Saturday, August 27, 2011

Erica J. Peters – Đối kháng, Cạnh tranh và Tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến (phần 3 & phần 4))

Nguyệt Cầm dịch

Phác thảo các tổ chức của công nhân Việt tại Pháp

Mục tiêu của những tổ chức công nhân Việt này là gì, và chúng khác với các nhóm chính trị công khai hơn, chẳng hạn như AIP của Nguyễn Thế Truyền, như thế nào?

Hiệp hội các đầu bếp được thành lập vào năm 1922 và phát triển trong những năm tiếp theo, tới vài trăm hội viên, chủ yếu là các đầu bếp hoặc gia nhân Việt. [1] Phần lớn trong số họ sang Pháp khi chủ Pháp của họ từ thuộc địa quay về nước, mặc dù họ thường chuyển sang làm ở một nhà mới sau khi đã đến Paris được một thời gian. Hội này lúc ban đầu vừa là một tổ chức xã hội, vừa là một hội tương trợ chung. [2] Các hội viên gặp nhau tại một quán café ở số 27 Đại lộ Hoche, Quận Tám. Địa điểm này được sử dụng cho cả những cuộc họp chính thức và các cuộc tụ tập thân mật. Theo báo cáo của chỉ điểm cảnh sát, những vấn đề như tiền bạc, công việc kinh doanh, các vụ tai tiếng, thuốc phiện và phụ nữ đều đóng vai trò lớn ngang với chính trị trong các cuộc trao đổi giữa các đầu bếp người Việt. Chẳng hạn, vào tháng 11 năm 1924, người ta nghe thấy đầu bếp Philippe Moi khoe tại quán café này là ông ta mới kiếm được năm mươi ngàn francs do buôn lậu thuốc phiện và người ta còn nợ ông tám ngàn nữa sau chuyến chuyển hàng cuối cùng cho chủ mình là Camille Aymard. Sau tuyên bố này của Phillipe, các đồng nghiệp của ông tiếp tục đánh bài, mặc dù cuộc bài bạc vui vẻ chẳng mấy chốc đã biến thành một cuộc cãi lộn ồn ào. [3]

Hiệp hội Travailleurs Manuels được thành lập vào năm 1923, có năm mươi hội viên vào năm đầu tiên và mấy năm sau thì tăng lên hai trăm. [4] Giống như Hiệp hội các đầu bếp, hội này tạo điều kiện cho hội viên giao tiếp và giúp đỡ lẫn nhau. Các nhóm này giành được sự tồn tại hợp pháp nhờ luật của Pháp quy định chức năng xã hội và tính chính đáng của các tổ chức giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, Hiệp hội các đầu bếp và Travailleurs Manuels dựa nhiều hơn vào truyền thống tương trợ lẫn nhau của người Việt, hoặc vào mơ ước chung của các di dân là được tụ họp với những người nói cùng thứ tiếng với họ và chia sẻ những kinh nghiệm tương tự như họ. [5]

Hiệp hội Travailleurs Manuels bao gồm các thợ sơn, đầu bếp, thư ký, thợ sửa ảnh và thợ cơ khí. Xét cho đúng ra, nhiều người trong số những công nhân Việt này là thợ thủ công hơn là người lao động bình thường, nhưng họ chỉ được trả công nhật từng ngày và không bao giờ biết chắc là hôm sau thì mình có việc làm không. [6] Ban đầu, họ gặp ở số nhà 20 phố Colisée ở Quận Tám, nhưng sau một năm ở Paris, nhóm này chuyển ra vùng ngoại ô ở Boulogne-sur-Seine, nơi phần lớn các hội viên làm việc tại một nhà máy sơn mài. [7] Những người biết chữ viết thư cho bất kỳ ai có thể giúp đỡ các hội viên về mặt vật chất, giúp họ giải quyết các mâu thuẫn với chủ và giúp họ sống sót được qua kỳ thất nghiệp. [8] Hiệp hội cũng tập trung tìm kiếm các nguồn tài trợ để giúp đỡ hội viên; việc xuất xứ nguồn tiền là từ các hoạt động tống tiền, buôn lậu, tài trợ của nhà nước hay do các cá nhân đóng góp đều không thành vấn đề. [9]

Vào đầu năm 1926, tổ chức này đã thành công trong việc đề nghị nhà nước Pháp trợ cấp cho số tiền mười hai ngàn francs một năm. Những thương lượng cụ thể với chính phủ không được ghi lại trong lưu trữ, nhưng có một tài liệu ghi lại việc Nguyễn Thế Truyền phê phán các hội viên của hội đã hy sinh tự do hoạt động chính trị để đổi lấy trợ cấp. Kế toán của hiệp hội Travailleurs Manuels đập lại rằng với đồng lương của các hội viên như vậy, chỉ cần một trận ốm hay mất việc cũng đủ dẫn đến thảm họa, vì vậy hội rất vui khi nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. [10] Khoản trợ cấp này đồng nghĩa với việc ban quản trị hội phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu được giúp đỡ: cho các hội viên bị thất nghiệp, đau ốm, vợ ốm, con thơ, vân vân. Những yêu cầu đó dường như quá tải với ban quản trị trong việc chọn ra những người thích hợp cần được trợ giúp, dẫn đến vô số các cuộc cãi vã bất tận về việc ai là người quá lười biếng không chịu tìm việc làm hay liệu những cô bồ người Pháp của các hội viên có đáng được nhận trợ giúp không. Vào tháng 12 năm 1926, ban quản trị quyết định là tiền sẽ không dùng để trợ giúp những hội viên trong lúc cần thiết nữa, mà sẽ được dùng để trả cho các bữa tiệc mà mọi hội viên đều được mời. [11]

Các đảng của công nhân

Các đảng phái quan trọng đối với công nhân về nhiều mặt. Trước hết, đảng phái cho phép họ tái lập cảm giác về một cộng đồng xã hội trong những dịp lễ tết quan trọng. Điều này đặc biệt đúng vào dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Ở Việt Nam, hội hè thay thế cho tất cả công việc thường nhật trong ít nhất là ba ngày; những công nhân này lẽ ra đã về quê, thăm bạn bè và gia đình, trao đổi quà cáp và ăn những bữa cỗ theo phong tục. Ở Pháp, cuộc sống vẫn trôi đi như ngày thường, và di dân Việt vẫn phải đi làm. Trong những hoàn cảnh như vậy, họ cố gắng tụ họp với các đồng hương để cùng nhau ăn Tết. Tuy nhiên, vì những lý do thực tiễn, công nhân thường tổ chức những bữa tiệc lớn vào khoảng thời gian giữa Giáng sinh và đêm giao thừaTết Dương lịch, khi mọi người (Pháp) xung quanh họ đều đang ăn mừng, và nếu có thức khuya thì cũng dễ ngủ bù hơn.

Trên một bình diện khác, tổ chức những bữa tiệc của riêng mình khiến công nhân cảm thấy được độc lập và tự chủ. Công nhân phàn nàn là họ và gia đình không thể tham gia các bữa tiệc của sinh viên được vì lệ phí vào cửa quá đắt. Vì AMI nhận được khoản “tài trợ tai tiếng” là năm mươi ngàn francs, Etienne Dumont, vị chủ tịch lai Việt của Travailleurs Manuels, tuyên bố là giá tiền vào cửa chỉ là một thủ đoạn nhằm ngăn cấm công nhân và những khách nghèo không tham gia tiệc được mà thôi.

Chỉ điểm báo cáo rất nhiều về các bữa tiệc của công nhân, hẳn là vì khó mà bỏ qua những dịp tiệc tùng đó, và lại dễ tham gia mà không gây nghi ngờ gì. Thành phần tham gia tiệc khá hỗn tạp: phần lớn người tham dự là công nhân Việt, nhưng cũng có khá đông bạn bè và các cô bồ người Pháp của họ. Sinh viên và các nhà hoạt động người Việt thường tham gia với một con số khá nhỏ; chủ yếu để ra mắt hoặc quan sát các hoạt động. Đôi khi, một vài nhà hoạt động từ các thuộc địa khác cũng tham gia tiệc.

Bữa tiệc lớn đầu tiên do công nhân tổ chức diễn ra vào tháng 12 năm 1924. Hiệp hội các nhà đầu bếp tổ chức một buổi dạ hội vào đêm giao thừa dương lịch tại Café de l’Europe ở Quận Bảy (gần Quận Tám). Có khoảng sáu mươi gia nhân Việt và khoảng bốn mươi người khách tham dự. Cũng có năm hội viên của AMI tới dự và bàn luận về một chiến dịch chính trị họ đang thực hiện ở thuộc địa nhằm đuổi đại diện người Pháp Ernest Outrey và thay ông ta bằng một người Việt. Cuối phần khiêu vũ, chủ tịch hội Bùi Đức Thành quyên góp tiền cho những nạn nhân của những trận lụt gần đây ở Cochichina [Nam kỳ]. Quyên được 109 francs, Bùi Đức Thành tuyên bố là sau khi trừ đi những khoản chi cho dạ tiệc, nếu còn lại được đồng nào thì sẽ gửi hết cho nạn nhân lũ lụt. Ta có thể đoán được là một vài người có mặt ở đó phản đối ngón bịp này của Bùi Đức Thành, nhưng chỉ điểm không báo cáo về vụ cãi nhau nào vào đêm đó. [12]

Nhưng dù có lời qua tiếng lại thế nào chăng nữa, bữa tiệc của các đầu bếp đã để lại ấn tượng tốt cho công nhân Việt ở Pháp. Bữa tiệc trong năm sau còn lớn hơn về quy mô và mang tính chính trị hơn. Hai trăm người Việt và khoảng một trăm vị khách mời của họ đã tập trung tại một tiệm café ở Quận Tám ăn tiệc mừng giao thừa dương lịch năm 1925. Họ vừa khiêu vũ vừa lắng nghe Bùi Đức Thành phê phán chính sách thuộc địa của Pháp. Tại bữa tiệc này cũng có những người từ các thuộc địa khác của Pháp, bao gồm cả các nhà hoạt động lỗi lạc như Abdelkader Hadj Ali và Lamine Senghor. [13] Vào cuối năm 1925, thậm chí ngay cả khi Liên hiệp thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc đang tan rã thì liên minh chính trị liên thuộc địa vẫn còn quan trọng với tổ chức của các đầu bếp người Việt, hoặc ít nhất là theo chỉ điểm của cảnh sát, những người đã viết báo cáo về các sự kiện này. (Xin lưu ý là các mục đích chính trị này không ngăn cản hội viên trong hội khỏi cãi nhau về chi phí: có hội viên phàn nàn là họ chỉ được uống champagne và ăn bánh mì kẹp trong khi chi phí cao của bữa tiệc lẽ ra đã phải đủ để trả cho một bữa tối đầy đủ.[14])

Vào mùa thu năm 1925, người Việt trên khắp thế giới đều kinh qua rất nhiều biến động chính trị. Vị anh hùng dân tộc Phan Bội Châu bị bắt và bị đưa ra xử ở Hà Nội. Vào tháng 11 năm đó, chính trị gia được cho là cấp tiến Alexander Varenne được chọn làm toàn quyền mới của Đông Dương, dấy lên niềm hi vọng về những cải tổ chính trị. Ở Paris, một đầu bếp người Việt là Sai Văn Hóa tổ chức một bữa tiệc mừng Varenne trước khi ông lên đường sang thuộc địa. Tại bữa tiệc này, viên toàn quyền mới hứa hẹn với công nhân ở Paris là ông sẽ làm “tất cả mọi việc” vì họ. [15] Nhưng Varenne đã mau chóng gây thất vọng cho những người Việt đó. Họ tin rằng ông ta sẽ làm việc với Đảng Lập hiến Việt Nam vốn ôn hòa, để tiến hành những thay đổi to lớn trong chế độ thuộc địa độc tài. Varenne từng hiện thân cho niềm hy vọng rằng con đường cách mạng Phan Bội Châu chọn là sai và một cuộc cách mạng bạo lực là không cần thiết. Đối với nhiều người ở Paris, kể cả những người ôn hòa, niềm hy vọng đó bỗng trở thành ấu trĩ.

Một đoàn thể lớn khác của công nhân, Hiệp hội Travailleurs Manuels, tổ chức bữa đại tiệc đầu tiên của mình vào năm sau đó. Bữa tiệc được tổ chức vào ngày Noel năm 1926 tại trụ sở của Đảng Cộng sản Boulogne-Billancourt ở ngoại ô, nơi công nhân gặp gỡ và cũng là nơi làm việc của nhiều người trong số họ. Sau bữa tiệc, nhiều hội viên phàn nàn là bữa tiệc được tổ chức quá muộn nên trẻ con không tham dự được, là phòng không có hệ thống sưởi, và tiền bạc thì bị lãng phí một cách không cần thiết. Họ phê bình là những người tổ chức không tính toán chu đáo, ám chỉ rằng ban tổ chức đã chọn địa điểm này như một cách chuyển tiền cho các đồng minh cộng sản, hơn là vì sự tiện lợi cho các hội viên với một thời gian thuận tiện hơn. [16]

Kỳ lễ tết năm đó, Hiệp hội các nhà đầu bếp không tổ chức tiệc tùng. Thay vào đó, hội viên để dành tiền để đầu tư mở tiệm ăn của riêng họ ở Khu Latin.

(Xem tiếp phần 4 sau chú thích phần 3)

Chú thích:

1. Báo cáo tóm tắt không đề ngày tháng của cảnh sát về các tổ chức của người Việt, 3 SLOTFOM 4, dossier 46; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 26 tháng 2, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
2. Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 26 tháng 2, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
3. Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 21 tháng 11, 1924, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Aymard sáng lập nhật báo La Liberté vào năm 1922.
4. Báo cáo tóm tắt không đề ngày tháng của cảnh sát về các tổ chức của người Việt; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 8 tháng 4, 1924, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
5. Các tổ chức xã hội chung cung cấp nhiều lưới an toàn xã hội của Pháp vào những năm giữa hai cuộc thế chiến này. Paul V. Dutton, Origins of the French Welfare State: The Struggle for Social Reform in France, 1914–1947 (New York: Cambridge University Press, 2002); Michel Dreyfus, Liberté, égalité, mutualité: Mutualisme et syndicalisme (1852–1967) (Paris: Éditions de l’Atelier, 2001). Về các tổ chức tương trợ qua lại và xã hội của người Việt, xem Hy Van Luong, Revolution in the Village (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 1992), 56–60; và Nguyễn Từ Chi, “The Traditional Việt Village in Bắc Bộ: Its Organizational Structure and Problems,” trong The Traditional Village in Vietnam, ed. Phan Huy Lê et al. (Hà Nội: Thế Giới, 1993), 78–114.
6. So sánh với các lao động công nhật làm việc ở các bến cảng ở Marseilles, những người lao động chân tay này có việc làm tương đối ổn định. Nhưng họ vẫn ghen tị với các đầu bếp và người ở vì những người kia có việc làm được bảo đảm hơn và có lương tháng (Báo cáo chỉ điểm Désiré, 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM). Để biết thêm về “hệ thống Marseille” của những người lao động không cố định, xem Lewis, “The Strangeness of Foreigners,” 70.
7. Báo cáo chỉ điểm Désiré, ngày 6 tháng 3, 1925, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
8. Xem Nguyễn Văn Hai, thư gửi Tổng thanh tra [Controleur Général] Bộ Thuộc địa về những nỗ lực của Phạm Văn Chước trong việc giành lại ảnh hưởng cá nhân, ngày 1 tháng 9 năm 1924, 3 SLOTFORM 4, dossier 46, CAOM. (Sau này Phạm Văn Chước trở thành chủ tịch Hiệp hội Lao động Chân tay).
9. Xem cuộc thảo luận của ban lãnh đạo vào tháng 4 năm 1924 về việc làm cách nào là tốt nhất để quyên tiền của Camille Aymard trong báo cáo của chỉ điểm Désiré, 17 tháng 4 năm 1924, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
10. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM.
11. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 16 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM.
12. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 8 tháng 1, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
13. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 14 tháng 1, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Cũng xem Brent Hayes Edwards, “The Shadow of Shadows,” Positions 11, no. 1 (2003): 18.
14. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 30 tháng 12, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
15. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 16 tháng 7, 1926, 3 SLOTFOM 4 [dossier 19?], CAOM. (Theo một ghi chú trong cùng hồ sơ này, ghi ngày 16 tháng 11, 1925, Sai Văn Hóa đã tiêu 1,300 francs cho bữa tiệc.)
16. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 6 tháng 12, 1926, 30 tháng 12, 1926 và 4 tháng 1, 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Trong năm 1927, Hiệp hội những người lao động chân tay chia làm 2, sau khi chủ tịch và thủ quỹ tố cáo nhau là ăn cắp. Khi những công nhân có tư tưởng chính trị hơn cũng xin trợ cấp thì chính phủ đơn giản là ngừng toàn bộ tài trợ cho tổ chức này (Báo cáo của Bộ Nội vụ, ngày 8 tháng 8 năm 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM).
___________________

Phần 4

Nguyệt Cầm dịch

Các tiệm ăn của công nhân

Nếu các bữa tiệc của công nhân đại diện cho những dịp hiếm hoi mừng lễ tết và xây dựng cộng đồng, thì nhà hàng cũng có tác dụng tương tự, nhưng ở mức độ thường nhật hơn. Công nhân Việt thư giãn sau khi làm việc hoặc vào cuối tuần bằng việc tụ tập giao tiếp xã hội tại các quán café và nhà hàng họ ưa thích. Gia nhân sống cùng chủ đôi khi lén lút lợi dụng dinh thự hoành tráng của chủ làm nơi tụ tập – chẳng hạn như khi Bá Sóc mời hai mươi đầu bếp khác tới ăn tối và nhảy đầm trong phòng khiêu vũ khi chủ nhân đi nghỉ mát xa nhà[i], nhưng công nhân thường không tiếp bạn tại những chung cư bé xíu của mình. Phần lớn thời gian công nhân gặp gỡ ở nơi công cộng, tại những địa điểm gần chỗ làm của họ hoặc gần nơi họ sinh sống.

Hành trình thông thường của công nhân Việt khiến họ không lai vãng đến những nơi sinh viên tụ tập, nhưng đôi khi công nhân cũng tới Khu Latin (Quận Năm và Quận Sáu). Chẳng hạn, có một tiệm bán hàng nhập khẩu do người Việt quản lý trên đường Geoffroy St. Hilaire, vì thế họ có thể tới đó để mua trà, gạo hoặc nước mắm. Mỗi khi sang phía Bờ Trái của sông Seine, công nhân có đến các café và nhà hàng mà sinh viên Việt thường lui tới: Các tiệm ăn Tàu trên đường Royer Collard và đường Cujas là những địa điểm được cả hai nhóm ưa thích; Café Turquetti trên đại lộ Saint-Germain cũng vậy. Nhưng thường xuyên hơn thì công nhân gặp gỡ tại các quán ăn ở Quận Tám hoặc Quận Mười Bảy, và sinh viên Việt gần như chẳng bao giờ mò tới những chỗ đó. Họ thích quanh quẩn gần quán café của Mich hơn.[ii]

Nhiều quán trong số những nơi công nhân thích đến là do người Pháp làm chủ, ví dụ Café Hoche ở Quận Tám, hoặc Café de l’Europe ở Quận Mười Bảy. Gặp gỡ ở những tiệm do người Pháp làm chủ có cái tiện nhưng cũng có những cái bất tiện. Khi đầu bếp Ngô Văn Minh muốn mở tiệm café của riêng mình, ông quyên góp tài trợ của đồng nghiệp bằng cách chỉ ra một số điều bất tiện: “Chúng ta tiêu tốn quá nhiều tiền vào những tiệm café do người Pháp làm chủ, nơi chúng ta không được tự do làm những gì mình thích. Cứ khi nào chúng ta có tranh cãi thì chủ tiệm lại dọa đưa chúng ta ra cảnh sát. Cảnh sát không có nhu cầu can thiệp vào công việc của chúng ta. Tại địa điểm của chính chúng ta, chúng ta có thể đánh bạc hoặc cãi nhau thỏa thích.”[iii]

Vị chủ tịch mới của Hiệp hội các đầu bếp là Hoàng Ngọc Hai ủng hộ đề nghị của Ngô Văn Minh và nói rằng “tất cả các đầu bếp ở Pháp cần phải được hưởng tự do tuyệt đối.” Nhưng các đầu bếp đồng nghiệp không dễ bị thuyết phục đầu tư vào tiệm café này. Một số người trả lời họ không có tiềm lực để đạt được tự do thực sự: “Chừng nào mà họ còn là người hầu, chừng đó họ còn sống trong cảnh nô lệ,” và do đó việc ai làm chủ nhà hàng mà họ lui tới thì có ý nghĩa gì? Đầu óc thực dụng của những đầu bếp người Việt này không bao giờ xa rời thực tế. Họ cũng biết rõ sự tiện lợi của việc tụ họp tại những địa điểm ít tách biệt hơn. Cảnh sát coi các tiệm ăn Châu Á là những nền móng nuôi dưỡng các hoạt động chống thực dân và các hoạt động tội phạm, vì vậy họ thường gửi chỉ điểm của mình đến những chỗ đó. Do thế, chúng ta có thể hiểu được tại sao công nhân Việt nghĩ rằng ít có khả năng họ bị theo dõi ở các tiệm café và nhà hàng của người Pháp hơn; hoặc ít nhất, chỉ điểm ở đó ít có khả năng hiểu được tiếng Việt hơn.[iv]

Tuy nhiên, ước mơ thoát khỏi kiếp tôi đòi và làm chủ một công việc kinh doanh hợp pháp vẫn tiếp tục kéo dài qua nhiều năm, đặc biệt là với những đầu bếp người Việt. Nhưng các chủ tiệm ăn Tàu đã nhanh chân hơn họ. Tiệm ăn Trung Quốc đầu tiên bắt đầu quảng cáo trên Didot-Bottin Annuires ngay từ năm 1914, và tiệm thứ hai vào năm 1916. Từ sau năm 1920, Annuaire thường xuyên đăng quảng cáo một số tiệm ăn Tàu, phần lớn ở các Quận Năm, Quận Sáu và Quận Mười Hai. Một tiệm ăn Việt ở Quận Tám quảng cáo giữa năm 1926 và năm 1928 rồi biến mất; một tiệm khác, cũng ở Quận Tám, bắt đầu quảng cáo vào năm 1932. Phải mãi đến năm 1936 thì một tiệm ăn Việt, tiệm Sài Gòn, mới trở nên thịnh vượng ở Quận Năm. Ở Marseilles, tiệm ăn Trung Quốc đầu tiên quảng cáo trên Annuaire vào năm 1924 và tồn tại được ba năm thì đóng cửa. Rồi đến năm 1928, một tiệm khác được mở ra trên đường Torte. Đây là một trong ba tiệm ăn Châu Á duy nhất mãi cho đến đầu Thế chiến thứ II. Vào năm 1932, tiệm ăn đầu tiên có cái tên Việt rõ ràng mới xuất hiện; Tiệm mang tên chủ của nó, Nguyễn Quang Trung, tồn tại ở Marseilles đến năm 1943.

Ngoài những tiệm ăn có quảng cáo chính thức trên trang niên giám ra, nơi chủ tiệm có lẽ đã hy vọng và thậm chí đã có được một số khách hàng Châu Âu, chúng ta cũng có báo cáo của chỉ điểm cảnh sát về những tiệm ăn Việt tự phát kiểu “quán cóc”. Không mang biển hiệu và thường là ở trên gác, những tiệm ăn này phục vụ sinh viên, công nhân, binh lính và thủy thủ nghèo, tùy vào địa điểm của tiệm ăn. Những quán ăn kín đáo này có thể không chỉ mang đến cho khách hàng chất dinh dưỡng, mà còn phục vụ báo chí, thuốc phiện, ma túy, cờ bạc và những cuộc đàm luận chính trị. Cảnh sát thường là những người cuối cùng biết về những quán như vậy, nhưng vào năm 1927, các báo cáo đã lưu ý về một vài tiệm ăn kiểu đó ở Le Havre và còn nhiều hơn nữa ở Marseilles; vào thập niên 1930, cả Bordeaux và Paris đều có một số các địa điểm bất hợp pháp như vậy cho công nhân người Việt gặp gỡ.[v]

Một trong những chủ tiệm ăn Việt thành công nhất là một cựu thủy thủ, Đặng (Louis) Văn Thụ, người có một khách sạn-nhà hàng ở Le Havre mang tên Intercolonial [Liên thuộc địa]. Tiệm Intercolonial của Louis Văn Thụ rõ ràng không chỉ đơn giản là một nguồn thu nhập cho ông ta. Tên quán ám chỉ trực tiếp khát vọng liên kết các thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Ngô Văn Minh đề nghị quán của ông sẽ là nơi để bạn bè tụ tập hàng ngày (và cãi lộn), thì quan điểm chiến đấu của Đặng Văn Thụ khiến ông quyết định tập trung vào việc xây dựng sự đoàn kết và cách mạng. Nhà kinh doanh mang đầu óc chính trị này sử dụng lợi nhuận ông ta kiếm được từ việc kinh doanh nhà hàng ở Le Havre để ủng hộ các nhà hoạt động cấp tiến người Việt. Ông bị đưa vào hồ sơ của mật thám như là một kẻ khích động cộng sản, cho các nhà hoạt động chống thực dân thuê nhà hàng với giá ba trăm francs một đêm; số tiền thu được được chuyển cho các tờ báo của Nguyễn Thế Truyền.[vi] Bắt đầu từ năm 1926, Đặng Văn Thụ duy trì tiệm ăn của mình ở phố St. Nicolas như một địa điểm đón khách, nơi các thuỷ thủ ít quan tâm đến hoạt động chính trị ở Le Havre được tiếp xúc với loại thông tin mà Sở Mật thám Pháp coi là “tuyên truyền cách mạng chống thực dân.”[vii] Tới năm 1932 thì các hoạt động của ông chỉ tăng lên (chứ không giảm đi): “Không thể bác bỏ uy tín của Đặng Văn Thụ trong cộng đồng đi biển ở hải cảng này. Tất cả các thành phần cộng sản hầu như gặp nhau mỗi ngày tại tiệm ăn của ông ta. Họ tiến hành một tổ chức tuyên truyền cách mạng có hiệu lực, giữ quan hệ hợp tác mật thiết với các binh sĩ Châu Âu và da đen, lên boong tất cả các con tàu tới cảng này và kích động đồng bào của họ nổi loạn.”[viii] Thực vậy, sau khi Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Pháp, không có ai tài giỏi bằng Louis Văn Thụ trong việc xây dựng mạng lưới đoàn kết các di dân thuộc giai cấp lao động từ nhiều thuộc địa khác nhau của Pháp.

Đặng Văn Thụ tích cực khuyến khích những người khác theo gương ông. Vào tháng Tám năm 1926, đầu bếp Võ Văn Toàn đi từ Paris đến Le Havre để quảng bá tờ Việt Nam Hồn của Nguyễn Thế Truyền. Louis Văn Thụ đưa Võ Văn Toàn đi xem nhà hàng của mình và kể về chiến dịch xây dựng sự đoàn kết giữa người Việt để họ có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình và sau này sẽ liên kết họ với những cảm tình viên thích hợp: “Các nhóm cộng sản của Le Havre đến những buổi họp này [tại tiệm Intercolonial], và mời người Việt tới chỗ họ; đây là sự hiểu biết lẫn nhau thực sự giữa các chủng tộc khác nhau.”[ix] Sau khi trở về Paris, Võ Văn Toàn thuyết phục các đầu bếp đồng nghiệp là nếu tất cả mọi hội viên đều nộp cho Hiệp hội các đầu bếp từ ba đến năm ngàn franc một người thì họ có thể mở được một tiệm ăn khả dĩ có lãi ở Khu Latin và thu hút được các khách hàng người Việt và người Tàu.[x]

Việc liệu lợi nhuận cuối cùng có được sử dụng cho mục đích cách mạng hay chỉ đơn giản là được chia đều cho các nhà đầu tư không được làm rõ, vì chẳng bao lâu sau, liên doanh này gặp rắc rối. Những chi phí dự tính để mở nhà hàng ngày một leo thang. Vào tháng 12 năm 1926, một hội viên (Trần Lê Luật) đã bỏ vào tới năm mươi ngàn francs, và ban điều hành Hiệp hội các đầu bếp đã kêu gọi được cả nhóm đầu tư 150,000 quan Pháp vào liên doanh mới, dự định được mở cửa vào tháng 2 năm 1927.[xi] Vào giữa tháng 12 năm 1926, Louis Văn Thụ từ Le Havre đi thăm Paris, gặp gỡ hội viên Hiệp hội các nhà đầu bếp và chúc mừng họ biết nhìn xa trông rộng, hoãn bữa tiệc Giao thừa thường niên để dồn vốn vào cho việc mở nhà hàng. Louis Văn Thụ cũng gặp riêng Nguyễn Thế Truyền và trao cho ông ta một số tiền mặt lớn cho “việc tuyên truyền cộng sản” và cho tờ Phục Quốc.[xii] Về phần mình, Nguyễn Thế Truyền bày tỏ hi vọng là ông ta có thể thuyết phục nhóm các đầu bếp đóng góp một phần lợi nhuận của quán ăn sắp mở cho tờ Phục Quốc, hay ít nhất là tổ chức quyên tiền tại nhà hàng cho tờ báo.[xiii]

Nhưng như ta đã thấy, vào ngày Tết năm 1927, kế hoạch mở nhà hàng của các đầu bếp đã đi vào bế tắc khi Ngô Văn Minh bị tố cáo là ăn cắp và [do đó] rút khoản tiền ông hứa đầu tư vào nhà hàng gồm sáu mươi ngàn quan Pháp. Các mối quan hệ gây khó chịu khá phổ biến trong nhóm này, và không phải ai cũng ngạc nhiên khi Ngô Văn Minh đổ tội cho bạn gái người Pháp của Võ Văn Toàn trong việc tố cáo mình ăn trộm. Sau khi nỗ lực của cả nhóm bị thất bại vào năm 1927, Võ Văn Toàn tình cờ trở thành một trong những đầu bếp đầu tiên mở tiệm ăn của riêng mình, khai trương khách sạn – nhà hàng Au Dragon de l’Annam [Con rồng An Nam] tại một vùng ngoại ô khá xa của Paris trên đường xe lửa đi Orleans.[xiv]

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143. 

Chú thích

[i] Báo cáo chỉ điểm Désiré, 12 tháng 1, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[ii] Báo cáo chỉ điểm Désiré, 18 tháng 8, 1927, và nhiều ngày tháng khác, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM
[iii] Báo cáo của chỉ điểm Durand, 10 tháng 4 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM. (Ngô Văn Minh dường như cũng dễ bị cuốn vào những cuộc cãi lộn này, xem các báo cáo của chỉ điểm Désiré ngày 25 tháng 5 năm 1928 và 4 tháng 1 năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.)
[iv] Báo cáo của Delegué du Service thuộc Controle et d’Assistance en France des Indigenes (CAI), 3 tháng 7, 1930, 3 SLOTFOM 14, dossier 714, CAOM; Báo cáo của Tướng Peltier, ngày 28 tháng 10 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[v] Báo cáo chỉ điểm Devèze (về nhà ăn của người Hoa ở Paris), ngày 2 tháng 2, 1921, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Thư của CAI Délégué (các nhà ăn Việt Nam ở Le Havre), ngày 14 tháng 10, năm 1927, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của Tướng Peltier (các nhà ăn ở Marseilles), 28 tháng 10 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM; Các lá thư của CAI Délégué Fouque gửi Bộ Thuộc địa (các nhà ăn ở Bordeaux và Marseilles), ngày 24 tháng 1 năm 1931, và 10 tháng 4 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của chỉ điểm Désiré (các nhà ăn ở Paris), ngày 14 tháng 3 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[vi]Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 8 năm 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Về tiếng tăm của Louis Văn Thụ như một kẻ kích động, xem báo cáo của Sở mật thám, ngày 16 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM.
[vii] Báo cáo không ký tên, ngày 16 tháng 4 năm 1927, và báo cáo của Sở Mật thám, ngày 7 tháng 12 năm 1928, 3 SLOTFOM 1, dossier 327, CAOM. Để đọc các báo cáo khác về hoạt động của Văn Thụ, xem báo cáo của Sở Mật thám ngày 16 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM; Báo cáo của điều tra viên Henri, ngày 5 tháng 6, 1929, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM; thư của CAI Délégué Fouque, ngày 11 tháng 2 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[viii] CAI Délégué gửi Bộ Thuộc địa, ngày 3 tháng 6 năm 1931, 3 SLOTFOM 1, dossier 327, CAOM.
[ix] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 5 tháng 8, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[x] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 7 tháng 10, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xi] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 2 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 1 năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xiii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 29 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[xiv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 3 tháng 3 năm 1927, 3 SLOTFOM 4 [dossier 19?], CAOM. Tiệm ăn ở số 83 phố St-Jacques ở Etampes, cách Paris 50 km về phía nam. Võ Văn Toàn có một thời gian ngắn có xu hướng thiên về chính trị cấp tiến (Quinn-Judge, Ho Chi Minh, 33). Nguyễn Ái Quốc ở tại căn hộ của Võ Văn Toàn ở 12 phố Buot (Quận 13) khoảng một tuần vào năm 1921; ông khiến vợ sắp cưới người Pháp của Võ Văn Toàn là Germaine Lambert nổi giận vì đã yêu cầu cô ta giặt đồ và nộp lương của cô ta cho sự nghiệp chống thực dân (Duiker, Ho Chi Minh, 76 and 593n50.) Vào năm 1935, Võ Văn Toàn bị bóp cổ chết; cảnh sát kết luận là ông ta bị giết vì cờ bạc và ghi chú là ông ta đã từ bỏ chính trị trước đó. Xem “Les étrangleurs jaunes”, Detective (August 29, 1935): 2.

Bản tiếng Việt đăng trên talawas, phần 3 ngày 15.9.2010phần 4 ngày 18.9.2010.

No comments:

Post a Comment