Friday, August 26, 2011

Alec Holcombe – Văn kiện Đảng toàn tập: Lắng nghe tiếng nói nội bộ chính thức của Đảng (bài cuối)

Hoài Phi dịch

Văn kiện Đảng toàn tập là món quà quý giá cho các học giả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại. Với giá tiền khoảng 2 đô la Mỹ (35 ngàn đồng Việt Nam) một tập, chỉ cần bỏ ra một số tiền khiêm tốn 50 đô la là có thể có hàng trăm văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác phẩm của những người sáng lập ra nhà nước mà chín mươi triệu dân Việt đang sống dưới quyền ngày hôm nay: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, và những người khác. Phải cần làm việc nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, thì một học giả mới có thể thu thập được khối tài liệu khổng lồ này tại các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam. Từ khía cạnh nghiên cứu, điều gây hứng thú nhất về Văn kiện Đảng là vô vàn các chỉ thị, thông tri, điện, thông cáo, cương lĩnh, bài nói và diễn văn được đưa vào toàn tập. Cách tốt nhất để diễn tả về những tài liệu trước đây chưa được công bố này là chúng phản ánh tiếng nói “nội bộ chính thức” của đảng. Tài liệu thuộc loại “nội bộ” vì giới lãnh đạo đảng nói chung thường viết chúng cho lãnh đạo cấp trung và cấp cao, chứ không phải cho công chúng rộng hơn. Điều này có nghĩa là nhu cầu tuyên truyền chi phối văn kiện ít hơn nhiều so với các thông báo về chính sách được đăng trên báo chí của đảng. Văn kiện mang tính “chính thức” vì tác giả của chúng đã bỏ công phân tích sự kiện, khái niệm hóa vấn đề, và giải thích chính sách theo cách vừa khẳng định ý thức hệ Marxist-Leninist lẫn quan niệm của họ rằng đảng là đại diện chân chính duy nhất cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Nhưng không hẳn lúc nào những người như Hồ Chí Minh và Trường Chinh cũng trình bày vấn đề với các đảng viên như cách họ sử dụng khi họp kín với nhau. Lãnh đạo đảng có thể thực dụng và thực tế hơn so với cách họ đôi khi xuất hiện trong Văn kiện Đảng.

Mặc dù nhiều tài liệu được viết với mục đích lưu hành nội bộ, toàn tập văn kiện là một loại tuyên truyền của đảng, tương tự như đặc tính cơ bản của nó trong viện bảo tàng, trong sách và giáo trình về lịch sử ở Việt Nam. Các nhà sản xuất bộ Văn kiện Đảng là nhân viên ăn lương của đảng; nhiệm vụ chính của họ là lựa chọn tài liệu nói chung nhằm tán dương và hợp pháp hóa vai trò lãnh đạo của đảng ở Việt Nam. Tuy các tập văn kiện dày dặn và phong phú, tài liệu trong đó chỉ thể hiện một phần khối văn kiện do giới lãnh đạo đảng ban hành hàng năm. Ngoài việc lọc tài liệu nào có thể đưa vào tuyển tập, biên tập viên đôi khi cũng chặt bỏ bớt một số đoạn nhất định trong những văn kiện được chọn, những đoạn mà theo họ chệch quá xa so với mục đích tuyên truyền tổng thể trong toàn tập (việc cắt xén này thường được đánh dấu bằng dấu tỉnh lược). Mặc dầu vậy, cơ hội so sánh một vài tài liệu trong bộ Văn kiện Đảng với bản gốc của chúng trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III khiến tôi tin rằng hiếm có trường hợp nào các nhà biên tập viết lại một số đoạn thay vì cắt bỏ. Theo tôi, cách tiếp cận bộ Văn kiện Đảng tốt nhất là nắm chắc về những gì xảy ra trong một giai đoạn nhất định, sau đó sử dụng văn kiện để tìm hiểu xem lãnh đạo đảng thảo luận về những điều xảy ra như thế nào. Đọc Văn kiện Đảng mà hoàn toàn mù tịt về một chủ đề nhất định nào đó, trong khi không có nguồn thông tin nào khác và lại chỉ có ít kinh nghiệm đọc tài liệu do các đảng Marxist-Leninist chế tạo, là một việc đầy nguy hiểm.

Vì nghiên cứu về cải tạo xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi đặc biệt chú ý tới những phần trong Văn kiện Đảng liên quan đến phong trào phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, được thực thi ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian từ năm 1953 đến 1956. Đảng Lao động Việt Nam tiến hành chiến dịch này với một số mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cơ bản nhất là để chuẩn bị cho nông thôn cuối cùng sẽ chuyển sang tập thể hóa nông nghiệp. Kể từ cuối thập niên 1920, các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đã kết luận (như Stalin và Mao từng kết luận) là thay đổi gốc rễ này đòi hỏi việc đánh đổ những người đầu tư nhiều nhất vào trật tự kinh tế cũ – giới tinh hoa nông thôn.[1] Quyền lực chính trị mà đảng tước bỏ từ giới tinh hoa này sẽ được đặt vào tay những người khổ nhất dưới chế độ cũ, và trên lý thuyết, do vậy dễ tiếp nhận nhất sự thay đổi gốc rễ – giai cấp bần cố nông. Để thực hiện điều này, từ năm 1953 đến năm 1956, đảng gửi khoảng 48,007 cán bộ tới các làng xã khắp nông thôn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khơi dậy lòng căm thù đối với giới tinh hoa địa phương (gọi là địa chủ).[2] Nhiệm vụ phát động quần chúng của cán bộ là dạy cho đa số nghèo biết cách thể hiện lòng căm thù bằng thuật ngữ Marxist-Leninist và hướng lòng căm thù ấy vào công cuộc lật đổ mạnh mẽ giới tinh hoa địa phương, trong đó có cả nhiều đảng viên địa phương. Như người dân miền bắc còn nhớ rõ, tiến trình khoảng ba tháng này bao gồm việc đưa những người bị cáo buộc là địa chủ ra đấu công khai, xét xử họ tại các tòa án nhân dân đặc biệt, và trong hàng ngàn trường hợp, họ bị xử bắn công khai. Sau các phiên xử này, giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam muốn cán bộ giành được trái tim giai cấp cách mạng nhất ở nông thôn bằng cách chia tài sản và của cải của người bị kết án cho bần cố nông.

Xét việc đây tiếp tục là một đề tài nhạy cảm đối với lãnh đạo Việt Nam hôm nay, việc bộ Văn kiện Đảng cho đăng hơn một ngàn trang tài liệu về phong trào phát động quần chúng quả thực đặc biệt. Đương nhiên là những tài liệu này đã được hiệu đính rất cẩn thận nhằm loại bỏ bất kỳ “thùng thuốc súng” nào có thể giúp các nhà sử học xác định được bao nhiêu người đã bị đảng xử bắn trong chiến dịch này, bao nhiêu người đã tự tử, bao nhiêu người đã chết trong nhà tù tạm bợ, bao nhiêu người đã chết đói tại nhà họ, v.v… Tuy nhiên, tài liệu vẫn còn nhiều giá trị khác cho chúng ta biết về công cuộc phát động quần chúng, giúp giới sử gia nghiên cứu về chiến dịch này ở vào một vị thế thuận lợi hơn rất nhiều so với Edwin Moise khi ông tiến hành nghiên cứu cho cuốn sách đặt dấu mốc mới về đề tài này, Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và ở miền Bắc Việt Nam.[3]

Vì cuốn sách của Moise vẫn tiếp tục là tường thuật chuẩn mực về chiến dịch cải cách ruộng đất, những phần mà Văn kiện Đảng giúp bổ sung hay xét lại tự sự của Moise đáng chú ý hơn rất nhiều so với những lập luận của ông mà bộ sách giúp củng cố. Những phần Văn kiện Đảng giúp củng cố lập luận của Moise bao gồm sức phá hoại nói chung của phong trào phát động quần chúng, kết cấu của các đợt cải cách, cách thức vội vàng mà nó được thực hiện, vấn đề tiền lệ Trung Quốc, v.v… Mặc dù làm việc với nguồn tài liệu hạn chế vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, chính Moise là người có công nhiều nhất trong việc khiến chúng ta chú ý đến những đặc điểm nói trên và các khía cạnh then chốt khác của chiến dịch cải cách ruộng đất.

Chức năng của báo Đảng

Một vấn đề quan trọng liên quan đến phát động quần chúng là bộ máy tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (báo chí, đài và các cuộc mít-tinh quần chúng) đã hoạt động như thế nào trong chiến dịch này. Thiếu điều kiện tiếp cận các chỉ thị cấp cao của đảng như chúng ta thấy trong Văn kiện Đảng hoặc những người từng làm việc cho bộ máy báo chí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ phát động quần chúng, Moise khó có thể làm gì hơn ngoài việc suy luận. Moise hiểu rằng các bài viết về chiến dịch này trên Nhân Dân, tờ báo chính của đảng và là một trong những nguồn tài liệu quan trọng của ông – không phản ánh những gì đang thực sự diễn ra lúc đó.[4] Tương tự, Moise hiểu rằng có sự khác biệt đáng kể giữa chính sách phát động quần chúng của đảng được in trên báo chí với những gì mà cán bộ tham gia cải cách tuân theo.[5] Để giải thích, Moise đưa ra một vài luận thuyết khác nhau. Ở một đoạn trong sách, ông đổ lỗi sự khác biệt này cho yếu tố ngẫu nhiên:

“Hai tờ Nhân DânThời Mới ở Hà Nội là nguồn quan trọng nhất cho việc nghiên cứu cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai tờ này không tốt như báo chí Trung Quốc trong thời gian giữa năm 1950 và 1953. Việt Nam là một nước nhỏ hơn và có một hệ thống truyền tin kín phát triển hơn; lãnh đạo không bắt buộc phải mô tả chính sách của họ một cách chính xác trên báo chí nhằm truyền đạt ý tưởng tới những người sẽ thực thi chúng. Hơn nữa, trong cải cách ruộng đất, cả lãnh đạo của Đảng lẫn người viết báo đều không thực sự nắm được điều gì đang xảy ra ở nông thôn. Thông tin tốt nhất mà chúng ta có được là những phân tích hồi tưởng của họ, được viết vài tháng sau khi cải cách ruộng đất đã kết thúc.”[6]

Ở đoạn sau trong cuốn sách của mình, Moise đưa ra luận thuyết thứ hai, trong đó ông cho rằng khác biệt này không phải do các yếu tố ngẫu nhiên, mà do nỗ lực có ý thức của đảng nhằm kiểm soát việc bộ máy tuyên truyền mô tả về chiến dịch cải cách như thế nào. Ví dụ, khi bàn về nguyên nhân tại sao báo chí không đưa ra một thống kê nào về số người chết trong cải cách, ông viết, “(M)ột lý do của việc im lặng này có thể do Đảng muốn tránh khơi ngòi cho quá nhiều vụ xử tử [do cán bộ phát động quần chúng gây ra].” Nói cách khác, đảng sử dụng bộ máy tuyên truyền để tác động tới việc thực thi chiến dịch. Trong phần tiếp theo, Moise chỉ ra rằng sau tháng Một năm 1956 (khoảng năm tháng trước khi chiến dịch cải cách kết thúc), Nhân DânThời Mới chấm dứt việc đăng các bài viết có đề cập đến địa chủ bị xử bắn. Để giải thích điều này, Moise giả thuyết là giới lãnh đạo Đảng Lao động hẳn lo ngại bạo lực trong phát động quần chúng có thể đi ngược lại tinh thần chống Stalin tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 (vào 25 tháng Hai năm 1956). Cũng theo Moise, một khả năng khác là “Đảng có thể đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục người dân thành thị là cải cách ruộng đất ở nông thôn không dẫn đến sự quá đà quá khích, và vì vậy quyết định ngừng việc công bố ngay cả những trường hợp quá tay lẻ tẻ.”[7] Nói cách khác, đảng sử dụng bộ máy tuyên truyền nhằm điều khiển nhận thức của cả người dân trong nước lẫn nước ngoài về chiến dịch này.

Trong bộ Văn kiện Đảng, có một số tài liệu giúp soi sáng vấn đề quan trọng này. Về tổng thể, các văn kiện có vẻ củng cố cho luận thuyết thứ hai của Moise, nhấn mạnh vai trò tác động của đảng. Ví dụ, thông tri “Về vấn đề tuyên truyền phát động quần chúng”, ban hành ngày 29 tháng Sáu năm 1953, quy định công tác tuyên truyền cho “giảm tô”, giai đoạn ban đầu của phong trào phát động quần chúng, phải như thế nào. Thông tri bắt đầu bằng việc mô tả động lực cho chiến lược tuyên truyền của đảng:

“Căn cứ tình hình các nơi, Trung ương nhận thấy cán bộ và quần chúng bên dưới chưa được tuyên truyền và giải thích kỹ về các sắc lệnh, nghị định ruộng đất và chỉ thị phát động quần chúng của Trung ương. Ngay một số cán bộ lãnh đạo cũng chưa thật thấm nhuần chủ trương, đường lối phát động quần chúng của Đảng và Chính phủ. Vì vậy đã xảy ra nhiều vụ đấu tranh tự động, tự phát. Có nơi đánh đập, tra khảo địa chủ, đấu cả với trung bần nông, viên chức, học sinh, v.v… Ở những nơi đó, luôn luôn xảy ra những vụ địa chủ tự tử, phú nông, trung nông, bần nông cũng có người sợ bị đấu mà tự tử. Đó là hiện tượng loạn đấu, loạn đả, không có trật tự, không có sách lược, không có lãnh đạo, không nhằm đúng mục đích và đối tượng đấu tranh.”

Sau đó, thông tri giải thích rằng tuy một số hiện tượng là “tất nhiên” và khó tránh được trong đấu tranh giai cấp, một chiến dịch tuyên truyền có hiệu quả  có thể giảm bớt những vụ việc này. Để làm yên lòng những người đang sợ bị trở thành mục tiêu của chiến dịch, thông tư tuyên bố, “Phải tuyên truyền giải thích chính sách cho cả địa chủ, phú nông, nói rõ cho họ biết rằng: người nào thi hành chính sách thì không có gì phải lo lắng; Chính phủ và nông dân chỉ trừng trị những kẻ nào không chịu tuân theo pháp luật và không chịu hối cải mà thôi.”

Sau khi giải thích động lực cho chiến lược tuyên truyền của đảng, thông tri đặt ra một số nguyên tắc nền tảng cho việc mô tả công cuộc phát động quần chúng. Về “quả thực” của cuộc tranh đấu (của cải lấy được từ những người bị dán nhãn địa chủ), báo chí chỉ được đề cập đến “ruộng đất, trâu bò, thóc lúa tịch thu hay đòi được của địa chủ phản động và gian ác;” và không được đề cập đến “vàng bạc, châu báu, quần áo, v.v…” Về vấn đề then chốt là xử bắn địa chủ như thế nào, thông tư chỉ dẫn, “Chỉ tuyên truyền những vụ xử tử hình những tên đại gian, đại ác cực độ. Những vụ xử tử hình thường không nên tuyên truyền. Chỉ tuyên truyền những vụ xử tử hình trên báo chí hoặc bằng hình thức khác như nói chuyện, v.v… Song đài phát thanh không nên tuyên bố những vụ đó.”

Một đoạn khác trong thông tri cảnh cáo là “Có trường hợp địa chủ đại gian đại ác là đàn bà bị xử tử hình, cũng không nên tuyên truyền, vì cần đề phòng địch có thể lợi dụng phản tuyên truyền ta.” Tuyên truyền về xử tử hình trên báo chí hay tại các buổi mít-tinh “Không nên gây ra sự hoang mang một cách không cần thiết trong xã hội, trái lại phải tranh thủ sự đồng tình của xã hội.” Về thủ tục tuyên truyền xử tử hình, thông tri nêu rõ, “Tóm lại, việc tuyên truyền những vụ xử tử hình nên thận trọng. Các đoàn cần gửi cho Ban Tuyên huấn Trung ương những tài liệu về những vụ đấu lớn và những vụ xử tử hình để Ban Tuyên huấn gửi cho các báo.”[8]

Những trích đoạn trên cho thấy mục đích then chốt của chiến lược tuyên truyền là trấn an nỗi lo sợ của người dân, giảm bớt tỷ lệ “đấu tranh tự phát” và việc chống cự do hoảng sợ. Hơn nữa, rõ ràng lãnh đạo đảng coi báo chí là bộ máy tuyên truyền để sử dụng trong quá trình phát động quần chúng tổng thể, chứ không phải là một tổ chức đứng ngoài. Do vậy, việc những người viết cho tờ Nhân Dân (một trong những nguồn quan trọng nhất của Moise) “có hiểu nhiều về những gì đang diễn ra ở nông thôn” hay không, thật ra không quan trọng. Nhiệm vụ của họ là mô tả theo cách các nhà lãnh đạo đảng nghĩ rằng có thể giúp cho việc thi hành chiến dịch này một cách trôi chảy – chẳng hạn như hứa hẹn với người dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang lo sợ rằng nếu tuân thủ chính sách thì “không có gì phải lo lắng.”

Tuy vậy, nếu giới tinh hoa nông thôn khi đó đọc được chỉ thị của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ban hành vào ngày 4 tháng Năm năm 1953, hẳn họ sẽ cảm thấy có rất nhiều điều khiến họ phải lo lắng, ngược lại với những gì họ được biết qua bộ máy tuyên truyền của chế độ. Chỉ thị này cho biết Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam định mức xử tử hình một phần nghìn trong thời kỳ giảm tô – giai đoạn ôn hòa hơn của cuộc phát động quần chúng.[9] Nói cách khác, giới lãnh đạo đảng đã quyết định khoảng chừng bao nhiêu người cần bị xử tử trong giai đoạn giảm tô, trước khi cán bộ thậm chí về tới làng họ được giao, và trước khi họ có điều kiện xác định xem liệu những người bị gọi là địa chủ có tuân thủ luật pháp, và có “biết hối cải” hay không. Suy từ con số khoảng tám triệu người tham gia chiến dịch giảm tô ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỷ lệ xử tử trong chỉ thị ngày 4 tháng Năm năm 1953 cho thấy Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam muốn bộ máy phát động quần chúng xử bắn khoảng tám ngàn người trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch này.[10]

Vì Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ấn định tỷ lệ xử bắn trong giai đoạn giảm tô, và biện minh cho tỷ lệ này trong chỉ thị ngày 4 tháng 5 năm 1953, không có lý do gì để không nghĩ rằng Bộ Chính trị cũng ấn định tỷ lệ xử tử cho giai đoạn cải cách ruộng đất. Và có thể kết luận một cách hợp lý rằng bất kỳ một tỷ lệ xử tử nào cho giai đoạn quyết liệt hơn của chiến dịch, khi giai cấp địa chủ cần phải bị “triệt để đánh đổ”, cũng phải cao hơn nhiều so với tỷ lệ một phần nghìn. Với mười triệu người trải qua cải cách ruộng đất, dù có thay đổi theo thời gian và nơi chốn thì tỷ lệ xử tử và việc Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã ấn định con số này như thế nào, vẫn còn là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Trong bộ Văn kiện Đảng, có nhiều tài liệu cho thấy việc lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam muốn che giấu quy mô và bản chất cuộc phát động quần chúng với người dân miền bắc, các đảng viên cấp thấp và giới quan sát ngoại quốc. Chẳng hạn, trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất (từ 14 đến 23 tháng 11, 1953), Hồ Chí Minh căn dặn đại biểu có mặt nhiệm vụ về cải cách ruộng đất sắp tới (đã được thảo luận tại hội nghị):

“Bây giờ về, các chú, các cô, không được nói lung tung vì đây là một bí mật trong chiến lược đánh phong kiến, cải cách ruộng đất. Nếu các chú nói lung tung, mình chưa sắp sửa gì, địch đã sắp sửa rồi, địa chủ đã sắp sửa rồi. Vì vậy, Trung ương sẽ có một chỉ thị về cách tuyên truyền chung cho các vùng và riêng các vùng chưa phát động.”[11]

Trong đoạn sau của diễn văn, Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh việc cần thiết phải giữ bí mật,

“Vùng chưa phát động và chung các vùng khác không được nói lung tung, phải giữ bí mật. Các đại biểu về, chỉ báo cáo cho Khu ủy, không được nói ra ngoài. Rồi do khu ủy xem xét kỹ, quy định phổ biến chính sách đến ai, đến chừng nào. Không phải ‘tương’ hết báo cáo này, ‘tương’ hết chính sách này ra. Các chú hiểu chưa, cái này phải nhớ cho sâu.”[12]

Như Hồ Chí Minh đã hứa, mười chín ngày sau đó, vào 12 tháng Mười Hai năm 1953, Ban Bí thư ban hành chỉ thị “Về việc tuyên truyền chính sách cải cách ruộng đất”. Do Trường Chinh thảo, chỉ thị này gồm hai phần chính: phần thứ nhất bàn về “nhiệm vụ và nội dung tuyên truyền cải cách ruộng đất”, và phần thứ hai về “cách thức tiến hành.” Với giai cấp có nhiều cái để mất nhất trong chiến dịch phát động quần chúng này – những người bị gọi là địa chủ, Trường Chinh giải thích rằng tuyên truyền cần “làm cho họ thấy chính sách cải cách ruộng đất là chính nghĩa, là hợp lý, hợp pháp; ruộng đất do nông dân làm ra đương nhiên phải trả về cho nông dân.” Để trấn an những người đang sợ trở thành đối tượng bị đấu tố, Trường Chinh chỉ thị người làm công tác tuyên truyền nhấn mạnh việc “chính phủ đối xử có phân biệt với từng hạng địa chủ tùy theo thái độ của họ đối với kháng chiến, đối với nhân dân, chứ không vơ đũa cả nắm, đặng cô lập bọn địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác, ổn định tinh thần những địa chủ kháng chiến và địa chủ thường, và ngăn ngừa những hành động chống chính sách, phá hoại sản xuất của giai cấp địa chủ.[13]

Trong phần chỉ thị việc lãnh đạo đảng muốn phong trào được tuyên truyền như thế nào tại những vùng sắp tiến hành cải cách ruộng đất (đã phát động quần chúng giảm tô), Trường Chinh viết, “Việc tuyên truyền, giáo dục chính sách cải cách ruộng đất ở những nơi này không cần phải tổ chức học tập chính sách như trước đây thường làm. Khi nào có đội công tác xuống xã phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, việc tổ chức học tập chính sách cải cách ruộng đất sẽ do các đội phụ trách.”[14] Vì vậy, dường như các làng xã nông thôn được biết những chi tiết quan trọng của chiến dịch cải cách ruộng đất chỉ sau khi đội cải cách đã về làng. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của đội cải cách khi về đến làng là cho chặn hết mọi ngả đường và canh gác những người bị tình nghi là địa chủ 24/24 giờ.

Tài liệu trong Văn Kiện Đảng cho thấy lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam có chính sách che giấu những chi tiết quan trọng về chiến dịch cải cách không chỉ với công chúng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn cả với đảng viên cấp thấp. Trong chỉ thị “Về kế hoạch học tập chính sách cải cách ruộng đất”, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Duẩn tuyên bố “Để đảm bảo việc thực hiện cải cách ruộng đất thắng lợi, Trung ương quyết định cần tổ chức việc học tập chính sách cải cách ruộng đất cho cán bộ các cấp một cách sâu rộng.” Việc học tập này tập trung vào “ý nghĩa” và “mục đích”, cũng như “tính chất chính nghĩa” và “triệt để” của cải cách ruộng đất. Tuy nhiên, khi đề cập về nội dung chính sách, Lê Duẩn chỉ thị rằng học tập “cốt nắm những điều chủ yếu, không nên đi vào những điều khoản chi tiết.” Tương tự, Lê Duẩn viết, “Về phương pháp thực hiện cũng không cần thiết học tỉ mỉ quá…” Đối với cán bộ được chọn đi cải cách, Lê Duẩn giải thích rằng việc huấn luyện công việc cụ thể gồm những gì sẽ do đoàn ủy đoàn cải cách phụ trách. Chỉ thị cũng hướng dẫn tỉnh ủy và huyện ủy không tổ chức lớp huấn luyện cho các chi bộ xã, mà “chỉ cần phổ biến [tài liệu] kỹ.”[15] Vậy thì khi nào đảng viên địa phương được huấn luyện chi tiết về chính sách? Lê Duẩn giải thích, “[N]ơi nào tiến hành cải cách ruộng đất sẽ do đội công tác phụ trách hướng dẫn học tập kỹ.”[16]

Ngày 10 tháng Một năm 1955, hai tháng sau khi giới lãnh đạo chóp bu chính thức giành được những vùng ở miền bắc Việt Nam do Pháp kiểm soát cho tới tận khi chiến tranh [Đông Dương lần thứ nhất] kết thúc, ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Duy Trinh ban hành thông tri “Về việc giải thích chính sách cải cách ruộng đất cho các công chức, nhân viên mới ở cơ quan, công sở trong các thành thị mới giải phóng.” Theo thông tri này, việc giải thích chính sách cải cách ruộng đất cho công chức và nhân viên thành thị đang có thắc mắc có thể dựa trên nội dung cơ bản trong bài nói chuyện của ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Quốc Việt tại Nhà hát Lớn ở Hà Nội hai tuần trước đó. (Lãnh đạo đảng cho in trích đoạn cuộc nói chuyện này với “giới công thương nghiệp, trí thức và viên chức” Hà Nội trên báo Nhân Dân các số ngày 28, 29 và 30 tháng Mười Hai năm 1954.)[17] Như Trường Chinh đã hướng dẫn trong chỉ thị ngày 12 tháng Mười Hai năm 1953, Nguyễn Duy Trinh tuyên bố với đảng viên có nhiệm vụ tuyên truyền về chính sách rằng họ cần giải thích rõ Đảng Lao động “phân biệt đối đãi các hạng địa chủ, phân biệt địa chủ với phú nông.” Về các buổi đấu tố trước quần chúng, thông tri hướng dẫn “[đảng viên] cần nói rõ tính chất hợp lý, hợp tình của các cuộc đấu địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ trước đây và chủ trương thành lập tòa án để xét xử bọn đó hiện nay cho họ [công chức và nhân viên mới] hiểu để họ yên tâm.” Sau đó Nguyễn Duy Trinh chỉ thị,

“Đối với những vấn đề mà họ [công chức và nhân viên mới] không cần biết hoặc vì trình độ chính trị của họ còn kém mà không hiểu được hoặc có thể hiểu sai thì không cần đưa ra giải thích. (Ví dụ: về đường lối chính sách chung của Đảng ở nông thôn; vấn đề chỉnh đốn tổ chức, phương pháp phát động tố khổ, v.v…) Đối với những vấn đề thuộc chính sách cụ thể có tính chất hướng dẫn cho các cấp ủy thi hành chính sách như xử trí địa chủ phản động cường hào gian ác đầu sỏ, phân biết xét xử nặng nhẹ thế nào và những vấn đề thuộc cách vận dụng sách lược cụ thể trong khi đấu tranh với địch, v.v… đều không được đem ra giải thích.”[18]

Mười một ngày sau, 21 tháng Một năm 1955, ban bí thư ban hành một chỉ thị khác: “Về việc học tập chính sách cải cách ruộng đất.” Do ủy viên Bộ Chính trị Lê Văn Lương soạn thảo, chỉ thị tuyên bố, “Trung ương nhận thấy cần phải tổ chức cho cán bộ học tập thêm về chính sách cải cách ruộng đất để chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ tích cực tham gia và lãnh đạo cải cách ruộng đất.” Như Lê Duẩn đã hướng dẫn trong chỉ thị ngày 10 tháng Hai năm 1954, Lê Văn Lương tuyên bố, “Việc học tập cần chú trọng nắm được tinh thần chính sách, tránh đi miên man vào các vấn đề quá chi tiết.” Giống như Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương gợi ý các buổi học tập nên theo bài nói chuyện trước đó của Hoàng Quốc Việt, đã được báo Nhân Dân đăng cho công chúng tiêu thụ.

Vì vậy, tài liệu trong Văn kiện Đảng cho thấy sự khác biệt giữa hình ảnh phong trào phát động quần chúng được mô tả trên báo chí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những gì đang thực sự diễn ra tại các làng xã miền bắc Việt Nam không bắt nguồn từ việc lãnh đạo đảng hay báo chí thiếu hiểu biết về chiến dịch. Thay vì vậy, khác biệt này là kết quả từ một loạt chính sách cụ thể của giới lãnh đạo đảng nhằm giữ kín quy mô thực sự và bản chất của chiến dịch cải cách. Dường như lãnh đạo đảng hy vọng việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện phát động quần chúng, giảm bớt tỷ lệ “đấu tranh tự phát” và “địa chủ phá hoại”. Trong mắt giới lãnh đạo đảng, hiện tượng địa chủ phá hoại có vẻ bao gồm những việc như phát tán ruộng đất, của cải, bỏ trốn, hoặc thậm chí chọn cách tự tử như giải pháp cuối cùng. Về khác biệt giữa chính sách cải cách ruộng đất được công bố với việc cán bộ thực hành như thế nào, Văn kiện Đảng gợi cho thấy rằng ngay cả điều này cũng có thể là một chính sách có chủ tâm mà đảng sử dụng để giữ bí mật về bản chất của chiến dịch. Giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam có vẻ không muốn cán bộ biết rõ nhiệm vụ chi tiết cụ thể của một cán bộ phát động quần chúng là gì cho đến khi họ đã tham gia đội giảm tô hoặc đoàn ủy cải cách – nói cách khác, sau khi họ đã được gửi xuống bộ máy phát động quần chúng, xa cách gia đình, bạn bè và công chúng.

Phát động quần chúng và Hiệp định Geneva

Như nghiên cứu của Pierre Asselin đã chỉ ra, bộ Văn kiện Đảng có nhiều tài liệu thú vị liên quan đến Hiệp định Geneva ký kết vào tháng Bảy năm 1954.[19] Một số văn kiện cung cấp thông tin về việc lãnh đạo đảng đã làm gì để giảm bớt mối đe dọa công cuộc phát động quần chúng do điều 14c và 14d của hiệp định gây ra. Những điều khoản này quy định việc không được trả thù hoặc kỳ thị đối với các đối thủ chính trị trước đây, và cần tôn trọng đi lại tự do giữa miền Bắc và miền Nam giai đoạn 300 ngày (từ tháng Bảy 1954 đến tháng Năm 1955). Điều này có nghĩa là các vụ đấu tố địa chủ trong phong trào phát động quần chúng vi phạm tinh thần điều khoản 14c, điều khoản hiển nhiên được đưa ra nhằm bảo vệ mọi người dân Việt khỏi những bạo lực do nhà nước đỡ đầu, dù ở Sài Gòn hay Hà Nội. Hơn nữa, việc đi lại tự do trong ba trăm ngày có nghĩa là những ai lo sợ trở thành mục tiêu trả thù của một trong hai chế độ có được sự lựa chọn di cư nơi khác. Để bảo đảm việc tuân thủ những điều khoản này, các bên ký kết Hiệp định Geneva đồng ý cho phép Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến bao gồm đại biểu của Canada, Ba Lan và Ấn Độ đi lại tự do khắp nước và tiến hành kiểm tra. Cả hai chế độ ở Hà Nội và Sài Gòn đều cam kết giúp Ủy hội thực hiện nhiệm vụ. Về những vấn đề này, Moise viết,

“Điều đáng ngạc nhiên là các báo cáo của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đưa ra rất ít bằng chứng về sự khủng bố nhằm vào các nhân vật quan trọng từng cộng tác với Pháp. Ủy hội được phép đi lại khá tự do ở miền Bắc –tự do hơn là ở miền Nam – và họ hẳn sẽ thấy được bất kỳ sự vi phạm hiệp định nào trên diện rộng…

… Giới lãnh đạo chóp bu của đảng miễn cưỡng tuân thủ hiệp định và cho phép nông dân ra đi. Họ chịu áp lực của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến; chừng nào còn nuôi hy vọng thống nhất Việt Nam trong hòa bình, chừng đó họ sẽ không thách thức áp lực đó. Nhưng thậm chí ngay cả sau khi Hà Nội có quyết định như vậy, thì nhiều lãnh đạo địa phương từ chối không thi hành. Họ tiếp tục cản trở việc di cư, hoặc vì tin rằng những người muốn vào Nam cần bị trì hoãn trong một thời gian đủ để họ nghĩ lại, hoặc do sự miễn cưỡng theo phản xạ không muốn hợp tác bất cứ cách nào với những người đang bộc lộ tình cảm phản động qua việc muốn rời bỏ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

…Một vài tháng sau, tình trạng này chấm dứt, và vào thời hạn 18 tháng Năm năm 1955, phần lớn những người muốn vào Nam đã đi được.”[20]

Trong bộ Văn kiện Đảng, có một số lệnh và chỉ thị của giới lãnh đạo đảng về những vấn đề cụ thể mà Moise đề cập. Về việc nhà cầm quyền tuân thủ điều khoản 14c, cấm trả thù các đối thủ chính trị, nghị quyết của Bộ Chính trị ra ngày 7 tháng Chín năm 1954 có đoạn,

“Cách đấu địa chủ trong phát động quần chúng trước đã quy định, nay có thể đổi là: tăng cường tác dụng của chính quyền và pháp luật, dùng phương thức tòa án để đối phó với sự chống lại của địa chủ. Với điều kiện thỏa mãn được yêu cầu căn bản của nông dân, gây được ưu thế chính trị của nông dân ở nông thôn, thì hành động trực tiếp của nông dân đấu địa chủ cần mềm dẻo hơn trước để tránh đối phương mượn cớ là ta khủng bố những người đã hợp tác với họ, đồng thời cũng để tránh tình trạng những địa chủ bị đấu chạy vào Nam nhiều, có hại đến việc thực hiện thống nhất nước nhà.”[21]

Về vấn đề liên quan đến Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến có khả năng biết được những điều gì đang xảy ra tại nông thôn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ thị của Ban Bí thư ra ngày 26 tháng Chín năm 1954 hướng dẫn việc các đảng viên cần chuẩn bị nếu Ủy hội Quốc tế đến thăm: “Thường thường Ủy ban quốc tế tới địa phương là để điều tra, kiểm soát. Ngoài việc kiểm soát từng vấn đề nhất định, họ sẽ tìm cách thăm dò tình hình mọi mặt của ta. Họ có thể đi đến các nơi, hỏi han dân chúng, v.v… Vì vậy, cần chuẩn bị cho nhân dân biết cách trả lời khéo léo các câu hỏi của Ủy ban quốc tế, không để dân ta nói lung tung.”[22]

Hai tháng sau, vào tháng Mười Một năm 1954, Trường Chinh ra chỉ thị của Bộ Chính trị “Về việc gây một phong trào rộng lớn và mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân toàn quốc chống các hành động trắng trợn của đối phương vi phạm Hiệp định Giơnevơ.” Trong phần cuối chỉ thị, Trường Chinh khẳng định rằng “vì ta là chính nghĩa, ta tôn trọng Hiệp định đình chiến, nên dư luận chính đáng ủng hộ ta.”[23]

Một chỉ thị khác của Bộ Chính trị ra ngày 16 tháng Hai năm 1955 (khoảng ba tháng trước khi thời hạn ba trăm ngày kết thúc) cảnh cáo rằng vẫn có một số đông dân chúng chuẩn bị đi Nam. Để đối phó tình thế này, Bộ Chính trị đề xuất những hành động sau:

“- Chọn một vài địa điểm điển hình để tổ chức cho đồng bào đi (khi chọn rồi đề nghị với Trung ương). Nên mời cả Ủy ban quốc tế đến để chứng kiến việc đó. Những nơi này phải là nơi có cơ sở quần chúng của ta, khi tổ chức cho quần chúng đi thì chỉ có số ít xin đi, như thế mới có lợi cho ta. Khi làm việc này phải chuẩn bị chu đáo, giải quyết thật nhanh.

- Phải có kế hoạch trấn áp phản động, tăng cường canh gác, kiểm soát, đề phòng địch lợi dụng dịp này thúc đẩy quần chúng tập trung, gây khó khăn cho ta.”[24]

Một tháng sau, vào ngày 20 tháng Ba năm 1955 (hai tháng trước khi thời hạn di chuyển tự do kết thúc), điện từ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi các liên khu ủy đánh giá tình hình như sau:

“Ở trong tổ quốc tế, bọn phản động tích cực hoạt động, hiện nay tổ quốc tế lại cử ba tổ về điều tra ở các tỉnh vùng duyên hải: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mục đích của phản động trong tổ quốc tế đi lần này là tìm kiếm sơ hở của ta, lấy chứng cứ để kết luận ta vi phạm hiệp định rồi nhân đó đòi đưa ra 9 nước dự Hội nghị Giơnevơ, trì hoãn việc rút Hải Phòng, kéo dài thời gian di cư, đi đến phá hiệp định và gấp rút tổ chức cưỡng ép đưa quần chúng đi một lúc có quy mô rộng lớn.”[25]

Vào tháng Tư năm 1955, một tháng trước khi biên giới vĩ tuyến đóng cửa, Trường Chinh viết về việc liệu có cho phép những đối tượng bị xếp loại địa chủ đi Nam không:

“Đối với địa chủ nói chung là không cho đi và phải tạo đủ lý do về pháp lý để giữ chúng lại, nhất là giữ bọn gian ác, đợi lúc phát động quần chúng thì xử chí. Gặp trường hợp cá biệt có tổ quốc tế về điều tra mà có địa chủ xin đi thì phải xin chỉ thị của Tỉnh ủy và nếu ở địa phương đang phát động quần chúng thì phải xin chỉ thị của Đoàn ủy, không được tự tiện giải quyết cho đi, làm mất đối tượng đấu tranh của quần chúng nông dân.”[26]

Và cuối cùng, mười bảy ngày trước khi kết thúc giai đoạn đi lại tự do, “Điện của Trung ương” ngày 1 tháng Năm năm 1955 cảnh cáo,

“Qua tình hình của Nam Định và một số tỉnh khác, Trung ương nhận thấy sở dĩ tình hình “di cư” ở một số nơi trở thành nghiêm trọng là do:
- Chỉ đạo của Tỉnh ủy lỏng lẻo.
- Trấn áp phản động quá yếu.
- Một số cán bộ sợ vi phạm hiệp định có tư tưởng mở toang cửa cho dân đi.
Các địa phương cần sửa chữa gấp những khuyết điểm trên.”[27]

Các đoạn trích trên đây từ bộ Văn kiện Đảng chỉ ra rằng giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng những biện pháp cụ thể nhằm cản trở việc Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến phát hiện những gì đang thực sự diễn ra ở nông thôn. Các tài liệu này cũng gợi cho ta thấy động lực ngăn cản người dân di cư chủ yếu xuất phát từ giới lãnh đạo đảng, chứ không phải từ giới cán bộ địa phương (như Moise phỏng đoán). Thực vậy, các nhà lãnh đạo đảng tỏ ra thất vọng vì cán bộ địa phương đã không làm hơn nữa trong việc cản trở người dân ra đi. Và cuối cùng, những tài liệu này làm nảy sinh câu hỏi về cách đánh giá của Moise về việc giai đoạn tự do di cư này đã kết thúc như thế nào. Lúc đầu Moise viết, “Một vài tháng sau, tình trạng này chấm dứt, và vào thời hạn 18 tháng Năm năm 1955, phần lớn những người muốn vào Nam đã đi được.” Chỉ mấy dòng sau đó, ông phần nào điều chỉnh nhận định này và tuyên bố, “[n]hững khối đông dân muốn đi nam duy nhất nhưng không đi được là ở các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Liên khu IV.” Trích dẫn cuối từ Văn kiện Đảng ở phần trên cho thấy rằng giới lãnh đạo, sau khi xem xét tình hình ở Nam Định (một tỉnh phía bắc Thanh Hóa, thuộc Liên khu III) và các tỉnh khác, vẫn coi tình hình di cư là “nghiêm trọng” dù chỉ còn mười bảy ngày trước khi thời hạn tự do thông thương giữa hai miền Bắc Nam chấm dứt.

Kết luận

Mặc dù Văn kiện Đảng có những hạn chế, tôi hy vọng rằng trích dẫn trong bài viết ngắn này cho ta thấy các nhà biên tập bộ sách đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều tài liệu hấp dẫn. Ta cần nhớ rằng họ được đào tạo trong chế độ cộng sản ở Việt Nam và chia sẻ nhiều giá trị với các nhà lãnh đạo đảng, tác giả của những tài liệu trong bộ sách. Những điều mà phần lớn chúng ta hẳn muốn cắt bỏ khỏi hồ sơ của chính chúng ta (chẳng hạn việc hết lời ca tụng Stalin đáng tởm), thì các nhà biên tập bộ sách lại cho rằng hoàn toàn chấp nhận được. Đối với những độc giả mà tiếng Việt không phải là bản ngữ, tài liệu trong Văn kiện Đảng quả thực là một thách thức về ngôn ngữ; nhưng theo kinh nghiệm của tôi, thách thức này không đến nỗi khó nhằn như thoạt đầu mới đọc. Sau khi đánh vật với tập văn kiện thứ nhất, tập thứ hai bớt khó hẳn, và sang đến tập thứ ba, người đọc có thể thấy mình đã thuộc lòng ngôn từ cơ bản của chế độ. Các thuật ngữ và lập luận được lặp đi lặp lại; lãnh đạo đảng áp dụng lăng kính Marxist-Leninist vào hết vấn đề này đến vấn đề khác, khiến các tập Văn kiện Đảng trở nên dễ đọc. Những ý tưởng mới đòi hỏi việc mở rộng kho từ vựng của chế độ và cách sử dụng tiếng Việt phong phú hơn và tinh tế hơn hầu như không xuất hiện trong bộ sách này.
__________
Alec Holcombe là nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ về Lịch sử tại Đại học California, Berkeley. Hiện anh đang viết luận án về cải tạo xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol. 5, no. 2 (Summer 2010).

Bản tiếng Việt © 2010 Hoài Phi
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương”, Văn kiện Đảng toàn tập. (Hà Nội:Chính trị Quốc gia, 2001), tập 1: trang 213.
[2] Nguyễn Duy Trinh, “Báo cáo bổ sung của chính phủ về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức (báo cáo đọc trước khóa họp Quốc hội lần thứ 6, ngày 4/1/1957)”, Hà Nội, Sự Thật, 28 tháng Hai năm 1957, 4.
[3] Edwin Moise, Land Reform in China and North Vietnam: Consolidating the Revolution at the Village Level (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 1983).
[4] Như trên, trang 219.
[5] Như trên, trang 197-198, 213.
[6] Như trên, trang 182.
[7] Như trên, trang 222.
[8] Ban Bí thư, “Thông tri của Ban Bí thư, ngày 29 tháng 6 năm 1953: về vấn đề tuyên truyền phát động quần chúng”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 246-250.
[9] Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, “Chỉ thị của Bộ Chính trị về mấy vấn đề đặc biệt trong phát động quần chúng, 4/5/1953”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 201-206. Xem bản dịch văn kiện này trong Tạp chí Việt học, tập 5, số 2 (mùa Hè 2010): trang 243-247.
[10] Moise, Land Reform in China and North Vietnam, trang 176. Theo Moise, con số này “vào khoảng 7,800.”
[11] Hồ Chí Minh, “Diễn văn bế mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 23/11/1953”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 504-511.
[12] Như trên.
[13] Trường Chinh, “Chỉ thị của ban bí thư về việc tuyên truyền chính sách cải cách ruộng đất”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 537-549.
[14] Như trên.
[15] Lê Duẩn, “Chỉ thị của ban bí thư, 10/2/1954: Về kế hoạch học tập chính sách cải cách ruộng đất”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 17-20. Lê Duẩn không cung cấp thông tin cụ thể về việc tài liệu học tập được phát cho đảng viên địa phương sẽ gồm những gì; ông chỉ viết, “lấy tài liệu học tập cải cách ruộng đất do Ban Tuyên huấn Trung ương soạn làm tài liệu chính.”
[16] Như trên.
[17] Hoàng Quốc Việt, “Vì sao nước ta phải cải cách ruộng đất”, Nhân Dân, số 302-304, từ 28 đến 30 tháng Mười Hai, 1954.
[18] Nguyễn Duy Trinh, “Thông tri của Ban bí thư số 2 – TT/TW, 10/1/1955: Về việc giải thích chính sách cải cách ruộng đất cho các công chức, nhân viên mới ở cơ quan, công sở trong các thành thị mới giải phóng”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 8-11.
[19] Pierre Asselin, “Choosing Peach: Hanoi and the Geneva Agreement on Vietnam, 1954-1955,” Journal of Cold War Studies 9, no.2 (Spring 2007): trang 95-126.
[20] Moise, Land Reform in China and North Vietnam, trang 192-195.
[21] Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, “Nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng,” Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 298.
[22] Trường Chinh, “Chỉ thị của ban bí thư 26/9/1954: Về nhiệm vụ của các cấp Đảng ở các địa phương thuộc bắc vĩ tuyến 17 đối với Ủy ban quốc tế”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 318-324.
[23] Trường Chinh, “Chỉ thị của Bộ Chính trị 26/11/1954: Về việc gây một phong trào rộng lớn và mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân toàn quốc chống các hành động trắng trợn của đối phương vi phạm Hiệp định Geneva”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 385.
[24] Lê Văn Lương, “Chỉ thị của Bộ Chính trị số 07-CT/TW ngày 16 tháng 2 năm 1955: Đẩy mạnh đấu tranh phá âm mưu mới của địch trong việc dụ dỗ và cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam,” Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 74.
[25] “Trung ương gửi các liên khu ủy, 20/3/1955”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 232.
[26] Trường Chinh, “Chỉ thị của Ban Bí thư số 16-CT/TW, 21/4/1955: Tăng cường chỉ đạo, tích cực đấu tranh âm mưu địch cưỡng ép và dụ dỗ giáo dân di cư”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 273.
[27] “Điện của Trung ương, 1/5/1955,” Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 282.

Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 3.11.2010.

No comments:

Post a Comment