Monday, July 4, 2011

François Guillemot – Trực diện với cái chết và nỗi đau: vấn đề thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam (1950-1975) – phần cuối


Phương Hoà dịch

IV. Những đớn đau sau chiến tranh: Khó khăn hồi phục cơ thể

Sự kết thúc của chiến tranh chấm dứt cái chết không báo trước và tàn bạo. Một niềm hy vọng vô bờ lan tỏa minh chứng rằng tất cả việc ấy không phải là vô ích. Nhưng các cựu TNXP, giải ngũ và thường là giải luôn cái tinh thần trong trẻo, phải chịu đựng những thử thách thể xác và tâm lý thường nhắc họ nhớ lại những đớn đau đã qua. Trong một ý nghĩa nào đó, sự sống còn trong chiến tranh được tiếp nối bằng cuộc đấu tranh không cân sức sau chiến tranh. Nhà nghiên cứu Lê Thi (Dương Thị Thoa) có một công trình quan trọng về vị trí của những phụ nữ độc thân, trong bối cảnh xã hội Việt Nam, truyền thống và trọng nam khinh nữ.[1] Trong một cuộc điều tra 160 cựu nữ TNXP, học giả này thấy rằng sau khi mãn hạn phục vụ, nói chung các cô gái TNXP quay về làng. Nghiên cứu cung cấp một vài số liệu chính xác về công việc của TNXP sau chiến tranh. Đa số làm nông nghiệp (76,3%) ở các nông trường quốc doanh hay hợp tác xã nông nghiệp, số ít làm trong lĩnh vực hành chánh, những người khác làm công nhân (4,3%) hay làm thuê kiểu công nhật (6,7%) và số còn lại hoàn toàn mất khả năng lao động (12,5%).[2] Đối với những cựu TNXP tuổi đời chỉ khoảng 20, việc quay về đời sống dân sự ở quê nhà là rất phức tạp. Sự hy sinh, khắc kỷ, dũng cảm trong những năm tháng chiến tranh tương ứng với thương tật, đớn đau và rối loạn tinh thần trong thời gian hòa bình.


Sự hao mòn thể xác trong những năm chiến tranh là khó khăn đặt biệt để vượt qua. Những người xung quanh nhìn nhân dạng của họ nặng nề một cách khủng khiếp: “Khi nó trở về, bệnh tật và xấu xí ốm đau khổ lắm đến nỗi không ai muốn nhìn nó nữa”, bà mẹ của Đinh Thị Hợi, một cựu TNXP đã nói như thế. Khi trở về, các cô gái TNXP trong độ tuổi 24-25, đều mong muốn có con. Những đứa con ra đời thường ngoài hôn nhân, làm tăng lời đàm tiếu của dân làng và sự chối bỏ của cộng đồng. Đối mặt với hiện tượng này, năm 1982, tờ Nhân dân ghi nhận: “Ta có thể thấy dư luận xã hội còn quá khắt khe và ngay cả một số cán bộ đảng viên cũng có thái độ kiểu phong kiến hà khắc”.[3]

Do vậy, khi trở về từ chiến tranh, các cựu nữ TNXP giáp mặt với sự tìm kiếm bình yên một cách bất khả, đi tìm lại nữ tính của mình, bởi vì bi kịch thường kéo dài và tái lộ. Đa số họ có con bị tàn tật, do ảnh hưởng kinh hoàng của chất hóa học trong rừng sâu. Những bi kịch này không thường được nhắc tới, chỉ thi thoảng xuất hiện vài dòng trên báo chí hay trong văn học, vạch lại số phận đớn đau của họ. Giữa lời nói và nụ cuời, những dòng lệ rơi…

Làm gì đây cho hàng ngàn cô gái bệnh tật, thương tật, rối loạn trong xã hội sau chiến tranh? Họ trở thành gánh nặng, không tương thích chút nào với  hình ảnh lý tưởng của chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi mạnh mẽ đầy ý chí, với hình ảnh người lao động trẻ đầy sức khỏe, được tuyên truyền chính thức ở các nước xã hội chủ nghĩa. Dựa trên điều tra cá nhân phụ nữ độc thân, trong đó có nhiều cựu TNXP, Lê Thi trình bày một phân tích thẳng thắn về tương lai khó khăn sau chiến tranh của họ. Ngoài ra, sự khinh bỉ của xã hội, hóa thân của truyền thống đa thê, và sự lạm dụng tình dục cũng được nêu ra. Một số đàn ông dù đã có gia đình, đã lợi dụng nhu cầu muốn có con và kết bạn của những người phụ nữ này để có quan hệ tình dục với họ. Sau đó họ bỏ rơi những người phụ nữ đó, không hề giúp đỡ tài chính.[4]

Đặc biệt, Lê Thi quan tâm đến tình trạng các cựu nữ TNXP bị ảnh hưởng chất da cam trên mặt trận Trường sơn. Bà ghi nhận trường hợp của 5.000 cựu TNXP tỉnh Ninh Bình, chiếm 70% số lượng các cô gái trong giai đoạn chiến tranh. Năm 1999, một cuộc thăm dò tiến hành với 160 phụ nữ từng phục vụ trên đường mòn HCM và nam Lào, thì thấy 127 người vẫn độc thân sau khi về lại làng quê vì quá lứa hay vì bệnh tật. 33 người trong số họ bị bệnh vì chất da cam và vài người có con bị dị tật hay đần độn. Họ có các vấn đề thần kinh, đau đầu thường xuyên, mất ngủ, đau khớp, suy nhược, rối loạn thị lực.[5]

Những trường hợp bi kịch được nêu ra là Đoàn Thị Dậu và Trần Thị Thơm, với số phận hoàn toàn đổ nát vì vết thương chiến tranh. Mảnh bom ấn sâu vào đầu họ và không thể lấy ra được, nó tác động nặng nề lên hệ thống thần kinh. Họ sống giữa những cơn điên lọan và lang thang câm nín. Nhiều người khác trốn tránh và sống chật vật trong chùa, bị cầm tù bởi những thương tổn của chiến tranh và những đau đớn.[6] Hơn ba mươi năm sau chiến tranh, báo chí tiếp tục nêu ra những “thung lũng không chồng” nơi nương náu của hàng trăm phụ nữ đơn côi.[7] Các bài báo nhắc đến những thân phận phụ nữ sống trong cùng khổ, đôi khi nuôi con không cha (như nhà không nóc) sau khi đã cống hiến sắc đẹp, tuổi xuân, lý tưởng, lòng can đảm cho tổ quốc.[8] Một phóng viên báo Công an Nhân dân nêu lên trường hợp của 40 cựu nữ TNXP của tỉnh Thái Bình hiện sống trong các ngôi chùa.[9]

Đôi khi người ta quên. Nếu thân thể bị hằn sâu như vậy, ngoài sốt rét, tai họa, còn là những đớn đau tâm lý: ác mộng ám ảnh, các cơn co giật, la hét, đau đầu… Chán chường, nghèo đói, câm lặng, bi kịch dai dẳng với gánh nặng đứa con tật nguyền, cái giá của sự dấn thân quá nặng nề. Mỗi số phận minh chứng rằng người phụ nữ không chỉ bị tàn phai da thịt, mất đi nữ tính trong chiến tranh mà còn là sau chiến tranh, khi họ cố hồi phục thể xác và tâm lý. Những người này trở thành 5 không, sau khi cha mẹ mất đi: “không chồng, không con, không nhà, không chế độ, và độc thân”.[10] Một cách nói về sự cùng cực xã hội của họ. Nỗi buồn chiến tranh, như Bảo Ninh đã tỉ mỉ mô tả, không chỉ dành cho những người đàn ông.

Vấn đề dẫn dắt cuộc chiến là không thể khác. Cũng như việc sử dụng phụ nữ trong chiến tranh. Nó không là đặc biệt trong một xứ sở như đã mô tả bởi các công trình của Claude Quétel.[11] Nhưng việc sử dụng và quản lý nhân lực cho chiến tranh ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam cộng sản là một chiến lược chính trị, nhằm đáp ứng đòi hỏi của “chiến tranh nhân dân”. Đặc biệt đối với Việt Nam, cuộc chiến 1965-1975 liên quan đến phụ nữ hơn hết, những người “đi trước, về sau” đó, nếu họ còn sống sót sau mỗi trận đánh.

Các câu hỏi liên quan đến cách dẫn dắt cuộc chiến cần được nêu lên. Khi chúng ta biết rằng 80% trận bom Mỹ là nhắm vào các tuyến liên lạc; có đúng đắn không khi tập trung ở đó những người được tuyển mộ trẻ tuổi không có sự chuẩn bị quân sự để chịu đựng những may rủi chết người? Không bắt bẻ được rằng 4000 cái chết của TNXP là đau đớn nhẹ nhàng để bảo đảm cuộc sống bình thường ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho phép một chiến thắng dẫn đến thống nhất. Chắc chắn. Khi ấy thì những quan hệ chính trị và quân sự dường như đáng trách ở chỗ là một phần lớn TNXP bị lịch sử xử tệ dù đã dâng hiến sự hy sinh khổng lồ. Vấn đề chi phí xã hội và nhân bản vẫn còn được đặt ra, trong và sau chiến tranh. Phải chăng cả một thế hệ đã bị hy sinh cho bàn thờ của lòng kiêu hãnh, sự ngây thơ và của sự bất tài?

Đối với nhà văn Xuân Vũ, có điều gì đó không đo lường được trong cách những nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt cho sự hy sinh: “Họ bắt con người phải hy sinh qua nhiều. Sự hy sinh trở thành vô bờ bến, không có thời hạn, không có điều kiện. Vì thế sự hy sinh đã trở thành những cực hình, chứ nó không mang tính chất tự nguyện của cách mạng”.[12] Không phải đảng viên, không phải dân quân, không phải quân đội, TNXP tồn tại giữa sự hy sinh và trừng phạt, giữa chủ nghĩa ái quốc và cạm bẫy chính trị. Phải đợi đến cuối năm 2004, Hội cựu TNXP mới được phép thành lập trong một hội nghị, tập hợp nhiều thế hệ TNXP, ở Hà Nội ; cuối cùng thì vai trò của họ đã được công nhận.[13]

Kết luận

Qua vài nét lớn, vấn đề TNXP với vai trò, thành phần và số phận của họ, đã rõ ràng hơn. Còn một việc nữa, như thường nói ở Pháp, là “bổn phận kế thừa” có lẽ cần thiết để lập bảng tổng kết lịch sử cho công cuộc này của chiến tranh. Cái mà chúng ta biết hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng vì vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Việc thống nhất lãnh thổ và xã hội là một cái được, là niềm tự hào của nhiều người Việt Nam, nhưng cái giá phải trả để thoả mãn tham vọng chính trị ấy vẫn chưa được đong đếm. Đối với một số người, với hiện trang Việt Nam và vai trò phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay, thì cái giá đó quá đắt.

Vấn đề TNXP vừa thú vị và vừa phức tạp; nó liên quan mật thiết đến sự tiến triển của xã hội và chính trị Việt Nam từ 1950. Trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, thanh niên đóng vai trò trung tâm, ngay cả khi họ bị kẹt giữa chủ nghĩa ái quốc đầy đòi hỏi và việc sử dụng chính trị lạnh lùng. Sự hy sinh của họ là thực sự, nhưng cái chủ nghĩa ái quốc đòi hỏi ở họ giống một phương tiện thu hút nhân lực trong những điều kiện hết sức nghiệt ngã, khiến ta gặp khó khăn trong việc xác định hành động của họ bao nhiêu phần xuất phát từ chủ nghĩa anh hùng, và bao nhiêu phần chỉ đơn giản nhằm mục đích tồn tại. Chủ nghĩa anh hùng và bi kịch là hai mặt tự thân của cuộc chiến cốt nhục tương tàn, việc giải phóng người này đồng thời là sự khuất phục và biến mất của người kia. Đằng sau những trang sách anh hùng và tuyên truyền chính thức, đằng sau những diễn văn biện giải, che giấu một sự thật sống sượng hơn, đau khổ hơn, và bi kịch hơn ; nó liên quan đến số phận bi thảm của hàng vạn thanh niên vừa đầy nhiệt huyết, vừa bị cưỡng bách, những người bị chiến tranh bẻ gãy cả thể xác lẫn tâm lý. Sự thực ấy, ban đầu được tô vẽ bằng những màu sắc câm lặng, dần dần lộ rõ hình hài, chuyển hoá hình ảnh tinh luyện của các cô gái trẻ với nụ cười sáng ngời thành những khuôn mặt mệt mỏi, chằng chịt những vết bị chiến tranh cắt nát, hằn sâu đau khổ và điên loạn.

Giống như các đồng nghiệp ở Liên Xô, phụ nữ Việt Nam không những không bị cấm ra mặt trận, mà còn ở ngay chính giữa mặt trận.[14] Các cô gái TNXP trực tiếp tham gia chiến đấu, đặc biệt là trên đường mòn HCM, nơi có sự hoà nhập nhất với quân chủ lực, và với những người trong đội TNXP Giải phóng miền Nam thì chiến đấu là nhiệm vụ chính thức. Như chúng ta thấy, trong phần lớn thời gian, ranh giới giữa bộ đội nơi tiền tuyến và các lực lượng hậu cần không hề tồn tại. Việc lực lượng hậu cần cũng hứng chịu lửa đạn là chuyện bình thường của mọi cuộc chiến,[15] nhưng trường hợp Việt Nam trở nên đặc biệt do một số lý do: độ tuổi tuyển mộ quá trẻ, họ gần như hoàn toàn không được chuẩn bị chút nào, và cách thức quản lý thuần chính trị và quân sự được áp dụng với họ. Sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và cựu cán bộ TNXP bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đau đớn khủng khiếp thường nhật của các cô gái làm việc cùng họ, hoặc dưới quyền họ, phải chịu đựng. Nhưng tất cả bị tấm màn im lặng phủ kiến, bởi người ta muốn đây phải là cuộc chiến tranh nhân dân.

Trong logic chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổng động viên quần chúng và việc cưỡng bách thanh niên tòng quân (qua phong trào Ba sẵn sàng) biến mỗi công dân thành một chiến sĩ không phân biệt giới tính. Giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nắm chắc mục tiêu ‘dân tộc-cộng sản’, thẳng tiến vào Nam đến chiến thắng tại Sài Gòn, không dừng bước trước bất kỳ trở ngại nào và không ngần ngại trước bất kỳ hy sinh nào. Chủ nghĩa anh hùng và bi kịch liên hệ mật thiết với nhau, vì vậy chính sử sẽ không thể phân biệt chúng rạch ròi. Tuy vậy, vào giữa thập niên 1990, cựu TNXP bắt đầu giành lại lịch sử của mình; điều này có thể sẽ cho phép họ góp phần giúp ta hiểu rõ hơn vai trò then chốt mà họ đã đóng trong cuộc chiến tranh thống nhất đã đòi hỏi nơi họ những hy sinh khủng khiếp nhường ấy. Vì lý do này, họ hẳn có thể  nắm giữ một phần của việc viết sử trong tương lai.

Trong quá trình nghiên cứu của tôi, một câu hỏi thứ hai thường xuyên được đặt ra: vấn đề phụ nữ trong chiến tranh, đặc biệt là ý thức về sự tàn tạ về bản chất sinh lý của phụ nữ và của người mẹ. Ni cô Phương nhấn mạnh điểm này một cách rõ ràng, nhưng khiêm tốn, khi bà kể ra bí mật của mình, một bí mật phụ nữ đã ảnh hưởng những TNXP sống sót trở về: “Chúng tôi đã mất điều làm cho chúng tôi là phụ nữ”.[16] Trong bài thuyết trình khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa, nhà văn Lê Minh Khuê nêu lên vấn đề thân xác phụ nữ trong và sau thời kỳ chiến tranh: “Có một điều không ai biết, không được nhắc tới dù nhắc xa xôi, vì ở Việt Nam người ta cấm kỵ xem như ô nhục xấu xa, đó là đời sống thân xác của người đàn bà”.[17]. Nguyễn Văn Đệ cũng viết về sự cạnh tranh giữa đàn ông và phụ nữ, và việc phái yếu đã đứng lên trong thử thách như thế nào.[18] Các cô gái chẳng thua kém gì cánh con trai, và thậm chí còn táo bạo và can đảm hơn trên chiến trường. Tướng Đồng Sĩ Nguyên chứng kiến công việc của TNXP trên Đường mòn HCM đã ca ngợi: “Đặc biệt, ở Trường Sơn, các nữ TNXP không phải là phái yếu như nhiều người thường nghĩ. Trái lại họ là ‘phái mạnh’”.[19] Bất chấp những hình ảnh tuyên truyền lừa bịp, cách thức quản lý chiến tranh cách mạng thuộc giống đực. Một cuộc chiến vì đàn ông, chống lại đàn ông, do đàn ông dẫn dắt. Ngay cả khi các đơn vị TNXP gồm toàn phụ nữ thì chỉ huy cũng vẫn là đàn ông. Cơ bản mà nói, người ta đã tiến hành cuộc chiến mà không mảy may quan tâm đến những đặc thù sinh lý và văn hóa của phụ nữ trong chiến tranh; trên thực tế, những điều này đã bị bỏ qua, coi nhẹ hoặc rơi vào quên lãng. Nói cách khác, thu hoạch của chiến thắng 1975 hoàn toàn chỉ thuộc về đàn ông. Cũng như bao cuộc chiến khác, khi “cánh đàn ông từ chiến trường trở về”, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, tái tạo một Việt Nam xã hội chủ nghĩa chiến thắng và đầy đực tính, đã không đếm xỉa đến sự dấn thân của phụ nữ trong chiến tranh nhân dân. Đây là một dạng “trừng phạt dục tính”, thấm đẫm trong cuộc trở về của quyền lực Khổng giáo và đực tính, được minh hoạ bằng màu kaki hiện diện khắp phía bắc vĩ tuyến 17 mãi cho đến thời kỳ mở cửa vào năm 1986, được biết đến với tên gọi Đổi mới.

Thực tế, mặc dù các cô gái đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh, lời nói của họ bị chìm nghỉm trong cả một đại dương tuyên truyền. “Còn có một cuộc chiến mà chúng ta không biết”, Svetlana Alexievitch khẳng định.[20] Việc buộc chính sử, với điện thờ các anh hùng của nó, thừa nhận cách nhìn khác về một cuộcchiến với đầy thông số chi tiết đậm nét về tâm sinh lý, là điều hết sức khó. Ta có thể thấy điều này qua cuộc đối thoại giữa Svetlana Alexievitch và một nhân viên kiểm duyệt về trường hợp Liên Xô, một ví dụ hoàn toàn có thể áp dụng được vào trường hợp Việt Nam: “Có gì hay ở những chi tiết sinh lý này? Rốt cuộc quý vị chỉ hạ thấp phụ nữ bằng cách tập trung vào cơ thể của họ. Tước vòng nguyệt quế của các nữ anh hùng và khiến họ trở thành những phụ nữ bình thường. Thành giống cái. Nhưng với chúng tôi họ là những nữ Thánh!”[21]

Đây là vấn đề thực sự. Ngoài những cống hiến hiển nhiên vào cuộc chiến đực tính này, các cô gái TNXP còn được bộ máy tuyên truyền sử dụng như những hình ảnh thần thánh. Để dẫn dắt cuộc chiến và tổ chức tuyển binh, người ta cần những gương mặt nữ đầy khích lệ, những nụ cười rạng rỡ như một lợi thế giới tính hóa. Hình ảnh Nguyễn Thị Kim Huế, thần tượng của TNXP, được chụp cạnh “Bác Hồ” năm 1967, vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến tận ngày hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà tấm ảnh biểu trưng này được dùng làm bìa cho cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới xuất bản gần đây.[22] Chân dung trẻ trung của mười cô gái hy sinh vì bom Mỹ trên tượng đài Đồng Lộc cũng góp phần vào hiện tượng này. Người ta thăm viếng các cô gái trẻ chết ngoài chiến trường gần như với nghi lễ tôn giáo, như thể để tự thuyết phục mình là họ đã có niềm tin tốt đẹp và cách hành xử đúng đắn trong một cuộc chiến tranh tế mạng, được tiến hành nhân danh chủ nghĩa cộng sản dân tộc đầy đực tính. Không biết việc dựng tượng đài kỷ niệm và trao huy chương liệu có đủ để siêu việt hóa thực tế hàng vạn thân thể phụ nữ bị hủy hoại, tàn phai, tật nguyền, và chao đảo mãi mãi?

François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, “Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng”, tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.

Bản tiếng Việt © 2010 François Guillemot và Phương Hoà
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Lê Thi, Single Women in Viet Nam [Cuộc sống phụ nữ đơn thân Việt Nam], Hà Nội, Nxb Thế Giới, 2006 (ấn bản lần 2).
[2] Lê Thi, Single Women in Viet Nam, tr. 38.
[3] “Un probl̃ème social” [Một vấn đề xã hội], Nhân Dân (1-12-1982), trong Françoise Corrèze, La barque et le gouvernail. Au fil des générations vietnamiennes [Con thuyền và bánh lái. Theo giòng các thế hệ Việt Nam], Paris, Editions L’Harmattan, 1984, tr. 163-164.
[4] Lê Thi, Single Women in Viet Nam, tr. 15.
[5] Lê Thi, Single Women in Viet Nam, tr. 32-33, 53-55.
[6] P.N.D., “Những nữ TNXP nương nhờ cửa Phật”, Công An Nhân Dân (12-7-2005).
[7] Lê Thi, Le mariage et la famille dans le Vietnam d’aujourd’hui (Questions & Réponses [Hỏi đáp về hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay], Hà Nội, Nxb Thế Giới, 2006, tr. 126-127. Ví dụ về phóng sự: “Đường đến ‘rừng không chồng’”, Báo Thanh Hóa điện tử (31-8-2005); “Phận gái không chồng» Người Lao Động (23-06-2005); Duong Quang – Hoang Dung, “Làng… không chồng!”, Người Lao Động (11-3-2004).
[8] Xem: Lan Ngọc, “Nước mắt ngày trở về”, Lao Động, số 232 (23-8-2006); Dương Kỳ Anh, “Chúng ta vẫn còn những giọt nước mắt”, Báo điện tử Tiền Phong (26-3-2005). Xem thêm Lê Thi, Single Women in Viet Nam, tr. 39, trường hợp chị Dương Thị  C.
[9] P.N.D., “Những nữ TNXP nương nhờ cửa Phật”, Công An Nhân Dân (12-7-2005).
[10] Lời chứng của Hoàng Công Ánh trong “Những cô gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh”, 2003.
[11] Claude Quétel, Les femmes dans la guerre 1939-1945 [Phụ nữ trong cuộc chiến tranh 1939-1945], Paris, Larousse / Mémorial de Caen, coll. L’œil des archives, 2006.
[12] Xuân Vũ, Xương trắng Trường Sơn, tr. 18.
[13] “Đại hội thành lập Hội cựu TNXP Việt Nam”, Tuổi Trẻ (20-12-2004); Hội Cựu TNXP Việt Nam, Văn kiện Đại hội thành lập Hội cựu TNXP Việt Nam, 2005.
[14] Claude Quétel, Phụ nữ trong chiến tranh, tr. 170.
[15] Về vấn đề này, xin xem: Claude Quétel, Phụ nữ trong chiến tranh, tr. 172-173 (Các lực lượng phụ trợ trong lằn đạn).
[16] Phương, trong Những cô gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh, 2003.
[17] Xem bài của Lê Minh Khuê, Thân xác đàn bà”, trong Hội thảo về Bản sắc cơ thể của người Việt từ xưa đến nay” do Viện Nghiên cứu Đông Á tổ chức tại Lyon, 14/15-5-2007.
[18] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ  TNXP, tr. 57.
[19] Đồng Sỹ Nguyên, Đường xuyên Trường Sơn, tr. 262.
[20] Svetlana Alexievitch, Chiến tranh không có gương mặt người đàn bà, tr. 9.
[21] Svetlana Alexievitch, Chiến tranh không có gương mặt người đàn bà, tr. 21-22.
[22] Trần Dương (sưu tầm và biên soạn), Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Hà Nội, Nxb Thông Tấn, 2005.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, Number 3, Fall 2009. Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có sự hiệu đính của tác giả. Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 23.4.2010.

No comments:

Post a Comment