Đông Hiến dịch
Trong giai đoạn 1954 – 1958, Đảng Lao động Việt Nam, sau nhiều đợt giằng co tiến thoái, đã áp đặt được sự kiểm soát trên tất cả các lĩnh vực của hoạt động thông tin văn hóa và học thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đối với nhiều nhà trí thức cách mạng, tình trạng mất tự chủ về chuyên môn là một điều thất vọng đến bất ngờ. Họ từng nghĩ rằng những cống hiến trong kháng chiến chống Pháp (Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất – 1946-1954) và kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến là đủ chứng minh cho sự trung thành của mình với cách mạng. Họ cảm thấy như vậy là đương nhiên sẽ có thêm không gian riêng trong lĩnh vực chuyên môn, vốn nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của đảng suốt tám năm kháng chiến.[1] Nhưng giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam lại nghĩ khác. Giai đoạn bốn năm sau khi chiến tranh kết thúc là thời gian giải quyết những khác biệt về quan điểm nói trên, đồng thời đặt ra những quy định thiết yếu cho đời sống trí thức của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đa phần vẫn còn được bảo lưu cho đến tận hôm nay. Chính ở giai đoạn ngắn ngủi này, tầng lớp trí thức của chế độ đã chứng kiến những đổi thay bất ngờ, những lật lọng khó đoán, và không ít người trong số họ đã tự mình trải nghiệm những xử lý khiến số phận họ hoàn toàn thay đổi.
Câu chuyện về những người trong hàng ngũ trí thức đã phản kháng quyết liệt nhất trước sự áp đặt và kiểm soát của giới lãnh đạo đảng – gồm những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và học giả gắn liền với phong trào Nhân văn – Giai phẩm – là một trong những lĩnh vực được để ý nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[2] Phong trào được đặt tên theo hai ấn phẩm do các nhà trí thức cách mạng bất mãn xuất bản vào năm 1956 – báo Nhân văn và các tuyển tập mang tên Giai phẩm, đã thu hút được sự chú ý của giới học giả trong nhiều thập kỷ chủ yếu vì nó được đánh giá là một trong những khoảng mở hiếm hoi để tìm hiểu về mức độ đắc nhân tâm của chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu thấy bất ngờ về mức độ đa dạng và thẳng thắn của những ý kiến và yêu cầu của năm mươi bảy nhà trí thức từng tham gia trực tiếp vào Nhân văn – Giai phẩm đã bày tỏ với chế độ Mác-xít-Lê-nin-nít và đã thu hút được sự đồng tình của số đông quần chúng.[3] Gộp chung những đề tài nghiên cứu hiện có về phong trào này, ta sẽ có được một bộ chân dung rất phong phú về những nhân vật trụ cột. Điều này được thực hiện một phần là nhờ những học giả phương Tây đã phỏng vấn được những thành viên của Nhân văn – Giai phẩm đang còn sống, sau khi các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thi hành chính sách Đổi mới vào năm 1986.[4] Một yếu tố khác nữa là, cùng với thời gian, các học giả nghiên cứu về phong trào đã cân bằng trở lại, thoát khỏi ảnh hưởng của chính trị cực đoan thời Chiến tranh Lạnh, cũng như tư tưởng lạc quan tếu thời Đổi mới gần đây.
Tuy vậy, chân dung những trí thức nòng cốt, những người đã trợ giúp lãnh đạo đảng đàn áp, thanh lọc và trừng phạt những thành phần tham gia Nhân văn – Giai phẩm vẫn gần như giữ nguyên hình dạng đơn sắc, đơn tuyến và thậm xưng theo kiểu biếm họa so với những nghiên cứu của thời kỳ trước. Trong thực tế, nhiều nhà trí thức nòng cốt này tiếp tục có một sự nghiệp gây ảnh hưởng lớn trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thậm chí sau khi nhà nước này được hóa thân thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.[5] Thực ra, dấu ấn của những người này trên đời sống trí thức của Việt Nam còn sâu đậm hơn rất nhiều so với những nhân vật cải cách kém may mắn của phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Bài luận này là một cố gắng giải quyết sự thiếu hụt thông tin nói trên, và chuyển hướng tiêu điểm của sự chú ý từ những ngôi sao của phong trào Nhân văn – Giai phẩm sang một trong những người bảo vệ quan điểm chính thống của đảng, đó là nhà thơ nổi tiếng, người đã cải hóa thành nhà thơ cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lê nin từ một quá khứ từng là thi sĩ lãng mạn vĩ đại, Xuân Diệu (1916-1985). Bản chất mối quan hệ của nhà thơ với Đảng Lao động Việt Nam là gì, và vì sao ông lại quyết định đả kích trực diện những nhà trí thức đã lên tiếng yêu cầu lãnh đạo đảng thực thi cải cách vào cuối năm 1956?
Vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu 1960, học giả Sài Gòn Hoàng Văn Chí, một người gốc Bắc di cư và cựu thành viên của Việt Minh, lập luận rằng Xuân Diệu chỉ đơn thuần là một công chức làm việc cho Đảng Lao động Việt Nam như ông đã từng làm (nhân viên hải quan) cho Pháp thời thuộc địa.[6] Chịu ảnh hưởng của tác phẩm Giai cấp mới: Phân tích về Thế giới Cộng sản của Milovan Djilas xuất bản năm 1957, Hoàng Văn Chí cho rằng những trí thức nòng cốt như Xuân Diệu không phải là những tín đồ thật sự của chủ nghĩa Mác-Lê mà chỉ là những kẻ cơ hội chủ nghĩa có tham vọng chính trị, đàn áp Nhân văn – Giai phẩm để bảo vệ quyền lợi giai cấp của mình. Theo cách diễn giải này, Nhân văn – Giai phẩm là một phong trào yêu nước gồm những nhà trí thức đủ mọi tầng lớp đấu tranh chống lại sự “áp bức trí thức” mà giới tinh hoa văn hóa được chế độ sủng ái đang áp đặt lên họ. Hoàng Văn Chí nhìn nhận giới tinh hoa văn hóa này như một “giai cấp mới”, chung một bản chất ích kỷ và là những tay sai tận tụy của lãnh đạo đảng.[7]
Năm 1990, một học giả người Pháp, cựu đảng viên cộng sản tên là Georges Boudarel, người đã từng tham gia Việt Minh trong cuộc Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất và sống tại Hà Nội từ năm 1954 đến tận năm 1964, xuất bản cuốn sách mở đầu cho dòng nghiên cứu về các trí thức đối kháng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhan đề Trăm Hoa Vẫn Nở Giữa Đêm Việt Nam: Chủ nghĩa Cộng sản và Bất đồng Chính kiến, 1954-1964 (Cent fleurs ecloses dán la nuit du Vietnam: communism et dissidence 1954-1964). Nếu như lập luận của Hoàng Văn Chí gần giống với của Djilas trong Giai cấp mới, thì tác phẩm của Boudarel có thể được coi như phiên bản Việt Nam của tác phẩm Cuộc Cách mạng bị phản bội của Leon Trotsky.[8] Học giả người Pháp này cho rằng các trí thức của phong trào Nhân văn – Giai phẩm chia sẻ sự tương đồng quan điểm ở chỗ cùng ghét cay ghét đắng một quan chức Văn nghệ kiểu Stalin: Tố Hữu, cùng phản đối chủ nghĩa Mao-ít, và cùng mong muốn chế độ mà họ đang phục vụ thực hiện những cam kết chính trị mang tính nhân văn (nhất là tự do ngôn luận).[9] Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi này, cũng như những điểm tương đồng khác như sự bất bình vì chứng kiến sự suy đồi văn hóa chính trị đang diễn ra xung quanh, và lòng căm ghét thường trực đối với chế độ Sài Gòn được Mỹ bảo trợ đã không đưa họ đến một sự thống nhất về một chương trình chính trị chung.[10] Về động cơ của Xuân Diệu khi tham gia đàn áp Nhân văn – Giai phẩm, Boudarel chỉ nêu ra một lý do là nhà thơ “thân cận với giới lãnh đạo đảng”.[11]
Ba năm sau, vào năm 1993, nhà lịch sử văn hóa Neil Jameison cũng đưa ra quan điểm riêng về vấn đề này, và lập luận trong cuốn sách Tìm hiểu Việt Nam rằng Xuân Diệu cũng như những trí thức cực tả khác của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có động cơ là niềm tin trung kiên vào chủ nghĩa Mác-Lê:
“Có lẽ Xuân Diệu là người nhiệt tình nhất trong số các nhà văn, nhà thơ tham gia Kháng chiến. Ông không còn bấu víu lấy cuộc đời bằng những móng tay và đối mặt với biên giới băng giá của chủ nghĩa hư vô nữa. Dưới ảnh hưởng của người bạn thân Huy Cận, Xuân Diệu đã trở thành một cảm tình viên nhiệt thành và được kết nạp Đảng vào năm 1947.[12] Sự nổi tiếng và tài thơ của ông là một đóng góp giá trị đối với Việt Minh. Để bù lại cho thành phần gia đình tư sản và quá khứ là thi sĩ lãng mạn nhất, Âu hóa nhất và riêng tư nhất trong văn giới Việt Nam, Xuân Diệu trở thành người cực đoan nhất trong giới văn nghệ cộng sản mới. Ông là người ca ngợi “Bác Hồ” và “Đảng” nhiệt tình hơn ai hết:
Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời Bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của người…
Chúng con thề nguyện một lời
Quyết tâm thành khẩn lột người từ đây.
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời Bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của người…
Chúng con thề nguyện một lời
Quyết tâm thành khẩn lột người từ đây.
Qua cụm từ “lột người từ đây”, Xuân Diệu muốn thể hiện chính xác, không thừa, không thiếu, sự tái sinh dưới một diện mạo mới. Đây là sự thể hiện nguyện ước được “tái sinh” dưới chủ nghĩa cộng sản… Đây là lời thỉnh cầu được thay đổi bản ngã tương tự như việc cải đạo, một trải nghiệm tôn giáo, một sự lột xác hoàn toàn. Cả Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu đã tìm được ý nghĩa mới và mục đích mới của cuộc đời, cùng thay đổi cá tính cũ của mình.[13]
Trong phần sau của cuốn sách, Jamieson lập luận rằng đối với Xuân Diệu cũng như các nhà thơ cách mạng khác, “kỷ luật của đảng cộng với tư cách thành viên trong một nhóm xã hội khép kín, có tính tổ chức cao đã khiến họ trút bỏ được gánh nặng của chủ nghĩa cá nhân và cho họ một diện mạo mới đắc ý hơn.”[14] Chính vì lý do đó, Jamieson cho rằng quyết định của Xuân Diệu tham gia ném đá Nhân văn – Giai phẩm xuất phát từ lòng tin cuồng nhiệt vào lý tưởng chung theo thuyết giáo của Đảng Lao động Việt Nam. Trong số các nghiên cứu về Xuân Diệu, ý kiến của Jamieson gần nhất với quan điểm chính thống, hiện vẫn được phổ biến ở trong nước khi đánh giá về nhà thơ.
Nghiên cứu mới nhất về Nhân văn – Giai phẩm của Kim Ninh (2002) và Heinz Schutte (2003) cũng có vẻ đồng điệu với quan điểm của Jamieson, coi Xuân Diệu như một tín đồ thực thụ của chủ nghĩa Mác-Lê trong khi các thành viên của Nhân văn – Giai phẩm có tính cách phức tạp, xuất phát từ sự đa dạng về cá tính, nghề nghiệp và lập trường chính trị. Schutte, trong bài nghiên cứu quan trọng về Nhân văn – Giai phẩm dưới lăng kính của Đại Sứ quán Đông Đức tại Hà Nội, đã viết như sau:
“Những đại diện của (phong trào) Thơ mới của những năm đầu thập kỷ 40 như Huy Cận (sinh năm 1920) và Xuân Diệu (1916-1985) – bị mất cảm hứng lãng mạn, phải chịu đựng sự đau khổ khi phải rời bỏ chủ nghĩa cá nhân, đã được Đảng, Việt Minh và cách mạng tái sinh, nên đã hòa nhập hoàn toàn vào tập thể cách mạng. Nhưng không phải trí thức Việt Nam nào cũng vậy. [Những thành viên phong trào Nhân văn - Giai phẩm như] (n)hà thơ Hoàng Cầm (sinh 1922), Trần Dần (1924-1927), và Lê Đạt (sinh 1929) và các học giả như Phan Khôi (1887-1960), Đào Duy Anh (1904-1988) và Trần Đức Thảo (1917-1993) chưa từng biến mình thành “những cái máy chỉ biết phục tùng” của đảng, được nhồi sọ, và tiếp thu một chiều, không phản biện với những khẩu hiệu thích hợp.”[15]
Như vậy, theo Schutte, Xuân Diệu đã “hòa nhập hoàn toàn” vào phong trào cách mạng, để trở thành (chúng ta có thể suy luận) một “cái máy chỉ biết phục tùng của đảng”, không phản biện suy tư về tư tưởng Mác-Lê của Đảng Lao động Việt Nam.
Chúng tôi cố gắng nêu ra qua bài luận này rằng Xuân Diệu, khi được nghiên cứu với phương pháp từng chỉ được dành riêng cho các thành viên của Nhân văn – Giai phẩm, sẽ không còn là hình ảnh một chiều, đơn tuyến như giới học giả thường mô tả ông. Thực chất, ông cũng có nhiều điểm giống với các thành viên của phong trào Nhân văn – Giai phẩm mà ông từng giúp đảng đàn áp. Trước hết, cũng như các tác giả nổi tiếng nhất của Nhân văn – Giai phẩm như Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm, ông cũng gặp rắc rối với giới lãnh đạo đảng về các vấn đề liên quan đến đời sống tình cảm của mình.[16] Tuy nhiên, trong trường hợp của Xuân Diệu, vấn đề không phải là thành phần giai cấp của người bạn tình mình chọn, mà ở chỗ ông có nhiều bạn tình, tất cả đều là đàn ông. Điểm thứ hai, và cũng là một trong những điều trớ trêu đáng ghi nhớ nhất của giai đoạn này, Xuân Diệu chính là người, với vai trò thư ký toàn soạn của ấn phẩm văn hóa quan trọng nhất của đảng, báo Văn nghệ, đã xuất bản những bài viết đầu tiên của Hoàng Cầm và Lê Đạt trong nỗ lực xoay chuyển nền văn chương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[17] Vào tháng Năm năm 1955, những nhà văn trẻ có can đảm phê bình ngay cả nhân vật quyền lực nhất trong văn giới, Tố Hữu, có thể đã coi Xuân Diệu như một đồng minh. Điểm thứ ba là, đối với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa luôn gây tranh cãi, Xuân Diệu công khai ca ngợi dòng văn học này và lớn tiếng chê bai những tác phẩm lãng mạn cũ của mình, những sáng tác đã làm cho ông trở nên nổi tiếng. Nhưng chỉ cần nghiên cứu sơ qua về những sáng tác cách mạng của Xuân Diệu, ta cũng có thể nhận thấy những động thái cố gắng khai thác lại những đề tài và tiểu tiết từ các tác phẩm lãng mạn của ông. Trên thực tế, ta có thể thấy Xuân Diệu lưỡng lự không kém gì những thành viên của Nhân văn – Giai phẩm khi cân nhắc giá trị nghệ thuật của các tác phẩm trước và sau cách mạng.
Để đánh giá lại quan điểm chung đã được đa số tán thành, coi Xuân Diệu như một kẻ cuồng tín về tư tưởng cách mạng, có thể xem những lời bàn khá căng thẳng về sự nghiệp cách mạng của Xuân Diệu xuất hiện trong các tờ báo nhà nước và tư nhân hồi năm 1956, qua đó ta thấy nhiều đồng nghiệp đương thời đánh giá những lập ngôn lạc quan của nhà thơ, tuyên ngôn rằng mình đã chuyển hóa hoàn toàn từ chủ nghĩa lãng mạn cá nhân sang chủ nghĩa tập thể Mác-Lê, là thiếu thuyết phục. Một nhà trí thức phê bình Xuân Diệu có “bệnh khoái cảm” – khoái cảm bệnh hoạn khi tả về bạo lực chiến tranh trong thơ cách mạng, ngầm ám chỉ rằng cảm hứng sáng tác của Xuân Diệu không phải bắt nguồn từ lý tưởng cách mạng của chế độ.[18] Ba nhà trí thức khác viết bài bật mí những thông tin tai tiếng về âm mưu lũng đoạn tổ chức đảng từ hậu trường để mưu lợi riêng của nhà thơ, có ý chê Xuân Diệu là một cán bộ thoái hóa, vẫn giữ nguyên thói ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa như mọi người vẫn đánh giá trước khi nhà thơ tham gia cách mạng.[19] Vì sao sự nghiệp cách mạng của Xuân Diệu lại gây nhiều tranh cãi đến vậy trong giới trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và rốt cuộc, thái độ thực của nhà thơ đối với hệ tư tưởng của chế độ là như thế nào?
Giai đoạn tiền cách mạng của Xuân Diệu
Một yếu tố quan trọng quyết định vị thế tương quan giữa cá nhân Xuân Diệu và Đảng Lao động Việt Nam là sự nghiệp sáng tác trước cách mạng của nhà thơ. Sinh năm 1916, ông sống với mẹ đẻ (là vợ hai của cha ông) suốt những năm tháng thơ ấu ngay tại làng quê của bà gần kề thành phố cảng Quy Nhơn. Năm ông mười một tuổi, cha ông (lúc đó đang dạy học) và mẹ kế quyết định đã đến lúc cậu bé Xuân Diệu phải xa người mẹ đẻ, đến sống chung với họ tại thành phố Quy Nhơn để bắt đầu theo học ở một trường tiểu học gần nhà. Sau đó, ông học tiếp lên các cấp cao hơn và giành được văn bằng của hai trường thuộc địa danh tiếng nhất, là trường Lyceé du Protectorat (thường gọi là trường Bưởi) và trường Quốc học Huế.[20] Năm ông 19 tuổi, tức là vào năm 1936, Xuân Diệu bắt đầu có thơ đăng trên các tờ báo có liên quan mật thiết với nhóm Tự lực Văn đoàn và Phong trào Thơ mới – cả hai đều chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp và chủ nghĩa cá nhân Tây Âu. Sự nghiệp của ông lên nhanh, và chẳng mấy chốc Xuân Diệu trở thành một trong những tác giả quan trọng (nếu không muốn nói là quan trọng nhất) của Phong trào Thơ mới. Tiếng tăm của Xuân Diệu cũng nổi nhanh như sức lan tỏa của Thơ mới trong công chúng. Năm 1942, nhà phê bình văn học giai đoạn tiền chiến nổi tiếng Hoài Thanh đã tả về nhà thơ trẻ Xuân Diệu trong tác phẩm có nhiều ảnh hưởng của mình về các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Thi nhân Việt Nam: 1932-1941 như sau:
“Bây giờ khó mà nói dược cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần, vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng.
Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta.”[21]
Hai tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945) được người đương thời cho là kiệt tác. Các nhà phê bình nhận thấy trong thơ ông có cảm nhận sâu sắc về tính phù du của thời gian và sự mong manh của cuộc sống, và cả hai điều này đều làm gia tăng lòng khát khao tuổi trẻ, mùa xuân và tình yêu toát ra từ những câu thơ của Xuân Diệu.[22] Danh tiếng của Xuân Diệu khiến ông trở thành một đối tượng vô giá đối với các lãnh đạo cộng sản, những người sau này sẽ thường xuyên yêu cầu ông trấn an dư luận về chính sách văn hóa.
Ở Việt Nam, các nhà phê bình văn chương đã phong Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình, và trong những năm gần đây, họ còn bắt đầu công khai thừa nhận rằng các bài thơ tình của ông được lấy cảm hứng chủ yếu từ các mối tình đồng tính của nhà thơ.[23] Ngoại trừ bài báo của Nguyễn Quốc Vinh về biến thái trong văn chương Việt Nam thời thuộc địa, cho tới nay các học giả phương Tây thường tránh đề cập trực tiếp về xu hướng luyến ái đồng tính của Xuân Diệu.[24] Hiển nhiên là họ không muốn khai thác khía cạnh đời tư này của nhà thơ, nhưng mặt khác lại muốn thể hiện là mình có biết về điều đó, nhất là với các độc giả có kiến thức, nên các nhà nghiên cứu thường chọn cách giải quyết vấn đề như Kim Ninh đã áp dụng trong cuốn sách xuất bản năm 2002 về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của mình, Một thế giới đã hoán cải. Bà viết, “Xuân Diệu, một ngôi sao sáng trong Phong trào Thơ mới, có thể dẫn Verlain và Rimbeau một cách thoải mái, cảm thấy gần gũi với những nhà thơ Pháp hiện đại này không kém gì các nhà thơ trẻ cùng thời ở Paris”.[25] Những người quen thuộc với văn thơ lãng mạn Việt Nam có thể nhận ra ngay lập tức rằng tác giả đang muốn liên hệ đến một bài thơ của Xuân Diệu trong đó đồng tính luyến ái được thể hiện trực tiếp nhất, bài “Tình trai”, ca ngợi mối tình cháy bỏng giữa hai nhà thơ thuộc trường phái Biểu tượng của Pháp, Paul Verlain và Arthur Rimbaud:
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,Say thơ xa lạ, mê tình bạn,Khinh rẽ khuôn mòn, bỏ lối quen. Những bước song song xéo dặm trườngĐôi hồn tươi đậm ngát hoa hương,Họ đi, tay yếu trong tay mạnh,Nghe hát ân tình giữa gió sương. Kể chi chuyện trước với ngày sau;Quên ngó môi son với áo màu;Thây kệ thiên đường và địa ngục!Không hề mặc cả, họ yêu nhau.Khi các lãnh đạo đảng kết nạp Xuân Diệu vào tổ chức công khai Việt Minh, họ đã tiếp nhận một thanh niên đầy tài năng và sức thu hút, đồng thời có lẽ cũng là nhân vật nổi tiếng có biểu hiện đồng tính lộ nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm đó. Dù so ra vẫn là quá kín đáo theo tiêu chuẩn hiện tại, những bài thơ tiền chiến của Xuân Diệu có hàm chứa đề tài đồng tính, và rõ ràng là xu hướng đồng tính luyến ái của Xuân Diệu không những là một nguồn cảm hứng quan trọng đối với thơ ông, mà còn là một phần bản ngã của nhà thơ. Nhưng đương nhiên Đảng Lao động Việt Nam không hề khuyến khích tự do luyến ái, đừng nói tới chuyện luyến ái đồng tính. Để hai bên có thể hợp tác với nhau được, cần phải có một số điều nhân nhượng.
Giai đoạn mới tham gia cách mạng
Thời điểm đầu tiên Xuân Diệu va chạm với chủ nghĩa cộng sản có thể tính vào tháng Sáu năm 1942, khi tổng thư ký Đảng Cộng sản Đông Dương, Trường Chinh sáng tác bài thơ “Là thi sĩ” đề tặng tất cả các nhà thơ Việt Nam, có những dòng như sau:
Nếu “thi sĩ là ru với gió,Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”…Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm vócPhủ lên trên xã hội đã điêu tàn,Véo von ca cho át tiếng kêu thanCủa nhân loại cần lao đang giãy giụaThì bạn hỡi, một nhà thơ như rứaLà tai ương chướng họa của nhân quần,[26]Được sáng tác trong lòng thành phố Hà Nội đang bị Nhật tạm chiếm, bài thơ của Trường Chinh kêu gọi các Văn nghệ sĩ, bất kể theo hệ tư tưởng hay trường phái nào, hãy trút bỏ những mối quan tâm cá nhân và tiếp nhận sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đúng ra, Trường Chinh đã dẫn hai câu đầu tiên từ bài thơ “Cảm xúc” của Xuân Diệu viết năm 1938 để làm lời mở đầu cho bài “Là thi sĩ” của mình, dường như chính nhà thơ lãng mạn nổi tiếng đã tạo cảm hứng chủ đạo cho sáng tác của ông tổng bí thư.[27] Hai năm sau, vào năm 1944, Xuân Diệu bắt đầu mang văn tài của mình ra phục vụ cho Việt Minh – tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông dương.[28] Đối với nhà thơ, cũng như một số trí thức khác đã nổi tiếng từ thời trước cách mạng, điều đó có nghĩa là làm việc trong Hội Văn hóa Cứu quốc và tờ báo văn hóa cách mạng Tiên Phong, được xuất bản ở Hà Nội trong thời kỳ Việt Minh nắm chính quyền, từ năm 1945 đến 1946. Với uy tín khá cao của Xuân Diệu, vừa là thi sĩ lãng mạn vừa có kinh nghiệm làm việc với tờ báo được coi là hàng đầu trong giai đoạn tiền cách mạng của nhóm Tự lực Văn đoàn, tờ Ngày Nay, việc ông được chọn làm thư ký tòa soạn (tên gọi cũ cho vị trí tổng biên tập) không làm ai ngạc nhiên. Tới cuối năm 1945, ông còn được chọn lựa để ra tranh cử vị trí đại biểu tỉnh Hải Dương trong kỳ bầu cử sắp tới của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng năm 1946). Đương nhiên, ông – cũng như những ứng cử viên được đảng chọn khác, đã đắc cử trong kỳ bầu cử tại tỉnh và trở thành thành viên Quốc hội mới của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[29] Vào tháng Năm năm đó, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng mời Xuân Diệu và một vài đại biểu Quốc hội khác cùng đi trong đoàn ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Fontainebleau để hội đàm với Pháp.
Khi những đoàn quân và xe tăng Pháp trở lại Hà Nội vào cuối năm 1946 để tái thiết chế độ thực dân ở Đông Dương, các thành viên Việt Minh đang làm việc ở thành phố phải tản cư ra vùng nông thôn. Đa số cán bộ Việt Minh tản ra ba hướng Bắc, Tây và Nam của đồng bằng sông Hồng để tránh hướng tấn công của Pháp từ Hải Phòng vào phía Đông Hà Nội. Đợt tiến công sau đó của quân Pháp cắt ngang Hà Nội, tiến về hướng Tây đã khiến Xuân Diệu và các trí thức khác (một số cùng đi với cả gia đình) phải liên tục di chuyển trong sáu tháng đầu của cuộc chiến. Tới giữa năm 1947, cuối cùng Xuân Diệu và văn hữu đã tìm được nơi sơ tán ở một ngôi làng nhỏ có tên là Gia Điền ở cực bắc tỉnh Phú Thọ. Ẩn giữa những dãy đồi có nhiều cây cối rậm rạp, làng Gia Điền là nơi trú ẩn lý tưởng và không bao lâu sau được chọn làm trụ sở cơ quan văn học kháng chiến.[30]
Tháng Ba năm 1948, Xuân Diệu cùng với các nhà văn khác ở Gia Điền bắt đầu xuất bản tạp chí văn hóa mới lấy tên là Văn nghệ. Thực chất tạp chí này chỉ là sự tiếp nối, cộng với sự thể hiện tư tưởng Mác-Lê công khai hơn so với tờ Tiên Phong đang xuất bản ở Hà Nội trước khi Pháp quay lại. Bốn tháng sau, tức là tháng Bảy năm 1948, Xuân Diệu cùng với vài chục nhà trí thức cách mạng khác tham dự hai hội nghị quan trọng tổ chức tại Phú Thọ. Hội nghị thứ nhất là Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai (từ ngày 16 đến ngày 20 tháng Bảy năm 1948), với việc thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, nhưng sự kiện nổi tiếng nhất phải là bài diễn văn tại hội nghị này của Trường Chinh với nhan đề “Chủ nghĩa Mác và vấn đề Văn hóa Việt Nam”. Trong suốt bốn thập niên sau đó, lãnh đạo đảng luôn đề cao tác dụng của bài diễn văn như một định hướng lý thuyết cho tất cả những người làm văn hóa. Ngày 23 tháng Bảy năm 1948, ba ngày sau khi kết thúc Đại hội Văn hóa Toàn quốc lần II, một hội nghị nhỏ hơn – Hội nghị Văn nghệ Toàn quốc, được tổ chức, dẫn đến sự ra đời của Hội Văn nghệ Việt Nam. Nhà thơ trẻ Xuân Diệu, lúc đó mới 32 tuổi, chắc rất hài lòng khi được chọn vào cơ quan điều hành quyền lực nhất của Hội, giữ ghế thành viên Ban thường vụ chỉ gồm năm người.[31]
Năm sau, tức là năm 1949, lãnh đạo đảng quyết định dời trụ sở cơ quan văn hóa về huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngay gần an toàn khu của Trung ương Đảng đang đóng tại Định Hóa. Huyện Đại Từ – chỉ cách chỗ ở của các nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp vài cây số về phía Nam, là nơi Xuân Diệu sinh sống trong suốt 5 năm cuối của cuộc kháng chiến. Ngày 5 tháng Mười một năm 1949, Hồ Chí Minh ký văn bản thông báo rằng tình hình mới – nhất là thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cho phép thành lập một đơn vị hành chính mới, trải rộng từ các tỉnh phía Bắc Hà Nội lên tới biên giới Trung Quốc. Vùng này sẽ được gọi là “Liên khu Việt Bắc”. Với trụ sở trung ương đảng đóng tại Thái Nguyên, đảm bảo đường kết nối với Trung Quốc – nguồn tiếp liệu chiến tranh chủ yếu của Việt Minh, Việt Bắc thực sự là đầu não của cuộc kháng chiến.[32]
Xuân Diệu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1949, khi ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của Việt Minh đang tăng cao.[33] Mối quan hệ này, cộng với sự kiện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức công nhận về ngoại giao có vẻ đã khiến Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cao nhất của Đảng Lao động Việt Nam mạnh dạn hơn và công khai thừa nhận tư tưởng Mác-Lê là nền tảng của đường lối lãnh đạo cách mạng. Kết quả của sự chuyển hướng này là việc áp dụng biện pháp chỉnh huấn của Liên Xô và Mao, một kỹ thuật cải tạo tư tưởng sử dụng “phê bình và tự phê bình” để chuẩn bị tinh thần cho cán bộ chính trị và chiến sĩ trước những nhiệm vụ cách mạng khó khăn.
Chính trong hai tối chỉnh huấn vào năm 1952, Xuân Diệu đã phải trả giá cho thói lang chạ đồng tính của mình và mất chiếc ghế ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn nghệ. Nhà văn cách mạng Tô Hoài, một người tình của Xuân Diệu trong nhiều năm, hồi tưởng lại những buổi tối đó như sau:
“Xuân Diệu chỉ ngồi khóc. Chẳng biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm Bình, những thằng Đại, thằng Đắc, Tô Sang và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, tất nhiên không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyết rũ, mình cũng điên kia mà, chứ có phải một mình Xuân Diệu đâu. Không nói cụ thể việc ấy, nhưng ai cũng to tiếng, to tiếng gay gắt, nghiêm trang phê phán “tư tưởng tư sản, tư tưởng tư sản xấu xa phải chừa đi.” Xuân Diệu nức nở nói đấy là tình trai của tôi… tình trai…” rồi nghẹn lời, nước mắt ứa ra, không hứa hẹn sửa chữa gì cả.”[34]
Theo Tô Hoài, sau khi Xuân Diệu bị truất ghế ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn nghệ, “bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người có thì giờ chỉ chuyên đi và viết.[35]
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng Năm năm 1954, tiếp theo là Hiệp định Geneva được ký kết hai tháng sau đó, chính xác là ngày 21 tháng Bảy năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Đối với Xuân Diệu và các văn nghệ sĩ Việt minh khác, cùng với hầu hết các nhà lãnh đạo cách mạng ở Liên khu Việt Bắc, đã đến lúc rời chiến khu để trở về Hà Nội trong vai người chiến thắng – nhưng phải xuất bản nốt số cuối của tờ Văn nghệ đã. Trong số tháng Mười này, Xuân Diệu đăng một lá thư gửi tất cả những nhà văn đã quyết định ở lại Hà Nội trong thời gian Pháp tạm chiếm. Lá thư thể hiện phong cách bút chiến đại ngôn lên gân mà Xuân Diệu thường sử dụng (phong cách này rõ ràng đã góp phần tạo cho Xuân Diệu được tiếng là người có lập trường tư tưởng vững vàng):
“Có những người vì hoàn cảnh nào đó mà làm cho địch, tiếng hát đã bán cho đài phát thanh địch, mà tâm hồn chảy máu không thôi. Muốn vùi đầu quên thân trong son phấn trăng hoa rượu tiệc, mà khuya về, tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của văn nghệ chân chính không để cho mình nhắm mắt. Ta có phải là ta nữa không? Sao cổ họng, ngòi bút, tài năng của ta lại làm đồ dùng cho chiến tranh và xâm lược? Những người đau khổ ấy vẫn là bạn, vì tâm hồn văn nghệ vẫn sống dưới đáy lòng.”[36]
Dù văn nghệ sĩ Việt Nam bị chia cách bởi chiến tranh, và trong nhiều trường hợp, bởi quan điểm chính trị trái ngược, nhưng tình cảm đồng nghiệp giữa họ với nhau, có vẻ vẫn được duy trì, tuy có bị phai mòn. Nói cách khác, những người đã từng làm việc cho Pháp hay chỉ đơn thuần đã không làm gì để ủng hộ Việt Minh trong cuộc chiến cũng có thể tìm được cuộc sống mới dưới chế độ cộng sản. Tuy nhiên, đi cùng với vòng nguyệt quế mừng chiến thắng là những yêu cầu và điều kiện, mà Xuân Diệu đã giải thích với giọng thuyết giảng hùng biện đặc trưng:
“Văn nghệ đã căm thù quyết liệt cái thòng lọng đế quốc hung tàn. Quyết không một nét vẽ, một câu thơ, một bài văn, một tiếng đàn, một giọng hát, một màn kịch, một điệu múa nào cho địch! Quyết không bao giờ đem bông hoa sáng tạo vứt xuống bùn nhơ! Quyết không để cho cái tinh anh của con người mập mờ với xâm lăng và ngu tối! Mà trái lại, từ đây hơn bao giờ hết rạch ròi ranh giới, vạch rõ trắng đen giữa tà và chính, giữa giả và chân, giữa địch và TA! Đó là vấn đề sống chết của những con người văn nghệ.”[37]
Để ghi nhận những cống hiến của Xuân Diệu với cách mạng trong tám năm kháng chiến, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam đã cấp cho ông và người bạn suốt đời của ông, Huy Cận, một nhà thơ nổi tiếng đồng thời là quan chức văn hóa cao cấp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một căn biệt thự Pháp rộng rãi trên phố Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Bất động sản cao cấp này có thể được coi như một tín hiệu của giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam rằng mọi nhu cầu vật chất của Xuân Diệu sẽ được quan tâm thỏa đáng nếu ông tiếp tục phục vụ sự nghiệp của họ một cách trung thành. Về nhu cầu tình cảm và sinh lý của nhà thơ, lãnh đạo đảng cũng cố gắng tạo điều kiện. Dù có quan điểm khắt khe và bảo thủ về hôn nhân và tình dục, họ cũng sẵn lòng làm ngơ cho trường hợp của Xuân Diệu, cho phép ông được sống chung một nhà với Huy Cận. Nhưng có lẽ đáng ghi nhận hơn là việc cả hai nhà thơ đều sống chung nhà với bà Ngô Xuân Như, người em gái cùng cha khác mẹ với Xuân Diệu và là vợ của Huy Cận. Cuộc hôn nhân của họ cho ra đời một người con trai vào năm 1957 và chỉ kéo dài thêm vài năm sau đó, rồi hai người chia tay. Huy Cận tái hôn năm 1964 và có thêm ba người con.[38]
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp sắp kết thúc, Xuân Diệu cũng đã thu xếp cho mẹ đẻ mình, lúc này đã già yếu, từ Quy Nhơn ra Hà Nội để tiện chăm sóc. Em trai nhà thơ, ông Ngô Xuân Huy, quyết định ở lại miền Nam, nơi ông hưởng một cuộc sống lặng lẽ với nghề viết văn độc lập dưới bút danh Tịnh Hà không mấy nổi tiếng.[39]
Trong kế hoạch tiếp quản Hà Nội, lãnh đạo đảng quyết định chuyển đổi tờ Văn nghệ từ một nguyệt san có phần thô sơ về hình thức phát hành ở chiến khu, thành một tờ bán nguyệt san quy mô hơn – có thể sánh với các ấn bản văn hóa, trí thức của Hà Nội thời Pháp tạm chiếm. Một thay đổi nữa là ban điều hành tờ báo. Sau bốn năm để trống chức vụ thư ký toàn soạn chính thức của tờ báo, các lãnh đạo văn hóa của chế độ mới quyết định phục hồi vị trí này. Tương tự như trường hợp của tạp chí cách mạng xuất bản tại Hà Nội trước đây, tờ Tiên Phong (1945-1946), chức vụ này rơi vào tay Xuân Diệu. Có thể họ đã tính toán rằng, những nhà trí thức không theo cách mạng, nhiều người trong số đó đang cân nhắc xem có nên di cư vào Nam không, sẽ thấy yên tâm hơn khi tên tuổi nhà thơ lãng mạn nổi tiếng xuất hiện trên bìa ấn phẩm văn hóa quan trọng nhất của chế độ mới. (Trên thực tế, tên Xuân Diệu được in với cỡ chữ to gấp đôi tên các thành viên khác trong ban biên tập). Dù với lý do gì đi nữa, việc được bổ nhiệm vào vị trí thư ký tòa soạn tờ Văn nghệ vào thời điểm bản lề hẳn có tác dụng như một thông điệp bảo đảm với nhà thơ rằng, dù gặp rắc rối vì quan hệ đồng tính luyến ái hai năm trước đó, tài năng và uy tín của ông trong lĩnh vực văn hóa vẫn được đánh giá cao trong chế độ mới mà nhà thơ đang phụng sự.
(Xem tiếp phần 2 sau chú thích phần 1)
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol. 5, no.2, Summer 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Đông Hiến
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Đảng Cộng sản Đông Dương (1931-1945) là tiền thân của Đảng Lao động Việt Nam (1951-1975) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1976-nay).
[2] Mạc Đình, Tâm trạng của giới Văn nghệ ở miền Bắc (Sài gòn, 1956 – không rõ tên nhà xuất bản); P.J Honey “The Revolt of the Intellectuals in North Vietnam” (Cuộc nổi dậy của các trí thức miền Bắc), The World Today 13, No.6 (June 1957): 250-260; Hoa Mai, biên tập, The “Nhân Văn” Affair [Vụ Nhân Văn] (Sài Gòn: The Vietnam Chapter of the Asian People’s Anti-Communist League, 1958); Hoàng Văn Chí, The New Class in North Vietnam [Giai cấp mới ở miền Bắc Việt Nam] (Sài Gòn: Công Dân, 1958); Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Sài Gòn: Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn hóa, 1959); Như Phong “Intellectuals, Writers, and Artists,” (Trí thức, Văn sĩ và Nghệ sĩ) China Quarterly, no.9 (Jan-March 1962): 47-69; Hoàng Văn Chí, From Colonialism to Communism [Từ thực dân đến cộng sản] (London, Pall Mall Press, 1964; Hirohide Kurihara, “Changes in the Literary Policy of the Vietnamese Workers Party, 1956-1958” (Những thay đổi trong chính sách văn học của Đảng Lao động Việt Nam, 1956-1958) trong Indochina in the 1940s and 1950s, eds. Takashi Shiraishi and Motoo Furata (Ithaca, NY: Sotheast Asia Program Cornell University, 1992), (Nguyên bản tiếng Nhật của bài luận của Kurihara được đăng trên Journal of Asian and African Studies, 1988); Georges Boudarel, Cent fleurs ecloses dans la nuit du Vietnam: Communism et dissidence 1954-1956 [Trăm hoa vẫn nở trong đêm Việt Nam: Chủ nghĩa cộng sản và bất đồng chính kiến 1954-1956] (Paris: Editions Jacques Bertoin, 1991); Georges Boudarel “Intellectual Dissidence in the 1950s: The Nhan van-Giai pham Affair” [Trí thức bất đồng chính kiến trong thập niên 1950: Vụ Nhân văn-Giai phẩm], Phi Linh Baneth lược dịch từ tiếng Pháp, Vietnam Forum 13 (1990): 154-174; Kim Ninh, A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam [Một thế giới đã hoán cải: Chính trị hóa văn hóa và cách mạng Việt Nam] (Ann Arbor: University of Michigan Press, 2002), chương 4 (Trí thức bất đồng chính kiến: Thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm); Nguyễn Ngọc Tuấn, “Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship between Literature and Politics” [Phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa trong Văn học Việt Nam: Phân tích mối quan hệ giữa Văn học và Chính trị] (luận án tiến sĩ, Trường Đại Học Victoria, 2004) chương 6 (Vụ Nhân Văn Giai Phẩm: Khủng hoảng giữa thời bình); Shawn McHale, “Vietnamese Maxism, Dissent, and the Politics of Postcolonial Memory: Tran Duc Thao, 1946-2003” (Chủ nghĩa Mác, Bất đồng chính kiến và Chính trị của Ký ức hậu thuộc địa ở Việt Nam: Trần Đức Thảo, 1946-2003), Journal of Asian Studies 61, no.1 (Feb, 2002): 7-31; Heinz Schutte, “Hundred Flowers in Vietnam, 1955-1957” (Trăm Hoa trên đất Việt, 1955-1957), bài trình bày tại hội thảo thường niên Hội Nghiên cứu Châu Á, New York, 28/3/2003; Nguyễn Võ Thu Hương, The Ironies of Freedom: Sex, Culture and Neoliberal Governance in Vietnam [Nghịch lý của tự do: Tình dục, văn hóa và cách quản lý tân tự do ở Việt Nam] (Seattle: University of Washington Press, 2008), chương 7 (Từ tinh thần bất phục đến người đàn bà quỳ).
[3] Boudarel, “Intellectual Dissidence”, 172.
[4] Bà Thụy Khuê, trí thức người Pháp gốc Việt đáng được ghi nhận đặc biệt vì đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn với các nhân vật Nhân văn – Giai phẩm trong chương trình Văn học Nghệ thuật của đài RFI.
[5] Xuân Diệu, Huy Cận, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Tú Mỡ, Hồng Chương, và những người khác.
[6] Hoàng Văn Chí, Trăm Hoa, 148.
[7] Mạc Đình, Trăm Hoa, 12-13. Hoàng Văn Chí, From Colonialism to Communism, 230-231.
[8] Tất nhiên là sự so sánh này cũng có chỗ khập khiễng. Vào năm 1990, khi Boudarel viết cuốn sách này, ông đã có thành kiến với chủ nghĩa cộng sản trong khi Trotsky vào năm 1936 viết ở góc độ một tín đồ chân thực.
[9] Về thái độ cùng căm ghét Tố Hữu, xem Boudarel, Cent fleurs, 245. Về thái độ thù nghịch chủ nghĩa Mao-ít và sự mong muốn chế độ thực hiện những cam kết đã hứa, xem Boudarel “Intellectual Dissidence in the 1950s”, lần lượt ở các trang 154 và 164.
[10] Boudarel, Cent fleurs, 245.
[11] Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s”, 164-165. Trong Cent fleurs tác giả viết: “Xuân Diệu, cùng với người bạn chí thiết Huy Cận, có quan hệ rất tốt với Tố Hữu và những người phụ trách văn hóa của đảng – chỉ trích một người là động đến tất cả những người khác (trong bọn họ)”: 235.
[12] Hồ sơ về Xuân Diệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III ghi ông gia nhập đảng năm 1949.
[13] Neil Jamieson, Understanding Vietnam (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1993), 208-209.
[14] Sđd., 269.
[15] Schutte, “Hundred Flowers in Vietnam”, 6.
[16] Cả Trần Dần và Hoàng Cầm đều yêu những người phụ nữ Hà Nội mà theo quan điểm của đảng là xuất thân từ giai cấp bóc lột. Xem Kim Ninh, A World Transformed, 123-133. Chuyện tình của Lê Đạt được ít người biết đến hơn. Khi tham gia cải cách ruộng đất năm 1953, ông cưới một phụ nữ thuộc tầng lớp bần nông, rồi chẳng bao lâu sau bỏ bà để lấy một nữ diễn viên trẻ, việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín chính trị của ông.
[17] Trong tiếng Việt, văn nghệ là từ được ghép từ hai từ “văn học” và “nghệ thuật”. Nhưng cụm từ “văn nghệ” cũng có thể được hiểu theo nghĩa “văn hóa” – ví dụ như sáng tạo (hoặc quản lý) văn hóa/văn nghệ.
[18] Huy Phương, “Phát biểu về tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu”, Văn nghệ, số 126, 21-28/6/1956.
[19] Phan Khôi, “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, Giai phẩm Mùa thu tập 1, tháng 8/1956; Trần Công, “Chống bè phái trong văn nghệ”, Nhân Văn, sối 1, 20/9/1956; Nguyễn Bính, “Về giải thưởng văn học 1954-1955”, Trăm Hoa, số 1, tháng 10/1956.
[20] Dưới chính quyền Trần Trọng Kim năm 1945, tên Trường Bưởi Hà nội chính thức được đổi thành Trường Chu Văn An, và được giữ nguyên đến nay. Trường Quốc học Huế đã qua vài lần đổi tên. Khi người Pháp thành lập trường vào năm 1896, tên chính thức của trường là École primaire superieur, nhưng người Việt thường gọi là Trường Quốc học. Năm 1936, trường đổi tên thành Trường Trung học Khải Định. Năm 1955, lại đổi thành Trường Trung học Ngô Đình Diệm. Năm 1957, trường được trả lại tên cũ Quốc học, và được giữ nguyên đến nay. Như rất nhiều người đã biết, nhiều nhân vật chính trị quan trọng đã học qua hai trường này. Điểm qua danh sách cựu học sinh trường Bưởi có Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Đức Thảo, Dương Trung Quốc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Ngọc Phách, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện, và nhiều người khác. Ở trường Quốc học Huế, có Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Lưu Trọng Lư, Huy Cận và Xuân Diệu. Chính trường Quốc học Huế là nơi Xuân Diệu gặp người tình suốt đời Huy Cận.
[21] Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam: 1932-1941 (Hà Nội: NXB Văn Học, 2005. Theo lời nhà xuất bản, đây là bản in lại nguyên tác do NXB Nguyễn Đức Phiên in năm 1942).
[22] Xuân Diệu, Thơ thơ và Gửi hương cho gió (Hà Nội, NXB Hội Nhà văn, 1995). Những ý kiến phê bình thơ Xuân Diệu có thể đọc được từ: Thanh Lãng, 13 năm tranh luận văn học, 1932-1945 (TP HCM: Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP HCM, 1995).
[23] Đọc các bài viết, ví dụ như của Hà Minh Đức, Xuân Diệu: Ông hoàng của thơ tình yêu (Hà Nội: NXB Giáo dục, 2004).
[24] Nguyễn Quốc Vinh, “Deviant Bodies and Dynamics of Displacement of Homoerotic Desire in Vietnamese Literature from and about the French Colonial Period (1858-1954)” [Biến thái hình thể và những mâu thuẫn xung quanh chủ đề khát khao tình dục đồng tính trong và sau giai đoạn Pháp thuộc, 1858-1954], Hợp Lưu số 42, tháng 8-9, 41-53. Trong luận án tiến sĩ đang viết, Richard Trần dành một chương để bàn về tình yêu đồng giới của Xuân Diệu trong những năm tiền cách mạng.
[25] Kim Ninh, A World Transformed, 59.
[26] Sóng Hồng (Trường Chinh), Thơ (Hà Nội: Văn Học, 1966) 25-28.
[27] Một bài trên báo Công an Nhân dân ngày 7/2/2007 nhan đề “‘Là thi sĩ’ của Sóng Hồng phê phán ‘Cảm xúc’ của Xuân Diệu?” cho rằng Trường Chinh viết bài thơ ban đầu là để vận động một thư ký doanh trại lính Pháp rất yêu thơ tham gia cách mạng.
[28] Từ điển Văn học (Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1984), 604.
[29] Sau khi giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương dành ra mấy tháng sau đó để truy tầm và xử tử vài ngàn người bị coi là phần tử chính trị nguy hiểm (nhất là đảng viên các đảng đối lập). Vì vậy, khó có thể tưởng tượng được rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương nghiêm túc thực hiện “dân chủ đại diện” trong cuộc tổng tuyển cử tháng Giêng năm 1946. Không rõ Xuân Diệu, gốc Quy Nhơn quê Hà Tĩnh, có liên hệ cụ thể gì với tỉnh Hải Dương.
[30] “Đỗ Ngọc Dũng, “Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập Hội Văn nghệ Việt Nam: 25/7/1948-25/7/2008, 16/7/2008”. http://dodungart.vnweblogs.com/post/3574/80401 (truy cập ngày 5/5/2010)
[31] Sđd. Xuân Diệu phụ trách “tổ chức kiểm tra”. Trong bốn người còn lại, Nguyễn Tuân là Tổng thư ký, Tố Hữu Phó Tổng thư ký, Võ Đức Diên phụ trách kinh tế và Ngô Quang Chân làm quản trị.
[32] “Nghị quyết Hội Nghị Thống Nhất Hai Khu 1 và Khu 10: 5/11/49, Văn Kiện Đảng Toàn Tập (Hà Nội: Chính trị Quốc Gia, 2001), 10:427.Cần phân biệt “Việt Bắc” khác với “miền Bắc”, là khái niệm rộng hơn, dùng để chỉ 1 trong 3 kỳ thời Pháp thuộc, và sau Hiệp định Geneva 1954, chỉ một nửa đất nước tính từ phía bắc vĩ tuyến 17.
[33] Tịnh Hà, Xuân Diệu: Con người và Tác phẩm (Hà Nội: Văn Học, 1987), 11.
[34] Tô Hoài, Cát bụi chân ai (Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1992), 198.
[35] Sđd, 199.
[36] Xuân Diệu, “Thư gửi các bạn văn nghệ ở Hà Nội”, Văn nghệ, số 56, tháng 10/1954.
[37] Sđd.
[38] Sau đó, Huy Cận lấy người vợ thứ hai, và cũng là cuối cùng, bà Trần Lệ Thu, giảng viên tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ vào năm 1964, khi bà 28 tuổi. Họ có với nhau ba người con.
[39] Sau năm 1975, hai anh em được đoàn tụ và cùng cộng tác trong một số dự án văn học.
---------
Phần 2
Đông Hiến dịch
Cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc
Trong chín tháng giữ vai trò cầm lái tờ Văn nghệ, từ ngày mồng 1 tháng Mười một năm 1954 đến ngày mồng 4 tháng Tám năm 1955, Xuân Diệu trải qua một giai đoạn có thể coi là ly kỳ nhất trong cuộc đời tham gia cách mạng của ông. Với chức vụ thư ký tòa soạn, Xuân Diệu cầm trịch cuộc tranh luận văn học quan trọng về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, người đã được lãnh đạo đảng chọn để đứng đầu mặt trận văn hóa. Cách Xuân Diệu xử lý cuộc tranh luận có vẻ đã làm lãnh đạo đảng không hài lòng, và có thể chính điều đó đã dẫn đến quyết định phải thay người khác vào vị trí thư ký tòa soạn báo Văn nghệ.
Trong hai tháng đầu tiên, Xuân Diệu đã để cho cuộc tranh luận diễn ra như một sự kiện tranh luận văn học thực sự, cho in một số bài phê bình Việt Bắc khá nặng cùng với những bài khen ngợi.[1] Nhưng dưới quan điểm “văn học không thể tách rời chính trị” của chế độ, tranh luận công khai về thơ của Tố Hữu cũng có nghĩa là tranh luận về quan điểm chính trị của ông ta. Và đương nhiên, phe phê phán chẳng bao lâu sau bắt đầu đặt câu hỏi về lập trường của Tố Hữu theo hệ tư tưởng Mác-Lê, ngầm ý chất vấn quyết định của lãnh đạo khi giao trọng trách cho Tố Hữu ở vị trí quyền lực nhất trong lĩnh vực văn hóa. Nguyên nhân vì sao lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam để cho cuộc tranh luận kéo dài đến thế vẫn là điều chưa được giải đáp. Một cách giải thích khả dĩ là cuộc tranh luận diễn ra trong thời điểm còn nhiều căng thẳng đối với giới lãnh đạo chế độ mới, khiến họ e ngại nếu can thiệp không khéo sẽ làm bất bình số đông trí thức cách mạng, những người coi việc tranh luận chuyên môn là một phần bình thường của đời sống trí thức.
Trong thời gian đó, nạn đói xảy ra ở hầu khắp các vùng nông thôn miền Bắc. Lúc đó đang là tháng Tư, một tháng trước vụ chiêm. Ngay cả trong những năm được mùa, người nông dân Bắc Việt vẫn thường thiếu ăn vào thời điểm này. Ba văn bản liên tiếp của Bộ Chính trị kêu gọi cứu đói trên toàn miền Bắc (vào các ngày mồng 9, 16 và 29 tháng Tư năm 1955) cho thấy tình hình căng thẳng đến mức nào.[2] Một vấn đề lớn nữa thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo vào thời điểm này là cuộc di cư lớn của người dân miền Bắc vào Nam. Hiệp định Geneva đã ấn định khung thời gian ba trăm ngày tự do đi lại giữa hai miền Nam – Bắc từ tháng Bảy năm 1954 đến tận tháng Năm năm 1955. Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những người tự gọi chế độ của mình là “dân chủ nhân dân”, việc gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam được coi là một thất bại lớn về thể diện. Đoạn văn dưới đây, trích từ Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị ban hành ngày 16 tháng Hai năm 1955 cho thấy phần nào mối quan ngại của lãnh đạo đảng về vấn đề di cư và tác động của nó đối với hình ảnh quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
“Chọn một vài địa điểm điển hình để tổ chức cho đồng bào đi (khu chọn rồi đề nghị với Trung ương). Nếu mờ cả Ủy Ban quốc tế đến để chứng kiến việc đó. Những nơi này phải là nơi có cơ sở quần chúng của ta, khi tổ chức cho quần chúng đi thì chỉ có số ít xin đi, như thế mới có lợi cho ta. Khi làm việc này phải chuẩn bị chu đáo, giải quyết thật nhanh.
Phải có kế hoạch trấn áp phản động, tăng cường canh gác, kiểm soát, đề phòng địch lợi dụng dịp này thúc đẩy quần chúng tập trung, gây khó khăn cho ta.”[3]
Tố Hữu, tác giả của tập thơ Việt Bắc, lúc đó mới ba mươi lăm tuổi, là một người gốc Huế gia nhập Đảng Cộng sản Đông dương từ năm 1938 và thăng tiến rất nhanh qua các cấp ủy. Khi tập thơ được xuất bản, ông ta đang được cân nhắc vào vị trí ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, một việc sẽ xảy ra trong năm 1955.[4] Một biểu hiện nhỏ cho thấy lãnh đạo đảng đánh giá tập thơ Việt Bắc cao đến thế nào là quyết định trích ngân sách hẹp hòi để cho in tập thơ với số lượng hai mươi nghìn bản, một con số ấn bản lớn chưa từng có.[5] Về nội dung, Việt Bắc là sự thể hiện bằng thơ quan điểm của Mao về “chiến tranh nhân dân”.[6] Tố Hữu tả toàn thể dân tộc Việt Nam đều cống hiến trọn vẹn tâm hồn và lý trí cho công tác đấu tranh cách mạng: từ người nông dân đi phá đường cho đến người lính pháo binh công tập đồn Pháp, từ người phụ nữ tải đạn ra chiến trường đến em nhỏ làm giao liên cho du kích Việt Minh. Ông ta nồng nhiệt ca ngợi Hồ Chí Minh, Stalin, Mao và Đảng Lao động Việt Nam. Việt Bắc còn bao gồm các bài dịch từ dân ca Nam Tư và một số bài thơ nước ngoài khác – hai bài của nhà thơ Liên Xô Konstantin Simonov, một của nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon, và một của nhà thơ cộng sản Mỹ Ethel Rosenberg, đã bị tử hình với tội danh gián điệp vào năm 1953.
Bài báo đầu tiên giới thiệu tập thơ của Tố Hữu với công chúng do một cán bộ chính trị xuất thân từ tỉnh Nghệ An tên là Xuân Trường viết được đăng trên số Tết (ngày 24 tháng Giêng năm 1955) của tờ báo chính thống của đảng –Nhân dân.[7] Bài báo được viết theo dàn bài tiêu chuẩn của một văn kiện báo cáo đảng: giới thiệu, ưu điểm, khuyết điểm và kết luận. Trong suốt cả bài gồm hai mươi chín đoạn văn, chỉ có hai đoạn bàn về khuyết điểm của tập thơ Việt Bắc. Hai đoạn đó chủ yếu vạch ra rằng Tố Hữu cần phải “cụ thể” hơn khi tả “người nông dân tham gia cách mạng” và “đảng Tiên Phong của dân tộc”. Xuân Trường viết “chúng ta rất tiếc rằng Tố Hữu chưa nói lên hộ lòng biết ơn, sức tin tưởng của hàng chục triệu con người đảng viên và quần chúng đối với Đảng tiên phong của giai cấp công nhân.”[8]
Ba tuần sau, vào ngày 15 tháng Hai năm 1955, Xuân Diệu cho đăng trên Văn nghệ phần đầu của bài nhận xét dài của chính ông về tập thơ của Tố Hữu. Cũng như bài viết của Xuân Trường, ông giữ đúng cấu trúc tiêu chuẩn của một bản báo cáo chính trị. Trong bài viết gồm bảy mươi đoạn văn, Xuân Diệu dành sáu mươi đoạn để ca ngợi ưu điểm của tập thơ:
“Từ 1932 đến 1945, trong khi các nhà thơ khác đắm chìm trong phong trào “thơ mới” mơ mộng, than khóc, u sầu, Tố Hữu đã đi tiên phong, hát những bài ca tranh đấu.”…
Con đường ngót 20 năm nay Tố Hữu đã đi là một con đường vinh quang, kỳ diệu. Chỗ kỳ diệu lớn lao là nhà thi sĩ làm cách mạng, và nhà cách mạng làm thơ, và thơ rất thành công…
Cách mạng càng ngày càng thắng lợi, càng to lớn, đồng thời cũng đưa tài thơ của Tố Hữu nở dần đến chỗ tròn đầy, lộng lẫy. Đó là sự tương quan mật thiết giữa hành động và văn chương, và Tố Hữu là điển hình đẹp nhất.”[9]
Trong phần đầu của đoạn trích nêu trên, Xuân Diệu dường như đang xưng tội về quá khứ của chính mình khi tham gia Thơ mới. Phải chăng mười năm dưới sự dẫn dắt của đảng đã chuyển hóa hoàn toàn nhà thơ lãng mạn nổi tiếng Xuân Diệu? Có vẻ là như vậy, cho đến khi chúng ta đọc đoạn thứ mười của bài với những dòng Xuân Diệu viết về nhược điểm của tập thơ. Tại đó, nhà thơ nhẹ nhàng chỉ ra rằng tập thơ Việt Bắc “nặng về tình cảm xã hội mà gần như bỏ qua tình cảm cá nhân”. Trong một khổ khác, ông viết, “Con người cán bộ trong Tố Hữu bao trùm con người thường”. Ở đây, những lời phê bình của Xuân Diệu dường như có hàm ý đề cao tính chủ quan – cho phép con người ta có thể thay đổi bản chất để phù hợp với hoàn cảnh. Không một bài viết nào khác về Việt Bắc đưa ra một ý kiến tương tự như thế. Từ đó, người đọc có thể suy diễn một cách hợp lý rằng, theo Xuân Diệu, tính chủ quan của con người rất phức tạp, không thể đánh giá theo một yếu tố chung nào hết – như giai cấp chẳng hạn. Trong phần sau của bài viết, Xuân Diệu bổ sung thêm rằng thơ Tố Hữu “nặng về tình cảm xã hội, tình cảm tập thể ” mà “hầu như không nói đến những tình cảm của cá nhân”.[10] Không rõ Xuân Diệu có ý thức được điều này không, nhưng rõ ràng việc ông chiếu tướng Tố Hữu về tình cảm cá nhân và khả năng một con người có thể mang nhiều diện mạo tiềm ẩn nguy cơ thách thức học thuyết chính thống cao hơn rất nhiều so với yêu cầu của Xuân Trường về việc cần tả cụ thể về đảng tiên phong và quần chúng hàm ơn.
Ngày 11 tháng Ba năm 1955, hai tuần sau khi đăng bài bình luận của chính mình, Xuân Diệu duyệt và cho đăng bài phê bình Việt Bắc của Hoàng Yến, một nhà phê bình văn học trong quân đội gần như chưa được ai biết đến. Với nhan đề “Tập thơ Việt Bắc có tính hiện thực hay không?”, bài phê bình phân tích năm bài trong tập thơ để đi đến kết luận chung rằng những suy nghĩ, từ ngữ và hành động của các nhân vật trong Việt Bắc trong những tình huống quan trọng có vẻ không hiện thực và không thể hiện được tính phong phú và vĩ đại của cách mạng.[11] Ngoài bài viết của Hoàng Yến, Văn nghệ còn mời độc giả viết thư để đóng góp phản hồi về tập thơ Việt Bắc đồng nghĩa với việc mở rộng diễn đàn tranh luận cho công chúng.
Trong một tháng rưỡi sau đó, Xuân Diệu, trong vai trò thư ký tòa soạn Văn nghệ, đã cho đăng tiếp năm bài phê bình Tố Hữu, có nhiều điểm cho rằng ông ta kém về năng lực lãnh đạo, thơ thì tầm thường và quan điểm cách mạng “tiểu tư sản có hệ thống”.[12] Chắc chính lời phê về “tiểu tư sản” đó đã làm lãnh đạo đảng nhức nhối nhất vì họ đã chọn Tố Hữu, cùng với các Ủy viên Trung ương là Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt giám sát công tác chỉnh huấn tư tưởng, với mục tiêu chính là gạt bỏ những “tư tưởng tiểu tư sản” khỏi đầu óc các đảng viên.[13]
Trong suốt năm tuần, Xuân Diệu đã duy trì gần như cân bằng những bài viết theo hai hướng khen và chê tập thơ của Tố Hữu, như thể ông đang trở lại làm việc cho tờ Ngày Nay của Tự lực Văn đoàn vậy. Rồi bỗng nhiên, sau số Văn nghệ ra ngày 1 tháng Năm năm 1955, ông xoay ngược một trăm tám mươi độ, cho đăng toàn những bài khen ngợi tập thơ hết lời. Sự trùng hợp về thời gian giữa việc thay đổi đường lối nói trên và cái mốc ba trăm ngày tự do đi lại giữa hai miền Nam Bắc (đến 18 tháng Năm 1955) gợi cho ta thấy hình như việc tự do đi lại cũng là một yếu tố quyết định cách chính quyền xử lý cuộc tranh luận. Những bài viết phê phán Việt Bắc bị ngừng đăng kể từ số Văn nghệ ngày 10 tháng Năm 1955, nhưng đến thời điểm đó, đã quá muộn để biến cuộc tranh luận thành đợt tuyên truyền cho thơ Tố Hữu – những nhà phê bình trẻ đã gây tổn thất nặng nề cho danh tiếng tập thơ Việt Bắc. Không một bài bình luận tiếp theo nào, dù ca ngợi không tiếc lời về lòng yêu nước và văn tài của Tố Hữu, có thể đảo ngược lại được những lời phê bình về nhược điểm của Việt Bắc mà Xuân Diệu đã cho đăng trên những trang báo trước đó của tờ Văn nghệ.
Ngoài quyết định chuyển hướng đột ngột trong cuộc tranh luận về Việt Bắc, có ba điểm khác cho thấy hình như cách xử lý vấn đề của Xuân Diệu lúc ban đầu không theo quan điểm của lãnh đạo đảng. Một là, không một tờ báo nào khác của đảng ngoài tờ Văn nghệ đăng bài chê tập thơ Việt Bắc.[14] Các tổng biên tập của những tờ báo khác dường như hiểu được ý của lãnh đạo đảng muốn họ giữ vai trò gì trong cuộc tranh luận: đăng các bài khen Việt Bắc để bài chê của Hoàng Yến trở thành hiện tượng cá biệt, qua đó cho thấy Tố Hữu được sự ủng hộ của đa số quần chúng Việt Nam. Hai là, không bao lâu sau, lãnh đạo quyết định thay Xuân Diệu và đưa Nguyễn Đình Thi, một quan chức văn hóa cứng rắn vào vị trí thư ký tòa soạn báo Văn nghệ, người đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh luận về Việt Bắc một thời gian ngắn sau đó.[15] Bằng chứng thứ ba là ý kiến nhận định về cuộc tranh luận của một quan chức văn hóa cao cấp, Hoài Thanh (tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam: 1932 – 1941 đã được nhắc đến ở phần trên). Trong một bài nhận xét về hoạt động văn học năm 1955, ông ta viết: “Về mặt phê bình cũng phạm nhiều sai lầm thiếu sót. Công tác phê bình ít được chú ý. Thỉnh thoảng có một cuộc phê bình như cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc thì lại có tính chất tự phát, thiếu chuẩn bị, thiếu mục đích rõ ràng, thiếu kết hợp với yêu cầu đấu tranh chính trị và tư tưởng.”[16]
Ý của Hoài Thanh là, Xuân Diệu, với vai trò thư ký tòa soạn Văn nghệ đã không quan tâm đầy đủ đến những bài phê bình Việt Bắc, cho đăng những bài không phù hợp với “yêu cầu của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng”. Nói cách khác, ông không hiểu được rằng Văn nghệ đúng ra phải đóng vai trò là một cơ quan văn hóa của đảng. Đặt trong hoàn cảnh đất nước ba năm rưỡi sau đó, cách ông xử lý cuộc tranh luận – nhất là để cho mọi tầng lớp trí thức trong nước công khai và trực tiếp chất vấn năng lực chuyên môn của một quan chức cao cấp của đảng như Tố Hữu – là điều không thể tưởng tượng được.[17]
Xuân Diệu và Walt Whitman
Như đã đề cập ở phần trước, trong hai đêm Xuân Diệu tham gia chỉnh huấn vào năm 1952, vấn đề lang chạ đồng tính của Xuân Diệu bị đem ra để “phê và tự phê”. Theo nhà văn Tô Hoài, những người tham gia buổi chỉnh huấn đêm đó đã liên hệ xu hướng luyến ái đồng tính của nhà văn lãng mạn nổi tiếng với “tư tưởng tiểu tư sản xấu xa” của ông – điều mà Xuân Diệu nhất quyết từ chối trong nước mắt. Sau đợt chỉnh huấn, ông bị đưa ra khỏi Ban Thường vụ Hội Văn nghệ, một tai nạn nghề nghiệp vẫn làm ông nhức nhối nhiều năm sau đó.[18] Vì quá nhiều bài thơ lãng mạn nổi tiếng của ông có cảm hứng từ đề tài luyến ái đồng tính, và vì ông có biểu hiện coi đó là một phần của chính mình, không thể thay đổi ngay cả với quyền năng chuyển hóa của cách mạng, bài tiểu luận được ít người biết của Xuân Diệu viết về Walt Whitman đăng trên số ra ngày 5 tháng Giêng năm 1956 của tờ Văn nghệ cần được nghiên cứu kỹ.[19]
Quyết định viết về nhà thơ Mỹ không phải là một lựa chọn liều lĩnh về mặt chính trị, vì chính những người gác cửa văn học chính thống của Liên Xô cũng đã tặng cho Whitman danh hiệu “nhà thơ cách mạng” từ trước đó rất lâu. Dù đã tạ thế, sự nghiệp cách mạng của nhà thơ Mỹ này có thể coi như được khởi đầu ở Nga vào năm 1905, khi những nhà cách mạng Nga tại hải ngoại phụ trách tờ Tia lửa (Iksra), cơ quan của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga (lúc đó đặt trụ sở tại Geneva-Thụy Sỹ), chọn một bài thơ của ông vào “tuyển tập thi ca cách mạng”. Hơn thế nữa, Whitman còn được nhân vật nổi tiếng nhất trong văn giới Liên Xô – nhà biên dịch, viết tiểu luận và thơ thiếu nhi Kornei Chukovsky (1882-1969) chọn làm đề tài nghiên cứu chuyên sâu.[20] Chukovsky đã đăng bài viết đầu tiên về nhà thơ Mỹ “Phong trào hâm mộ Whitman ở Nga” trong tạp chí của trường phái Tượng trưng Vesy vào năm 1906. Phần lớn nội dung bài viết đó được Chukovsky dành để phê phán những bài dịch thơ Whitman của Konstantin Balmont, một nhà thơ Tượng trưng. Sự công kích của Chukovsky đã khơi mào cho một cuộc tranh luận sôi nổi về nghệ thuật biên dịch giữa hai người yêu thơ Whitman trên các trang báo của tờ Vesy. Sau đó, giới lãnh đạo văn hóa Liên Xô ủng hộ Chukovsky, giúp ông đủ quyền lực để nâng quan điểm về dịch thuật của mình trong cuộc tranh luận trước đó về Whitman thành tiêu chuẩn chính thống, thành các nguyên tắc chung cho mọi hoạt động dịch thuật của Liên Xô.[21]
Vì Whitman vừa sử dụng thể thơ tự do vừa có quan điểm triết học duy tâm giống như các nhà thơ trường phái Tượng trưng của Pháp – những người có ảnh hưởng quan trọng đến dòng thơ lãng mạn của Xuân Diệu, có thể ông đã biết rõ về tác giả của tập Lá cỏ từ trước khi tham gia cách mạng.[22] Không biết ông có biết về Whitman sớm đến thế không, nhưng ít nhất Xuân Diệu hẳn phải nghe nói đến nhà thơ này vào cuối năm 1945, khi một bài báo đăng trên Tiên Phong vào tháng 12 năm 1945 có nhắc đến nhà thơ Mỹ này. Với tiêu đề “Một lá thư ngỏ của Hội Văn hóa Cứu quốc gửi các trí thức Mỹ”, bài báo được công bố là bản sao nguyên văn lá thư thật được đưa cho một nhà báo Mỹ đến Hà Nội để đưa tin sự kiện Nhật Bản đầu hàng. Theo lời kể, nhà báo bí ẩn này đến trụ sở hội vào ngày 21 tháng Mười năm 1945, trước khi về Mỹ. Người ta kể rằng vì cảm tình với sự nghiệp ái quốc của Hội Văn hóa Cứu quốc, ông nhà báo này tình nguyện nhận chuyển thư của hội đến các nhà trí thức Mỹ.[23] Lá thư của hội, được in lại trên báo Tiên Phong bày tỏ lòng tin rằng “…mối thiện cảm của những người đồng chí của Phan-cờ-in (Franklin), Bít-sơ Xít-tao (Beecher Stowe), I-mớc-sơn (Emerson), Oan-tờ Huýt-man (Walt Whitman), Ê-đi-sơn (Edison), những người như Giấc-cờ Lân-đơn (Jack London), Xin-co-le Liu-ít-xờ (Sinclair Lewis), Pớc Bấc-cờ (Pearl Buck)… ở giữa một nước lớn như dân tộc Hoa-kỳ, sẽ làm rung chuyển dư luận hoàn cầu để giúp cho cuộc giải phóng của chúng tôi.”[24]
Cũng có thể Xuân Diệu đã tìm hiểu thêm về Whitman khi đi Liên Xô và Đông Âu năm 1955, vì chuyến đi của ông trùng với thời gian kỷ niệm 100 năm tập thơ Lá Cỏ nổi tiếng của nhà thơ Mỹ này. Trong chuyến đi, có thể Xuân Diệu đã thấy những cuốn sách về Whitman bày trên giá các hiệu sách nơi ông đến thăm, với hy vọng thu hút được mối quan tâm về tác giả đang được hâm nóng lại trong đợt kỷ niệm. Điều này có thể lý giải được thời điểm Xuân Diệu viết bài về Whitman, vì bài báo được đăng trên Tiên Phong một thời gian ngắn sau khi ông đi Liên Xô và Đông Âu về. Tuy nhiên, chi tiết thú vị nhất là Xuân Diệu biết Whitman là người đồng tính luyến ái từ khi nào và bằng cách nào, vẫn còn là câu hỏi bí ẩn. Chỉ biết trong các bài thơ lãng mạn của ông, không thấy có điểm liên hệ nào tới nhà thơ Mỹ này.
Bài của Xuân Diệu giới thiệu Whitman trên báo Văn nghệ thể hiện quan điểm chính trị của chế độ đương thời, với yêu cầu phải xác định rõ mối đồng cảm của nhà thơ Mỹ với giai cấp vô sản. Vì thế, bài báo bắt đầu bằng những dòng kể lể tỉ mẩn về xuất thân bình dân của Whitman, là con trai một di dân, làm nghề đóng khung nhà, và thời trẻ ông ta cũng làm những công việc “tay làm hàm nhai” – thợ in, giáo viên, nhà báo, thợ gặt. Bài báo cũng trích nguyên nhiều câu trong bài “Thơ Tự do cho châu Á, Phi, Mỹ, Úc, Cuba và các Quần đảo ở Đại Dương” của Whitman. Trong những lời kêu gọi chung chung tranh đấu chống cường quyền trên khắp thế giới, bài thơ đó của Whitman phảng phất những nét hao hao giống lý thuyết Mác-xít về cách mạng vô sản thế giới. Có lẽ để tô đậm thêm mối liên hệ này, tiêu đề của bài thơ được đổi thành “Tặng một nhà cách mạng châu Âu thất bại”. Không rõ Xuân Diệu tự đổi hay chỉ đơn thuần sao chép lại cách đặt tiêu đề của một dịch giả trước đó. Ngay dưới tiêu đề bài thơ, Xuân Diệu giải thích rằng bài thơ lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng bị thất bại năm 1848. Trong bài viết, Xuân Diệu còn khai thác sâu thêm cảm tình vô sản của Whitman bằng cách dẫn nhiều khổ thơ trong bài “Bài ca đời tôi”, tất cả đều nhằm minh chứng rằng nhà thơ Mỹ thực sự đã “đi sâu vào thực tế của quần chúng lao khổ”.[25]
Tuy nhiên, bài báo có đôi chỗ mang dấu hiệu cho thấy Xuân Diệu đang sử dụng quan điểm chính trị của chế độ đương thời làm bình phong để khoe một cách kín đáo về đời sống luyến ái đồng tính của Whitman. Ví dụ, bài báo có kể rằng “… lúc đã nổi tiếng, nhiều khi ông (Whitman) thay các bạn ông làm người đánh xe ngựa, làm người bán vé xe hàng”. Chi tiết này có vẻ như đơn thuần là một động tác nhấn mạnh sự gần gũi của nhà thơ Mỹ với quần chúng cách mạng. Nhưng trên thực tế, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nữa, vì người bán vé xe hàng mà Xuân Diệu nhắc đến chính là Peter Doyle, người đàn ông được coi là người tình suốt đời của Whitman.
Đọc kỹ bài báo, ta thấy có nhiều chỗ Xuân Diệu dường như đang muốn liên hệ những nét giống nhau giữa cuộc đời của chính mình với nhà thơ Mỹ này. Ví dụ, ông viết rằng Whitman “lúc hai mươi tuổi, đọc rất nhiều sách Âu và Mỹ” (ai cũng biết Xuân Diệu là nhà Thơ mới chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thơ Tây phương, nhất là thơ trường phái Biểu tượng của Pháp). Ông còn kể rằng, từ năm mười chín đến hai mươi hai tuổi, nhà thơ trẻ Whitman “làm một số bài buồn thảm và tiêu cực” (theo cách phân tích chính thống về bước chuyển hóa cách mạng của Xuân Diệu, văn nghiệp của ông bắt đầu từ những năm mười mấy, hai mươi tuổi với những bài thơ lãng mạn “buồn thảm” và “tiêu cực”). Bài báo viết tiếp rằng, trong những năm từ 1846 đến 1848, Whitman làm tổng biên tập báo Brooklyn Daily Eagle (tương tự như chức vụ thư ký tòa soạn báo Tiên Phong của Xuân Diệu từ năm 1945 đến 1946) trong thời gian Mỹ đang có chiến tranh với Mexico. Xuân Diệu viết trong bài báo rằng “từ lúc đó, một luồng gió cách mạng thổi vào trong các bài báo của ông. Và chính lúc ông đầy một tinh thần chống dùng nô lệ và đấu tranh cho lý tưởng dân chủ, là lúc ông thấy dồi dào hồn thơ trở lại”. Phải chăng “luồng gió cách mạng” này cũng tương tự như luồng gió đã thực sự thổi vào Xuân Diệu trong năm 1945, và góp phần hình thành những vần thơ cách mạng của ông?
Sau khi khai thác mọi chi tiết có thể để tạo cho Whitman căn cước của một người vô sản với tư tưởng tiến bộ, hàm ý nhà văn Mỹ vĩ đại này hội đủ điều kiện để đi theo đảng Tiên Phong nếu có được cơ hội, Xuân Diệu đi vào phần kết của bài luận dài. Đến đây, ông tự nhiên mất cảnh giác và dẫn một đoạn trong bài thơ cuối cùng của tập Lá Cỏ, bài “Chia tay”, không liên quan gì đến chủ đề cách mạng:
Bạn ơi, đây không phải là một quyển sách.Ai cầm đến sách này là động đến một con người.Có phải giữa đêm chăng?Có phải chỉ có hai chúng ta mà thôi chăng?Bạn cầm lấy tôi và tôi đang cầm lấy bạn.Từ giữa những trang sách tôi vọt ra giữa vòng tay bạn ôm…… Bạn thân hỡi, dù bạn là ai, bạn cũng nhận cái hôn nàyCái hôn tôi riêng tặng bạn,Bạn đừng quên tôi…Dù không ai biết chắc trăm phần trăm, nhưng có vẻ Xuân Diệu chọn những câu thơ này vì chúng gợi tả một tình cảm đồng tính và lãng mạn, nhất là với những người hiểu biết về đời tư của Whitman. Lời bình đầy cảm xúc của Xuân Diệu về bài thơ là bằng chứng rõ ràng cho cách suy luận nêu trên: “Đọc đến bài thơ này, tôi có thể nào không nhận thấy hơi thở của nhà thi sĩ còn tinh anh ở trong câu thơ? Tôi có thể đọc qua loa, hờ hững?” Ông còn viết thêm “Thơ viết hàng trăm năm trước, bây giờ vẫn còn tươi nguyên. Đó là mãnh lực của văn chương, của thơ”.[26]
Giai Phẩm Mùa Xuân 1956
Làm một trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần phải có nhiều kỹ năng, vừa phải biết điều chỉnh ngòi bút, cây cọ vẽ, nét nhạc hay bài nghiên cứu so cho phù hợp với yêu cầu chính trị mới nhất do lãnh đạo đảng đưa ra, vừa phải đảm bảo chất lượng chuyên môn để không bị đồng nghiệp phê phán. Đồng thời, phải theo dõi những sự kiện lớn trong khối xã hội chủ nghĩa và lường trước được những ảnh hưởng đến chính trị trong nước. Và cuối cùng, ở mức độ cá nhân, một trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải biết duy trì quan hệ trên – dưới và biết nên kết bạn với ai (và cần phải gạt bỏ ai). Trong cuộc tranh luận về Việt Bắc, Xuân Diệu đã để cho các nhà thơ trẻ Hoàng Cầm và Lê Đạt đăng các bài viết phê bình nặng nề Tố Hữu, quan chức văn hóa quyền lực nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không biết ông có đồng tình hay không với quan điểm chỉ trích của họ, nhưng kể từ thời điểm đó, Xuân Diệu bị coi là có liên quan với hai người nổi loạn này. Trong suốt hai năm rưỡi sau đó, ông nhiều lần tìm cách để tách mình khỏi hai người đó. Như chúng ta sẽ thấy, để đạt mục đích nói trên, Xuân Diệu dùng những biện pháp càng ngày càng xấu xa, thậm chí đến mức gần như tự hủy diệt cá tính của mình.
Động thái đầu tiên là vào tháng Hai năm 1956, khi Hoàng Cầm và Lê Đạt cộng tác với bảy nhà văn khác cho ra đời một tuyển tập văn học, xuất bản riêng, có tiêu đề Giai Phẩm mùa Xuân 1956.[27] Dù có quan điểm chính trị riêng, về cơ bản tuyển tập vẫn đồng điệu với lãnh đạo đảng, thậm chí còn thể hiện nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch cải cách ruộng đất – thiết nghĩ không cần nhắc lại rằng chỉ sáu tháng sau đó, chiến dịch cải cách ruộng đất này bắt đầu bị phê phán và các nhà trí thức bất bình phản đối gay gắt.[28] Hình như Giai Phẩm mùa Xuân 1956 ra đời nhằm hai mục tiêu chính. Thứ nhất là để chứng tỏ với lãnh đạo đảng rằng, nếu để cho các trí thức trẻ tự thân vận động, họ vẫn sẽ ủng hộ chương trình chính trị của Đảng Lao động Việt Nam một cách trung thành, và chính vì thế, họ đáng được tin tưởng nhiều hơn. Nói cách khác, đảng mất gì mà không cho tự do ngôn luận? Mục tiêu thứ hai là thể hiện cho lãnh đạo đảng và những thành viên khác của giới trí thức thấy có những sáng tác văn chương thực sự cách mạng hơn, hay hơn so với loại thơ “tiểu tư sản” của Tố Hữu. Cứ để tự do ngôn luận, chế độ sẽ dễ dàng phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ.
Không thấy rung động trước nỗ lực ve vãn cảm tình của mình theo cách này, lãnh đạo đảng lập tức ra lệnh tịch thu tuyển tập. Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là họ (lãnh đạo đảng) giải quyết vấn đề Giai Phẩm mùa Xuân 1956 hoàn toàn qua kênh quản lý văn hóa. Xem cả hai ấn phẩm nặng ký nhất của đảng, báo Nhân Dân và Học Tập – một tạp chí lý luận mới ra đời trước đó không lâu, không có một bài báo nào “đánh” ấn phẩm này. Chính vị quan chức văn hóa sắt đá Hoài Thanh đứng ra triệu tập cuộc họp các nhà văn để phê bình bài thơ “Nhất định thắng” của nhà thơ quân đội trẻ nóng tính Trần Dần đăng trong tập Giai Phẩm mùa Xuân 1956.[29] Có chân trong ban lãnh đạo Hội Văn nghệ, đương nhiên Xuân Diệu cũng phải phát biểu ý kiến về việc này, mà hình như ai cũng biết là có liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận trong chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bài báo ông viết trên báo Văn nghệ không bao lâu sau khi Giai Phẩm mùa Xuân 1956 bị tịch thu là lời minh định rõ ràng, khó có thể hiểu khác đi được. Dưới tiêu đề “Vai trò lãnh đạo của Đảng”, bài báo thực chất là bản dịch rút gọn lời phát biểu của Nikolai Fadeyev – một quan chức văn học Liên Xô tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ hai mươi tổ chức vào tháng Hai năm 1956 “Đối với chúng ta, những nhà văn trong Đảng hay ngoài Đảng, khía cạnh quan trọng nhất của quan niệm chúng ta về một nền văn học tự do, tức là thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống và trong lĩnh vực văn học. Những nhà văn tư sản thì phụ thuộc vào các đảng tư sản, mà cầm đầu là bọn trùm của giới kỹ nghệ và tài chính, nhà văn phải phụ thuộc vào các nhà xuất bản của chúng, vào báo chí của chúng. Thuật ngữ ‘phi chính trị’ của các nhà văn tư sản chỉ là ảo tưởng”.[30]
Đợt công kích của Văn nghệ vào Giai Phẩm mùa Xuân 1956 sử dụng chiến thuật hai gọng kìm. Trước hết, Xuân Diệu biện luận rằng đảng không thể tha thứ cho hành động thách thức vị thế độc quyền của mình trong lĩnh vực văn hóa. Việc xuất bản riêng, không qua tổ chức đảng tức là Giai Phẩm mùa Xuân 1956 đã không chịu phục tùng yêu cầu bắt buộc về kiểm duyệt của chế độ. Một điềm xấu hơn nữa đối với những trí thức nhiều ưu tư về tình trạng chế độ ngày càng gia tăng kiểm soát, phần nội dung bài phát biểu được Xuân Diệu chọn dịch thừa nhận “vai trò lãnh đạo” của đảng không chỉ trong lĩnh vực văn học mà còn trong “tất cả mọi lĩnh vực của đời sống”. Hoài Thanh đảm nhận mũi tấn công thứ hai bằng bài viết in ngay sau bài của Xuân Diệu với nhan đề “Vạch tính chất phản động của bài thơ ‘Nhất định thắng’ của Trần Dần”[31]. Trong bài viết, Hoài Thanh dùng một loạt đòn bẩy tư tưởng và hùng biện để bẻ cong bài thơ yêu nước và đầy tính chiến đấu của Trần Dần thành “phản động” và nổi loạn.[32] Hơn một tháng rưỡi sau, một quan chức văn hóa cốt cán khác – Nguyễn Đình Thi, đột nhiên đào xới lại việc này, đăng liên tiếp trên hai số Văn nghệ ngày 19 và 27 tháng Tư năm 1956 bài viết dài hai phần với tiêu đề “Những sai lầm tư tưởng trong tập sách Giai Phẩm”.[33]
Ngay sau khi Giai Phẩm mùa Xuân 1956 được phát hành, Xuân Diệu đã có những bước dứt khoát để tách mình ra khỏi Trần Dần và Lê Đạt. Tuy nhiên, điều quan trọng ta cần lưu ý là bài viết của Xuân Diệu đánh Giai Phẩm không hề động chạm tới nội dung tuyển tập. Nếu lấy lời phê bình của Xuân Diệu đối với Việt Bắc làm thước đo, những bài thơ của Trần Dần, Lê Đạt và các tác giả khác trong tuyển tập Giai Phẩm mùa Xuân 1956 có lẽ đã được Xuân Diệu duyệt về chất lượng. Trong khi, theo con mắt của Xuân Diệu, Tố Hữu còn nhiều thiếu sót – như không thể hiện được một “Tố Hữu, con người bình thường” hay “gần như bỏ qua tình cảm cá nhân”, thật ra các tác giả trẻ của Giai Phẩm mùa Xuân 1956 đã thành công.[34] Có lẽ Xuân Diệu chọn cách dịch bài diễn văn mới của quan chức văn hóa Liên Xô phần nào để tránh công việc khó khăn là bới móc những nội dung nguy hiểm và phản động trong Giai Phẩm mùa Xuân 1956 – một tuyển tập thể hiện rõ ràng sự ủng hộ đối với Đảng Lao động Việt Nam và những mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất là khi Xuân Diệu quyết định sử dụng bài diễn văn của Fadeyev, các trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như được bật đèn xanh để khai thác các thông tin, văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 làm dẫn chứng cho tính chính thống của quan điểm của mình đối với các sự kiện trong nước. Những người thấy thất vọng với Xuân Diệu khi ông công khai viện dẫn quyền lực của Fadeyev đã không thể ngờ được rằng chính chiến thuật khôn ngoan đó lại nổ ngược một cách ngoạn mục làm điêu đứng nhà thơ và các lãnh đạo bảo thủ khác của giới trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là vì có một bài diễn văn “bí mật” khác, mà đến giờ ai cũng rõ, cũng được đọc ngay tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô – bản báo cáo nổi tiếng của Khrushchev lên án Stalin. Từ bài diễn văn đó, các nhà trí thức bất bình trong đội ngũ nhà văn có thể khai thác được không biết bao nhiêu lời biện hộ ở cấp cao nhất cho kế hoạch cải cách của họ – trên thực tế những thành viên Nhân văn – Giai phẩm sẽ coi Khrushchev như một ông thánh bảo hộ.
Quyết định chậm công bố bài của Khrushchev vạch mặt những tội ác của Stalin của Đảng Lao động Việt Nam đã làm cho chàng thi sĩ cả tin Xuân Diệu bị việt vị. Nếu được biết về bản báo cáo bí mật đó, chắc ông đã chọn cách khác để tấn công Giai Phẩm mùa Xuân 1956. Tuy nhiên, cũng phải thấy sự cân nhắc, lưỡng lự xem có nên công bố nội dung bản báo cáo của Khrushchev hay không từ phía các nhà lãnh đạo là có nguyên cớ, vì từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh đến các quan chức khác của Đảng Lao động Việt Nam đã mất rất nhiều công sức khuếch trương hình ảnh của Stalin ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[35] Họ sẽ phải giải thích thế nào về một ông Stalin khát máu, cố chấp, đôi khi bất tài đến mức làm hỏng việc như Khrushchev đã tả trong bản báo cáo bí mật? Giống như những nhà lãnh đạo khác trong khối xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cũng lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải lên tiếng về những điểm xấu của thói “sùng bái cá nhân”, vì ông rõ ràng đã khuyến khích xây dựng một vòng hào quang sùng bái quanh hình ảnh chính mình ở Việt Nam.[36] Hơn thế nữa, nội dung bản báo cáo của Khrushchev còn có vấn đề ở chỗ, phần dài nhất được tác giả dành để kể về những năm tháng chuẩn bị và giai đoạn chính của cuộc Đại Thanh trừng do Stalin tiến hành, từ năm 1934 đến 1938. Đối với Hồ Chí Minh, đây quả là một vấn đề khó khăn, vì những năm tháng đó cũng trùng với thời gian ông đang ở Moscow (tháng Bảy năm 1934 đến mùa xuân 1938).[37] Nếu đây là quá trình Stalin thể hiện bộ mặt xấu xa nhất và Hồ Chí Minh đang ở ngay tại Moscow trong suốt thời gian đó, thì tại sao ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Stalin lại (và vẫn đang) được mô tả như một ông thánh trong suốt mấy thập kỷ qua? Tại sao Hồ Chí Minh, lãnh tụ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nikita Khrushchev, lãnh tụ mới của khối xã hội chủ nghĩa, lại đi đến những kết luận trái ngược đến như vậy về di sản của Stalin?
Những yếu tố nói trên giúp giải thích vì sao lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam chậm tiết lộ thông tin về bản báo cáo của Khrushchev về Stalin. Những bằng chứng từ hồi ký của nhà văn cách mạng Nguyễn Huy Tưởng cho thấy, mãi tới tận ngày mồng Một tháng Tư năm 1956, tức là ba mươi tư ngày sau khi bản báo cáo được công bố, những trí thức cao cấp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới bắt đầu hiểu thuật ngữ “tệ sùng bái cá nhân” là để chỉ Stalin.[38] Ngày 24 tháng Tư năm 1956, Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết 9, với nội dung, theo tinh thần Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, kêu gọi các cấp ủy “đấu tranh chống tệ sùng bái cá nhân, tăng cường lãnh đạo tập thể, tích cực tham gia phê bình và tự phê bình”.[39] Đợt hóa giải ảnh hưởng của Stalin đã chính thức bắt đầu tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
(còn tiếp)
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol. 5, no.2, Summer 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Đông Hiến
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Là thư ký tòa soạn, Xuân Diệu chịu trách nhiệm cuối cùng về tất cả các bài đăng trên tờ báo. Tuy nhiên, theo chính thành viên Nhân văn – Giai phẩm Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn Thụy Khuê ngày 5/5/2997, nhân vật trong ban biên tập Văn nghệ tích cực nhất trong cuộc tranh luận (http://thuykhue.free.fr/rfi/2007/20070519-HoangCam.mp3 ) là con người đầy sức thu hút Nguyễn Hữu Đang. Sau đó, ông Đang trở thành một thành viên có thể gọi là quan trọng nhất của phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Ta không thể không thắc mắc liệu có phải, trong chừng mực nào đó, Xuân Diệu đã nghe theo ý của Nguyễn Hữu Đang thuyết phục về cách thức báo Văn nghệ tổ chức và điều hành cuộc tranh luận.
[2] Lê Văn Lương, “Chỉ thị của trung ương số 12-CT/TW, 9/4/55: Tăng cường lãnh đạo chống đói và giải quyết nạn đói”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 16:241; Ban bí thư, “Điện của ban bí thư ngày 16 tháng 4 năm 1955 gửi các khu”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 16:252; Nguyễn Duy Trinh, “Thông tri của ban bí thư số 30-TT/TW ngày 29 tháng 4 năm 1955: về việc tích cực thi hành Chỉ thị số 12 của TW gấp rút tăng cường lãnh đạo công tác chống đói”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 16:279.
[3] Lê Văn Lương, “Chỉ thị của bộ chính trị số 07-CT/TW ngày 16 tháng 2 năm 1955: Đẩy mạnh đấu tranh phá âm mưu mới của địch trong việc dụ dỗ và cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 16:74.
[4] Từ điển Văn học (Hà Nội, KHXH, 1984), 405-406.
[5] Boudarel, Cent fleurs, 119.
[6] Về chất lượng và phong cách, thơ Tố Hữu có thể so sánh, đại loại như với bài “Paul Revere’s Ride” của Henry Wadsworth Longfellow.
[7] Báo Nhân Dân thành lập năm 1951, là cơ quan chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Có thể tờ báo được lấy ý tưởng từ ấn phẩm cùng tên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
[8] Xuân Trường, “Vài ý kiến sau khi đọc tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu”, Nhân Dân, số 329, 24/1/1955.
[9] Xuân Diệu, “Đọc tập thơ Việt Bắc”, Văn nghệ, số 63, 15-22/2/1955.
[10] Sđd, số 64, 28/2-10/3/1955.
[11] Hoàng Yến, “Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?”, Văn nghệ, số 65, 11/3/1955. Bài này sau đó được đăng lại trên báo Nhân Dân hai số ra ngày 3-4/4/1955. Bài báo được đăng lần đầu trên tạp chí văn học quân đội Sinh Hoạt Văn nghệ.
[12] Về khả năng lãnh đạo yếu kém, xem Lê Đạt, “Học tập Maikovski, phát huy sức sống mới của thi ca Việt Nam (kỳ 1 và kỳ 2), Văn nghệ, số 69 và 70, 21/4/1955 và 1/5/1955. Về chất lượng thơ tầm thường, xem Hoàng Cầm “Tập thơ Việt Bắc ít chất sống thực tế”, Văn nghệ, số 67, 1/4/1955; và Nguyễn Văn Phú, “Vài điểm non yếu trong nghệ thuật tập thơ Việt Bắc, Văn nghệ, số 68 11/4/1955; và Hoàng Cầm, “Bổ sung ý kiến của tôi về tập thơ Việt Bắc”, Văn nghệ số 70, 1/5/1955.
[13] Xem Lê Văn Lương, “Vấn đề chỉnh huấn”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 13:101-106.
[14] Có thể kể các tờ báo Nhân Dân, Tổ Quốc, Độc Lập và Nói Thật. Ngoại lệ duy nhất là báo Nhân Dân có đăng lại bài của Hoàng Yến, được coi như bài mở màn cho cuộc tranh luận. Ngoài ra, không có một bài phê bình (chê) nào xuất hiện ngoài mặt báo Văn nghệ.
[15] Sau khi Nguyễn Đình Thi thay Xuân Diệu làm thư ký tòa soạn, màu ma-két báo Văn nghệ đổi từ xanh lá cây sang đỏ cờ. Thông tin về ban biên tập, vốn được đăng ngay trang bìa trong thời gian Xuân Diệu làm thư ký tòa soạn, bị đưa về trang cuối.
[16] Hoài Thanh, “Nhìn lại hoạt động văn nghệ một năm qua”, Nhân Dân, số 697, 29/1/1956.
[17] Phê bình công khai lãnh đạo cao cấp cỡ như Tố Hữu trong cuộc tranh luận về Việt Bắc vẫn còn là điều cấm kỵ ở Việt Nam.
[18] Tô Hoài, Cát bụi chân ai, 198-199.
[19] Tình yêu đồng tính của Whitman đã được người nghiên cứu và viết tiểu sử ông trình bày trong một bài phân tích thú vị. Xem Jeffrey Meyers, “Whitman’s Life” (Cuộc đời của Whitman), The Antioch Review, số 4 (Autumn 2005): 755-787.
[20] Muốn biết về ảnh hưởng của Whitman đối với các nhà văn Biểu tượng Pháp, xem P.M. Jones, “Whitman in France” (Whitman ở Pháp), Modern Language Review 10, số 1 (tháng 1/1915): 1-22. Về ảnh hưởng của Whitman đối với nhà văn Liên Xô nổi tiếng Vladimir Mayakovsky, xem Dale E. Peterson, “Mayakovsky and Whitman: The Icon and the Mosaic” (Mayakovsky và Whitman: Biểu tượng đơn icon và hình ghép mosaic), Slavic Review 28, số 3 (tháng 9/1969): 416-425. Nghiên cứu về Chokovsky vừa với vai trò dịch giả của thơ Whitman vừa làm chính trị, xem Rachel Polonsky, “Translating Whitman, Mistranslating Bal’mont” (Dịch Whitman, dịch nhầm Bal’mont), Slavonik and Eastern Europe Review 75, số 3 (tháng 7/1997):401-425. Trong bài viết thú vị này, Polonsky đã ghi nhận rằng “Whitman đã từng được Max Nordau nhắc đến trong nghiên cứu gây nhiều tiếng vang về căn bệnh mà ông cho là ‘bệnh đồi trụy’ Entartung [Sa đọa, 1892], trong đó Whitman bị miêu tả là ‘bụi đời và phóng đãng’ và xếp đồng hạng với Verlaine và Rimbaud và những kẻ giống như họ”.
[21] Polansky, “Translating Whitman”, 402-404.
[22] Jones, “Whitman in France”, 4. Tác giả ghi nhận ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn học suy đoán rằng các nhà thơ Pháp đã học thể thơ tự do của Whitman sau khi tác phẩm của nhà thơ Mỹ này được dịch lần đầu tiên và xuất hiện ở Pháp vào năm 1886, tức là một năm trước khi Pháp bắt đầu có lối làm thơ tự do.
[23] Chúng tôi chưa tìm được bất kỳ bằng chứng nào về việc một nhà báo Mỹ đến trụ sở Hội Văn hóa Cứu quốc. Có thể câu chuyện được dựng lên hoàn toàn (hoặc một phần nào) nhằm mục đích tuyên truyền, tạo ấn tượng cho công chúng Việt Nam rằng khi đó nhà báo nước ngoài đã nhìn nhận Hội là tiếng nói chính thức của văn hóa Việt Nam. Tại thời điểm cuối năm 1945, thực ra Hội Văn hóa Cứu quốc, dù khá quan trọng, cũng chỉ là một trong nhiều tiếng nói văn hóa ở Việt Nam.
[24] “Một bức thư của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam trao tận tay cho các nhà văn hóa Hoa Kỳ”, Tiên Phong, số 2, tháng 12/1945, 5.
[25] Xuân Diệu, “Uýt-man: Nhà thi hào tiến bộ của nhân dân Mỹ”, Văn nghệ, số 102, 5/1/1956.
[26] Sđd
[27] Giai phẩm Mùa xuân 1956 (Hà Nội, NXB Minh Đức, tháng 2/1956). Các tác giả khác là Văn Cao, Trần Dần, Sỹ Ngọc, Tử Phác, Phùng Quán, Nguyễn Sáng và Tô Vũ.
[28] George Boudarel và Kim Ninh đều đi đến kết luận giống nhau. Xem Boudarel, Cent fleurs, 134-138 và “Intellectual Dissidence”, 159; và Kim Ninh, A World Transformed, 137. Chúng tôi dùng từ “về cơ bản” chứ không phải “hoàn toàn” vì tuyển tập có nhiều bài viết về nhân vật chính là người dẫn chuyện ở ngôi thứ nhất (chứ không phải là quần chúng). Lãnh đạo đảng đương nhiên không muốn các trí thức tiểu tư sản viết về bản thân mình. Để biết thêm một ý kiến phân tích mới lạ về hiện tượng này, xem Chương bảy của Nguyễn-võ Thu-hương The Ironies of Freedom. Kuriharu đưa ra ý kiến rằng bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần có những dòng “có thể hiểu như lời kêu gọi thống nhất đất nước bằng cách đưa quân đội tiến chiếm miền Nam”, điều trái ngược với chính sách công khai được Đảng Lao động Việt Nam công bố lúc bấy giờ là thống nhất bằng biện pháp hòa bình. Xem Kuriharu “Changes in the Literary Policy”, 168. Cảm giác của chúng tôi là ý kiến trên có vẻ mang tính suy đoán hơi quá, nhưng rất mong độc giả quan tâm tìm hiểu thêm (xem khổ thơ thứ bảy).
[29] Trần Dần là một trong những trí thức đầu tiên lên tiếng về chính sách văn nghệ gò bó của đảng. Việc bày tỏ ý kiến công khai về vấn đề trên là một nguyên nhân khiến ông bị quản chế hai lần (tháng 6/1955 và tháng 4/1956). Boudarel gọi ông là người châm ngòi cho phong trào trí thức bất đồng chính kiến ở miền Bắc. Xem Boudarel, Cent fleurs, 143.
[30] Xuân Diệu, “Vai trò lãnh đạo của Đảng”, Văn nghệ số 110, 1/3/1956.
[31] Hoài Thanh, “Vạch tính chất phản động của bài ‘Nhất định thắng’ của Trần Dần”, Văn nghệ, số 110, 1/3/1956.
[32] Một ví dụ là suy luận của ông này chụp mũ Trần Dần dùng hình ảnh mưa ở Hà Nội để vu khống miền Bắc. Một ví dụ nữa là suy luận (theo đường lối chính thống của đảng) rằng Trần Dần nói xấu miền Bắc khi thể hiện rằng đồng bào tự ý quyết định di cư vào Nam. Quan điểm chính thức của Đảng Lao động Việt Nam là, những người di cư là nạn nhân bị Mỹ, Diệm ép buộc phải đi.
[33] Nguyễn Đình Thi, “Những sai lầm về tư tưởng trong tập sách Giai Phẩm”, Văn nghệ, số 117 & 118, 19 và 27/4/1956.
[34] Xem các tác phẩm, ví dụ như, Lê Đạt, hai bài thơ “Làm thơ” và “Mới”; Trần Dần, thơ “Nhất định thắng”, Hoàng Cầm “Thơ qua đài phát thanh”; hay bài hát “Mưa Xuân” của Tử Phác và Văn Cao.
[35] Các nghiên cứu của Ilya V. Gaiduk và Christopher E. Goscha nhấn mạnh sự ngờ vực ban đầu của Stalin cho rằng Hồ Chí Minh thiên về chủ nghĩa dân tộc hơn là chủ nghĩa cộng sản và hậu quả của nó là sự khó khăn cho Đảng Cộng sản Đông Dương tái hòa nhập với phong trào cộng sản thế giới sau Chiến tranh Thế giới lần II. Tuy nhiên, có phải chính vì nguyên nhân này mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiệt tình lăng-xê Stalin hơn so với các quốc gia khác trong khối xã hội chủ nghĩa vẫn là giải thuyết cần nghiên cứu thêm. Xem Ilya V. Gaiduk Confronting Vietnam: Soviet Policy toward the Indochina Conflict, 1954-1964 [Đối phó với Việt Nam: Chính sách của Liên Xô về xung đột ở Đông Dương, 1954-1964] (Standford: Stanford University Press, 2003); và Christopher E. Goscha “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the International Communist Movement (1945-1950) “Journal of Vietnamese Studies 1, số 1-2 (tháng 2-tháng 8/2006): 59-103 (Bài này đã được dịch và đăng trên talawas).
[36] Bằng chứng rõ nhất về sự đóng góp của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng hình ảnh lý tưởng hóa chính mình ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cách mạng tháng Tám là tự viết tiểu sử bản thân tự thuật (dưới dạng tiểu sử thông thường – dùng bút danh Trần Dân Tiên).
[37] Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh-The missing years, 1919-1941 [Hồ Chí Minh - những năm tháng biệt tăm: 1919 – 1941] (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 2002).
[38] “Vì sao sùng bái cá nhân lại trái với tinh thần chủ nghĩa Mác-Lê nin?”, Nhân Dân, số 759, 1/4/1956.
[39] “Nghị quyết của hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng lao động Việt Nam lần thứ 9 (mở rộng) (19-24/4/1956), Nhân Dân, số 785, 27/4/1956.
No comments:
Post a Comment