Nguyên Trường dịch
Văn kiện Đảng Toàn tập (sau đây gọi là Toàn tập) là tuyển tập tài liệu đồ sộ nhất và mới nhất, được thu thập chủ yếu từ văn khố của Đảng Cộng sản Việt Nam.[1] Được xuất bản trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2007, gồm 45 tập, gần 40 ngàn trang, bao quát cả giai đoạn từ năm 1924 đến năm 1995[2]. Trên diễn đàn này, các nhà nghiên cứu đã từng sử dụng Toàn tập sẽ thảo luận giá trị và những hạn chế của nó, như một phương tiện trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hoá chính trị của Việt Nam. Trong bài dẫn nhập này, tôi khẳng định rằng quyết định cho công bố bộ Toàn tập là chưa từng có tiền lệ, và quyết định này phản ánh những nỗi sợ hãi và lo lắng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm 1990. Tôi cũng thảo luận những đóng góp cho học thuật của Toàn tập và dẫn ra những ví dụ từ một số văn kiện nhằm chứng minh rằng mặc dù có những hạn chế, Toàn tập có nhiều ưu điểm hơn những tài liệu được biên soạn, trên cơ sở văn kiện được lưu trữ, trước đây.
Sợ hãi và lo lắng
Ken MacLean khẳng định trong bài viết rất sâu sắc của ông rằng mỗi khi lãnh đạo Đảng cho phép công bố tài liệu lưu trữ, họ công bố rất hạn chế, và tài liệu được chọn lọc rất kỹ nhằm để phục vụ một ý đồ tuyên truyền nào đó[3]. Vì vậy mà người ta có lí do để hỏi rằng vì sao dự án xuất bản bộ Toàn tập dày cộp này lại được khởi động vào năm 1995. Vì thực ra trước đây Đảng đã cho xuất bản những bộ mỏng hơn rất nhiều và hướng vào những đề tài cụ thể hơn. Đa số được Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng xuất bản và sau đó được các trường và các viện nghiên tái bản dưới dạng rút gọn để phục vụ mục đích giảng dạy và nghiên cứu. Hầu hết các tập đã xuất bản trước đây đều được đóng dấu “mật” hoặc “lưu hành nội bộ”. Trước khi bộ Toàn tập mới này được xuất bản, chúng ta chưa bao giờ thấy Đảng có nỗ lực nhằm công bố quá khứ của mình một cách rộng rãi và hệ thống đến như thế. Đâu là nguyên nhân làm cho Đảng Cộng sản từ bỏ cách làm quen thuộc khi công bố tài liệu lưu trữ?
[Có người cho rằng] thời điểm đưa ra quyết định xuất bản Toàn tập vào năm 1995 trùng hợp với sự phục hồi niềm tin của ban lãnh đạo Đảng sau khi họ vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 1980 và chấm dứt giai đoạn cô lập với thế giới (qua việc bình thường hoá quan hệ với Mĩ, Liên hiệp châu Âu và ASEAN vào năm 1995). Nhưng xin chúng ta đừng quên rằng lãnh đạo Đảng còn tự tin hơn nhiều vào năm 1954 và 1975 sau khi thắng Pháp và Mĩ, nhưng lúc đó họ đã không cho công bố tài liệu mật nào. Tôi khẳng định rằng chính nỗi sợ hãi và lo lắng về những đe doạ đối với tính chính danh của chế độ cộng sản, chứ không phải sự tự tin, đã dẫn đến quyết định xuất bản Toàn tập. Trong những năm đầu 1990, Đảng Cộng sản đã phải đối mặt với một loạt thách thức xuất phát từ nhiều hướng. Sự sụp đổ của khối Xô Viết và sau đó, việc chủ nghĩa cộng sản mất tính chính danh trên toàn thế giới, chẳng khác gì một trận động đất đối với chế độ chính trị ở Việt Nam. Tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam phần nào dựa trên lời hứa hẹn đưa dân chúng tới chủ nghĩa xã hội. Khi các nước cộng sản ở Đông Âu sụp đổ và xe tăng được điều đến để đàn áp sinh viên Trung Quốc chống đối trên quảng trường Thiên An Môn, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tính chính danh cực kì nghiêm trọng.
Những người đối lập trong nước là mối đe doạ thứ hai. Phong trào đối lập bắt đầu vào cuối những năm 1980, khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khuyến khích nói thẳng nói thật. Năm 1990 chứng kiến việc đại tá Bùi Tín – một quan chức chính trị cao cấp, trực ngôn, có nhiều năm hoạt động trong ngành báo chí và thông thạo ngoại ngữ – đào thoát sang phương Tây. Ở nước ngoài, Bùi Tín xuất bản một loạt hồi kí gây dư luận lớn, phơi bày nhiều sai lầm và thất bại của Đảng[4]. Mà không chỉ có Bùi Tín. Một làn sóng bất đồng rộng rãi hơn đã xuất hiện, có thể đây là lần đầu tiên kể từ sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm hồi giữa những năm 1950. Những người bất đồng chính kiến mới – trong đó có Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Trấn, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Kiến Giang, Trần Độ, Vũ Thư Hiên – đều có thành tích yêu nước. Những bài viết của họ kết hợp những phân tích sâu sắc với những điều mắt thấy tai nghe về áp bức và tham nhũng ở miền Bắc Việt Nam không phải mới đây mà từ hồi những năm 1950[5]. Những bài viết này đã hạ thấp tính chính danh của Đảng và uy tín của Hồ Chí Minh – người sáng lập Đảng.
Một mối đe doạ nữa đối với tính chính danh của Đảng xuất phát từ Trung Quốc –đàn anh của Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng lại trở thành kẻ thù ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Từ giữa những năm 1980, Trung Quốc đã công bố hàng loạt tài liệu và hồi kí về quan hệ Trung-Việt. Những tập tài liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc làm người ta nghi ngờ thành tích anh hùng mà Đảng Cộng sản Việt Nam thường khoe khoang, thí dụ như chiến thắng Điện Biên Phủ[6]. Từ những tài liệu của Trung Quốc, người ta mới biết rằng hoá ra Đảng Cộng sản Việt Nam lệ thuộc ngoại bang nhiều hơn là họ từng công nhận.
Trên đây là những lí do quan trọng khiến Đảng quyết định xuất bản Toàn tập. Sự kiện này có thể được coi là một ván bài chính trị mà động cơ của nó chính là nỗi sợ hãi và lo lắng, cùng với mục đích là phục hồi tính chính danh đã bị tổn hại. Động cơ này thể hiện rõ trong Quyết định ngày 3 tháng 2 năm 1997 của Bộ Chính trị phê chuẩn dự án xuất bản bộ Toàn tập. Theo quyết định này, dự án nhằm vào 5 mục tiêu sau đây:
1. “Sưu tầm, xác minh và xuất bản tương đối đầy đủToàn tập Văn kiện Đảng, phản ánh khách quan quá trình hình thành, phát triển của Đảng và tiến trình cách mạng do Đảng lãnh đạo, làm rõ bản chất cách mạng, sáng tạo của Đảng ta, vai trò công lao to lớn của Đảng trong lịch sử cách mạng dân tộc, những bài học kinh nghiệm có thể rút ra qua những thành tựu, thắng lợi và cả sai lầm vấp váp của Đảng qua các chặng đường lịch sử cách mạng.”
2. “Giúp lãnh đạo Đảng đúc rút kinh nghiệm, bài học kế thừa, bổ sung và phát triển đường lối của Đảngphù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.”
3. Cung cấp những tư liệu lịch sử xác thực và có hệ thống cho công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng, tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc.”
4. Góp phần cung cấp chứng cứ tin cậy để thông tin chân thực trong Đảng và trong nhân dân về các sự kiện lịch sử, bác bỏ các thông tin không đúng, sai trái, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc lịch sử,vu khống Đảng.”
5. “Cung cấp tư liệu lịch sử Đảng dùng cho việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử vẻ vang và những bài học kinh nghiệm của Đảng”[7].
Những từ và câu được tôi nhấn mạnh bên trên cho thấy sự khác biệt giữa những động cơ của lần xuất bản Toàn tập này so với những lần xuất bản trước. Động cơ của lần xuất bản này cho thấy rõ tâm trạng lo lắng và bất an của thế hệ lãnh đạo mới của Đảng, tức là thế hệ những người nắm được quyền lực vào đầu những năm 1990. Thí dụ, mục tiêu thứ hai bên trên làm cho người ta hiểu rằng vì sự sụp đổ của khối Xô Viết mà những người lãnh đạo cộng sản thấy bài học của quá khứ ngày càng có giá trị hơn.
Việc Đảng chịu thừa nhận các sai lầm trong quá khứ còn chứng tỏ sự lo lắng và bất an của họ đối với việc đánh mất tính chính danh. Lời giới thiệu cho những lần xuất bản trước chỉ ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng chứ không bao giờ nói đến thất bại. Thí dụ, lời nói đầu cho tuyển tập văn kiện nói về cuộc kháng chiến chống Pháp, xuất bản năm 1986, bắt đầu như sau: “Đây là bộ sách quý trong kho tàng văn kiện lịch sử vô giá thể hiện trí tuệ tập thể của Đảng, giúp ta hiểu được ý nghĩa và cội nguồn thắng lợi trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp và củng cố lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”[8]. Sự khác biệt giữa ngôn từ được sử dụng trong các bộ trước và bộ mới này thật đáng kinh ngạc. Việc nhấn mạnh “thông tin một cách trung thực trong nội bộ đảng và trong nhân dân” cho chúng ta thấy rằng các nhà lãnh đạo Đảng đã nhận thức được sự suy giảm niềm tin vào chế độ. Không thể cứ nói mãi về thắng lợi được nữa, tối thiểu cần phải thừa nhận là đã có một số sai lầm để khôi phục lại niềm tin.
Mục tiêu thứ tư cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Đảng đối với những thiệt hại mà những người bất đồng gây ra đối với uy tín và tính chính danh của chế độ. Những tác phẩm báng bổ của những người đối lập đe dọa xói mòn niềm tin trong “nhân dân” cũng như đảng viên. Uy tín của những người đối lập, nhiều người trong số họ đã từng giữ chức vụ khá cao trong Đảng, làm cho Đảng sợ rằng sẽ có thêm nhiều người bỏ Đảng. Mục tiêu thứ ba nhắc đến thế hệ trẻ cho thấy các nhà lãnh đạo lo lắng đến mức nào về việc mất liên hệ chính trị với quần chúng thanh niên. Việc nhắc đến “bạn bè quốc tế” cho thấy Đảng đã sửa đổi cách làm cũ, tức là chỉ xuất bản cho người trong nước đọc; rất có thể đây là một cố gắng nhằm giảm bớt ảnh hưởng của những tài liệu mới được công bố ở Trung Quốc.
Món hời của các nhà nghiên cứu
Ken MacLean đã chỉ rõ những hạn chế quan trọng của Toàn tập, đồng thời cũng khẳng định giá trị học thuật to lớn của nó, nhất là khi được sử dụng cùng với báo, tạp chí, các công trình chuyên khảo và hồi kí cũng như tài liệu do các quan chức nhà nước viết. Trong quá trình nghiên cứu của mình, tôi nhận thấy Toàn tập có giá trị, ít nhất là ở hai khía cạnh sau đây. Thứ nhất, do bao trùm được một giai đoạn rất dài, Toàn tập giúp các nhà nghiên cứu theo dõi được tiến trình phát triển tư duy cũng như chính sách của lãnh đạo Đảng trong suốt giai đoạn đó. Pierre Asselin chứng minh rằng bộ Toàn tập mới đã giúp ông nghiên cứu sự phát triển của chiến lược cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt mấy thập niên. Nhờ các báo cáo và nghị quyết các kì hội nghị và đại hội Đảng, tôi có thể theo dõi được sự thay đổi thế giới quan của những người lãnh đạo Đảng từ những năm 1930 đến hết những năm 1960[9]. Các văn kiện này đã giúp tôi hiểu được cách thức mà các nhà chiến lược của Đảng, dựa vào những khái niệm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, mường tượng và phân tích nền chính trị thế giới. Phương pháp phân tích của họ không thay đổi trong một thời gian dài, chứng tỏ rằng họ có niềm tin rất vững chắc vào những khái niệm này dù bầu không khí chính trị trong nước và trên toàn thế giới liên tục thay đổi.
Toàn tập không chỉ cho thấy thế giới quan của những người lãnh đạo Đảng mà còn làm sáng tỏ sự phát triển về mặt tổ chức của Đảng, cả ở tầm quốc gia, địa phương và khu vực. Thí dụ, chính sách về thành phần đảng viên đã chuyển từ tương đối cởi mở trong những năm 1940 sang chính sách hạn chế, dựa trên thành phần giai cấp, trong những năm 1960[10]. Toàn tập cho thấy sự thay đổi đáng kể trong chính sách về tổ chức và mô hình phát triển Đảng ở tầm khu vực và tỉnh. Hơn nữa, Toàn tập còn giúp tìm hiểu các cuộc vận động chính trị đặc biệt, thí dụ như “cải cách ruộng đất” và “chỉnh đốn tổ chức Đảng”. Chúng tôi cho in trong số tạp chí này bản dịch một văn kiện trong tập 14, nói rằng Đảng đã ấn định chỉ tiêu xử tử địa chủ trong cải cách ruộng đất là 1/1000 dân ở vùng tự do. Số lượng lớn tài liệu về cuộc cải cách ruộng đất cho phép chúng ta xác định một cách chính xác quyết định thanh trừng đảng viên vì thành phần giai cấp “xấu” trong những năm 1953-1956 được đưa ra và rút lại khi nào và ở cấp lãnh đạo nào.
Giá trị thứ hai của Toàn tập nằm ở chỗ nó bao gồm rất nhiều loại văn kiện khác nhau. Một số loại văn kiện, như chỉ thị về công tác tuyên truyền hay thi hành chính sách là những tiết lộ đặc biệt có giá trị. Trong một số trường hợp, hiện nay có thể chứng minh được mối liên hệ giữa những đòn “tung hỏa mù” của Đảng (cố tình truyền bá những tin tức sai lạc) và những quan điểm sai lạc của các học giả nước ngoài. Thí dụ, hiện nay chúng ta biết rằng đầu năm 1950 Hồ Chí Minh đã bí mật đi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để yêu cầu công nhận về mặt ngoại giao (Mao và Stalin đồng ý) và xin được kí hiệp ước phòng thủ chung với Liên Xô (Stalin không chấp thuận). Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cẩn thận đạo diễn việc Trung Quốc và Liên Xô công nhận về mặt ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để người ta cảm thấy dường như Mao và Stalin tự ý công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau khi Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả các nước công nhận Việt Nam[11]. Mục đích của việc làm này là nhằm tạo ra ấn tượng rằng Việt Nam không tìm cách gia nhập khối Xô Viết, với mục đích cuối cùng là tránh không để Mĩ can thiệp vào Đông Dương. Chiến thuật này, như Toàn tập hé lộ ra, đã không lừa được Mĩ và đồng minh của họ: các nước này đã phản ứng ngay lập tức bằng cách công nhận chính phủ Bảo Đại vào tháng 2 năm 1950. Nhưng đòn tung hỏa mù của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn lừa được nhiều nhà phân tích chính trị Đông Dương có tên tuổi trong hàng chục năm liền[12].
Một thí dụ khác cho thấy làm thế nào mà bộ máy tuyên truyền của Đảng có thể gạt các học giả là trường hợp di cư của gần một triệu người vào Nam sau Hiệp định Giơ-neo. Theo bài của Alec Holcombe trong số tạp chí này, các văn kiện trong Toàn tập cho thấy Đảng đã dàn dựng các sự kiện để lừa những quan sát viên ngoại quốc rằng trong những năm 1954-1955 chính quyền không ngăn cản người miền Bắc di cư vào Nam, dẫn đến nhiều học giả ngoại quốc đã tin đấy là sự thật.
Bộ Toàn tập mới có lợi không chỉ vì nó chứa nhiều văn kiện hơn, mà còn vì nó công bố những phiên bản văn kiện đầy đủ hơn so với những phiên bản đã bị biên tập quá kĩ lưỡng trước đây. Tôi đã lựa chọn một vài văn kiện được xuất bản trước đây và trong tập này và so sánh từng từ một để thấy cách trình bày (lèo lái) các tài liệu lưu trữ trong những tập này khác nhau như thế nào. Có hai khác biệt đáng chú ý. Thứ nhất, các biên tập viên bộ Toàn tập này tuân thủ ngôn ngữ tài liệu gốc chặt chẽ hơn. Trong những tuyển tập được xuất bản hồi những năm 1970, “Trung Quốc” được dùng để chỉ Trung Hoa cộng sản, trong khi “Tầu Tưởng” được dùng để chỉ chính phủ của Tưởng Giới Thạch. Bộ Toàn tập mới sử dụng từ “Tàu” (một từ bình dân để chỉ “Trung Quốc” hay “người Trung Quốc”) cho cả hai và không tìm cách phân biệt giữa hai chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy chúng ta có thể suy luận từ ngữ cảnh của văn bản để hiểu văn kiện đang nói đến nước Trung Quốc nào. “Tàu” chắc chắn là từ được dùng trong văn bản gốc, nhưng nó đã bị sửa thành “Trung Quốc” hoặc “Tàu Tưởng” trong những tuyển tập được xuất bản trước đây. Có thể có hai lí do. Những người biên tập có thể sợ rằng độc giả bị lầm lẫn giữa Trung Quốc “tốt” và Trung Quốc “xấu”. Để truyền đạt nghĩa Trung Quốc tốt và xấu, người ta dùng từ trang trọng và kính cẩn hơn là Trung Quốc, đối lập với từ “Tàu Tưởng”, tức là gắn từ “Tàu” có tính cách bình dân với từ “Tưởng” (họ của người lãnh đạo chính phủ này) – mặc dù cho đến năm 1949 Tưởng Giới Thạch vẫn là lãnh tụ của cả nước Trung Quốc.
Cách làm tương tự cũng được sử dụng cho từ “Nga” và “Liên Xô”. Cả hai từ “Nga” và “Liên Xô” cùng có mặt trong bộ Toàn tập mới (“Nga” xuất hiện nhiều hơn), nhưng trong những lần xuất bản trước chỉ có từ “Liên Xô” mà thôi. Hơn nữa, trong các văn kiện vừa được xuất bản còn có nhiều chữ viết tắt, như “C.S.” (Cộng Sản), “UBND” (Ủy ban nhân dân), và “VM” (Việt Minh). Trong những phiên bản trước đây những chữ này đều được viết đầy đủ, có thể các biên tập viên không muốn cho người ta hiểu sai.
Thứ hai, các các văn kiện trong Toàn tập chứa nhiều câu, thậm chí nhiều đoạn cực kì quan trọng mà những phiên bản trước đã lược bỏ. Thí dụ, trong mục nói về việc vận động các dân tộc thiểu số trong phiên bản mới của “Nghị quyết Hội nghị cán bộ trung ương, ngày 1 tháng 8 năm 1946”, Đảng chỉ thị cho cán bộ “đánh vào lòng mê tín của họ, cấp cho họ bằng sắc chức tước” để họ đi theo Đảng[13]. Phiên bản cũ, xuất bản năm 1978, đã bỏ câu này, có thể là vì đấy thể hiện sự coi thường của Đảng đối với các dân tộc thiểu số, mặt khác cũng cho thấy Đảng quá thủ đoạn[14].
Một khác biệt nữa được tìm thấy trong hai phiên bản văn kiện “Thông cáo của Thường vụ T.Ư. [về] triển vọng của tình hình chính trị Pháp và công tác tuyên truyền và ngoại giao”, ban hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1947. Phiên bản trước, xuất bản cuối những năm 1970, viết: “Nếu Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam thì mặt trận chống phản động Mỹ và Tưởng của nhân dân Trung Quốc, và mặt trận chống Pháp, Mỹ của nhân dân Việt Nam sẽ hoà làm một. Do đó, một thắng lợi của nhân dân Trung Quốc là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam, và trái lại, một thắng lợi của ta cũng ảnh hưởng tốt cho Trung Quốc”[15]. Trong phiên bản mới, đoạn này còn có thêm một câu như sau: “Gần đây, những thắng lợi của Quân giải phóng Tàu, và phong trào địa phương khởi nghĩa lan đến Hoa Nam là những điều kiện rất lợi cho ta”[16]. Câu này bóng gió đến hi vọng của Đảng về sự giúp đỡ trực tiếp về mặt quân sự của các đồng chí Trung Quốc – sự kiện cần che giấu sau khi quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng vào cuối những năm 1970. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chuyển từ “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm” của Việt Nam trong những năm 1980 thành “đối tác chiến lược” và “đồng chí xã hội chủ nghĩa” trong những năm 1990, việc đưa trở lại câu này vào tài liệu chính thức có thể là để phục vụ cho việc nhen nhóm lại những kỉ niệm về một giai đoạn khi Việt Nam và Trung Quốc còn thân thiết.
Động cơ chính trị tương tự cũng là nguyên nhân của sự khác biệt giữa hai phiên bản của văn kiện “Nghị quyết của Thường vụ Trung ương”, ban hành ngày 9 tháng 2 năm 1950. Phiên bản mới nói rằng sau khi được các nước trong khối Xô Viết công nhận về mặt ngoại giao thì một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng là “tìm hiểu rõ khả năng giúp đỡ của các bạn bên ngoài để sẵn sàng đón tiếp. Đề ra với Đảng [cộng sản] Trung Hoa vấn đề một chiến lược chính trị và quân sự chung ở Đông Nam Á. Đề ra vấn đề phối hợp hành động với Đảng cộng sản Pháp ”[17]. Phiên bản trước, công bố hồi cuối những năm 1970, chỉ có câu cuối cùng về việc phối hợp với những người cộng sản Pháp mà thôi[18]. Một lần nữa, có vẻ như những người biên tập phiên bản cũ muốn che giấu mối liên hệ gần gũi một thời giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong khi những người biên tập phiên bản mới không có mối lo ngại như thế, thậm chí họ còn muốn bộc lộ những mối liên hệ như thế nữa kia.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm được động cơ chính trị trong việc loại bỏ đoạn văn này hay đoạn văn kia. Phiên bản mới của “Thông cáo của Thường vụ T.Ư. …”, ban hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1947, đã nói tới bên trên, trong phần nói về công tác tuyên truyền có dẫn một câu mà phiên bản cũ đã lược bỏ như sau: “[Trong công tác tuyên truyền chúng ta phải] vạch rõ tham vọng của Mỹ và nguy cơ. [Chúng ta phải] chống xu hướng thân Mỹ và sợ Mỹ”[19]. Không rõ vì sao phiên bản cũ không có mà phiên bản mới lại đưa câu này vào. Tuy nhiên, trong trường hợp này người ta có thể khẳng định rằng việc đưa câu này vào phiên bản mới là chỉ dấu cho thấy trong những năm cuối 1990 – thời gian công bố phiên bản mới – quan hệ Việt Mĩ phát triển rất chậm. Mặc dù Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Mĩ vào năm 1995, quan hệ giữa hai bên nói chung là lạnh nhạt và lúc đó đang khá căng thẳng vì Việt Nam sợ “âm mưu diễn biến hoà bình” của Mĩ.
Cuối cùng, trong khi các văn kiện được đưa vào bộ Toàn tập mới nói chung là đầy đủ hơn phiên bản cũ, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Phiên bản cũ “Chỉ thị của Ban chấp hành trung ương về kháng chiến kiến quốc”, ban hành ngày 25 tháng 11 năm 1945, tuyên bố rằng nhiệm vụ trước mắt của Đảng liên quan đến chính sách đối nội là “một mặt xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định hiến pháp,bầu chính phủ chính thức, [và mặt khác] xử trí cho xongvới bọn đối lập (Đại Việt, Việt Nam quốc dân đảng, Nguyễn Hải Thần), để thủ tiêu phong trào phân liệt và thống nhất chính quyền nhân dân (chú ý: có thể chia rẽ bọn họ, mua chuộc một bộ phận để ly gián họ, đàn áp những phần tử phản quốc trong hàng ngũ họ”[20]. Phiên bản mới có nhắc tới việc thành lập Quốc hội nhưng lược bỏ đoạn nói về chiến thuật nhằm loại bỏ phe đối lập[21]. Chiến thuật này cho thấy Đảng có nhiều thủ đoạn, nhưng thí dụ bên trên về dân tộc thiểu số chứng tỏ rằng những người biên tập phiên bản mới không quan tâm về việc để lộ bộ mặt thủ đoạn của Đảng. Nhiều khả năng là những người biên tập sợ rằng kẻ thù của Đảng có thể sử dụng chi tiết này cáo buộc Đảng đã dùng bạo lực thủ tiêu đối lập.
Kết luận
Tất cả các tác giả đóng góp bài trong diễn đàn này đều nhận thấy bản chất tuyên truyền của bộ Toàn tập văn kiện vừa được xuất bản. Tuy nhiên, họ cũng đồng ý rằng Toàn tập là công cụ có ích lợi trong việc nghiên cứu lịch sử chính trị và văn hoá chính trị của Việt Nam. Động cơ xuất bản bộ sách này là nỗi sợ hãi và lo lắng sâu sắc về tương lai của Đảng. Như tôi đã khẳng định bên trên, nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Đảng đánh một ván bài nhằm giảm bớt những mối đe doạ đối với tính chính danh của mình bằng cách công khai hoá một phần tư liệu trong văn khố của Đảng. Hành động này rất khác với thói quen bí mật cố hữu của họ. Cái rủi ro trong ván bài này là việc bộ Toàn tập tiết lộ không chỉ những việc làm tốt của Đảng mà còn cả những thủ đoạn và chiến thuật ám muội. Đây đúng là một hành động chỉ được tiến hành khi Đảng cảm thấy đang bị đe doạ nghiêm trọng.
Diễn đàn này hi vọng gợi ý cho các nhà nghiên cứu cách thức sử dụng hữu hiệu bộ Toàn tập này, đồng thời đưa ra hai cảnh báo quan trọng. Thứ nhất, Toàn tập phải được sử dụng cùng với những nguồn thông tin khác. Nếu không, những văn kiện này có thể làm người ta rối trí, thậm chí lầm lẫn nữa. Thứ hai, những người đóng góp bài cho diễn đàn này chủ yếu nghiên cứu giai đoạn từ những năm 1940 đến hết những năm 1960. Trong những thí dụ được đưa ra, các tác giả đã không sử dụng những tập tư liệu của những năm 1930 cũng như những tập tư liệu của những năm sau 1970. Có lí do để tin rằng văn kiện trong các tập về hai giai đoạn này có ít giá trị hơn. Đối với thập niên 1930, văn khố của Pháp và Nga có thể chứa nhiều tài liệu hơn chính văn khố của Đảng. Đối với những thập kỉ gần đây, có thể có quá nhiều vấn đề nhạy cảm, cho nên khó hi vọng là những văn kiện mới được công bố có thể “tương đối đầy đủ”[22]. Đối với những thập kỉ này, có lẽ chúng ta phải đợi đến lúc Đảng quyết định đánh một ván bài mới.
Bản tiếng Việt © 2010 Nguyên Trường
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Bản dịch đã được tác giả hiệu đính.
[2] Tôi xin cám ơn Peter Zinoman vì ông đã đề nghị tôi tham gia diễn đàn và viết tiểu luận này. Tôi cũng xin cám ơn David Marr, người đã gợi ý tôi so sánh bộ Toàn tập này với những bộ đã xuất bản trước đây, cám ơn Trang Cao và Ken MacLean vì đã góp ý cho bài viết.
[3] Tôi đã tham khảo ít nhất là một tập từ những bộ sau đây: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng, 8 tập (1930–1935, 1935–1939, 1939–1945, 1945–1946, 1946–1948, 1948–1950, 1951–1953, 1953–1954) (Hà Nội: Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương [1962–1964, ba tập đầu], 1978–1979); Viện Mác-Lê Nin, Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, 2 vols. (Hà Nội: Sự Thật, 1986–1988); Văn kiện quân sự Đảng (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1969); và Đảng Cộng Sản Đông Dương, Văn Kiện Toàn quốc Đại biểu Đại hội lần thức hai của Đảng, tháng hai năm 1951 (Hà Nội, 1965).
[4] Bùi Tín, Hoa Xuyên Tuyết (Irvine, CA: Nhân Quyền, 1991).
[5] Xem, thí dụ, Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1996); Hà Sỹ Phu, Tuyển Tập (Irvine, CA: Nhân Quyền, 1996); Nguyễn Kiến Giang, Tuyển Tập (Garden Grove, CA: Trăm Hoa, 1993); Trần Độ, Đổi Mới, niềm vui chưa trọn (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1999); Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày: Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1997). Một số tác phẩm này đã được chuyền tay lưu hành ở Việt Nam trước khi được người Việt ở hải ngoại xuất bản.
[6] Thí dụ bao gồm Chen Geng [Trần Canh], Nhật ký Chen Geng, tập 2 (Bắc Kinh:Nhà xuất bản Quân giải phóng Nhân dân, 1984); Luo Guibo [La Quý Ba], “Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ đã gửi tôi tới Việt Nam” trong Tưởng niệm Lưu Thiếu Kỳ, do He Jinxiu chủ biên (Bắc Kinh: Nhà xuất bản tài liệu lịch sử trung ương, 1988); và Nhóm biên tập bộ lịch sử các cố vấn quân sự Trung Quốc ở Việt Nam, [Báo cáo của nhóm cố vấn quân sự trong cuộc đấu tranh giúp Việt Nam chống Pháp] (Bắc Kinh: Nhà xuất bản Quân giải phóng, 1990). Trần Canh là cố vấn của Võ Nguyên Giáp trong những năm 1950-1954, còn La Quý Ba là đại sứ Trung Quốc đầu tiên ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Toàn bộ nguồn Trung Quốc, xin đọc Chen Jian, “Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, 1950–1954,” China Quarterly 133 (March 1993): 2–3.
[7] Quyết định của Bộ Chính Trị về việc xuất bản Văn Kiện Đảng Toàn Tập No. 25/QĐ/TƯ, tháng 2 năm 1997, được in lại trong Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia: 60 năm xây dựng và và phát triển, 1945–2005 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 200). 246-250.
[8] Viện Mác-Lê Nin, Văn Kiện Đảng Về Kháng Chiến, 1:1.
[9] Xem bài của tôi “From Cheering to Volunteering: Vietnamese Communists and the Arrival of the Cold War 1940–1951,” trong Connecting Histories: The Cold War and Decolonization in Asia (1945–1962), do Christopher Goscha và Christian Ostermann chủ biên (Stanford: Stanford University Press, 2009), 172–204; và “To Be Patriotic Is to Build Socialism: Communist Ideology during Vietnam’s Civil War,” trong Dynamics of the Cold War in Asia: Ideology, Identity, and Culture, do Tuong Vu và Wasana Wongsurawat chủ biên (New York: Palgrave Macmillan, 2010), 33–52.
[10] Xem Tuong Vu, Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia (New York: Cambridge University Press, 2010), chapter 6.
[11] Xem “Quyết nghị của Ban Thường vụ Trung ương”, ngày 15-16 tháng 1 năm 1950, Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 11:11.
[12] Gần 40 năm sau, George Kahin còn khẳng định rằng “chưa được bất kì nước nào công nhận về mặt ngoại giao, những người lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cảm thấy cần phải lập tức thoát ra khỏi tình trạng cô lập và ngày 14 tháng 1 năm 1950 họ đã kêu gọi tất cả các nước trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao. Bốn ngày sau, sau khi Hà Nội công nhận chính phủ của Mao (ngày 15), Bắc Kinh đáp lại bằng hành động tương tự. Và ngày 30 tháng 1, đến lượt Liên Xô”. Xem, George Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam (New York: Knopf, 1986), 35. Bài viết của Kahin đóng góp vào luận điểm cho rằng do hoàn cảnh bắt buộc nên Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới tham gia vào khối Xô Viết. Tôi đã phê phán luận điểm này trong bài “From Cheering to Volunteering”.
[13] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:107.
[14] . Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 1:78.
[15] Như trên, 2:1, 155.
[16] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:338.
[17] Như trên, 11:223.
[18] Viện Mác-Lê Nin, Văn Kiện Đảng về Kháng Chiến, 1:369.
[19] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:339 [trong nguyên bản tiếng Anh ghi sai là tập 11].
[20] Như trên, 28.
[21] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:27.
[22] Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1979-1989 là một ví dụ. Trong những văn kiện của những năm 1980 được xuất bản trong Toàn tập, tất cả những lời ám chỉ Trung Quốc là kẻ thù của Việt Nam đều đã bị lược bỏ toàn bộ.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol.5, no.2, Summer 2010. Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 3.11.2010.
No comments:
Post a Comment