Monday, July 4, 2011

François Guillemot – Trực diện với cái chết và nỗi đau: vấn đề thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam (1950-1975) – phần 3

Phương Hoà dịch

III. Một lực lượng giữa lòng chiến tranh: việc đem thân xác ra thử thách

“Những bông hoa trên tuyến lửa” chắc chắn là cụm từ có ý nghĩa nhất và thường xuyên được sử dụng để tóm tắt số phận bi thảm của những cô gái TNXP ngoài mặt trận[1]. Do lực lượng TNXP được hình thành từ hơn 50% là nữ và do người ta vẫn chưa làm được gì nhiều để biết được số phận của họ ra sao, chúng ta hãy thử xem hiện nay chiến tranh còn dai dẳng như thế nào trong thịt da của những đóa “Hoa lan trong rừng cháy” này, như nhà văn Minh Lợi đã nhắc đến điều đó trong truyện ngắn của mình[2]. Từ vài năm nay, những cựu Nữ TNXP thuật lại sự thật họ đã trải qua và nó khác hẳn với chủ nghĩa anh hùng mà Nhà nước vẫn tuyên truyền. Những câu hỏi liên quan đến thân xác của phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh bắt đầu lộ rõ qua lời kể của những người còn sống sót. Thông qua những câu chuyện kể của họ, họ đòi hỏi phải có một cách nhìn nhận nhất định về chiến tranh gắn liền với nhận định của Svetlana Alexievitch: “Những câu chuyện kể của phụ nữ có một bản chất khác và bàn về một chủ đề khác. Chiến tranh, dưới mắt phụ nữ, có những màu sắc riêng, những mùi vị riêng, cách giải thích riêng và không gian tình cảm riêng của họ. Cuối cùng là những từ ngữ riêng. Người ta thấy trong những câu chuyện đó không có anh hùng cũng chẳng có những chiến công phi thường nào, mà đơn giản chỉ là những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân tính của con người [3].

Nói chung, những lời chứng của phụ nữ thường nhuốm vẻ rụt rè, rụt rè vì bản tính phụ nữ, rụt rè vì tập thể mà mình đang sống cùng. Về việc rụt rè cho tập thể, nhà nghiên cứu Zineb Ali Ben-ali có nói về vấn đề “chối từ ký ức” và “dấu vết” văn chương bằng cách liên hệ đến trường hợp chiến tranh ở Algeri. Nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định nền tảng: “cũng như việc lãng quên (một số) lực lượng tham gia vào cuộc chiến, chúng ta lãng quên sự khổ đau mà họ đã phải hứng chịu. Thực tế, người ta hay bỏ qua khía cạnh này của cuộc chiến […..]. Bỏ qua những lực lượng bị đau khổ cũng dẫn đến việc lãng quên sự tham gia của lực lượng nữ giới.”[4] Lời chứng của một trong các nữ TNXP miền Nam từng bị vây hãm bởi kẻ thù, đã tóm gọn những khổ đau bằng những lời sau: “sốt rét, tóc rụng, ăn rau rừng lót dạ, nhiều bạn đã lả đi. Chúng tôi phải mở đường máu để vào vùng có dân, bòn từng lon gạo nấu cháo cho anh em”.[5]

Tất cả những cựu đội viên TNXP đều xác nhận như thế. Điều kiện sinh hoạt dọc đường mòn HCM vô cùng cam khổ. Trong hồi ký của mình, tướng Đồng Sỹ Nguyên, chính ủy Đoàn 559, phụ trách điều hành quân sự trên tuyến đường này, nhiều lần nhắc đến những cam go cận kề cái chết dành cho các lực lượng chiến đấu cũng như TNXP.[6] Để đề cập đến vấn đề gian khổ của chiến tranh, rặng Trường Sơn là minh chứng hùng hồn. Trong vùng “rừng thiêng nước độc” này không thiếu chỗ cho những đe dọa đến tính mạng: bệnh sốt rét, cái đói và cái chết; hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, bùn lầy, đỉa, tai nạn hàng ngày, bom đạn, chất độc hóa học… Cảm giác bao trùm là sự đau đớn, sợ hãi và nỗi kinh hoàng. Chúng ta hãy cùng xem xét một số tác nhân chính làm suy yếu lực lượng.

Sốt, đói và khát. Tác nhân đầu tiên, đó là sốt. Bệnh ảnh hưởng đến toàn lực lượng. Theo Hoàng Công Ánh, phụ nữ đặc biệt là nạn nhân của bệnh này.[7] Dọc đường mòn HCM, bệnh tấn công cả lực lượng chiến đấu lẫn TNXP. Sốt không chỉ gây ra do khí hậu. Bác sĩ phẫu thuật Lê Cao Đài báo cáo về việc các loại bò cạp, nhện rừng cũng gây ra những vết cắn đau nhức, sưng tấy[8]. Thêm vào đó là các con đỉa, vắt, là nỗi lo sợ của các cô gái.[9] Các loại bọ “đen và to”[10], các loại côn trùng đủ loại, tham lam hút máu người gây ngứa ngáy, sưng tấy trên da thịt. Thân thể mỏi mệt và ẩm ướt là nơi lý tưởng thu hút bầy muỗi và ruồi vàng nhiều vô kể.[11] Tất cả đã khiến cho cơ thể nhiễm cơn sốt tàn tạ.

Tiếp theo là cái đói. Cái đói gặm mòn các cô gái TNXP. Các con số có được về khẩu phần ăn khiến người ta kinh ngạc. Theo qui định, mỗi đội viên được hưởng 24 kg gạo mỗi tháng. Nhưng do vì gạo thường thiếu hoặc không đến được bởi các trận đánh bom, khẩu phần ăn giảm sút nghiêm trọng, có thể chỉ còn 4 kg mỗi tháng cho một người.[12] Đôi khi chỉ có cháo để ăn. Muối thường thiếu và rau tươi thì hầu như không có. Để bù đắp, các cô hái rau rừng; đôi khi các cô may mắn hái được rau rừng, nhưng cũng nguy hiểm vì rau có thể nhiễm chất độc hóa học. Vì thế đa số các cô gái có biệt tài hái rau rừng và được gán cho biệt danh “các bà chúa rau rừng”.[13] Đặc biệt vào mùa mưa, măng rừng mọc rất nhiều trở thành nguồn rau tươi chủ yếu.[14] Nhiều khi các cô săn được khỉ và đó là các dịp có thịt tươi để cải thiện bữa ăn, dù việc giết thịt như thế trông có vẻ dã man.

Để cải thiện, các cô gái TNXP nghĩ ra một số cách. Các cô tìm cách tiếp cận trạm hậu cần số 16, liên hệ xin thực phẩm của các đơn vị chiến đấu; đổi lại là các màn biểu diễn nghệ thuật hoặc ca nhạc.[15] Sự thiếu thốn trầm trọng thực phẩm đã khiến mọi người nghĩ nhiều đến cái ăn, đến sự ghen tị và phương thức để làm sao có thêm cái ăn. Việc phân phối khẩu phần dựa vào vị trí chức vụ.[16] Và trong thực tế, họ thường góp thực phẩm để ăn chung với nhau.

Cùng với nỗi khổ của cái đói là cái khát vào mùa khô. Nguyễn Thị Lan, một cựu đội viên kể lại câu chuyện sau đã xảy ra trên đường HCM: “Một lần hành quân giữa rừng, phát hiện một hố bom đầy nước, chúng tôi xúm vô vốc đầy bi đông và uống cho đã khát, đến lúc ai đó khẽ nhá đèn pin mới phát hiện toàn xác người”.[17]

Phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ cam khổ, lực lượng đóng trên đường mòn HCM, đặc biệt các lực lượng có vị thế thứ yếu trong tổ chức quân đội nhân dân, phải buộc lòng tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại, từ việc hái rau dại, củ rừng đến săn thú rừng hay bắt ăn các loại côn trùng có chứa chất protein. Thông thường chất hóa học do địch rải xuống làm giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng này từ núi rừng.[18]

Sự suy tàn thể chất. Tiếp xúc với chiến tranh, ở mặt trận hoặc trong chiến khu, đã khiến cho sức khỏe của các cô gái suy kiệt. Huỳnh Thị Tiếp, một đội viên TNXP của lực lượng Giải phóng Miền Nam nhớ lại mình không muốn nhìn vào gương để khỏi thấy sắc diện đang dần xuống của mình.[19] Khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn đã khiến da nổi ghẻ, tóc trên đầu nhiều chấy rận, các bộ phận kín trong người ngứa ngáy đến phát điên. Tóc đầy gầu, bạc màu và dần rụng.[20] Bọ bám trên người khiến cho các cô không ăn, ngủ được.[21] Dương Thu Hương chua chát nhận xét về mối gắn bó chặt chẽ giữa loại bọ với chiến tranh: “Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hàng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông hoàng bà chúa. Chúng được tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ vì, so với lệ phí của bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm…[22]

Sự ẩm ướt thường trực và việc không thể hong tóc cho khô đã tác động tinh thần các cô gái.[23] Ghẻ lở và nấm mốc hoành hành, theo cách nói của Nguyễn Văn Đệ. Chúng tấn công mọi ngóc ngách trên cơ thể: kẽ bàn tay, bàn chân, háng, nách và cuối cùng phát triển cả ở bầu vú. Các vùng ẩm ướt đều dần dần bị ảnh hưởng. Không thuốc men, không điều kiện tắm rửa  kỹ lưỡng, tình trạng quá khắc khổ này tác động ngay đến tinh thần, công việc, sức khoẻ và còn để lại những hậu quả nặng nề sau chiến tranh.[24] Thảm họa này ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị TNXP toàn nữ, làm cho giới lãnh đạo lực lượng lo lắng và cảnh báo Bộ Y tế, nhưng dường như cơ quan này cũng bị bất ngờ. Biết các cô gái bị những vết loét trên ngực, nhưng những người lãnh đạo quân đội ở Hà Nội chỉ có thuốc đỏ để gửi cho họ.[25]

Vấn đề vệ sinh vùng kín của phụ nữ ít được đề cập tới, bởi đó là chuyện rất riêng của nữ giới. Về nguyên tắc, một đơn vị nữ TNXP hơn 500 người thì được tiếp nhận thêm một nữ bác sĩ đặc trách “bệnh phụ nữ”.[26] Một cựu Phụ trách Đội Nữ TNXP, cảm thông cho tình cảnh của chị em trong đơn vị mình, đã viết bản tường trình về “bệnh phụ nữ”, liên quan đến tình trạng vệ sinh kinh nguyệt, cho biết về việc thiếu thuốc men, băng vệ sinh, đồng phục để thay và ít có điều kiện tắm rửa.[27] Một tài liệu về “Thể dục vệ sinh với TNXP”, xuất bản năm 1973, trong chiến tranh, trở lại vấn đề kinh nguyệt và những nguyên tắc vệ sinh cần phải tuân thủ. Cuối tập tài liệu là nhắc nhở tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh hàng ngày, và những lời khuyên không thể nào thực hiện được tại chỗ trong tình hình lúc bấy giờ.[28] Về công việc làm thì được khuyên là trong những ngày hành kinh thì “làm việc ít hơn ngày thường”. Lẽ ra, do tình trạng yếu sức đương nhiên của thời kỳ kinh nguyệt, các cô không phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt, mưa to gió lớn. Và rồi trọng điểm của bệnh tật là từ những rối loạn kinh nguyệt, nguyên nhân dẫn đến, và thái độ phải đương đầu với thực trạng, làm sao để tránh bớt ảnh hưởng.[29] Về phương diện vệ sinh, với những lời khuyên trong tài liệu, nếu nó xứng đáng được in ra, thì người ta chỉ biết tự hỏi làm sao các cô gái có thể áp dụng được trong điều kiện giữa rừng sâu và dưới đạn bom? Rất nhiều những dẫn chứng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn thi đua yêu nước chỉ là sự áp đặt. Dù gió giông, dù mưa bão, dù đêm khuya, trời quá nóng hay quá lạnh, các cô gái TNXP đều phải chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt bất kể đặc điểm riêng của nữ giới. Hầu hết các cô đều bị các vấn đề rối loạn về kinh nguyệt, như  tắt kinh, bất thường hoặc đau đớn, và điều này, trong bối cảnh thiếu thốn thuốc men và băng vệ sinh nên chỉ có miếng vải mà thôi.[30]

Nguyễn Văn Đệ trở lại vấn đề tắm rửa của TNXP sau một ngày làm việc mệt nhoài, theo ông, đó là “một vấn đề nan giải”: “Con trai còn qua loa chịu được, nhưng chị em thật là cực hết sức, nhất là những chị em bị bệnh ngoài da, đêm nằm ngứa không sao chịu nổi”.[31] Nhu cầu tắm rửa càng được nhân lên trong điều kiện thiếu thốn quần áo, hết sức bất tiện: “Khó khăn nhất là các đội viên nữ. Những ngày đến tháng vẫn phải mặc quần áo ướt suốt ngày để đi làm. Đến một vuông vải xô để thay cũng thiếu”.[32] Những dẫn chứng cho thấy tình trạng thiếu thốn là phổ biến, đặc biệt ở vùng ác liệt của chiến trường.

Thân thể bị tàn phế. Những vết thương tàn phá cơ thể, tay chân đã đành, ngực và đầu cũng không tránh khỏi. Cựu chiến sĩ TNXP, Nguyễn Thị Vân đã kể lại trong phim tài liệu Những cô gái bị bỏ quên của đường Trường Sơn rằng cô bị thương ở phổi, sườn và ngực. Nhà văn Cao Tiến Lê kể trong truyện ngắn “Tiếng đêm” một hình ảnh cảm động giữa một chiến sĩ lái xe với một cô TNXP, giao liên trên đường Trường Sơn. Trêu sự vụng về của cô gái trong khi đang ngắm nhìn cô, anh chưa phát hiện ngay cô là thương binh. Sau khi mời cô uống nước, anh mới bắt đầu quan sát cô qua ánh lửa pháo sáng: “Việt sững sờ khi nhìn vào hai tay đang bưng nước. Trời ơi! Hai bàn tay không có. Từ cổ tay trở ra đã bị cắt cụt. Cô kẹp ca nước giữa hai cùi tay. Thấy Việt nhìn sững sờ, như tủi thân, cô đặt ca nước lên thùng, ngồi xuống thu cùi tay giữa hai đầu, rồi quay mặt sang chỗ khác”.[33]

Ra mặt trận từ năm 20 tuổi, nhà văn Dương Thu Hương là một nhân chứng hùng hồn về cuộc chiến thảm khốc này. Bà hãy còn giữ những hình ảnh chấn động về cuộc chiến, để mô tả lại một cách chân phương, không hoa mỹ, trong tiểu thuyết của mình. Ngay từ những trang đầu trong tác phẩm Tiểu thuyết vô đề, bà đã mô tả cái chết bi thảm của sáu cô gái trong rừng, mà mùi hôi thối dậy lên nồng nặc, đã dẫn đường cho những người sống đến tìm: Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực Cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh. Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái Miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị TNXP cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo”.[34] Một đại tiệc cho côn trùng, “say sưa chè chén”. Dĩ nhiên, lối viết có vẻ ly kỳ, bi thảm đã cho ta thấy rõ sự kinh khủng của chiến tranh, theo cách của hai tiểu thuyết gia: Malaparte (Ý) hay Remarque (Đức) nổi tiếng về việc miêu tả những thảm cảnh của hai cuộc chiến tranh tại Âu Châu. Tuy nhiên, văn của Dương Thu Hương dao động giữa hư ảo và thực tế khốc liệt của chiến tranh. Xuyên qua tác phẩm, chị dám nói lên những điều cấm kỵ của những năm 90 về sự lừa phỉnh của chiến tranh và tính chất của nó. Sự kinh tởm tuyệt đối được trình bày ở đây một cách rất thực, không che giấu, mà chẳng thể mong gì hơn ở những bản tường trình mới đây của Lê Cao Đài hay những cán bộ lãnh đạo TNXP như Nguyễn Văn Đệ. Vả lại, trong tập này, Dương Thu Hương đề cập nhiều hơn về khía cạnh xâm hại tình dục và tàn phế do chiến tranh, hai bi kịch còn ít được nhắc đến bởi thực chất tàn bạo của nó.


Chấn thương tâm thần và thể xác. Trong những điều kiện sống cực kỳ gian khổ, TNXP phải thích nghi cả thể xác lẫn tâm hồn. Sống trong chiến tranh, người ta dễ bị chấn thương tinh thần và việc phát lên điên loạn cũng cần được nêu lên. Trong Tiểu thuyết vô đề, Dương Thu Hương viết tiếp: “Mấy cậu sốt rét ác tính điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa, la hét”.[35] Cuộc sống xa gia đình kéo theo nỗi nhớ nhà và những lo ngại triền miên. Với việc chuyển đổi khắc nghiệt từ hòa bình sang chiến tranh, từ cuộc sống đời thường sang quân ngũ, từ tình cảm đến nỗi sợ hãi, một dạng “Hội chứng” đã xuất hiện, nhất là trong giới nữ. Nó đã đánh lạc hướng các nhà lãnh đạo nam giới ở các đơn vị nữ TNXP. Hiện tượng này được gọi là “điên tập thể”. Nguyễn Văn Đệ nhắc lại tình huống đã dẫn đến hội chứng này: “Có khi chị em đang xúm lại đọc một bức thư của gia đình gửi đến, bỗng một người xúc động khóc nấc lên thế là cả tiểu đội, đại đội như có sự phản ứng, kích động dây chuyền tất cả đềi la hét, khóc toáng lên và cứ thế lan ra từ đại đội này sang đại đội khác. Họ khóc, họ kêu, họ chạy, nhảy, thậm chí trèo cả lên cây nói cười lảm nhảm hàng tiếng đồng hồ”.[36]

Đó là một thực tế, một bộ phận cựu chiến sĩ nữ TNXP bị chìm trong bệnh cuồng bởi chiến tranh. Đương đầu với hiện tượng này, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cũng lúng túng, lo ngại, bởi không ai biết phải giải quyết thế nào. Đặc biệt liên quan đến những chiến sĩ mới, hiện tượng này cũng mờ dần theo thời gian và thói quen thời chiến. Nguyễn Văn Đệ kể lại rằng mãi lâu sau chiến tranh mà những hiện tượng điên cuồng tương tự cũng xuất hiện trong đội ngũ lính trẻ quân đội nhân dân và ngay trong đơn vị TNXP của ông.[37] Một bằng chứng cũng đã được tướng Đồng Sĩ Nguyên xác nhận trong cuộc trò chuyện với Hiền, một thủ lĩnh TNXP đương nhiệm, mới hơn một năm trên đường mòn HCM. Cô cho rằng “bệnh hay cười” đang dần trở lại và lan toả trong lực lượng TNXP.[38] Trong bối cảnh đặc biệt ở môi trường không thân thiện, như bị lãnh đạo áp chế, cuộc sống bị đảo lộn bất thần và thô bạo, thì sự  điên cuồng tập thể xuất hiện như một phản kháng cuối cùng. Đó như là một phản ứng tự vệ, chứ không vì mục đích chính trị hay nổi loạn cá nhân. Trước hết phải thử dùng sức mạnh tập thể để phản kháng, cả tâm hồn và thể xác, với sự khủng bố tinh thần, sự thô bạo chết người. Ở một nơi mà người ta không thể chịu đựng nổi những cuộc tranh luận chính trị, một nơi mà việc đào ngũ khó thực hiện được, thì những cuộc khủng hoảng tập thể coi như là phương cách tốt nhất để giải toả sự dồn nén cả tinh thần lẫn vật chất đè nặng lên đôi vai của những người trẻ tuổi này, trong điều kiện sống quá khắc nghiệt. Nó cho phép gắn kết tinh thần và thể xác của một đại đội, cùng chung nỗi tuyệt vọng vì một sự tồn tại như một cái án treo.

Cơ thể suy tàn. Cuối cùng, cái chết đến với những cơ thể suy yếu nhất. Lê Cao Đài cho biết rằng trên Mặt trận Tây Nguyên, “Anh em đã tổng kết có 32 kiểu chết ở Tây Nguyên: chết do ốm, chết do bom đạn, chết đuối, chết do rắn cắn, chết do cây đổ, chết do ăn phải nấm độc, chết do voi giày, chết do bắn nhầm nhau”.[39] Người ta cũng có thể chết vì đói, Nguyễn Văn Đệ nhớ lại.[40] Số khác, vì quá khát, chết vì uống phải nước uống bị ngộ độc. Số khác có thể là nạn nhân của những tai nạn thương tâm. 10 thanh niên bị 1 ôtô goòng chở đầy hàng hoá, cán chết giữa đêm khuya.[41] Số khác thì không sống nổi bởi những vết thương và những cuộc mổ xẻ liên tục. Những người hấp hối được giấu ở những nơi chật hẹp, như là tiền đồn của họ trước lúc ra đi vĩnh viễn.[42] Cuối cùng là một con số không kể xiết những người tự nguyện chấm dứt cuộc đời.[43] Không thể đánh giá hết sự bỏ ngũ. Tự tử, đào ngũ, mất tích, coi như 3 bản án tử hình. Dẫu sao, sau cuộc đào ngũ, vấn đề sống còn được đặt ra. Đối với đơn vị mất người, cuộc đào ngũ đồng nghĩa với việc mất tích. Cuối cùng, nhiều vụ mất tích đươc nêu ra. Nhiều thanh niên bị kiệt sức và đơn độc, đã mất xác trong rừng sâu. Cũng có khi họ may mắn gặp lại đơn vị, tiểu đội hay đại đội, là may mắn sống còn. Trong nhiều trường hợp khác, người ta đã phát hiện xác của họ, và lại còn những trường hợp tồi tệ hơn, họ biệt tích vĩnh viễn mà không để lại vết tích gì (khoảng 300.000 người mất tích trong chiến tranh).[44]

Việc cáng thương (vận chuyển thương binh) do nữ TNXP đảm nhiệm, cũng xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Nhiều khi họ phải vác trên lưng những thương binh nặng đi hàng bao nhiêu cây số, mà các thương binh, vì bị đau đớn quá, đã cắn xé hay đánh đập các cô gái tội nghiệp này.[45] Rất nhiều khi vì thiếu phương tiện, thiếu thuốc men, xa thành phố, xa bệnh viện, tự thấy tình hình quá bi đát, họ đã dũng cảm chờ chết. Thân thể các thương binh và bệnh binh sốt rét tạo nên 1 hình ảnh hùng tráng mà bác sĩ Lê Cao Đài đã can đảm mô tả trong cuốn nhật ký chiến trường của mình.[46] Bệnh kiết lỵ, sốt rét, bệnh nặng ngoài da, đã nhanh chóng biến các thân thể lụi tàn thành những bộ xương, nằm chờ chết  như một niềm an ủi cuối cùng.

Thân thể huyễn hoặc và gợi cảm. Tuy nhiên, một hình ảnh yên bình khác cũng đi song song với cảnh đáng sợ trên. Đó là lúc các cô gái cùng chia sẻ niềm vui, sự tương trợ cùng nhau trong bữa cơm chung. Một huyền thoại về cô gái TNXP đã được cánh lái xe lan truyền “Chúng tôi đi qua, được chào hỏi bằng những trận cười giòn tan. Qua ánh sáng của những vì sao, tôi thoáng thấy Nguyễn Thị Thanh, một cô gái với hàm răng sáng bóng, chiếc thắt lưng gọn gàng ôm lấy thân cô trong bộ đồ veste oai nghi”.[47]

Trong các trường hợp khác, một cô giao liên có thể là tâm điểm chú ý của các chàng lái xe trên dãy Trường Sơn. Cô là hiện thân hoàn hảo của một cô gái TNXP: “Cô đột nhiên xuất hiện trước mắt chúng tôi như một bông hoa lạ giữa rừng, khiến cả cánh lái xe chúng tôi sững sờ nhìn theo. Trong chiếc áo lính gọn gàng, quần lụa màu đen, đầu đội chiếc mũ kaki mềm bao trùm khuôn mặt xinh xắn, với nước da hồng hào. Lại còn đôi mắt hình hạt dẻ và tỏa sáng trí thông minh, đôi lông mày mỏng dính vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp”.[48]

Trên đường mòn HCM, các đội nữ TNXP thường quan hệ với các đơn vị bộ đội, mang lại niềm vui cho họ. Nhà văn Đỗ Chu viết rằng “một quan hệ láng giềng làm họ vui sướng[49] khi nói về việc bố trí một đại đội bộ đội gần khu lán của các cô gái trẻ. Tiếng cười của họ làm dịu đi không khí bức bối của rừng rú: “Ai cười phía trước đây nhỉ? Lại mấy cô bạn TNXP” Việt nói, anh là lái xe tải trên đường mòn.[50]

Những cuộc tình bị cấm đoán làm thành một phần của trận tuyến. Đắm đuối hay bi kịch, nó tồn tại như một ý chí muốn làm giảm đi sự thô cứng và đau đớn của chiến tranh. Tình yêu đôi khi cũng là bó buộc. Sự tập trung trong rừng, sự chung chạ trong lán trại, tạo điều kiện cho thân xác gần gũi. Bác sĩ Lê Cao Đài lưu ý một câu chuyện về những quan hệ tôn ti trật tự, hiểu ngầm là “quyền của cấp trên”, hẳn khá phổ biến. Đêm nọ, một cô gái làm ngạc nhiên mọi người khi bị phát hiện cùng một sĩ quan của bộ phận y tế; cả hai đều xấu hổ. Nhưng cô gái là người chịu búa rìu. Một đồng đội hỏi cô là không sợ mang thai hay sao? Cô gái vừa khóc vừa trả lời rằng sếp nói với cô anh ấy làm điều phải làm. Lê Cao Đài than thở là chính những người hay dạy đạo đức cho người khác lại phạm luật. Ông ghi nhận với sự dè bỉu: “Thủ trưởng đã có cách!…”, sau này trở thành câu nói đùa trong Viện mỗi khi chúng tôi ở trong tình thế khó xử. Và cũng xuất hiện một câu vè: ‘Thủ trưởng nhìn em, thủ trưởng cười. Đau lòng em lắm thủ trưởng ơi!’ [51]

Nhưng thường thì tình yêu là bất khả, trễ tràng hay bi kịch. Tình yêu kết hôn với sự chai sạn của thực tế, được tưởng tượng như là cánh cửa mở vào tương lai tốt đẹp, như trong các trang nhật ký của những người trẻ tuổi điên cuồng trong chiến tranh.[52] Đặng Thị Vân, một cựu TNXP tâm sự: “Đó là chiến tranh mà, ngày mai chẳng biết ra sao nên chẳng ai dám yêu đương, hứa hẹn. Có chăng là tình cảm đồng đội sống chết có nhau”.[53]

Không ít phần sự thật về những chủ đề tế nhị và khó đề cập như hãm hiếp, bạo hành thân thể phụ nữ, bước đi từ phụ nữ trong chiến tranh đến phụ nữ của chiến tranh, xứng đáng được nghiên cứu kỹ hơn. Khi họ đi tìm lương thực để khỏi đói, các nữ TNXP có thể gặp nhiều bất trắc. Nguyễn Văn Đệ gợi lại với sự bối rối trong thứ ngôn ngữ nín lặng, việc đi tìm lương thực nơi trại lính đó: “Thật không sao kể hết những gian khổ, khó khăn mà chị em nữ TNXP đã phải gánh chịu và khắc phục”.[54] Về phía người Mỹ đối địch, nếu ta tin vào các bằng chứng ghê sợ của GI trong chiến tranh, người đàn bà Việt Nam trở thành con mồi tình dục.[55] Ta không dám tưởng tượng số phần của nữ TNXP, đôi khi đơn độc trong rừng, đối đầu với một chiến binh Việt hay Mỹ, kẻ thù thực sự hay cùng phe.

Thân thể sống sót, tinh thần bồng bềnh. Sống còn là một mệnh lệnh hằng ngày. Ai đã đến đó thì những khoảnh khắc vui tươi là quan trọng. Các cô gái mang tính khôi hài đặc biệt trên tiền tuyến. Cuốn theo những người lính, họ cười, khóc và ca hát dưới bom đạn.[56] Những bài ca của họ được sử dụng cho nhu cầu tuyên truyền và lên tinh thần cho các đơn vị. Do vậy mà các đội ca múa nhằm tuyên truyền “Tiếng hát át tiếng bom” được thành lập. Bộ phận tuyên truyền đã tổ chức các chiến dịch nâng cao tinh thần với khẩu hiệu “Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát, mỗi cán bộ, đội viên TNXP là một diễn viên”, khẩu hiệu đã trở thành mệnh lệnh cho vở kịch bi hùng này.[57] Có ít ví dụ liên quan đến hệ lụy của chiến tranh và tác động của bom hay chất hóa học lên thân thể các TNXP được kể ra. Tức là người ta biết điều ấy, biết rằng tiếng nổ điếc tai của bom, mảnh pháo để lại những vết hằn không thể phai. Trong địa ngục của chiến tranh, dù có những niềm vui hiếm hoi, cuộc sống thường nhật của TNXP đắm chìm trong thất vọng mênh mông, một nỗi đau khó tả; ở đó sự sống và cái chết dính chằng vào nhau, ở đó có sự táo bạo và can đảm, đôi khi máy móc, làm thành một bản năng tuyệt vời cho sống còn.

 
Thích ứng hay quen thuộc cho phép giữ hy vọng sống còn. Sự quen thuộc là từ chủ của nhiệm vụ này, cái chết và sự sống tranh nhau số phận của các thanh niên dấn thân vào trận chiến. “Ban đầu đi thì tôi cảm thấy vất vả, thì dần dần bạn bè khuyên bảo rồi thấy quen dần, về phần con gái thấy cũng bình thường”, Đinh Thị Hợi nói thế với một chủ nghĩa định mệnh rõ rệt.[58] Về khả năng thích ứng này, nhà thơ Phạm Tiến Duật nhắc lại kỷ niệm đặc biệt của ông:

“Đơn vị tôi đi qua Đồng Lộc rất nhiều lần và chứng kiến những hy sinh của các chiến sĩ pháo cao xạ và các cô gái TNXP. Một lần dừng lại, tôi quá ngạc nhiên vì một bên là mùi đạn khói vẫn còn khét lẹt, chết chóc rình rập, một bên vẫn ngửi thấy hương lá sả trên tóc các cô gái TNXP, tiếng đùa cợt rất thời bình của họ. Dường như cái chết với họ, bom đạn với họ chẳng là gì.”[59]

Sự chứng thực như vậy làm nổi lên tính định mệnh của sự việc, như Lê Minh Khuê mô tả những nữ anh hùng không tên, “những con quỉ mắt đen”, trở nên vô cảm, trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết năm 1971.[60] Huỳnh Thị Tiếp nhớ lại các cô TNXP của lực lượng miền nam: “Tôi không bao giờ quên được những đêm mưa sương lạnh cóng, những ngày khát nước đói cơm, những trận giáp lá cà thư hùng với giặc, cái chết và cái sống chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc, nhưng nhớ cũng chỉ để mà nhớ thôi, bởi tôi cũng không biết cách nào để diễn tả lại những hình ảnh đó được”.[61]

Làm sao mô tả, làm sao kể lại ảnh hưởng của những trận bom rải thảm vẫn ám ảnh tâm trí trong bốn mươi năm qua? Những ví dụ bi kịch này không phủ nhận lời của nhà văn Phạm Tiến Duật sau 11 năm trên dãy Trường Sơn: “Có nhiều chuyện trên đường mòn HCM mà người ta không nói tới: khó khăn, cực nhọc, hy sinh và cả thất bại. Tất cả những tác phẩm nói rằng con đường mòn là một thắng lợi vĩ đại đều rất khoa trương”.[62] Bao nhiêu đôi mắt mù lòa, bao nhiêu vầng trán vỡ tan, bao nhiêu mảnh bom khảm sâu vào da thịt?

(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 François Guillemot và Phương Hoà
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Tên của phóng sự 3 kỳ trên báo Tuổi Trẻ: “Những bông hoa trên tuyến lửa”, (22/24-12-2006).
[2] Minh Lợi, “Orchidées des forêts brûlées” [Phong lan của rừng cháy]”, Sur la piste Ho Chi Minh [Trên đường mòn Hồ Chí Minh], Hanoi, Editions en Langues Etrangères, 1982, tr. 176-192.
[3] Svetlana Alexievitch, La guerre n’a pas un visage de femme [Chiến tranh không có gương mặt đàn bà], Paris, Presses de la Renaissance, 2004, tr. 9.
[4] Zineb Ali Ben Ali, “Les femmes et leur corps dans la guerre : refus de mémoire et ‘traces’ littéraires” [Phụ nữ và thân xác họ trong chiến tranh: chối từ ký ức và ‘dấu vết’ văn học], Hội thảo Lịch sử phản biện và công dân, trường hợp lịch sử Pháp – Algérie, ENS-LSH, Lyon, 20-22 tháng 6 năm 2006.
[5] Kim Anh, “Nước mắt ngày hội ngộ…”, Tuổi Trẻ (21-4-2005).
[6] Đồng Sỹ Nguyên, Đường xuyên Trường Sơn, hồi ức, Hà Nội, Nxb Quân Đội Nhân Dân, 2001 (xuất bản lần hai), tr. 47. Suốt hồi ký, Đồng Sỹ Nguyên kể lại các viếng thăm bộ đội, dân công, thành viên TNXP trên đường mòn Hồ Chí Minh, xem: tr. 262, 272, 273, 328, 343.
[7] Chứng cứ của Hoàng Công Ánh trong Laurence Jourdan, Les oubliées de la piste Ho Chi Minh [Những cô gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh], Sunset Press, 2003, 53 mn (phim tài liệu). Hoàng Công Ánh hiện điều hành ủy ban liên lạc cựu TNXP tỉnh Thái Bình.
[8] Lê Cao Đài, C’était au Tây Nguyên [Tây Nguyên ngày ấy], tr. 104. Xem thêm nguyên bản bằng tiếng Việt Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy (Hồi ký Tây Nguyên), in lần thứ ba, Hà Nội, Nxb Công An Nhân Dân, 2005.
[9] Xem, ví dụ: Xuân Vũ, Xương trắng Trường Sơn, Los Alamitos, CA, Nxb Xuân Thu, 1989, tr. 82, 88, 94…
[10] Trần Chinh Vũ, “Des bourricots sur la cordillère” [Những con lừa trên núi], Trên đường mòn Hồ Chí Minh, tr. 152.
[11] Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 286 (muỗi), tr. 309 (côn trùng).
[12] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 86. Khẩu phần này tương đương 66 gram gạo mỗi bữa ăn tức là nửa chén cơm. Xem ví dụ tương tự: Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam, tr. 320.
[13] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 89. Nguyễn Văn Đệ kể chuyện Nguyễn Thị Hồng Nương hái 22 loại rau rừng.
[14] Lê Cao Dai, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 286, 327.
[15] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 88.
[16] Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 100.
[17] Thái Bình, “Hoa thiếu nữ giữa rừng Trường Sơn”, Tuổi Trẻ (23-12-2003).
[18] Ngay cả nếu việc ăn thịt người không được đưa ra trong các nguồn tài liệu của tôi, một câu hỏi cấm kỵ như vậy có thể đáng đặt ra với sự thận trọng liên quan đến những vấn đề khó đề cập.
[19] Huỳnh Thị Tiếp, “Tôi chỉ lo lắng một điều…”, Con đường huyền thoại, tập II, Nxb Phương đông, 2005, tr. 199.
[20] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 82. Xem thêm lời kể của các nhân chứng: Dân Hồng, Đường Trường Sơn theo lời kể của một nữ chiến sĩ TNXP, tr. 36; Đồng Sỹ Nguyên, Đường xuyên Trường Sơn, tr. 261.
[21] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 83.
[22] Dương Thu Hương, Tiểu thuyết vô đề, tr. 64. Xem thêm nguyên bản bằng tiếng Việt: Dương Thu Hương, Tiểu thuyết vô đề, Stanton, CA, Văn Nghệ, tr. 68.
[23] Dân Hồng, Đường Trường Sơn theo lời kể của một nữ chiến sĩ TNXP, tr. 8.
[24] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 82.
[25] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 82-83.
[26] Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP Việt Nam, tr. 256
[27] Xem tường trình của Hoàng Công Ánh về điều kiện sống của nữ TNXP trong Những cô gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh của Jourdan, DVD, phút thứ 22.
[28] Lê Thi và những người khác, Thể dục vệ sinh với TNXP, Tổng cục Thể dục Thể thao xuất bản, 1973, tr. 151-154, đặc biệt là đoạn nói về “Kinh nguyệt và vệ sinh kinh nguyệt”.
[29] “Kinh nguyệt và vệ sinh kinh nguyệt”, Thể dục vệ sinh với TNXP, tr.153-154
[30] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 82.
[31] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 81-82.
[32] Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử TNXP  Viet Nam, tr. 320.
[33] Cao Tiến Lê, “Bruits nocturnes” [Tiếng đêm], in Trên đường mòn Hồ Chí Minh, Hanoi, Editions en Langues Etrangères, 1982, tr. 115. Xem nguyên bản bằng tiếng Việt trong: Bùi Việt Thắng (tuyển chọn, giới thiệu) Truyện ngắn hay về chiến tranh, [tập II], Hà Nội, Nxb Văn Học, 2006, tr. 182-194.
[34] Dương Thu Hương, Tiểu thuyết vô đề, tr. 8.
[35] Dương Thu Hương, Tiểu thuyết vô đề, tr. 78.
[36] Về hiện tượng này, xem thêm truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Hảo “Người sót lại của rừng cười”, trong tập truyện ngắn cùng tên, Hà Nội, Nxb Phụ Nữ, 2005, tr. 87-107. Cũng xêm thêm sự phân tích sâu sắc của truyện ngắn này do Đoàn Cầm Thi viết trong bài “Femme, fantasme et guerre” [Phụ nữ, ảo ảnh và chiến tranh], La Revue des ressources, tạp chí nghiên cứu văn học trên mạng (http://www.larevuedesressources.org/spip.php?article770), truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2007.
[37] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ TNXP, tr. 80.
[38] Đồng Sỹ Nguyên, Đường xuyên Trường Sơn, tr. 260-261. Xem thêm Thiếu tướng Phan Khắc Hy, phó tư lệnh đoàn 559: Thái Bình, “Hoa thiếu nữ giữa rừng Trường Sơn”, Tuổi Trẻ (23-12-2003).
[39] Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 143. Xem thêm: Văn Tùng & Nguyễn Hồng Thanh (chủ biên), Lịch sử  TNXP Việt Nam, tr. 320.
[40] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ  TNXP, tr. 86.
[41] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ  TNXP, tr. 54-55.
[42] Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 204-205, 361-362.
[43] Trường hợp người thanh niên mà Lê Cao Đài kể ngày 12/5/1966; Xem: Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 79-80.
[44] Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 72.
[45] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ  TNXP, tr. 55.
[46] Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 103.
[47] Nguyễn Gia Nùng, “Les routes restent ouvertes” [Đường vẫn mở], in Face aux bombes, reportages [Trong đạn bom. Phóng sự], Hanoi, Editions en Langues Etrangères, 1969, tr. 40.
[48] Minh Lợi, “Phong lan của rừng cháy”, tr. 176-177. Trong Tiểu thuyết vô đề, Dương Thu Hương nêu một cảnh tương tự, trong đó những người lính phấn kích kéo nhau đến xem cô gái xinh đẹp sẽ làm hướng dẫn cho họ (tr. 220-221).
[49] Đỗ Chu, “Les échos de la forêt” [Tiếng vọng của rừng], Trên đường mòn Hồ Chí Minh, tr. 83, 86.
[50] Cao Tiến Lê, “Tiếng đêm”, Trên đường mòn Hồ Chí Minh, tr. 107.
[51] Lê Cao Đài, Tây Nguyên ngày ấy, tr. 174.
[52] Cả một nền văn học lãng mạn về chiến tranh được làm sống lại từ khi ấn hành quyển nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Liên quan đến hiện tượng này xem: Nguyễn Mạnh Trinh “Khi người chết sống lại…”, www.phusa.net (truy cập ngày 29-9-2006); Trần Trung Đạo, “Những người đi tìm tổ quốc”, www.talawas.org (truy cập ngày 24-3-2006).
[53] Thái Bình, “Hoa thiếu nữ giữa rừng Trường Sơn”, Tuổi Trẻ (23-12-2003).
[54] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ  TNXP, tr. 88.
[55] Mark Lane, Conversations with Americans, New York, Simon & Schuster, 1970. Tiếng Pháp, Xem: Mark Lane, Les soldats américains accusent [Những người lính Mỹ tố giác], Paris, François Maspéro, Cahiers libres 238-239, 1972, tr. 43, 49, 81, 92, 138-139, 163-164, 195-196 (dẫn chứng hãm hiếp và tra tấn phụ nữ).
[56] Nguyễn Gia Nùng, “Đường vẫn mở”, tr. 41-42.
[57] Nguyễn Văn Đệ, Một thời oanh liệt của nữ  TNXP, tr. 259. Văn sĩ nổi tiếng Dương Thu Hương thuộc một nhóm văn công lưu động trong thời kỳ chiến tranh.
[58] Đinh Thị Hợi, Những cô gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh, 2003.
[59] Hoàng Nguyên (thực hiện), “Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Gửi người thanh niên hôm nay”, Quân Đội Nhân Dân (6-7-2006).
[60] Lần tái bản gần đây, xem: Lê Minh Khuê, “Những ngôi sao xa xôi”, trong Truyện ngắn hay về chiến tranh [tập II], tr. 111-132.
[61] Huỳnh Thị Tiếp, “Tôi chỉ lo lắng một điều…”, trong 1- Con đường huyền thoại, tập  II, tr. 199.
[62] Phạm Tiến Duật, trích dẫn trong John Prados, The Blood Road. The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War, New York, John Wiley & Sons, Inc., 1998, tr. 194.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, Number 3, Fall 2009. Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có sự hiệu đính của tác giả. Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 22.4.2010.

No comments:

Post a Comment