Douglas Pike, PAVN: People’s Army of Vietnam, NXB Da Capo, 1986, trang 328. Thư mục những thuật ngữ quân sự cộng sản Việt nam). Các tài liệu do quân Mỹ thu được từ FNL được dịch là “Assault Youth teams” (Tuyển tập Douglas Pike, Unit 05, Virtual Vietnam Archive, Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas). Các cách dịch Anh ngữ khác được đưa ra sau đó “Volunteers” như trong “Youth volunteers”. Một cách gọi khác thỉnh thoảng được sử dụng để minh họa vai trò của TNXP trên mặt trận: “Sappers” (công binh). Hiếm hơn là “Vanguard youth” (Thanh niên tiên phong) cũng được sử dụng để chỉ những đội tình nguyện trên đường mòn HCM (đừng lầm với Thanh niên Tiền phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở miền Nam năm 1945).
[2] Thuật ngữ quân sự chỉ việc Tiến lên tấn công. Sử dụng trong cuộc sống thường nhật để diễn tả ý tưởng dấn thân. Nếu các thuật ngữ Xung Phong đã xuất hiện trong từ vựng chính trị Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám để chỉ các đội Tuyên truyền xung phong hay Cảnh sát xung phong, việc sử dụng trong khung cảnh chiến tranh được diễn đạt rõ trong các bài viết chính thức. Thuật ngữ này không phải là từ vựng quân sự riêng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc sử dụng cũng thường xuyên trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, 11, 1950, Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 324-325 (xem đặc biệt tr. 325, điểm 4).
[4] Trần Hữu Đính, “Phong trào thi đua của giai cấp công nhân miền Bắc trong giai đọan 1965-1975”, Nghiên cứu lịch sử, số 2, tháng 3 và 4, 1976, tr. 9. Trần Hữu Đính đề nghị định nghĩa này cho “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước”, chúng ta có thể dùng từ này chỉ chung các đội TNXP.
[5] Bộ Quốc Phòng, Trung tâm từ điển bách khoa quân sự Bộ Quốc Phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt nam, Hà Nội, Nxb Quân Đội Nhân Dân, 2004, tr. 926 (xem Thanh niên xung phong).
[6] Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam (1950-2001), Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 2002, tr. 292 (xem thêm chi tiết tr. 233-234).
[7] Dương Minh Đức, “Vẫn còn canh cánh một nỗi lo chung”, Lao Động, số 194 (16-7-2006).
[8] Xem: “Tư liệu: Lực lượng TNXP Việt Nam”, Người Lao Động, Bộ mới, số 432 (607), Thứ hai 14-7-1997, tr. 3.
[9] Ngôi sao vàng trên vòng tròn có tia nền đỏ, được bao bởi bánh xe có khấc bên phải và bông lúa bên trái, bên dưới là dấu hiệu TNXP chữ trắng nền xanh lá, có hai hàng tường gạch. Đồng phục đặc biệt của TNXP chính thức từ chỉ thị 522, ngày 11 tháng 8 năm 1965 bởi Trung ương Đoàn (Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam, tr. 252-253).
[10] Bài hát “Cô gái mở đường” của Xuân Giao hay bài thơ “Cô gái Thạch Nhọn” của Phạm Tiến Duật viết tặng một cô gái TNXP, là những tác phẩm kinh điển.
[11] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (tập bài giảng), Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 1999, tr. 105-106.
[12] Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
[13] Văn Tùng (chủ biên), 40 năm TNXP (1950-1990), Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 1990, tr. 7.
[14] Văn Tùng (chủ biên), 40 năm TNXP, tr. 9-10.
[15] Hồ Chí Minh, Về giáo dục Thanh niên, Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 1977, tr. 87 (“Khuyên Thanh niên”). Một bài thơ bốn câu huyền thoại sử dụng để mở đầu các tác phẩm về TNXP.
[16] Xem: Ban liên lạc Hai Đội 34-40, Đoàn TNXP Trung Ương, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội, Nxb Lao Động, 2004, tr. 61, 101, 187, 207.
[17] Con số 22.000 tuyển mộ được Vũ Thị Hòa đưa ra, “Những đóng góp của TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ” 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tr. 61.
[18] Nguyễn Tiến Năng, “TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tr. 41.
[19] Vũ Thị Hòa, “Những đóng góp của TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, tr. 62.
[20] Nhiều tác giả, Bạn biết gì về chiến dịch Điện Biên Phủ? Hà Nội, Nxb Trẻ, 2004, tr. 67.
[21] Bạn biết gì về chiến dịch Điện Biên Phủ?, tr. 67-68.
[22] Về TNXP trong giai đoạn “Xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955-1964), xem Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam, tr. 161-224.
[23] Được trình bày đầu tiên một cách chính trị của Hội nghị lần 11 và 12 của Ủy ban trung ương đảng Lao Động tháng 3 và 12 năm 1965. Cf. Văn Tùng (chủ biên), 40 năm TNXP, tr. 56.
[24] Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt nam, tr. 264. Xem thêm Nguyễn Hồng Thanh, TNXP những trang oanh liệt, tr. 38-40.
[25] Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung), Hà Nội, Nxb Giao Thông Vận Tải, 2004, tái bàn lần thứ nhất, tr. 28, 254. Xem chi tiết về nội dung Chỉ thị 71/TTg, tr. 39-43.
[26] Huỳnh Thị Dung & Nguyễn Thu Hà, Từ điển bách khoa phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, Nxb Phụ Nữ, 2002, tr. 36; Lê Văn Đạt, “Vai trò của Thanh niên miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)”, Nghiên cứu lịch sử, 4 (347) 2005, tr. 27.
[27] Huỳnh Thị Dung & Nguyễn Thu Hà, Từ điển bách khoa phụ nữ Việt nam, tr. 35 ; Mai Anh, “Đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Phụ nữ miền Bắc Việt Nam đối đầu cuộc tấn công của Mỹ”. Phụ nữ Việt Nam, Etudes vietnamiennes [Nghiên cứu Việt Nam], số 10, tr. 145-146.
[28] Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 27-28.
[29] Đối với những khác nhau về vị trí, có hai cách gọi ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1965 đến 1975: TNXP trung ương và TNXP cơ sở (việc mở rộng tổng động viên). Xem Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 37 (xem chú ý). Trong hai trường hợp, người ta thường nói về TNXP chống Mỹ cứu nước.
[30] Xem “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, Nhân Dân, số 4484 (17-6-1966), trong Hồ Chí Minh, Về giáo dục Thanh niên, tr. 211-215.
[31] Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 6 (Trình bày của Bộ trưởng giao thông Lê Ngọc Hoàn).
[32] Xem những bảng tổng kết do Nguyễn Văn Đệ cung cấp trong phần phụ lục, Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam (1950-2001), tr. 657-672.
[33] Trong các bài báo, các phóng viên của báo Lao Động đưa ra các con số quan trọng hơn, khẳng định đã có “hơn 350.000 thành viên TNXP từ 1950 đến 1975” (Dương Minh Đức, “Vẫn còn canh cánh một nỗi lo chung”, Lao Động, số 194 (16-7-2006); Trịnh Tố Long, “Ngày 19-12, Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam, Lao Động, số 351, 16-12-2004).
[34] TTXVN, “Gần 67.000 TNXP được hưởng chế độ chính sách”, Vietnam News Agency (15-7-2004).
[35] Toàn bộ những bài viết, xem: Nguyễn Văn Đệ, Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tr. 259-274.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, Number 3, Fall 2009. Tiểu luận được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có sự hiệu đính của tác giả. Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 22.4.2010.

No comments:

Post a Comment