Thursday, August 25, 2011

Pierre Asselin – Sử dụng Văn Kiện Đảng để hiểu chiến lược cách mạng của Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, 1954-1975 (bài 3)

Bùi Xuân Bách dịch

Việc tìm hiểu quá trình hoạch định chính sách của Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ được gọi là Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) có thể đưa ta đến chỗ thất vọng kinh khủng. Rất ít chi tiết được biết về cách thức làm việc của Đảng Lao động Việt Nam trong thời kỳ này. Sự thực là cho đến nay, nhiều học giả vẫn còn phân vân, ai là người đã đặt ra đường lối ở Hà Nội và những thế lực nào đã thúc đẩy việc hình thành những chính sách này. Liệu có phải là Hồ Chí Minh đã quyết định những chính sách của Đảng và Chính phủ trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến khi ông mất năm 1969? Có đúng là Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo những nỗ lực quân sự trong thời kỳ chống Mỹ, như ông đã từng làm trong Kháng chiến chống Pháp? Hay là những nhân vật khác ẩn khuất hơn nhưng gần gũi hơn trong việc hình thành và thực hiện chiến lược của Việt Nam? Phải chăng chủ nghĩa dân tộc và ước vọng “giải phóng đất nước” là những động lực duy nhất của giới lãnh đạo Hà Nội, hay những yếu tố khác, như ý thức hệ chẳng hạn, cũng quan trọng như thế hoặc hơn trong việc hình thành các đường nét trong nỗ lực cách mạng của họ?

Khó khăn trong việc giải đáp những câu hỏi như vậy chủ yếu là do những cố gắng của chính quyền Việt Nam nhằm kiểm soát việc “thời chống Mỹ” được ghi nhớ như thế nào ở Việt Nam và những nơi khác sau 1975, và ngăn chặn các học giả điều tra quá trình hình thành quyết định của Đảng Lao động Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu ấy, chính quyền đã quản lý và kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm và ấn phẩm về lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, và khước từ phần lớn các học giả – Việt Nam và nước ngoài – việc tiếp cận những kho lưu trữ liên quan (chẳng hạn các kho lưu trữ của Đảng cũng như của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng). Thật mỉa mai thay, sự kết thúc cuộc chiến tranh lạnh hai thập kỷ trước cũng chỉ làm thay đổi chuyện này rất ít. Trong khi Bắc Kinh, từ lúc đó, đã hoan nghênh các học giả đến nghiên cứu tại các Trung tâm lưu trữ của Đảng và nhà nước họ, cho phép công bố những bí mật – và chắc chắn không phương hại về mặt chính trị – về lịch sử hình thành những quyết định trong thời Mao cho đến 1965, Hà Nội lại lựa chọn con đường tiếp tục duy trì tấm màn bí mật, che đậy cả những quyết định chủ chốt lẫn những quyết định không lấy gì làm quan trọng của nhiều thập kỷ trước, cứ như thể là hôm nay các chính phủ và nhân dân thế giới, chứ không phải chỉ một số nhỏ nghiên cứu sinh và các học giả, đang thực sự quan tâm một cách nghiêm chỉnh đến những quyết định đó.

Đã biết như thế về cách hành xử xưa nay của chính quyền Việt Nam trên phương diện đó, những sinh viên nghiên cứu cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có tôi, đã vui mừng, ngạc nhiên khi biết rằng vào đầu những năm 2000, Đảng Cộng sản Việt Nam (kế tục Đảng Lao động Việt Nam thời chiến) đã bắt đầu xuất bản một tuyển tập tài liệu tương đối hoàn chỉnh về những văn kiện của Đảng, ngược lui cho đến tận những năm 1920, và bao trùm cả hai cuộc chiến Đông Dương: loạt sách Văn Kiện Đảng. Tài liệu sưu tập [trong bộ sách này] đã từng xuất hiện ở Việt Nam, nhưng chỉ là những mảnh vụn rải rác và không phải luôn luôn có những tài liệu thực sự đi kèm. (Thật ra, thuật ngữ trong tiếng Việt tương đương với “document” (tài liệu) và “primary source” (nguồn chính) thường được dùng tương đối tự do ở Việt Nam, ngay cả trong giới nghiên cứu. Sự bất nhất này có thể gây ra khó chịu cho những người nước ngoài, những người phải trông cậy vào các mối quen biết ở địa phương để tìm ra các tài liệu đầu tay này). Thú thật, loạt sách Văn Kiện Đảng cũng có vấn đề. Những tài liệu mà nó đưa ra chỉ là một phần (có nghĩa là không đầy đủ). Hơn nữa, các bạn đồng sự ở Việt Nam đã nói với tôi rằng, bởi vì từng tài liệu đã được những người biên tập kiểm duyệt kỹ càng, nên một phần của những tài liệu được tuyển chọn đã bị thiếu và một số thông tin có thể thậm chí bị sửa đổi hay lược bỏ để bảo vệ bất kể những gì mà Đảng muốn giấu. Dẫu sao đi nữa, loạt sách này cũng có những giá trị riêng.

Lần đầu tiên tôi tới Việt Nam vào năm 1996 để làm nghiên cứu, với tư cách là một nghiên cứu sinh đi tìm tài liệu cho luận án của mình với đề tài về sự hình thành Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Tôi tìm thấy những thông tin quý giá trong Thư viện Quốc gia ở Hà Nội cũng như tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III. Từ đó tôi thường xuyên đến Trung tâm này. Mặc dù không bao giờ tôi bị từ chối chuyện vào đây, nhưng để xin được phép thì luôn luôn phải mất từ ba đến bốn tuần. Thêm vào đó, tôi thu thập được một số thông tin có ích và rất thú vị từ những tài liệu tôi được phép đọc, và rất hiếm khi, được sao chụp. Một số trong những tài liệu đó do chính Đảng ban hành. Nhờ vậy, từ đó tôi đã có thể lờ mờ hiểu những lập luận đằng sau các chính sách của Đảng trong thời kỳ 1954-1975.

Đó là lý do tại sao tôi lại đánh giá cao và cho là Văn Kiện Đảng có giá trị. Mặc dù còn nhiều thiếu sót, bộ Văn Kiện Đảng dễ kiếm và đưa ra một số tài liệu có thể giúp ta tìm hiểu những mối quan tâm của lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam trong khi hoạch định đường lối. Những tài liệu này có thể có vấn đề nếu người nghiên cứu chỉ dựa riêng vào chúng để tìm hiểu quá trình ra quyết định của Đảng, nhưng chúng lại có thể giúp ta soi sáng quá trình này nếu sử dụng kết hợp với những tài liệu khác. Chẳng hạn tôi thường dùng chúng cùng với những tài liệu của Chính phủ, nguồn lịch sử chính thức, và các nguồn tài liệu Tây phương, gốc hoặc thứ cấp. Mặc dù nghiên cứu của tôi có những khiếm khuyết của riêng nó, tôi muốn nghĩ rằng ít nhất thì nó cũng có đóng góp chút ít cho sự hiểu biết của phương Tây về “phía bên kia” trong thời chiến tranh Việt Nam. Vì thiếu những bằng cớ “chắc chắn” (có nghĩa là toàn bộ những tài liệu của Đảng), việc tốt nhất chúng ta có thể làm là suy luận trên cơ sở những bằng chứng, tuy chỉ có một phần nhưng đáng tin cậy, về quá trình hình thành những quyết định ở Hà Nội.

Mục đích nghiên cứu hiện thời của tôi bao gồm cả việc tìm dấu vết quá trình tiến triển của chiến lược cách mạng cộng sản ở Việt Nam sau 1954, nhưng chú trọng đến mặt ngoại giao trong chiến lược này. Tài liệu Văn Kiện Đảng đặc biệt hữu ích, giúp tôi đánh giá lại những giai đoạn quan trọng trong tiến triển đó và đưa ra những nhận xét đánh giá lại, khác với những định kiến đã có ảnh hưởng quá nhiều trong giới sử học nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Ví dụ trong một tiểu luận sắp in, tôi đưa ra nhận định – dựa trên cơ sở những tài liệu Văn Kiện Đảng và những nguồn khác – rằng vào năm 1954, Đảng Lao động Việt Nam chấp nhận đàm phán và một giải pháp ngoại giao cho cuộc Kháng chiến chống Pháp, bởi vì điều này phục vụ cho một số những quyền lợi cốt yếu của họ và đáp ứng được với những khả năng có thể xảy ra theo họ phán đoán lúc đó[1]. Một tài liệu tôi tìm thấy trong Văn Kiện Đảng đặc biệt cho thấy rõ điều đó là việc đánh giá tình hình trong nước và trên thế giới, do Bí thư thứ nhất Trường Chinh soạn thảo giữa tháng 7 năm 1954, khi Hội nghị Giơ ne vơ đã bước vào giai đoạn quyết liệt[2]. “Ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng yếu” Trường Chinh nhận định. Không may là, ông tiếp tục, khả năng can thiệp của Mỹ hiện nay cao hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đe dọa đó, việc đạt được một thỏa thuận trên bàn đàm phán với những điều kiện tuy không hoàn hảo nhưng hợp lý thì cũng chính là một “cơ hội tốt” để chặn đứng những tham vọng của Mỹ ở Đông Dương. “Tuy còn nhiều khó khăn trước mắt”, ông kết luận, “hòa bình sẽ mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho chúng ta” để “hoàn thành những nhiệm vụ còn dang dở” và “giành thắng lợi mới”. Chắc chắn, khi chấp nhận Hiệp định Giơ ne vơ ban, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam đã đáp ứng tích cực với những quan tâm và áp lực từ các đồng minh xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc, về một số vấn đề. Nhưng họ đã không, như một số học giả phương Tây vẫn khăng khăng, đi ngược lại những yêu cầu chiến lược của chính họ trong khi họ hiểu rõ những yêu cầu đó. Trên thực tế, đã không có những xung đột quan trọng, mà thay vào đó, là một sự phù hợp ở mức độ đáng kể giữa những quyền lợi của Việt Nam về một phía, và quyền lợi của Trung Quốc với Liên Xô về phía kia, như tài liệu trên đã chỉ ra.

Trong một bài trước đây, dựa gần như hoàn toàn vào tài liệu trong Văn Kiện Đảng, tôi đã lập luận rằng Hà Nội chấp nhận Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 và đã hành động đúng theo những tính toán dự phòng của họ, vì họ tin chắc rằng việc thực thi Hiệp định sẽ đem lại hòa bình thống nhất đất nước và phù hợp với lợi ích của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam[3]. Một tài liệu, tôi đã dùng để chứng minh cho phát biểu của mình, là chỉ thị lưu hành nội bộ Đảng ngày 27 tháng 7-1954 có nói rằng “cuộc đấu tranh ái quốc của ta chuyển sang giai đoạn mới” và “đã chuyển sang hình thức đấu tranh chính trị để củng cố hòa bình”. Để thực hiện những mục tiêu này trong hoàn cảnh mới, Đảng ta sẽ tranh đấu “theo đường lối hòa bình”. Trong thời gian này, chỉ thị nói rõ, nhiệm vụ nặng nề của các cán bộ Đảng là “giải thích… rõ tình hình mới” cho toàn thể đảng viên và quần chúng, nhắc nhở họ tầm quan trọng của việc phải tránh những hành động bạo lực và chống lại những khiêu khích của kẻ thù. “Nhân dân ta còn phải tiếp tục đấu tranh lâu dài và gian khổ bằng phương pháp hòa bình,” chỉ thị nhấn mạnh, “để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc”[4]. Sai lầm trong việc tôn trọng văn bản và tinh thần của Hiệp định Giơ ne vơ, một chỉ thị khác được in trong Văn Kiện Đảng nói, sẽ cung cấp cho Mỹ và các đồng minh của chúng, Pháp và Nam Việt Nam, một cái cớ chống lại việc thi hành Hiệp định[5].

Ở những chỗ khác, tôi dùng loạt sách Văn Kiện Đảng để tìm hiểu quá trình hình thành chiến lược cách mạng của Hà Nội trong khoảng thời gian từ giữa phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng giêng 1959 đến thời điểm tan vỡ của Hiệp định Giơ ne vơ về Lào vào năm 1962[6]. Tài liệu trong Văn Kiện Đảng cũng nhấn mạnh rằng trong thời kỳ quan trọng này, Hà Nội đã đi những bước hết sức thận trọng bên dưới vĩ tuyến 17, bởi vì họ tìm cách cân bằng những áp lực dị biệt với những nhu cầu khác nhau. Những nhà cách mạng trong Nam thì muốn Hà Nội phê chuẩn đấu tranh võ trang, trong khi Liên Xô và, có một thời gian, cả Trung Quốc đều muốn Hà Nội tập trung vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong khi những sự khác biệt này ngày một gia tăng, Sài Gòn và Washington lại mở rộng “cuộc chiến tranh xâm lược” của họ sang Lào và Căm Bốt, là những khu vực mà ít nhất là trong lúc này Hà Nội muốn giữ thái độ trung lập. Sự tiến thoái lưỡng nan mà Hà Nội gặp phải, những tài liệu tiết lộ, là hoặc đáp ứng phù hợp với hoàn cảnh của những đảng viên trong Nam và có cơ nguy xa rời hai cường quốc cộng sản, hoặc cố trì hoãn để tránh cơ nguy này cho dù phong trào cách mạng trong Nam có thể có những tổn thất.

Trong một tiểu luận khác, tôi sử dụng tài liệu trong Văn Kiện Đảng, để chứng minh rằng, mùa xuân năm 1965, Hà Nội đã miễn cưỡng đưa miền Bắc vào một cuộc chiến rộng lớn hơn với Mỹ.[7] Tuy nhiên, sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bắt đầu thì họ không dừng bước trước bất kể chướng ngại nào để đảm bảo thắng lợi cuối cùng cho những cố gắng của họ. Hiện nay tôi đang nghiên cứu về chiến lược ngoại giao của Hà Nội giữa 1965 và 1973. Tài liệu từ Văn Kiện Đảng và những nguồn khác chỉ ra rằng khi nào những nhân vật quốc tế chính trong cuộc Chiến tranh lạnh sử dụng ngoại giao để ngăn chặn bạo lực, thì những người lập chính sách của Đảng Lao động Việt Nam lại coi ngoại giao như một chức năng của cuộc đấu tranh cách mạng, một vũ khí chiến tranh về thực chất.

Những người quan tâm đến thời kỳ 1965-1975 sẽ tìm thấy những viên ngọc thực sự trong Văn Kiện Đảng. Nó bao gồm cả nghị quyết của Ủy ban Trung ương vào tháng giêng năm 1968, về vấn đề thực hiện và dự đoán kết quả của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân; bức điện của Bộ Chính trị vào tháng 3-1972, gửi các lãnh đạo cách mạng trong Nam nói về những quan tâm của Hà Nội và chiến lược đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon; một bức điện khác của Tổng bí thư Lê Duẩn, tháng 9-1972, gửi Trung ương cục miền Nam, cơ quan chỉ đạo cao nhất của Đảng trong Nam, thông báo về việc sắp sửa ký hiệp định lập lại hòa bình với Mỹ và những nét đại cương về trách nhiệm của Trung ương Cục sau khi ký hiệp định; và một loạt những bức điện của Bộ Chính trị gửi các chỉ huy quân sự trong Nam, tháng 3 và 4-1975, nêu những nét chính trong chiến lược của Đảng để hoàn thành công cuộc “giải phóng” miền Nam.

Dù cho có những khiếm khuyết, loạt sách Văn Kiện Đảng là vô giá, đặc biệt trong hoàn cảnh khan hiếm những tài liệu lưu trữ từ phía Việt Nam, và khi tính đến quãng đường mà các nghiên cứu sinh và học giả phải trải qua để có được thậm chí chỉ một chút xíu những tài liệu chứng cứ ở đất nước này.
_______
Pierre Asselin là Phó Giáo sư Lịch sử tại Viện đại học Hawaii Thái bình dương. Ông là tác giả cuốn sách: Một nền hòa bình cay đắng: Washington, Hà Nội và việc ký kết Hiệp định Paris (Chapel Hill: Nhà xuất bản Viện đại học North Carolina, 2002). Hiện ông đang đang viết cuốn sách sắp tới về chiến lược cách mạng của Hà Nội trong giai đoạn 1954 đến 1965.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Summer 2010, vol. 5, no. 2, Summer 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Bùi Xuân Bách
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Pierre Asselin, “Việt nam Dân chủ Cộng hòa và Hội nghị Giơ ne vơ 1954: một cách nhìn lại” trong Lịch sử Chiến tranh lạnh, sắp ra.
[2] Đảng Cộng Sản Việt Nam, “Để hoàn thành nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác trước mắt”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập – tập 15: 1954 (dưới đây viết tắt Văn Kiện Đảng: 1954) (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2001), 179–222.
[3] Pierre Asselin, “Chọn lựa hòa bình: Hà Nội và Hiệp định Giơ ne vơ về Việt Nam, 1954–1955,” Tạp chí Nghiên cứu Chiến tranh lạnh 9, số 2 (Xuân 2007): 95–126.
[4] “Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 27 tháng 7 năm 1954: Tuyên truyền về những Hiệp định của Hội nghị Giơnevơ—Tình hình và nhiệm vụ mới”, Văn Kiện Đảng: 1954, 238–241.
[5] “Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 30 tháng 7 năm 1954: Về việc chấp hành lệnh đình chiến”, Văn Kiện Đảng: 1954, 248–250.
[6] Pierre Asselin, “Hà Nội giữa hai Hội nghị Giơ ne vơ: Sự tiến triển của chiến lược cách mạng Việt Nam, 1959-1962,” trong Hòa bình không đến, Đông dương giữa hai Hội nghị Giơ ne vơ, 1954-1962, do Christopher Goscha và Karine Laplante biên tập (Paris: Les Indes Savantes, 2010).
[7] Pierre Asselin, “Hà Nội và việc Mỹ hóa cuộc chiến ở Việt Nam: Bằng chứng mới từ Việt Nam,” Tạp chí lịch sử Thái Bình Dương 74, số 3 (tháng 8-2005): 427–431.

Bản tiếng Việt đăng lần đầu trên talawas, 3.11.2010.

No comments:

Post a Comment